Trang chủ Sáng tác - Nghệ thuật Các loài dã thú kính trọng chánh pháp

Các loài dã thú kính trọng chánh pháp

178
0

Vị Tỷ-kheo đã già, gần 80 tuổi. Ngài dáng người nhỏ và ốm. Khuôn mặt chính nhăn nheo hình chữ nhật với những đường nhỏ, được chói sáng nhờ một cặp mắt diễu cợt màu xám và một lỗ miệng tươi cười, rộng rãi. Nay cách đây đã 30 năm, và có lẽ vị Tỷ-kheo đã từ trần, dầu rằng Ngài nói dòng họ của Ngài sống rất lâu và sống một cách sạch sẽ, giản dị và đồng quê. “Người cậu của tôi làm Lý trưởng một làng kia đến 80 tuổi – và sau khi nhấp nháy mắt Ngài nói tiếp – Người cậu già ấy còn sống mạnh khỏe cho đến 103 tuổi”.

Vị Tỷ-kheo nói tiếng Curgata rất thạo, không có một chút giọng hay âm vận ngoại quốc nào và đó cũng là một việc kỳ lạ vì dòng họ của Ngài thuộc về Hồi giáo và chính Ngài được sinh sống, nuôi dưỡng như một người Hồi giáo cho đến khi trưởng thành …

“Tôi được 30 tuổi và lập gia đình trước khi tôi theo đạo Phật – vị Tỷ-kheo kể chuyện – Chắc ai cũng biết món đồ chơi tự động này với một vật nặng để dưới phía chân bán cầu. Liền khi ngón tay đưa hất và thả ra, đồ chơi ấy lắc qua lắc lại và tự đứng thẳng lấy. Tôi cũng như món đồ chơi ấy.

“Tôi được học tại một ngôi chùa đạo Phật và rất thương  và kính trọng các vị Tỷ-kheo học thức và dễ thương. Nhiều người Hồi giáo chúng tôi thường hay đến nghe thuyết pháp tại chùa và cũng đi dự các buổi lễ Phật đản hay lễ trai Tăng.

“Tôi không  bao giờ thỏa mãn với sự cắt nghĩa về rất nhiều vấn đề của thế giới này, theo lòng tin của đạo Hồi giáo. Những thần giáo không bao giờ có thể giải thích một cách xác đáng, đối với những người có bộ óc, biết tìm hiểu, vì sao một vị Tạo hoá tối cao và đầy lòng thương hại cho phép các tai nạn phát sinh như các bệnh dịch lan tràn khắp mọi nơi, động đất, gió bão, và các nạn đói do hạn hán gây nên. Không bao giờ nhà Thần giáo có thể giải thích sự liên quan của một vị Tạo hoá toàn năng và đầy lòng thương với những tai nạn như vậy.

“Chỉ riêng trong giáo phái đức Phật dạy, chúng ta mới tìm thấy sự giải quyết cho tất cả những câu hỏi thắc mắc thuộc về đời sống. Loài người là vị chủ triệt để số mệnh mình và không một vị Tạo hóa nào có liên quan đến. Tạo hóa là một mê mờ do loài người tạo ra và loài người sáng tạo vị Tạo hóa theo hình bóng của tự mình.

“Khi tôi được 30 tuổi, sự khâm phục và lòng thương của tôi đối với đạo Phật chất chứa càng ngày càng nhiều và trở thành quá mạnh để có thể giữ mãi tôi nằm xuống. Sự đè ép của mê mờ, sự tự trên giả dối và được giải thoát và trong một tích tắc bộ đồ chơi tự động được vùng dậy. Tôi trở thành người Phật tử và chánh thức làm lễ quy y ba Ngôi báu và thọ lãnh 5 giới luật.

“Mười năm sau, tôi xuất gia. Vợ tôi đã tạ thế và người con một của tôi đã được người săn sóc. Và nay, con tôi cũng đã thành một vị Tỷ-kheo và gần 40 năm đã giáo hóa từ khi tôi thọ Tỷ-kheo giới.

“Và tôi đi ngao du khắp hòn đảo thánh này cho đến khi không một ngôi chùa nào ở thành phố hay ở rừng sâu mà tôi không đến chiêm bái. Sung sướng thay hòn đảo Tích Lan này với rất nhiều kỷ niệm và những xá lỵ tôn nghiêm và sung sướng thay những ai được may mắn sống trong bầu không khí thánh đức của hòn đảo này”.

*

“ – Trong khi Ngài ngao du như vậy, Ngài có gặp các loài dã thú không ?”. Và chính để trả lời câu hỏi của tôi, vị Tỷ-kheo kể cho tôi nghe câu chuyện như sau :

“Phải, tôi gặp rất nhiều và các loài dã thú cũng kính trọng Chánh pháp; không có gì nguy hiểm đối với người đi chiêm bái chân thành với một lòng thương rộng lớn tất cả chúng sanh hay những vị tu hành khổ hạnh trong rừng. Các loài thú ăn thịt thường tránh người. Ví dụ một khi thấy một con beo thời phút sau, con thú đã bỏ đi xa rồi. Loài gấu không bao giờ hại các nhà tu hành ẩn sĩ, tuy rằng thường hay làm hại các hạng người khác. Các nhà nữ tu sĩ khổ hạnh thường hay đuổi nhẹ các loài gấu khi cúng nó đến tại các động tu hành của những vị này, tại Situlpava trong những buổi ăn và đối với loại vật ấy rất thân mật như các người ở phố đối với các loài chó nuôi trong nhà.

“Một sự hiểu biết thân tình có những kết quả kỳ diệu. Không bao giờ loài người hành động điều gì đối với loài dã thú mà chúng nó không biết cảm nhận dầu chúng nó là loài vật. Người ẩn sĩ tu hành chỉ lo sự tu hành của mình không bao giờ bị các loài thú làm hại. Cho đến các loài trâu rừng dữ tợn cũng nhìn nhà tu hành với cặp mắt hiền từ. Heo rừng hoang gầm gừ bất mãn nếu có ai đến gần, nhất là khi bị đến gần một cách kín lẹ như các nhà săn thường làm. Nếu một tiếng gầm gừ thứ hai không được để ý thời nó liền xông tới làm hại ngay. Nhưng đối với nhà tu hành ẩn sĩ, con heo rừng có sừng cũng hiền lành như một con heo đã thuần thục.

“Con voi độc thân là loài dã thú dữ tợn nhất trong rừng thẳm, tuy vậy không bao giờ tôi nghe nó hại một vị Tỷ-kheo nào. Một lần kia, một vị Tỷ-kheo can đảm một mình đi trên con đường mòn trong rừng tại Kataragama. Thình lình vị này chạm trán một con voi trước mặt, không nghe tiếng động của con thú đi đến. Vị Tỷ-kheo liền để lòng bàn tay mình thẳng trên trán con vật. Con voi liền vụt biến chạy băng ngang rừng.

“Rất nhiều bùa chú được dùng để che chở chống với các loài voi rừng, nhưng không bùa chú nào công hiệu bằng lời dạy của đức Phật và một lòng tin tưởng hoàn toàn. Vị Tỷ-kheo Adhipati ở chùa Akkaraipattu kể chuyện với tôi, có người bị một con voi rừng độc thân lấy vòi cuốn chặt và đưa hẳn lên cao, có lẽ với ý định đập mạnh người ấy xuống đất cho chết. Người này trong khi bị đưa lên cao không phương cứu chữa, liền điềm tĩnh đọc lớn danh hiệu của đức Phật “Jti pi so Bhaga” và “Na-han …” và con voi này để nhẹ người ấy xuống và đi chỗ khác.

“Chính tôi một lần cũng được gặp một trường hợp rất rùng rợn. Một hôm tôi đi chiêm bái các ngôi tháp ở Ruhuna, đi bộ như thường lệ với một người cư sĩ trẻ tuổi. Chúng tôi đi thẳng băng ngang tỉnh ấy ở về phía Đông và sau khi làm lễ tại Kiri Vehera ở Kataragama, tôi định đi thẳng về phía Bắc về phía bờ biển phía Đông và tháp Dighavàpi và Kalmunai.

“Tại Kataragama, Piyasena, một người Singhala ở Batticalao, đi chiêm bái tại phía Nam, xin đi theo chúng tôi và chỉ cho chúng tôi những đường tắt trong rừng. Con đường phải đi rất dài, nhưng chúng tôi không ai can vội vàng và ba chúng tôi đều quen với những đường sá khó khăn cùng đời sống ngoài trời tự do.

“Piyasena là một người đốn củi và dọn cho tôi một bữa ăn trưa rất giản dị với khoai mài nấu sôi với Yalu và các thứ trái khác chính nó tự tìm và sửa soạn lấy trong những khi chúng tôi chưa đến kịp một làng nào cho đúng giờ. Các làng mạc rất thưa thớt trong vùng ấy và một khi chúng tôi may mắn gặp được một làng nào, dân chúng sống trong rừng ấy rất hoan hỷ đón mừng. Dân chúng rất ít thấy một vị Tỷ-kheo và tụ họp rất đông xung quanh để cúng dường cơm nước. Dân chúng rất chiêu đãi khách lạ và đến đêm, toàn thể dân làng đến hội họp xung quanh tôi để nghe những lời dạy của đức Phật và hoan hỷ đón mừng lời dạy bằng với những tiếng “Sadlur” nói lớn tiếng. Thật là một cuộc du hành thích thú, đầy những sự bất ngờ vui vẻ, cho nên câu chuyện mà tôi sắp nói đến, tuy rằng trong khi xảy ra, chúng ta phải thẳng thắn công nhận là một câu chuyện rùng rợn.

“Chúng tôi lúc ấy đi ngang một vùng rất nhiều đồi và Piyasena có biết một con đường tắt, con đường ấy ngoài sự giúp cho khỏi phải đi nhiều dặm đường băng qua những khoảng rừng không có đường  đi và đầy những loài voi rừng, còn đưa chúng tôi đến một suối nước nóng uống được, và tại chỗ ấy chúng tôi có thể tắm và dùng bữa cơm trưa mà các dân  làng đã cúng dường cho chúng tôi bữa sáng nay, những dân làng mà chúng tôi đã chung sống đêm trước.

“Con đường tắt là một rãnh nước, cắt ngang các ngọn đồi với các trận mưa trải qua hàng ngàn năm. Vô số tảng đá lớn hay nhỏ, che cửa vào cửa hẻm núi. Cuộc đi rất dễ chịu bằng phẳng. Con đường rải rác những tảng đá tròn, chỗ này chỗ kia, và nay khô cạn tuy rằng mọi người đều biết là một ngọn suối ào ào chảy trong những khi mưa lớn.

“Hẻm núi độ chừng 10 dặm bề dài. Đường chân mà chúng ta đi trên ấy trung bình độ 12 phút bề rộng, và hai bên đều bằng đá và cao vút, không thể leo lên được, có lẽ riêng trừ những nhà chuyên môn với các khí cụ đặc biệt. Những bức tường ấy thỉnh thoảng dựng đứng lên cao cho đến khi khe hở ở bên chóp chỉ còn là một đường ánh sáng xa nhỏ, và hẻm núi tối tăm. Tại nhiều chỗ khác, các bức tường không cao hơn độ 40 phút. Độ nửa dặm đường trên khe núi ấy, chúng tôi đến núi nước nóng – nhiều giếng nước hình tròn, đầy cho đến bờ những nước nóng trong sáng và sôi. Vị nước hơi có mùi diêm sinh nhưng không gì khó uống. Đối với chúng tôi đang thèm khát nước ấy là nước cam lồ.

“Chúng tôi tắm một cách phung phí, mở và dùng các món ăn của dân làng cúng dường và nghỉ một lát tại chỗ đất vui thích ấy. Không khí mát dịu và sau một giờ quán tưởng an tịnh, chúng tôi lại tiếp nối cuộc đi vui thích ấy, trong người mát mẻ và chung niệm hòa bình với toàn thể thế giới.

“Chúng tôi đi chưa được hơn một dặm, bỗng Piyasena đi trước đầu đường bỗng giơ tay lên ra hiệu và sán đến bên tôi nói nhỏ : “Các con voi đang đi tới cả một đoàn”. Trời ơi ! Chúng tôi đều khiếp đảm. Chúng tôi biết làm gì bây giờ. Trước mặt là một đàn voi rừng đi tới; hai bên là những bức tường bằng đá cương thạch dựng đứng không leo được vây đóng chúng tôi lại, còn sau lưng 6 dặm đường không chỗ ẩn núp. Các con voi đã bắt hơi được chúng tôi và một tiếng rống báo hiệu vang khắp ánh nước. Không một người nào chạy thoát con voi đang tức giận hơn ngoài một dặm, huống nữa là   dám. Mọi sự hoảng hốt nghĩa là chết.

“Một sự an tịnh lớn lắng xuống trên tôi. Trong những trường hợp nguy hiểm như vậy chỗ căn cứ độc nhất là ba Ngôi báu và lòng tin tưởng ở sức mạnh của chú thuật Pariha, sự tụng đọc lời dạy của đức Phật với công năng bảo vệ không giới hạn và năng lực vô địch. Tôi ngồi xuống trên một tảng đá bên con đường mòn và bảo người đệ tử Piyasena ngồi xuống bên tôi sát chạm với chiếc Y che chở Tăng Bảo của đức Phật, làm lễ quy y và trao 5 giới pháp cho hai người ấy. Tôi nay có thể thấy các con voi đi tới, không qua 50 sải tay xa, đi theo hàng một với con voi chúa đi đầu, vòi đưa thẳng đến trước. Lặng lẽ các con voi đi tới, nhưng tôi không còn sợ một chút gì trong chính lúc mọi sự có thể xảy ra bất ngờ và không thể tránh được.

“Sau khi trao 5 giới, tôi bắt đầu tụng lớn tiếng những lời dạy của đức Phật : “Namo Taisa Bhajeirato …”. Rất có thể giọng tôi có hơi run nhưng chính sự run ấy giúp thêm phần chí thành vào âm vận có tiết điệu của tiếng Pali. Dầu tâm trí của tôi chú vào những lời quen thuộc và thường hay tụng đọc, một phần của tôi hình như cũng đang chú ý đến sự đi tới nguy hiểm của các loài chúa tể trong rừng ấy.

“Chậm rãi, rất chậm rãi, các con voi đi tới. Tiếng chú tụng chỉ là tiếng động độc nhất trong sự im lặng như chết ấy. Đi đầu là một con voi rất lớn, con voi chúa của đàn. Với vòi đưa ngửi về phía trước, con voi đi tới. Nay nó chỉ cách xa độ 10 sải tay, đi chính giữa con đường mòn, với một bước đi đều đặn và oai nghi, không bao giờ chậm hay mau. May nó chỉ cách xa 10 phút, nhưng vẫn đi chính giữa đường, cặp mắt chú ý và hai tai nhanh nhẹn. May nó ngay trước mặt chúng tôi, xa 3 phút và hình vóc cao lớn của nó làm chúng tôi nhỏ bé thêm.

“Nhưng không biết đến chúng tôi, con voi vẫn đi vầy một dáng điệu vua chúa. Một tiếng thở dài thoát nạn lẫn trong lời tụng của tôi, trong khi các con voi khác từng con một theo đúng cử chỉ như con voi chúa đi trước. Dầu thân thể to lớn, không một tiếng động nào phản giác sự đi qua lặng lẽ của chúng nó. Độ 20 con voi đi ngay (sau Piyasena nói đến 21 con) cho đến cuối, một con voi cái đi sau cùng với một con voi con chạy một bên.

“Con voi cái ấy đi qua, đúng như một hoàng hậu, nhưng con voi con tinh nghịch cuốn và nắm giữ một góc y của tôi với chiếc vòi nhỏ nhưng mạnh mẽ của nó. Như một chớp nhoáng vòi của con voi mẹ đánh cũng trên chiếc vòi quá tò mò của con voi con và với một tiếng kêu nhỏ, con voi con cũng hiểu bài học và cũng đi tới theo sát con voi mẹ. Thật vậy các loài giả thú biết vâng theo Chánh pháp. Chúng ta phải nghĩ thế nào ?”

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here