Trang chủ Văn hóa - Lịch sử Bước chân an lạc

Bước chân an lạc

137
0

Du lịch hành hương hiện đang rất được ưa chuộng, đặc biệt với phật tử và những người muốn tìm kiếm những chuyến đi để lắng lòng, tĩnh tại, khác với lối du lịch phần nhiều cỡi ngựa xem hoa và đầy vội vã như thường thấy.

Trà sen tĩnh tại trong chuyến hành hương

Trong chuyến du lịch hành hương nguyện cầu thập tự miền Tây Nam bộ, nhóm du khách đã được tổ chức đến tham quan 10 ngôi chùa của các tỉnh thành từ TP.HCM đến các tỉnh miền Tây. Đó là các chùa Vĩnh Nghiêm, Huê Nghiêm 2 (TP.HCM), Vĩnh Tràng (Tiền Giang), Tịnh xá Ngọc Viên (Vĩnh Long), Kh’Leang, chùa Dơi (Sóc Trăng), chùa Quan Âm (Cần Thơ), chùa Phật Lớn, Vạn Linh Tây An Cổ Tự (An Giang)…

Mỗi ngôi chùa mang một đặc trưng của các tông phái Phật giáo ở Việt Nam như Phật giáo Bắc Tông Việt, Nam Tông Kh’mer, hệ phái Khất sĩ Việt Nam… Đến Vĩnh Tràng, du khách được ngắm ngôi chùa đầu tiên ở Việt Nam kết hợp phong cách kiến trúc phương Đông và phương Tây; chùa Kh’Leang là chùa đầu tiên kết hợp kiến trúc Khmer – Hoa – Việt.

Đến Tịnh xá Ngọc Viên phật tử nghe giới thiệu về quá trình hình thành, phát triển cũng như nét độc đáo của hệ phái Khất sĩ Việt Nam. Ghé chùa Quan Âm để tham dự khóa lễ cầu an theo truyền thống Bắc tông Việt…

Tham gia thời pháp đàm

Những chuyến đi như thế này đưa du khách vào những trải nghiệm, thấm nhuần không gian văn hóa Phật giáo, hiểu sâu hơn về một tôn giáo đã đồng hành cùng dân tộc suốt 2000 năm lịch sử. Đi du lịch nhưng không chỉ có ăn uống, nghỉ ngơi, giải trí, mua sắm, các thành viên trong đoàn còn trực tiếp hòa mình vào những nghi thức Phật giáo mà không phải ai cũng có dịp để thực hiện.

Đó là: thực tập thiền tọa, thiền hành, thiền trà; tham dự các thời pháp đàm, pháp thoại; dự lễ cầu an của Phật giáo Bắc tông Việt, Phật giáo Kh’mer; chiêm bái, đảnh lễ xá lợi huyết của Phật; nhận lộc Phật đã được chú nguyện của các vị cao tăng trụ trì. Ngoài ra còn có nhiều tiết mục khác như thả hoa đăng, xem văn nghệ, xin chữ, học cách cắm hoa, chưng quả…

Đặc biệt, khi tham gia chuyến du lịch hành hương, tất cả mọi người đều được phát tặng áo tràng. Bộ “đồng phục” của một đoàn người đi đến đâu gây ấn tượng đến đó. Nó không chỉ là tấm áo mang tính hình thức. Khi mặc lên người, tất cả các thành viên đều có cảm giác tâm an, chân lạc, cư xử, nói năng đều nhẹ nhàng, từ tốn.  

Thực hành thiền tọa

Không chỉ ở chùa mới có những buổi thuyết pháp, ngay trên chuyến xe di chuyển, du khách còn được tham gia chương trình pháp thoại trở về chân tâm. Đó là câu chuyện về chữ tâm trong Phật giáo, cũng như phương pháp nhận diện bản tâm của mình.  

Chân tâm chính là bản chất thực của mỗi người. Bản tâm vốn trong sáng, không tì vết, vẩn đục, được thể hiện bằng một đời sống hướng thượng, lành mạnh, sáng suốt. Những bài giảng về sự trở về đã giúp người nghe nhìn lại bản thân mình một cách sâu sắc, hiểu được những giá trị tiềm tàng mà do vô tình hay hữu ý, nhiều người đã không thể nhận ra.

Du lịch hành hương là dịp trải nghiệm thực sự cho những ai đang tìm kiếm một đời sống hướng thượng, giải tỏa những căng thẳng. Cuộc sống vốn chất chứa nhiều bộn bề lo toan, nên nhiều người trong chúng ta đã phải sống trong lo lắng, bồn chồn, vội vã và hốt hoảng.

Những chuyến đi như thế này ít nhiều giúp các du khách dù là phật tử hay không, có được những bước chân an lạc, thảnh thơi trong hành trình và một tâm hồn khoáng đạt, bình an sau khi trở về với đời sống thường nhật. 

Những bước chân an lạc
Xem trình diễn nghệ thuật của đồng bào Kh’mer
Đi bằng xe lôi vãn cảnh chùa
Học cách pha trà
Một nữ du khách treo dải lụa lên cây vô ưu
Sư thầy và phật tử cùng trồng cây
Học cách chưng hoa quả
Phóng sinh
Chụp ảnh lưu niệm dưới tượng Phật khổng lồ
Du lịch hành hương để lắng đọng, không phải cưỡi ngựa xem hoa
  • Theo  Phunutoday

 

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here