Tăng sinh Thích Chánh Trí (Hoàng Châu Thành): Tôi có rất nhiều lý do chọn Huế để học Phật pháp từ Trung cấp cho đến Học viện. Một trong số đó là nếp sinh hoạt Phật giáo Huế còn bảo lưu nhiều truyền thống tốt đẹp. Qua 4 năm học, tôi cảm nhận rất rõ những ưu điểm nổi bật và những giá trị đặc sắc của Học viện PGVN tại Huế.
Cố nhiên, tôi thấy rõ những hạn chế của Học viện. Nhưng tôi có thể thông cảm. Trong tình hình đất nước đang thay da đổi thịt từng ngày từng giờ, chúng ta không nên đòi hỏi những gì quá hoàn hảo. Không thể có sự hoàn hảo trong một sớm một chiều khi chúng ta còn thiếu nhân lực, cơ sở vật chất, kinh tế. Chúng ta nên chấp nhận tình hình hiện tại và cố gắng phấn đấu rèn luyện bản thân.
Học viện PGVN tại Huế đã chứng tỏ lập trường và sự trưởng thành của mình trong thời gian qua. Tôi biết quý Ngài trong Ban Điều hành Học viện không ngừng nỗ lực hoàn thiện Học viện.
Tuy nhiên, theo tôi, Học viện cần đặt biệt chú trọng đào tạo nguồn nhân lực tương lai và sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực hiện tại. Mở rộng cơ sở chưa phải là vấn đề cấp thiết. Nên ưu tiên phát triển đội ngũ giảng viên chất lượng, song song với chương trình dạy hợp lý, đồng bộ. Qua thời gian học, tôi thấy chúng ta cần bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm cho một số giáo thọ trẻ.
Học trò thường đòi hỏi rất nhiều từ giáo viên và nhà trường. Do đó, Học viện cần tế nhị thăm dò ý kiến của Tăng Ni sinh để nắm bắt rõ tâm lý của đối tượng giáo dục. Học viện cần tạo điều kiện cho Tăng Ni phát triển khả năng tự học, nêu cao văn hóa đọc, khuyến khích đàm thoại, trao đổi giao lưu với các trường khác trong nước. Chúng ta cần có chương trình khen thưởng theo mỗi học kỳ để khích lệ học trò, đồng thời khắc khe hơn về nội quy, đặc biệt là đánh vắng, để nâng cao môi trường kỷ luật và ý thức chấp hành nội quy trong mỗi Tăng Ni sinh. Có rất nhiều vướng mắc trong giáo dục nhưng chúng ta phải chấp nhận vì đại cuộc phát triển giáo dục chung, quyết hy sinh những hạn chế riêng tư.
Về dự hướng cho tương lai, tôi quyết không dừng sự học Phật pháp sau khi tốt nghiệp Cử nhân Phật học, dù trong nước không có đào tạo sau đại học, hay dẫu con đường du học vẫn đang nằm trong ước mơ. Bao giờ tôi cũng phải tự học, dù ra trường hay vào trường. Tôi sẽ cố gắng tiêu hóa những kiến thức Phật pháp đã thu nhặt được, trong khi chờ đợi cơ hội được tiếp tục ngồi ghế nhà trường.
Ni sinh Thích Nữ Hạnh Nhân (Võ Thị Ân): Quả là thời gian trôi đi rất nhanh. Những kỉ niệm vui buồn đã từng ăn sâu vào da thịt, bây giờ nhìn lại thấy rất tiếc nuối. Những lời dạy của Chư Tôn đức luôn ghi sâu trong tâm hồn tôi.
Về chương trình học thì tôi nghĩ, mỗi trường có một chương trình học riêng, mỗi giảng viên có cách dạy riêng cho nên chúng ta không nên đòi hỏi nhiều ở Hội đồng Điều hành Học viện. Tự học, tự tìm hiểu vẫn là thái độ đúng đắn của người học. Tôi quan niệm việc học cũng như việc ăn cơm vậy, không ai ăn thay cho mình.
Tuy nhiên một người giảng viên giỏi thì sự sáng tạo trong giảng dạy, kích thích học viên ham học cũng là điều cần thiết. Tôi nghĩ mặc dù Học viện cũng đã có những buổi học ngoại khóa, những đề tài thảo luận nhưng chừng đó là chưa đủ đối với một giảng đường đại học. Tôi mong những khóa sau, Ban điều hành Học viện chú ý hơn nữa công tác này, tạo điều kiện cho sinh viên cọ xát với kiến thức mà họ đã được học.
Chương trình học, một số môn theo tôi cũng thật sự chưa được hợp lý, tôi nghĩ không nên ôm đồm mà cần chuyên sâu hơn. Trong điều kiện hiện tại tôi cũng không đòi hỏi gì nhiều nhưng để phát triển thì Học viện cũng nên có hướng phát triển về cơ sở và các thiết bị học tập cho học viên, vì trong thời đại toàn cầu, điều kiện để tra cứu học hỏi là rất cần thiết.
Tốt nghiệp Học viện, tôi vẫn chưa có dự hướng gì cho tương lai, vì tôi đang theo học ở Trường Đại học Sư phạm Ngoại ngữ Đà Nẵng, tôi muốn chuyên sâu hơn vào việc nghiên cứu kinh điển. Nếu như có học bổng thì chúng tôi sẽ còn tiếp tục con đường học vấn của mình ở các bậc học cao hơn.
Tăng sinh Thích Trung Định (Đỗ Đình Tuấn): Hôm nay là một trong những ngày vui và hạnh phúc của tôi cũng như tất cả Tăng Ni sinh viên khóa III Học viện PGVN tại Huế. Lễ tốt nghiệp & cấp phát văn bằng Cử nhân Phật học diễn ra rất trang nghiêm và trọng thể. Đây quả là sự quan tâm ưu ái lớn nhất mà Chư tôn đức trong Hội đồng Điều hành Học viện đã dành cho chúng tôi.
Học viện thực sự là ngôi nhà chung để cho toàn thể Tăng Ni sinh từ các nơi về theo học. Qua 4 năm học, tôi nhận ra được điều đó. Huynh đệ đã tìm được sự đồng cảm chia sẻ, cùng chung lo Phật sự với nhau trong niệm đoàn kết. Nhờ vậy mà mọi Phật sự của trường, lớp đều được thành tựu viên mãn. Cụ thể nhất là nó được thể hiện qua các hoạt động trong mùa Phật đản, hay dịp tất niên và việc hoàn thành bốn tập Nội san Hương Đạo đã nói lên sự đóng góp chung của tập thể lớp.
Mặc dầu không bề thế như các Học viện khác, nhưng tại đây có một môi trường rất tốt, chư Tôn đức trong Hội đồng Điều hành đã tạo nhiều thuận duyên cho Tăng Ni sinh viên an tâm tu học.
Thực sự nơi đây tôi vẫn thấy là một môi trường lý tưởng cho sự tu học của người xuất gia. Môi trường đó được tạo ra từ trong tâm thức của Tăng Ni và Phật tử tại đây.
Hẳn nhiên, Học viện cũng cần đổi mới chương trình giảng dạy để thích nghi với xu thế thời đại. Làm sao kết hợp được một cách hài hòa giữa nền giáo dục truyền thống và tiên tiến để tạo nên một nét đặc thù riêng của Phật giáo Huế. Tu và học vẫn được song hành đó là nền tảng căn bản, vững chắc nhất cho tất cả mọi người con Phật.
Theo thiển ý của tôi thì việc học các môn ngoại ngữ hơi quá tải. Một khóa học bốn năm mà học cả Hán văn, Anh văn, Sanskrit và Pàli là quá nhiều, nhiều sinh viên đã không theo kịp chương trình học. Ban học vụ nên bớt một hoặc hai môn ngoại điển thì sinh viên sẽ cảm thấy nhẹ nhàng trong khi học. Và chắc chắn sẽ hiệu quả hơn khi chỉ học chuyên sâu một hoặc hai môn ngoại ngữ.
Việc làm tiểu luận cho một vài bộ môn là rất cần thiết nhằm nâng cao trình độ nghiên cứu, tìm hiểu của sinh viên. Đồng thời việc tổ chức các buổi thuyết trình sẽ làm cho Tăng Ni sinh có cơ hội đứng trước hội chúng để trình bày, và tạo điều kiện cho học viên khác phản biện, chất vấn sẽ làm hấp dẫn và tạo sinh khí cho buổi học mà vẫn thu lượm được nhiều kết quả tốt.
Việc giám sát kỷ luật của Học viện cần nên thắt chặt để Tăng Ni sinh ý thức tự khép mình trong nội quy của nhà trường. Có như vậy việc đào tạo mẫu người có đầy đủ Tâm đức và Tuệ đức của Học viện mới được hoàn thiện.
Ra trường rồi, trong thời gian này trước mắt tôi sẽ tham gia vào các Phật sự đã được Chư tôn đức giao phó. Từ nền tảng cơ bản này, tôi sẽ dành nhiều thời gian tư duy và chiêm nghiệm để làm nền tảng vững chãi cho bản thân. Nếu có đủ thuận duyên, tôi vẫn tiếp tuc con đường học vấn để trau dồi thêm kiến thức và kinh nghiệm. Dù làm gì tôi vẫn không để chuyện học làm chểnh mãng sự tu của mình.
Ni sinh Thích Nữ Liên Mãn (Lê Thị Bích Thu): Bốn năm học kết thúc, bây giờ nhìn lại thấy thời gian trôi qua nhanh thật. Hôm nay là ngày vui của chúng tôi nhưng cũng là những giây phút bồi hồi và xao xuyến.
Nhớ lại những ngày khi mới đặt chân đến Huế, giọng nói và thời tiết khắc nghiệt đã gây không ít khó khăn cho tôi. Thêm vào đó là chương trình học. Ban đầu do không quen với không khí đại học nên chúng tôi đã có phần nào có cảm giác choáng ngợp khi tiếp xúc với chương trình học dày đặc trong hai năm đầu ở Học viện.
Trong 4 năm học, tôi sợ nhất là môn Hán văn, Pali, Sanksrit cũng là những môn ngoại ngữ rất khó. Tôi nghĩ trong việc bố trí học ngoại ngữ, nhất là cổ ngữ, thì nên để cho sinh viên chọn lựa, không nên bắt sinh viên học đại trà thì sẽ không thu được nhiều kết quả.
Một trong những điều mà tôi quan tâm nhất là sinh khí học. Trong giờ học Hán văn, Thầy Tôn Thất Quỵ có dạy một câu khiến chúng tôi nhớ mãi: “Hiếu học bất như lạc nhi học” (Ham học không bằng vui mà học). Bởi vậy muốn Học viện có sinh khí, ngoài việc sinh viên tự nỗ lực, rèn luyện, giảng viên cũng là yếu tố quan trọng. Tôi nhận thấy Học viện có rất ít buổi seminar, tọa đàm, dã ngoại, mặc dù cũng có một số Phật sự như làm thuyền hoa, xe hoa, hiến máu nhân đạo… nhưng chừng đó chưa đủ để nói lên không khí hàn lâm trong học đường.
Tôi mong những khóa tới, Học viện sẽ có nhiều hơn nữa những buổi tọa đàm, ngoại khóa, nhất là học nhóm và làm việc theo nhóm, như thế thì công tác đào tạo của Học viện sẽ có hiệu quả hơn.
Nhưng bù lại thì không gian tâm linh yên tĩnh, rất thích hợp cho việc tự học và rèn luyện thân tâm. Nhờ vậy mà tôi đã khắc phục được khó khăn và phần nào thành công. Qua đó tôi nhận thấy ưu thế lớn nhất của Huế là môi trường tu học. Nếu sau nay Huế có chương trình sau đại học thì tôi sẽ ở lại Huế mà không đi bất cứ một nơi nào khác.
Tôi rất thích sự yên tĩnh và đi sâu vào chuyên môn. Vì vậy sau khi tốt nghiệp tôi sẽ vào tu viện chuyên tu và nghiên cứu chuyên sâu những gì mình đã gặt hái được trong bốn năm học vừa qua.
Tăng sinh Thích Giác Thông (Lê Đình Vũ): Trong 4 năm học ở Huế, tôi đã học được rất nhiều điều. Học được từ những thân giáo của Chư Tôn đức trong Hội đồng Điều hành và Ban giảng huấn, những lời dạy trực tiếp từ Thượng tọa Thích Giác Quả, Hòa thượng Viện trưởng, mặc dù Ngài ít lên Học viện. Ngài từng nói: đã vào Học viện rồi thì tự nỗ lực là chính, đừng trông chờ vào Học viện. Bắt gặp câu nói đó nên tôi đã tự nỗ lực, học tập và nghiên cứu.
Lần đầu tiên được vào nội xá, tôi nghĩ đây là một trong những môi trường học tập tốt nhất. Quý Ngài đã chăm lo cho chúng tôi chu đáo từ việc ăn ở cho đến các sinh hoạt khác. Nhờ vậy mà chúng tôi đã có nhiều điều kiện học tập tốt trong 4 năm qua.
Tôi luôn nuôi ý chí, tinh thần tự học là chính. Chính vì chủ trương tự học nên tôi hầu hết không mấy câu nệ vào chương trình học ở Học viện. Quý Ngài đưa ra giáo án gì, giảng dạy môn gì, tôi đều cố gắng tự tìm tòi, học hỏi và nghiên cứu. Tuy vậy tôi vẫn nhận thấy không khí học ở Học viện có phần trầm lắng, học viên ít có sự hứng thú. Tôi nghĩ công tác đào tạo của Học viện sẽ hiệu quả hơn nếu chúng ta tổ chức giảng dạy tốt hơn.
Qua 4 năm học, tôi nhận thấy chương trình giáo dục ở Học viện đôi khi đã làm cho chúng tôi bất ngờ. Phổ biến một chương trình học thì nên có kế hoạch từ sớm để sinh viên có thời gian chuẩn bị, chứ không nên đợi cận kề rồi mới đưa ra. Tốt hơn hết là nên thăm dò ý kiến sinh viên. Thí dụ vừa rồi chúng tôi rất bất ngờ trong vấn đề làm luận văn, thời gian quá gấp rút khiến cho Tăng Ni sinh rất vất vả trong việc thực hiện.
Tôi đã từng có ấn tượng về Phật giáo Huế vì nơi đây từng là chiếc nôi của Phật giáo. Vì vậy tôi luôn trăn trở làm sao Học viện Huế luôn giữ đúng chức năng giáo dục của mình, đào tạo ra nhiều Tăng tài, nhiều vị giáo thọ giỏi để giữ gìn giềng mối cho Phật giáo nước nhà.
Tôi cũng chưa có dự hướng gì cho tương lai. Nhưng nếu có điều kiện du học thì tôi sẽ sang các nước theo truyền thống PG Nguyên Thủy nghiên cứu kinh điển Nam tạng để đối chiếu những điểm tương đồng và dị biệt trong hệ thống giáo lý của Đức Thế Tôn.
N.T (ghi)