Trang chủ Văn hóa - Lịch sử Cách báo hiếu của người xuất gia

Cách báo hiếu của người xuất gia

135
0

Những người xuất gia là những người cầu đạo giải thoát, sống đời phạm hạnh, học theo hạnh của Thánh nhân, học theo hạnh của chư Phật để trở thành Thánh nhân, thành Phật. Muốn trở thành Thánh nhân, thành Phật thì trước hết, người đó phải là một con người hoàn thiện. Làm người mà chưa trọn vẹn thì sao có thể làm Thánh, làm Phật được. Để trở thành một con người hoàn thiện thì phải có nhân cách tốt. Hiếu đạo là một chuẩn mực đạo đức cơ bản nhất, quan trọng nhất của một con người. Do vậy, những ai là người xuất gia đúng nghĩa thì không thể nào là một người con bất hiếu được. 

Nên hiểu rằng, xuất gia không phải là từ bỏ cha mẹ và người thân. Xuất gia chỉ có nghĩa là từ bỏ danh lợi thế gian, từ bỏ những tình cảm hẹp hòi vị kỷ gắn liền với đau khổ của thế nhân, từ bỏ tham lam, sân hận và si mê. Xuất gia là nhận tất cả chúng sinh, tất cả mọi người trong xã hội, không phân biệt thân, sơ, đều là người thân cả, đều là cha mẹ, anh, em, bà con ruột thịt của mình. Đức Phật, được tôn xưng là đấng Từ phụ, nghĩa là Cha lành, vì Ngài yêu thương tất cả chúng sinh như người mẹ thương yêu người con một của mình. Người xuất gia cũng vậy, noi gương Đức Phật, xem toàn bộ xã hội như là gia đình của mình, mọi người trong xã hội đều là bà con thân thiết, đều như cha mẹ, anh em, bà con ruột thịt của mình. Có chăng chỉ là tạm từ giã song thân để học đạo. Mặc dù không sống gần bên cha mẹ, nhưng người xuất gia không bao giờ quên cha mẹ, không bao giờ quên công ơn sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ và không bao giờ quên bổn phận của mình.

Tuy nhiên, người xuất gia là những người chuyên tâm tu niệm, và phụng sự Tam Bảo, nếp sống của họ khác với người thường cho nên cách báo hiếu đối với cha mẹ cũng không hoàn toàn giống với người thường. Không thể lấy quan niệm báo hiếu thường tình mà đánh giá người xuất gia, để rồi kết tội họ là những người con bất hiếu được.

Người xuất gia ý thức được sự giả tạm của đời sống vật chất; đời sống tinh thần, đời sống tâm linh mới là quan trọng, mới đem lại hạnh phúc chơn thường cho con người. Vì thế, người xuất gia báo hiếu cha mẹ về phương diện tinh thần là chính. Họ báo hiếu bằng cách xây dựng đức tin cho cha mẹ khi cha mẹ thiếu đức tin đối với Tam Bảo, đối với luật nhân quả nghiệp báo, khuyến hóa cha mẹ bỏ ác làm lành, tu học chánh pháp, giữ gìn giới luật, giúp cha mẹ sống hiền lương, nhân ái, ít ham muốn, biết vừa đủ. Đấy mới là cách báo hiếu cha mẹ đầy đủ, trọn vẹn và cao quý nhất.

Tại sao niềm tin lại là vấn đề đầu tiên mà người xuất gia phải xây dựng cho cha mẹ mình? Trong kinh Hoa Nghiêm, phẩm Hiền Thủ đức Phật có dạy rằng:

"Tín là nguồn đạo, biển công đức
Trưởng dưỡng tất cả mọi pháp lành
Cắt đứt lưới nghi, thoát dòng ái
Mở đường vô thượng tới Niết Bàn.
Tín: không dơ bẩn, tâm thanh tịnh
Diệt trừ kiêu mạn, gốc cung kính
Là báu đứng đầu kho tàng pháp
Là tay thanh tịnh nhận hạnh lành"
(Thích Hằng Trường dịch và lược giải, tr.112)

Đấy là lý do tại sao người xuất gia xây dựng niềm tin cho cha mẹ mình, cho người thân của mình.

Nếu như trong lòng cha mẹ chứa đầy tham lam, sân hận và si mê thì dù người con có cung phụng cho cha mẹ đầy đủ của ngon vật lạ, nhung gấm lụa là, sơn hào hải vị không thiếu thứ gì đi nữa thì vẫn không thể nào làm vừa lòng cha mẹ, cha mẹ vẫn còn khổ đau như thường. Nhưng nếu cha mẹ mình có tu, biết cảm thông với sự thiếu thốn của con cái, biết thông cảm cho những lầm lỡ của con thì dù con chỉ dâng cho mẹ bát cơm với chén mắn cà, mặc cho cha mẹ những cái áo vải bông thô sơ, cha mẹ vẫn cảm thấy ấm lòng, yên dạ, vẫn cảm thấy hạnh phúc. Qua đây cho chúng ta thấy rằng, hạnh phúc hay khổ đau là phần lớn do tâm quyết định, yếu tố vật chất chỉ là phụ. Trong kinh Mười Thiện Nghiệp đức Phật có dạy rằng: "Người biết tri túc thì dù nằm trên đất vẫn thấy an vui, người không biết tri túc thì dù sống trên thiên đường cũng không được an vui".

Nói như thế không có nghĩa là người xuất gia tuyệt nhiên không phụng dưỡng cha mẹ. Dù cha mẹ bị đói cơm, rách áo, không nơi nương tựa cũng bỏ mặc. Không, không phải thế. Không nên hiểu một cách máy móc như vậy.

Trong trường hợp cần thiết thì người xuất gia vẫn phụng dưỡng song thân của mình, và điều này được đức Phật hoàn toàn tán thán. Lúc đức Phật còn tại thế, có một vị Tỷ kheo chuyên đi khất thực để nuôi cha mẹ, câu chuyện được bạch lên đức Phật. Sau khi xét hỏi sự tình, đức Phật chẳng những không quở trách mà còn hết lời tán thán hiếu hạnh của vị Tỷ kheo. Ngài kết luận "Người nào muốn đạt đến cứu cánh Phật đạo, người ấy phải tuyệt đối hiếu kính cha mẹ". Có một lần gặp lúc đói kém, mất mùa, đức Phật cùng chúng tỳ kheo khất thực khó khăn, một hôm có một vị tỳ kheo sinh ra ở vùng ấy nên đi khất thực được chút ít thức ăn, vị này đem dâng lên đức Phật, đức Phật hỏi:

– Thầy có còn cha mẹ không?

– Bạch Thế Tôn, con còn có mẹ, mẹ con đang sống gần đây. Vị ấy đáp.

– Mẹ của thầy đã có thức ăn chưa?

– Bạch Thế Tôn, mẹ của con chưa có gì để ăn.

– Thầy hãy đem số thức ăn này cho mẹ của thầy dùng, mẹ thầy đáng được nhận phần thức ăn này.

Thật cảm động vô cùng! Đức Phật luôn luôn dạy để tử của mình hiếu kính với cha mẹ, Ngài xem việc phụng dưỡng cha mẹ còn cao quý hơn cúng dường chư Phật, phụng dưỡng cha mẹ cũng tức là cúng dường chư Phật vậy.

Và chính đức Phật cũng là một tấm gương sáng về hiếu hạnh. Sau khi thành đạo, ngài đã trở về Ca-tỳ-la-vệ để giáo hóa phụ thân, khi nghe tin phụ vương lâm trọng bệnh, Ngài vội vàng quay về vương cung cùng với chúng đệ tử ngự tại vườn Thượng uyển; và mỗi ngày Đức Phật vào cung vấn an phụ vương ba lần trong suốt thời gian vua cha thọ bệnh. Trong những giây phút cuối đời của vua cha, Ngài đã đến bên giường bệnh thuyết pháp cho phụ vương nghe, nhờ vậy mà phụ thân của Ngài đắc quả vị A La Hán. Lúc này, chính Đức Phật đã tắm rửa cho phụ vương, thay đổi xiêm y, làm lễ nhập kim quan; luôn cả ngày trà tỳ, Ngài cũng đã cung tống kim quan với sự tiếp tay của chư Thánh tăng thuộc hàng Thích tộc. Sau lễ trà tỳ, Ngài thu nhặt xá lợi phụ vương đem về làm lễ nhập tháp.

Đối với Phật mẫu, lòng hiếu thảo của Ngài lại càng đặc biệt hơn. Ngài đã dùng thần lực lên cõi trời Đao Lợi để tiếp độ Phật mẫu. Nơi đây Ngài an cư kiết hạ trong suốt ba tháng, đức Phật đã thuyết giảng tạng A Tỳ Đàm (Abhidhamma) cho mẫu thân nghe, và khi được thuyết pháp, Người đã chứng quả Tu Đà Hoàn.

Trong hàng thánh đệ tử của đức Phật, ngài Mục Kiền Liên được tôn xưng là Đại hiếu Mục Kiền Liên. Tấm gương hiếu hạnh của Ngài không một người Phật tử nào mà không biết. Chính vì lòng hiếu thảo của Ngài mà đức Phật dạy phép Vu Lan Bồn. Ngài Xá Lợi Phất cũng là một người con chí hiếu. Những ngày cuối cùng của cuộc đời mình, Ngài đã trở về quê nhà, tìm đủ mọi cách để hóa độ thân mẫu – vốn là tín đồ của Bà La Môn giáo – quay về quy ngưỡng chánh pháp. Và sau đó mẹ Ngài đã đắc quả Tu Đà Hoàn. Còn Đại đức A Nan Đà thì chọn dòng sông Kohinì làm nơi tịch diệt và xá lợi của Ngài lại được chia đôi như ý nguyện, một phần đưa về hữu ngạn nội tổ, phần còn lại đưa về tả ngạn ngoại tổ. Thật là một đời sống hiếu hạnh trọn vẹn, người thường khó làm được! Và trong lịch sử truyền thừa của Phật giáo, có không ít những vị xuất gia là tấm gương sáng cho lòng hiếu thảo.

Gần gũi với chúng ta là ngài Nhất Định, vị tổ khai sơn chùa Từ Hiếu, Huế. Ngài đã tự mình lập nên một thảo am để tu tập và phụng dưỡng mẹ già. Một hôm, mẹ Ngài lâm trọng bệnh vì thiếu thốn, kham khổ. Ngài tìm y sư cứu chữa, thầy thuốc khuyên là cần phải bồi bổ cho bệnh nhân bằng thịt hoặc cá thì bệnh mới có thể thuyên giảm. Thế là Ngài liền chống gậy tìm xuống chợ (Bến Ngự ngày nay) mua được con cá đã chết, treo trên đầu gậy trúc, đem về am thổi cháo hầu thân mẫu, bất chấp mọi lời luận bàn, dị nghị của thiên hạ, nhờ thế mà mẹ Ngài mới qua được cơn hiểm nghèo, lần hồi bệnh tình thuyên giảm. Tên "Từ Hiếu" cũng do vua Tự Đức cảm phục trước lòng hiếu thuận của Ngài nên ban biển ngự đề "Sắc tứ Từ Hiếu tự". Chuyện này người dân xứ Huế không ai là không biết.Và ngày nay, cũng đang có không ít những vị xuất gia hiếu thảo với cha mẹ, giúp cha mẹ có được niềm hạnh phúc nhẹ nhàng, thanh thoát trong cuộc sống. Như thế mà nghĩ những người xuất gia là những người con bất hiếu được hay sao? 

Q.T

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here