Trang chủ Văn hóa - Lịch sử Cách ăn chay của người Huế

Cách ăn chay của người Huế

147
0

Ăn chay trong quan niệm của Phật giáo là nuôi dưỡng pháp thiện, tăng trưởng căn lành và phát triển tình thương rộng lớn đối với mọi loài. Trong tất cả mọi giá trị giữa cuộc đời thì sự sống là cái có giá trị nhất và cần được trân trọng nhất. Vì thế ăn chay là một cách để biểu hiện lòng tôn quý và trân trọng sự sống.

Khoa học cũng đã chứng minh được rằng, nhờ ăn chay mà con người khỏe mạnh và sống lâu hơn, trị được nhiều chứng bịnh nan y mà y học hiện đại chưa tìm ra được phương pháp đặc hiệu. Vì ăn chay, cơ thể con người được tiếp thêm một lượng sinh tố và khoáng chất ở trong thảo mộc, tốt hơn nhiều so với những thực phẩm chế tạo. Chất bổ lấy từ thảo mộc tinh khiết hơn các chất bổ trong thịt súc vật.

Do đó, ngày nay vấn đề ăn chay đã rất phổ biến, việc nhiều người ăn chay, nhiều giới ăn chay không còn là mới nữa. Tuy nhiên cách ăn chay như thế nào lại là chuyện khác.

Và cách mà người Huế ăn chay do đó được nhiều người quan tâm và nhắc đến nhiều nhất bởi đó là triết lý ăn chay của người Huế. Mâm cơm chay của người Huế không cần quá sang trọng, không cần phải giả gà giả heo theo kiểu “ăn mặn nói ngay, ăn chay nói láo” tại các nhà hàng…Người Huế ăn chay càng đơn giản càng đạm bạc bao nhiêu càng tốt bấy nhiêu nhưng phải hội đủ các yếu tố âm dương, hội đủ thiền tịnh ở trong mâm cơm chay.

Trước hết bởi Huế là thủ phủ của Phật giáo, người Huế đậm chất Phật, việc ngày xưa từ trong phủ chúa cung vua đến các gia đình quan lại và dân gian có ảnh hưởng lớn từ nếp sống văn hoá truyền thống Phật giáo nên việc ăn chay ở Huế cũng có từ lâu đời từ trong phủ chúa cung vua đến quan lại thứ dân cũng đậm chất chay Phật.

Nói đến cơm chay Huế trước hết phải nói đến cách ăn chay tại các chùa ở Huế. Các chùa ở Huế thường chùa nào cũng có các (bà) gì vãi (người phát nguyện nấu ăn cho chùa) những gì vãi này có nhiều kinh nghiệm nấu chay, những món chay trong chùa không cầu kỳ, chỉ đạm bạc muối tương rau vã, mít, hạt bùi…toàn là những sảm vật thảo mộc trong vườn chùa được các gì chế biến nên mà rất ngon. Nhà chùa hàng tháng thường có nhiều ngày kỵ, ngày giỗ; kỵ giỗ quý Tăng, Ni trong chùa rồi kỵ giỗ Phật tử bổn đạo quy y ký tự (thờ) trong chùa…Mỗi dịp chùa kỵ giỗ thường có rất nhiều bà con Phật tử đến giúp việc và tham dự cùng ăn chay. Nhân một ngày kỵ (giỗ) ở chùa, Phật tử đến cúng mời thêm một vài người bạn cùng đến và ở lại dùng cơm chùa, cả khách thập phương đến viếng cũng có thể lưu lại dự bữa cơm chay “tương rau” đạm bạc do nhà chùa làm nhưng được thưởng thức trong khung cảnh thiền môn với nếp sống thiền vị của nhà chùa thì thật là không gì bằng.

Trong dân gian xứ Huế, hầu hết những gia đình theo đạo Phật là đạo hữu Phật tử có truyền thống ăn chay vào hai kỳ rằm và mùng 1 hàng tháng âm lịch cũng như rất nhiều các bà các cụ phát nguyện ăn thập trai (10 ngày ăn chay/tháng…). Đối với các gia đình Phật tử ăn chay kỳ như thế thường những bữa ăn này đơn giản chỉ nấu bằng khuôn đậu (đậu phụ) và các lọai rau, đậu xào nấu bằng dầu phụng và nước tương mua trên các chùa, nhiều khi chỉ là đĩa rau muống luộc với chén nước tương mua từ chùa Hoằng Mai là đã thấy thấm thía lắm rồi.

Người Huế có truyền thống theo đạo Phật từ nhiều đời, nên mỗi khi trong gia đạo có kỵ giỗ ông bà cha mẹ dẫu là có mời thầy hay không mời thầy trong nhà cũng thường tổ chức cúng kỵ và mời bà con ăn chay để cầu nguyện cho hương linh được nhẹ nhàng siêu thoát. Ngoài ra, các gia đình Phật tử ở Huế thường tiếp đón và mời bạn bè bằng những bữa cơm chay đạm bạc nó vừa thể hiện lòng quý mến và trân trọng bạn bè vừa thể hiện được nét thanh đạm của người Huế. Những người nội trợ trong nhà do đó là cơ hội để họ trình diễn tài khéo léo của mình với khách, với bạn bè. Cái tài của các bà, các cô ở đây là với tất cả sản vật thảo mộc của thiên nhiên, đơn thuần bằng phù chúc, đậu khuôn, đậu xanh, bánh tráng, nấm mèo, nấm rơm, vã, mít, chuối chát… tất cả đều bằng thực vật. Cái lạ, cái hay và cái ngon ở đây là tính triết lý trong các món chay-ăn để đoạn tham, phá si, ăn để tâm hồn nhẹ nhàng thanh thản…

Những người khách đến Huế cũng rất muốn được thưởng thức các món chay Huế và cách ăn chay của người Huế. Tại những quán cơm chay rất có truyền thống cũng được các bà nội trợ đặc chất Huế phục vụ tại đường Hàn Thuyên trong Thành Nội, hoặc ai thích tân thời hơn thì có quán cơm chay Bồ Đề, quán cơm chay Liên Hoa…Nhưng sẽ thú vị hơn và có không khí chay hơn vẫn là được thưởng thức một bữa cơm chay thân mật ở trong các gia đình Phật tử, hoặc trong các chùa. Bởi ở đó mới mang nét đặc trưng của cơm chay Huế. Bạn có thể đến bất kỳ chùa nào cũng được đều có thể mời một bửa cơm chay nhẹ nhàng đạm bạc; nhưng tốt hơn cả là chùa Ni như chùa Kiều Đàm, chùa Diệu Đức, chùa Hồng Ân, chùa Diệu Viên…vì ở đây là các chùa sư nữ nên có nhiều ni cô nấu cơm chay ngon, nổi tiếng.

Huế là thành phố tâm linh, núi không cao, sông không sâu nhưng lòng người thì thâm trầm sâu lắng bởi người Huế có tu, người Huế biết cách ăn chay để cho tâm hồn được tĩnh tại, thư thái, hướng nhân tâm đi vào cõi thiện. Cũng nhờ đó mà người Huế hiền từ chất phát, nếp sống người Huế nhẹ nhàng thiền vị. Để được tận hưởng một chút cuộc sống đạm bạc, thanh cao của người Huế, bạn hãy tìm đến nếp sống và cùng người Huế thưởng thức bữa cơm chay cùng các gia đình Phật tử hoặc các chùa Huế bạn sẽ thấy tâm hồn mình được thanh thản nhẹ nhàng hơn lên nhiều lắm.

Nguyên Nguyên 

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here