Trang chủ Phật giáo với Tuổi trẻ Cái đẹp trong tinh thần Phật giáo

Cái đẹp trong tinh thần Phật giáo

137
0

Trong câu chuyện đối thoại của hai người bạn gặp nhau nói chuyện chúng tôi tình cờ nghe được có liên quan cái đẹp. Câu chuyện như sau: Lâu lắm mới gặp lại bạn, lúc này thấy bạn đẹp ra hơn trước. Tôi thấy người được khen kia cười mĩm, có vẽ cũng vui lắm. Theo chúng tôi nghĩ có lẽ lâu lắm rồi không ai khen tặng bạn ấy thật lòng như vậy. Sau đó người bạn kia nói tiếp: “Nếu bạn thương tôi nhiều hơn nữa thì bạn sẽ đẹp hơn nữa”. Qua câu chuyện đối thoại của hai người bạn với nhau, chúng tôi suy luận đặt giả thiết là trước đây giữa hai người bạn này có mâu thuẫn nhau, chưa hiểu nhau, bây giờ họ đã hoà giải, đã hiểu nhau, tha thứ cho nhau nên cả hai cùng nhận ra “vẻ đẹp” của nhau. Người khen cũng thấy cái đẹp ở người kia, và người được khen cũng chấp nhận lời khen và cảm thấy hài lòng nên mới mĩm cười chúm chím. Cả hai người rất vui vẻ, làm hoà nhau qua lời khen ấy.

Qua câu chuyện của hai người bạn nêu trên chúng ta tìm hiểu mối liên hệ tác động ảnh hưởng giữa cái đẹp tâm hồn và cái đẹp ngoại hình. Ngược lại, cái đẹp ngoại hình tác động đến tâm hồn con người như thế nào?

MỐI LIÊN HỆ GIỮA CÁI  ĐẸP HÌNH THỨC VÀ TÂM HỒN

Sự ảnh hưởng cái đẹp tâm hồn đến cái đẹp ngoại hình.

Trong kinh Tiểu nghiệp phân biệt, kinh Trung Bộ 135 Đức Phật dạy về sự sai khác nhau giữa con người với người trong đó có đề cập dung sắc xấu và đẹp “Chúng sinh trong đời này có dung sắc xấu xí, nhiều bệnh tật là do tâm thường phẫn nộ, sân hận, do quá khứ hay não hại chúng sinh hoặc các loài hữu tình khác bằng bất cứ phương tiện thô tế nào. Chúng sinh có dung sắc được xinh đẹp, ít bệnh tật là nhờ tâm không sân hận, không phẫn nộ, do quá khứ không não hại, không làm thương tật, có lòng từ bi thương xót chúng sinh hoặc các loài hữu tình khác”1. Tướng tốt này không phải do trời sanh mà do Đức Phật trải qua nhiều kiếp tu hành mới thành tựu được. Nên kinh Bách phước trang nghiêm nói: “tu 100 phước mới trang nghiêm được một tướng”. Ta thấy để có kết quả thân tướng đẹp về ngoại hình là do các yếu tố cao thượng (không phẫn nộ, không sân hận, không làm người khác buồn, và có tình thương yêu) bên trong tâm hồn được huân tập làm nhân làm duyên cho nhau mà hình thành thân tướng đẹp.

Hay nói cách khác chính cái đẹp của đức hạnh mà có kết quả cái đẹp hình thể, đó là tiến trình nhân quả. Điều này được chứng minh qua sự quan sát thực tế trong cuộc sống mà rút ra qui luật sống. Chúng tôi thấy những người làm nhiều việc phước thiện, sau một thời gian gặp lại họ tôi thấy ở họ toát ra vẽ đẹp, càng đẹp. Hoặc những Thầy, Cô mới xuất gia sau một thời gian đẹp ra (phát tướng hảo) đó là người tu đúng pháp.

Cái đẹp ngoại hình tác động đến tâm hồn con người.

Phải nói rằng hình tướng đẹp của Phật đã đóng góp rất nhiều trên con đường hoằng hoá độ sanh. Chính Đức Phật đã sử dụng ý niệm vả niềm tin vào tướng tốt của mọi người để truyền đạt chân lý “diệt trừ điều ác tăng trưởng điều thiện”. Qua tướng hảo đó chúng sanh vừa nhìn thấy là khởi tâm kính mến hoan hỷ phát triển làm điều tốt. Kinh Tâm địa quán có nói “tướng trăm phước chói sáng trang nghiêm, chúng sanh trông thấy phát tâm kính mến hoan hỷ”.

Khi Đức Phật còn tại thế, với thân 32 tướng tốt và 80 vẻ đẹp của Ngài là một điều kiện tốt để dễ gần gũi và dễ giáo hóa những chúng sinh căn cơ thấp kém. Chẳng hạn, trong chúng đệ tử của Phật, có rất nhiều vị thánh đệ tử, chưa nghe Phật thuyết pháp, chỉ mới nhìn thấy kim dung của Phật liền quyết chí quay về quy y. Điển hình như thanh niên Vakkali con của vị trưởng giả đến nghe Phật thuyết pháp, nhìn thấy thân tướng đẹp của Ngài, Vakkali không nghe pháp gì cả mà chỉ chiêm ngưỡng thân tướng của Phật. Sau đó xin xuất giai để được gần Phật. Có lần đức Phật buộc Vakkali phải ở cách xa tịnh thất của Ngài, Vakkali buồn rầu thất vọng và muốn tự tử. Nhân đó Đức Phật giảng giải về sự vô thường của xác thân tứ đại, nhờ đó Vakkali giác ngộ. Một số quần chúng cũng vậy, họ ái mộ và đi theo Ngài không hẳn nhờ vào tài thuyết pháp của Ngài, mà còn nhờ vào thân tướng và phong cách đẹp đẽ siêu tuyệt của Ngài nữa. Đó là tâm lý bình thường của chúng sanh, không những chỉ xảy ra trong thời đức Phật mà ngay trong hiện tại, các vị giảng sư nào mà có thân tướng hảo, đẹp thì quần chúng Phật tử đi theo nghe Pháp nhiều hơn, qua đó mà họ cũng được thắm nhuần Phật pháp.

Theo thế gian, cái đẹp hình thức cũng rất quan trọng, chính vì tâm lý hướng ngoại mà các công ty xí nghiệp khi tuyển dụng nhân viên đều ghi “cần người có ngoại hình  đẹp”. Người nào đẹp về thể hình cũng là người có phước báu, sẽ gặp nhiều may mắn, cơ hội, làm việc gì cũng dễ thành công hơn, được nhiều người ưu ái giúp đỡ hơn.

CÁI ĐẸP ĐÍCH THỰC

Người có trí tuệ, không đánh giá con người theo tiêu chuẩn cái đẹp hình thể, mà chú trọng cái đẹp tâm hồn vị tha. Vị tha không có nghĩa  phải là người có tiền ban phát bố thí, mà đó là sự xả thân, dấn thân, hy sinh để đời sau đẹp hơn mà quên đi sự đền bù, không vụ lợi, vô tư, một tấm lòng cao cả “coi sự thi ân như đôi dép bỏ”. Hai phạm trù “Bỏ” và “quên” là hai phạm trù thẩm mỹ cao đẹp trong Phật giáo, đưa con người từ hữu hạn đến cái vô hạn. Đó là cái đẹp dựa trên cái chân thật, cái tốt và cái thiện. Đó là cái đẹp thể nhập đầy lý tưởng, cái đẹp của chư vị Bố-tát chịu đựng khổ đau ở địa ngục để chúng sanh được an vui, chịu những khổ đau của cuộc đời như hạnh nguyện của Bồ-tát Địa Tạng “Chúng sanh độ tận phương chứng Bồ-đề, địa ngục vị không bất thành Phật đạo” hay cái đẹp của Ngài Anan “ngũ trược ác thế thệ tiên nhập”.

Trong cuộc sống hiện tại chúng ta cũng bắt gặp những con người cũng có cái đẹp như thế như Nguyễn Trãi “lấy đại nghĩa để thắng hung tàn, lấy chí nhân để thay cường bạo” v.v. còn vô số con người thật việc thật sống hy sinh phụng sự tất cả. Và tất cả sự hy sinh cao cả, sự hy sinh đi những gì mà mình đã có, để người khác có được những gì họ chưa có đều nhằm vẽ lên bức tranh đẹp cho cuộc đời.

Cái đẹp trong tinh thần Phật giáo được gặt hái từ mãnh đất tam giới này chứ không phải từ cảnh giới an lạc, cái đẹp dấn thân xả thân vào đời nhưng không bị trói buộc của cuộc đời. Giá trị cái đẹp của con người được nâng cao, được đánh giá bằng cái đẹp của trái tim từ bi, trái tim hiểu biết, trái tim rộng mở, trái tim tình thương tràn ngập bao la vô bờ bến của “đại hùng, đại lực, đại từ bi”, chứ giá trị con người không được đánh giá qua sự điểm trang hình thức vì cái đó nó sẽ bị hư hoại theo thời gian và lỗi thời theo môi trường hoàn cảnh. Cái đẹp tâm hồn là sự an lạc, bình an, thong dong, tự do là biết hy sinh cho tất cả, không mang màu vị kỷ đó là cái đẹp bền vững vĩnh viễn không bị phai mờ theo thời gian hay môi trường.

 N.N

Chú thích:
1. Kinh Tiểu nghiệp phân biệt, Trung Bộ, số 135, HT. Thích Minh Châu dịch

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here