Trang chủ Văn hóa - Lịch sử Bước kinh hành của đức Phật

Bước kinh hành của đức Phật

224
0

Nghệ thuật Phật giáo sớm nhất, khoảng thế kỷ I trước Tây lịch, sau khi xuất hiện hình tượng Đức Phật nhân hình (anthropomorphic), đã có sự mô tả một cách tuợng trưng sự kinh hành của Đức Phật; tuy vậy, hiếm khi thể hiện thực sự việc kinh hành và cũng chưa bao giờ cho thấy tư thế này là một hình ảnh chủ yếu trong thánh tượng, và cũng rất hiếm thấy kể cả trong những phù điêu thuật lại cuộc đời Ngài.

Sáu năm sau khi Đức Bồ-tát Siddhàrtha sống đời một nhà khổ hạnh lang thang, Ngài giác ngộ tối thượng, trở thành một vị Phật, giảng dạy suốt hơn bốn mươi năm và nhập Niết-bàn ở tuổi 80. Kinh sách nêu ra nhiều chi tiết đời Ngài trong thời kỳ hơn năm mươi năm này, từ khi xuất gia cho đến khi nhập diệt, tất cả đều nhấn mạnh đến việc kinh hành qua nhiều phương cách. Ngài du hành nhiều nơi cùng với các đệ tử để giảng dạy giáo lý. Một số những sự kiện quan trọng trong đời Ngài thường mang tính phi thường đã xảy ra trong lúc Ngài kinh hành. Chúng ta nhìn thấy nhiều hình tượng trong nghệ thuật, như sự giáng sinh từ cõi trời Đế Thích (Indra), và nhiều sự kiện khác. Cuối cùng, không chỉ nhiều giai đoạn cuộc đời xảy ra trong khi Đức Phật kinh hành, mà trong chính những dấu chân của Ngài cũng có thể tạo ra những điều phi thường. Như vậy, sự kinh hành có thể xem là một trong những đặc trưng của Đức Phật Sakyamuni và là hành vi trung tâm về nhiều phương diện đối với chính Phật giáo.

Vào thế kỷ XIII, khi Phật giáo hầu như suy tàn ở Ấn Độ, thì ở Đông Nam Á, đặc biệt tại Thái Lan, hình tượng Đức Phật kinh hành đã trở nên phổ biến. Tại sao và bằng cách nào hình tượng Đức Phật kinh hành đã được phát minh?

Khoảng bốn thế kỷ sau khi Đức Phật nhập diệt, sự hiện diện của Ngài trong nghệ thuật được thể hiện qua những biểu tượng. Một trong những biểu tượng là Pháp luân, biểu thị cho Bài giảng đầu tiên sau khi Ngài giác ngộ tại Vườn Nai (Lộc Uyển) ở Sanarth. Biểu tượng thứ hai thường được miêu tả là cây Bồ-đề, tượng trưng sự giác ngộ của Ngài ờ Bồ-đề Đạo tràng (Bodh Gaya). Bồ-tát Siddhàrtha đã ngồi nhập định dưới cội bồ-đề này cho đến khi Ngài nhận biết một cách chắc chắn, rốt ráo tự tính của vạn hữu, chứng đắc Vô thượng chánh đẳng giác. Trong cả hai giai đoạn quan trọng này từ cuộc đời Ngài, có thể hình dung Đức Phật, như sẽ cho thấy về sau này, qua những biểu hiện nhân hình về Ngài với tư thế đang ngồi.

Tuy nhiên, trong một số giai đoạn, tư thế Đức Phật đang bước đi, và để thể hiện hành vi mang tính cách phi thánh tượng (aniconic) này, người nghệ sĩ đã miêu tả một con đường kinh hành hay thiền định, cankrama. Chính trên con đường như thế, một tu sĩ thực hành việc thiền hành. Đức Phật đã trải qua một tuần tiếp theo sự giác ngộ của Ngài ở Bodh Gaya đang khi thiền hành trong một chuyến kinh hành làm bằng châu báu (ratna cankrama). Những di chỉ khảo cổ cho thấy có một thời con đường ở Bodh Gaya có mái che dưới những hàng cột và có một ngôi đền thờ phụng. Cankrama với mái che trên thực té đã được thể hiện trong một bức phù điêu ở Barhut, và như vậy chúng ta thấy rằng việc kính ngưỡng này rõ ràng đã có sớm như bất cứ những biểu tượng phi thánh tượng nào về Đức Phật. Và Cankrama thực sự đã được người Phật tử thờ phụng và thể hiện trên bức phù điêu khắc những đóa hoa cúng dường (hoa biểu tượng cho bước chân Phật) và những dấu của bàn tay (pancangulika). Khi người nghệ sĩ cần một biểu tượng để thể hiện Đức Phật đang kinh hành trong những giai đoạn khác nhau trong cuộc đời Ngài, lẽ tự nhiên là y sẽ hấp thu hình tượng cankrama. Xem ví dụ trong bức phù điêu ở Sanchi minh họa câu chuyện về trận lụt ở sông Nairanjana, khi Ngài thị hiện thần thông bước đi trên mặt nước. Đức Phật kinh hành được tái hiện bằng một con đường trông như một dãi hình chữ nhật ở trung tâm phần dưới của phù điêu.

Nếu nhìn vào những mô tả kể chuyện khi sử dụng hình tượng Đức Phật mang nhân hình, chúng ta thấy cùng với những biểu tượng, người nghệ sĩ luôn thể hiện Đức Phật đang kinh hành với tư thế như một nhân vật đang đứng. Chẳng hạn tư thé của Đức Phật trong phù điêu Gandhara thế kỳ II sau Tây lịch mô tả Đức Phật sắp bị đám người ngoại đạo ăn mặc như những tay đô vật đang nấp sau một bức tường tấn công. Dáng đi lắc hông (déhanchement) của Đức Phật thời Gandhara, chẳng hạn, gần giống với tư thế mà các họa sĩ Ajanta đã miêu tả khoảng 300 năm sau để biểu thị cho sự kinh hành. Trong phù điêu ở hang số 9, Đức Phật đang đón nhận bình bát từ một cậu bé. Đây là giai đoạn mô tả Đức Phật đang kinh hành, thì Rahula đã tới và hỏi xin Ngài sự thừa kế.

Nghệ sĩ Ấn Độ có những ước lệ khác để gợi ý về sự kinh hành của Đức Phật mà không dùng đến tư thế bước đi. Tuy vậy, những hình tượng Phật kinh hành này rất hiếm thấy trong nghệ thuật ở xứ sở này. Hình mẫu có sớm nhất vào thế kỷ thứ III sau Tây lịch ở Nagarjunakonda cho thấy Đức Phật đang đi vào Vườn Nai để có cuộc gặp gỡ với các đạo sĩ thời bấy giờ. Nói chung, tất cả hình tượng này đều có kích thước nhỏ và thứ yếu. Ngoại lệ với những hình mẫu thấy được từ vùng Andhra, tất cả đều hạn chế ở những vùng ngoại biên miền bác của bán lục địa này. Những địa danh nằm ngoài vùng trung tâm Ấn Độ này hẳn cho thấy sự nới lỏng những hạn chế có thể thấy ở ngay chính đất Ấn Độ.

Tóm lại , hình tượng Đức Phật kinh hành rõ ràng có tầm quan trọng đối với những nghệ sĩ và những nhà bảo trợ nghệ thuật. Trong nghệ thuật Phật giáo thời kỳ đầu ở Bhahrut và Sanchi, Đức Phật kinh hành được thể hiện có tính biểu tượng bằng con đường thiền hành. Con đường này tự thân đã được thờ kính. Tuy nhiên, sau sự phát minh hình tượng nhân hình của Đức Phật, người nghệ sĩ cho dù giữ mối quan tâm vào những giai đoạn Đức Phật kinh hành, song đã sử dụng một tư thế mang tính gợi ý hơn là mô tả tự thân hành vi này. Vào thời điểm đó, chúng ta tự hỏi tại sao tư thế kinh hành lại bị tránh né. Câu hỏi này được nhấn mạnh khi chúng ta nhận thấy rằng sự bước đi mang tính trung tâm đối với quan niệm về Đức Phật và Phật giáo. Dưới ánh sáng này chúng ta sẽ thấy sự thiếu vắng hình tượng Đức Phật khi hành trong nghệ thuật Ấn Độ và nó đã trở nên có vấn đề. Câu trả lời về lý do của sự thiếu vắng này là bởi ngay từ đầu, về mặt hình tướng, hình ảnh Đức Phật nhân hình đươc miêu tả đã không như một người phàm mà như một thần linh. Mặc dù Đức Phật đã tự từ bỏ đi thân phận đẳng cấp cao quý, đặc biệt là thân phận hoàng gia và thế tục, nhưng chính biểu tượng hoàng gia đã khiến cho người nghệ sĩ Ấn Độ hấp thu để trình bày Đức Phật như một vị thần linh. Sự miêu tả Đức Phật như một thần linh trong hình tượng nghệ thuật về những cảnh sống nhân sinh thường thường ít thấy có vấn đề. Tuy nhiên, lại ngoại lệ chính là những giai đoạn kinh hành, bởi sự kinh hành không thích hợp đối với các thần linh và vua chúa. Hơn nữa, chính một trong những hảo tướng của Ngài là “dưới lòng bàn chân bằng phẳng”, và “gót chân no tròn”. Theo một nghĩa nào đó, có thể nói phương diện không kinh hành của Đức Phật có thể xem như là một trong những thuộc tính hoàng gia.

Ở Thái Lan và Miến Điện, hình tượng Đức Phật kinh hành cùng với sự sùng kính dấu chân Phật có một sự liên hệ mật thiết với nhau. Điều đáng ngạc nhiên là những dấu chân không xuất hiện trong nghệ thuật Đông Nam Á cho mãi đến thế kỷ XI. Ở Thái Lan, những dấu chân xuất hiện lần đầu tiên trong nghệ thuật Sukhothai, xấp xỉ thời gian hình tượng Đức Phật kinh hành (thế kỷ XII và XIII).

Theo kinh điển, Đức Phật thường để lại đằng sau một dấu chân khi Ngài tiếp chạm với mặt đất. Có một sự liên hệ rõ rệt giữa sự kinh hành và những dấu chân, và cả hai tướng tốt (laksana) này khiến có thể nhận dạng Đức Phật như một bậc phi phảm. Điểm thứ hai nằm trong 32 hảo tướng là dấu hiệu hình bánh xe ghi dấu trong lòng bàn chân của Phật. Khi Ngài chuyển Pháp luân ở Sarnarth, Ngài bắt đầu vần chuyển theo một cung cách chinh phục thế giới. Theo một nghĩa nào đó, Đức Phật đã chuyển Pháp luân cùng với các đệ tự khi cùng họ du hành để hoằng pháp. Trong bối cảnh này, ta thấy trên một bức phù điêu Gandhara thật lý thú cho thấy Đức Phật, theo nghĩa đen, đang chuyển Bánh xe (biểu tượng cho Pháp) trong lúc Ngài kinh hành. Điều này đặc biệt trong khung cảnh Bài giảng đầu tiên ở Sarnarth, cùng với năm Tỳ-kheo ở phía bên phải đang tôn kính trong khi Đức Phật đang đến gần để chuyển Pháp luân.

Hình tượng Đức Phật kinh hành rất hiếm hoi trong nghệ thuật Nam Á, nhưng khi chúng ta quay sang nghệ thuật Thái Lan, đây lại là nơi rất phong phú về hình tượng Đức Phật kinh hành. Tuy nhiên, nghệ thuật phù điêu ở Pagan của Miến Điện rất có thể là nguồn của phong cách Sukhothai trong những phù điêu về Đức Phật kinh hành mặc dù có ít sự tương tự về mô thức giữa những vị Phật kinh hành ở Pagan với ở Sukhothai.

Hình tượng ba chiều về Đức Phật kinh hành được xem là một phát minh của nghệ thuật Thái Lan, có lẽ đã được tạo ra ở Sukhothai vào cuối thế kỷ XIII hay đầu thế kỳ XIV. Những hình tượng kinh hành này có một tư thế chuẩn mực vốn được duy trì và về mặt cơ bản không có sự thay đổi. Một trong những mẫu mực sớm nhất và đẹp nhất là pho tượng đồng lớn hơn kích thước người thật được đúc vào thế kỷ XIV hiện nay ờ Wat Benchamabopit ở Bangkok (xem hình), cho thấy cách bước đi, một chân gập về phía sau, gót chân thì nâng lên như một dấu hiệu; nhưng tư thế này không có vẻ tự nhiên. Trên thực tế, sự thiếu phong cách hiện thực có thể là do thích hợp hơn đối với tính siêu nhiên và cơ thể mang tính ẩn dụ của Đức Phật hơn là tự thân của tư thế. Hình tượng Đức Phật theo phong cách Sukhothai phối hợp nhiều điểm tương tự, chẳng hạn “đầu như quả trứng” theo một kiểu mẫu hiểu theo nghĩa đen. Với đôi chân ví với chân linh dương, và đùi như bắp chuối, sức nặng của đôi chân Phật ép thật chặt lại với nhau tới nỗi hai chân với đầu gối cong vào trong, và tất cả chuyển động từ đầu gối trở xuống. Cánh tay phải “tròn trịa, mượt như thể bằng nến sáp” treo như thân rắn. Vẻ bên ngoài của Đức Phật do vậy trở nên phi tự nhiên. Nhưng tư thế của cơ thể, hơn là hình dạng của nó, lại rất mang tính hiện thực và dễ mô phỏng.

Chiếc y có thể gây ấn tượng đầu tiên như là bổ sung vào phong cách phi tự nhiên. Nó bám chặt vào cơ thể theo hình thể của nếp quần áo bị ướt và tạo nên một tấm mạng mỏng manh nối kết hai bắp chân vào với nhau, và khi nhìn đôi chân từ những góc cạnh khác, có thể thấy hiệu quả do tấm y tạo nên, thay vì là trở ngại, ở đây lại gây cảm giác về sự chuyển động, thậm chí ở gấu áo nhỏ cuộn lên phía trước như đu đưa của chiếc y choàng.

Nhìn chung, những hình tượng Phật kinh hành mang tính cách tân của nghệ thuật Thái Lan trong khi hầu như hoàn toàn vắng bóng trong nghệ thuật Ấn Độ, đã đóng góp quantrọng vào ý nghĩa hành trạng kinh hành trong cuộc đời của Đức Phật vốn được nêu bật bằng những trang đẹp đẽ trong kinh điển. Sự kinh hành không hẳn đã bị các nghệ sĩ Ấn Độ bỏ quên, nhưng do họ đã hấp thu tư thế đứng và đôi lúc ước lệ để gợi ý về một Đức Phật đang kinh hành thay vì là một tư thế bước đi thật sự. Hơn nữa, chính sự tồn tại của những hình tượng Phật kinh hành của Thái Lan tự thân đã lý giải cho sự vắng bóng của chúng trong nghệ thuật Ấn Độ do chống lại lối mô tả Đức Phât trong tư thế kinh hành, bởi như một vị thần, Đức Phật giữ sự cách biệt với thế gian. Do vậy, trong nhiều cảnh trần thuật sự kinh hành, các nghệ sĩ Ấn Độ đã dùng hình tượng đứng của Đức Phật để duy trì vẻ ngoài bất động, trong khi tư thế kinh hành ắt hẳn họ xem là quá lộ liễu khi Ngài tiếp xúc với trần gian theo cung cách hoàn nhân loại. Hay nói cách khác, sự kinh hành sẽ làm giáng cấp Đức Phật và nằm ngoài đặc tính hoàng gia và tính chất thiêng liêng của Ngài.kinh-hanh duc Phat  kinh-hanh duc Phat

 Tham khảo chính: Artibus Asiae 50, ½ (1990): 73-107

 

Tạp Chí Văn Hoá Phật Giáo số 75: Hà Vũ Trọng

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here