Trang chủ Văn hóa - Lịch sử Các Trường Học Ni Ở Nam Bộ Vào Nửa Đầu Thế Kỷ...

Các Trường Học Ni Ở Nam Bộ Vào Nửa Đầu Thế Kỷ 20

168
0

Nữ giới là một bộ phận luôn phụ thuộc vào nam giới không thể tách rời độc lập. Câu nói ở cửa miệng mọi người, nhất là ở tầng lớp Nho giáo trí thức: “Nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô”, đã minh chứng điều đó.

Ngay từ thời đức Phật còn tại thế, ni chúng đã được xem là một trong bốn chúng xuất gia của đệ tử Phật. Lòng từ bi bình đẳng của đức Thế Tôn là thế, nhưng khi đạo pháp truyền sang các nước láng giềng, có một số nước ni chúng không được dự vào hàng tăng. Ở Việt Nam ta, vấn đề ni giới không đến nỗi quá khe khắt như các nước truyền thống Nam Tông, nhưng vẫn theo quán lệ không coi trọng ni giới lắm, nên các vị ni trưởng nổi bật ít được ghi vào sử sách.
Đến đầu thế kỷ hai mươi, do hấp thụ văn hóa phương Tây, chữ quốc ngữ bắt đầu được dạy tại nhiều vùng nông thôn cả nước. Người phụ nữ con nhà giàu có được đi du học ở phương Tây, trở về phát huy sự hiểu biết của mình trong vai trò doanh nhân, kỹ sư, nhà báo, chen vai sát cánh với nam giới trong mọi công cuộc phát triển đất nước.
Riêng giới Phật giáo, sự học tập giáo nghĩa còn rất cục bộ ở dạng sư tư truyền thừa với tính cách các lớp gia giáo, ngoài các trường hương lâu lâu được mở một lần ở ngôi chùa nào đó. Sự học ở đấy thiên về hành trì theo nghi thức thiền môn hơn là mở rộng sự hiểu biết về tam tạng giáo điển.
Sự học của chư tăng tương đối hoàn thiện hơn như trong bài “Các trường Phật học ở Nam Bộ nửa đầu thế kỷ 20” đã nói trong số Suối nguồn 3&4.
Về phần chư ni, vì quan niệm trọng nam khinh nữ cổ hủ của ông cha ta mà nữ giới ít có cơ hội theo đòi nghiên bút thi thố tài năng với đời. Ở thế tục còn như thế, chốn thiền môn còn khe khắc hơn. Các đệ tử nữ xuất gia đầu tiên là phải công quả cho nhà chùa, mặc nhiên lãnh phần chuyên lo cơm nước cho đại chúng. Từ sáng đến trưa rồi lại chiều; công việc nối tiếp lăng xăng, các ni không có thì giờ rỗi rảnh học thuộc hai thời công phu để đi thọ trì cùng chư huynh đệ. Cũng vì lý do mặc nhiên phân công đó mà những năm đầu thế kỷ hai mươi ở Nam Bộ gần như không có vị nào được phong là ni sư, cũng như không có vị ni nào độc lập trụ trì một ngôi chùa được ghi chép lại.
Do ảnh hưởng của văn hóa phương Tây, tăng ni có điều kiện tiếp thu đều có quyền tham gia học hỏi, trong giới xuất gia ở Nam Bộ mới lác đác xuất hiện một số ni cô có tài đức đứng ra mở lớp dạy học.
Theo thứ tự thời gian, từ nửa đầu thế kỷ 20, các ni trường lần lượt xuất hiện ở Nam Bộ gồm có:
1. Trường ni Giác Hoa. (Xem ảnh bên dưới)
2. Trường ni Hải Ấn (Xem ảnh bên dưới)
3. Trường Kim Huê (Xem ảnh bên dưới)
4. Trường ni Giác Linh (Xem ảnh bên dưới)
5. Trường ni Vạn An. (Xem ảnh bên dưới)
6. Trường ni Linh Phước
Năm 1941, bà Bang Biện mời ni sư Diệu Tịnh mở lớp gia giáo một năm tại chùa Linh Phước ở Cai Khoa, Sadec. Lúc mới mở, trường thỉnh cầu pháp sư Mật Hiển phụ trách giảng dạy. Ban đầu pháp sư đồng ý nhưng về sau vì lý do sức khỏe, pháp sư viết thư từ chối. 
Ban giáo thọ gồm có:
Thầy Chánh Quang, Giác Tâm.
Cụ Huyền Cơ ở Bình Định vào có dạy một thời gian.
Ni sư Diệu Tịnh vì lý do sức khỏe nên dạy rất ít.
Học chúng là chư ni đã mãn khóa học ở trường Vạn An.
Cuối năm 1941 trường bế giảng.
7. Trường ni Phước Huệ (Xem ảnh bên dưới)
8. Trường ni Kim Sơn
Chùa Kim Sơn do bà Năm Chanh hiến cúng cho ni sư Diệu Tấn từ năm 1939. Năm 1940, ni sư Diệu Tấn mới bắt đầu mở trường thâu nhận ni chúng tu học. Ni sư là đệ tử của hòa thượng Phi Lai Như Hiển Chí Thiềng. Ni sư là con nhà quan chức ở Sadec quyết chí cắt đứt trần duyên xuất gia tìm đường giải thoát, chuyên tâm tu học, được thầy thương bạn mến. Trước khi viên tịch, năm 1933, Hòa thượng Phi Lai trao cho ni sư một cây thước bảng, gọi là để làm vật tùy thân và ứng duyên hóa đạo. Ni sư đã không nề cực khổ ra tận Huế tìm học với các bậc cao đức. Sau khi trở về mở lớp dạy học tại Kim Sơn. Ni chúng tựu học rất đông.
Các giáo thọ gồm:
Thầy Chí Thiện (1939) dạy kinh
Thầy Hành Trụ (1940) dạy kinh
Cụ Trần Huỳnh (dạy kinh Kim cang chư gia)
Ni sư Diệu Tấn dạy luật và duy thức
Trường do ba thí chủ: ông sếp Mạnh, bà Hộ Hiền và bà dược sĩ Thái Văn Hiệp ủng hộ mỗi tháng 20 đồng. Ngoài ra, ni chúng lãnh thêm đồ thêu, đan, móc của trường nữ công Mỹ Ngọc để tự túc. Trường Kim Sơn rất nổi tiếng lúc bây giờ, vì thời cuộc bất an nên ngưng hoạt động từ 1945.
Ni chúng thời ấy có:
Phổ Đức (Phổ Đức, Mỹ Tho)
Như Liên (Giác Hoa, Gò Vấp)
Như Đức (Kiều Đàm, Long Thành)
Huyền Huệ (Tổng thư ký Ni bộ Nam Việt)
Diệu Hoa (Giám học Ni viện Từ Nghiêm)
v.v.
9. Trường ni Vĩnh Bửu
Chùa Vĩnh Bửu do hai ông hội đồng Tỉnh và Hoài thành lập ở chợ Thơm quận Mỏ Cày, Bến Tre. Năm 1940 chùa được cúng cho Hòa thượng Như Trí Khánh Hòa. Hòa thượng Khánh Hòa mở lớp dạy ni chúng tại đây, với kỷ luật rất nghiêm, thường có mặt trong thời khóa tu học của đại chúng để theo dõi kiểm soát.
Năm 1946 Hòa thượng Khánh Hòa trở về chùa Tuyên Linh với lý do già yếu, giao cho ni sư Hồng Huệ Diệu Ninh làm trụ trì coi sóc.
Ni chúng ở các tỉnh theo học rất đông:
Sadec có: Diệu Châu, Diệu Lý, Diệu Nghĩa, Giác Nhẫn
Mỹ Tho có: Như Ngộ
Sài Gòn có: Như Hạnh, Đàm Hương
Bến Tre có: Như Minh, Diệu Ninh, Tịnh Đắc, Diệu Tâm.
10. Trường ni Long Hòa
Chùa Long Hòa ở Tiểu Cần, Trà Vinh do Hòa thượng Huệ Quang sáng lập. Năm 1945, Hòa thượng mở trường dạy ni chúng do Phật tử Triệu Huệ Trí cúng dường phần ngoại hộ. Thành phần giảng dạy gồm có: Hòa thượng Khánh Anh dạy chính thức, các thầy Chí Đạt, Quảng Minh, Hiển Thụy trợ giáo. Trường dạy chưa đầy năm bị nạn “dậy sóc” (“cáp duồng”) đe dọa an ninh các học ni nên đành phải giải tán.
Học ni lớp bây giờ là các ni trưởng:
Như Huy (chùa Từ Vân, Phú Nhuận)
Như Hoa (chùa Viên Giác, Bình Chánh)
Như Đức (chùa Kiều Đàm, Long Thành)
Như Phú (chùa Kim Sơn, Phú Nhuận)
11. Trường ni Huê Lâm – 1947
Năm 1945, ông bà huyện Nguyễn Kỳ Sắc hiến cúng chùa Huê Lâm cho ni sư Hồng Ẩn Diệu Tánh.
Năm 1947, trường ni Huê Lâm mới bắt đầu hoạt động. Do hoàn cảnh bất ổn của chiến tranh, sinh hoạt trường lớp khó phát triển, trường chỉ hoạt động với tính cách gia giáo, dạy nội bộ thôi. Nhưng với tinh thần kỷ luật rất nghiêm, trường Huê Lâm tồn tại đến khi Giáo hội Tăng già thành lập ni trường. Từ đó ni chúng theo học tại các trường do giáo hội lập.
12. Trường ni Tăng Già (Xem ảnh bên dưới)
Tạm kết
Tóm lại, từ đầu thế kỷ 20, ni giới chưa được chú trọng phát triển do những điều kiện, tập tục như đã nêu ở phần đầu. Bắt đầu năm 1927, trường ni Giác Hoa khai mở, một sự kiện mới thức tỉnh lòng tự tin, ý thức cầu tiến vượt khó của ni chúng và nhất là được sự hỗ trợ của chư tôn hòa thượng có tư tưởng tiến bộ hết lòng dạy dỗ. Các trường ni lần lượt hình thành, tuy thời gian chỉ giới hạn một năm lúc ban đầu, nhưng cũng đã ươm mầm cho các trường ni dài lâu hơn trong những năm sau.
Mãi đến khi giáo hội Tăng già Nam Việt thành lập trường dạy ni ở chùa Từ Nghiêm với tổ chức hợp lý, học hành theo chương trình qui củ nhất định, chư ni theo học các ni trường ở các thập niên trước hình thành một ban giáo thọ, trợ giúp chư tôn đức giảng dạy các trường ni của giáo hội hiệu quả hơn.


Thích Minh Cảnh – Đặc san Suối Nguồn số 5 – Trung tâm Dịch thuật Hán Nôm Huệ Quang.

Nguồn từ: FB Thư Viện Huệ Quang

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

www.daophatngaynay.com

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here