Chỉ mới đi qua hạ Lào, giáp biên giới miền Trung Việt Nam, tôi như ngập trong tiếng nhạc xập xình điệu múa cổ truyền lăm vông từ sân nhà dân đến tận sàn nhảy ở đô thị. Tôi cũng ướt nhèm bởi được người dân Lào té nước lên người chúc may mắn, cũng được buộc chỉ cổ tay cầu phúc và được ăn tết thân mật với các gia đình người Lào mến khách…
Té nước ở Sê Kông. |
Vùng đất xanh
Từ đường Hồ Chí Minh ở đông Trường Sơn rẽ qua cửa khẩu Bờ Y, tỉnh Kon Tum thuộc Việt Nam giáp tỉnh Atopư thuộc Lào, cuối chiều 13.4, chúng tôi đặt chân lên xứ sở triệu voi bên tây Trường Sơn. Và cũng chính bởi sang Lào đúng ngày đầu tiên của tết cổ truyền Bunpimay (giống như chiều 30 tết bên ta), nên thủ tục nhập cảnh tại cửa khẩu Lào đành phải dềnh dàng như… tết. Đầu tiên là cán bộ làm thủ tục cho xe ôtô vào Lào bận… về nhà dọn dẹp đón tết, phải gọi nhắn mới ra. Rồi cán bộ bán bảo hiểm xe lưu hành bên Lào cũng đã về quê ăn tết, đành phải để đến tận tỉnh Sê Kông mới mua vậy…
Khí hậu hạ Lào không nóng bỏng như người ta mường tượng về “gió Lào” khô rát. Suốt dọc QL11 từ đường biên vào Lào, rừng nguyên sinh bạt ngàn khiến tôi không khỏi chạnh lòng về những cánh rừng khô cháy và trơ trụi suốt dọc đường nam Tây Nguyên qua Kon Tum, Gia Lai, đến tận cửa khẩu Lệ Thanh (Gia Lai) giáp biên giới Campuchia mà tôi vừa chứng kiến chỉ cách đây vài ngày. Cỏ lau trắng phau nhiều vô kể, phất phơ vẫy chào bên vệ đường, nơi phía trên là tán rừng già nhiều chỗ hồn nhiên đàn khỉ leo trèo nhảy nhót.
Anh bạn đồng hành dân Quảng Nam vốn nhiều năm “làm ăn với Lào”, cảm thán: “Trực chỉ về phía mặt trời lặn mà không bị nắng xỏ vào mặt, đường này chỉ có bên Lào, với dải rừng già tít tắp. Đó là do dân Lào rất có ý thức giữ rừng, giữ gìn không gian xanh truyền thống. Dân nơi đây vẫn còn tập tục du canh du cư, nhưng nơi nào phát đốt kiếm ăn thì cứ làm, còn nơi nào giữ rừng thì vẫn giữ nguyên. Họ chỉ khai thác gỗ để làm nhà ở tại chỗ, mà cũng khai thác rất khoa học lâm sinh tự lâu đời nay, là chọn cây đến tuổi mới khai thác. Đến cái cưa máy cũng được nhà nước đánh số quản lý như xe máy bên ta.
Ngay trong lòng thành phố Pakse, tỉnh Champasak sầm uất vào bậc nhất Lào, “thủ phủ” hạ Lào thì vẫn còn nguyên vẹn cả cánh rừng nguyên sinh. Hình như người dân vùng Atôpư, Sê Kông “chê” gỗ – thứ ở bên ta đang sốt nóng và đắt đỏ, bởi dọc đường, thỉnh thoảng thấy nhiều cây gỗ ngã đổ trên đồi còn nguyên đó, hoặc giả có cây ngã ngang đường thì người ta cũng chỉ cắt đúng đoạn cây chắn mất lối đi, còn thì để nguyên trạng, mà vùng này toàn chò chỉ Lào – thứ gỗ quý, có vẻ hơi bị… lãng phí. Sự lãng phí nhờ đó rừng còn xanh!
Buộc chỉ và múa lăm vông
Tại quán ăn kiêm bán càphê ngay bên khách sạn Hồng Khâm lớn nhất trung tâm tỉnh lỵ Sê Kông – tỉnh giáp Quảng Nam, tôi gặp trúng ông chủ quán vừa mờ sáng nghe tôi gọi giọng “Quảng Nôm” đặc sệt nên nhận đồng hương liền. Hai vợ chồng ông sang Sê Kông mở quán làm ăn đã gần 20 năm nay, con cái đẻ đứa nào gửi đứa ấy về quê học hành, thỉnh thoảng mới ôm tiền lãi về gửi nhà băng cho con rút dần ăn học. Bốn Hương – tên ông – nói cười rổn rảng giọng quê gốc không phai: “Người Việt – hầu hết ở các tỉnh miền Trung – tập trung làm ăn buôn bán nơi đây cũng nhiều, và cũng đều thành đạt. Có vẻ như người dân địa phương không ham lắm cái việc buôn bán mà chỉ chăm lo “hành nghề truyền thống”, làm vườn, rừng, đời sống khá thuần hậu, ngay cả người dân “ở tỉnh” cũng vậy, bởi bước ra là gặp rừng mà”.
Cảnh đó tôi đã gặp đêm trước (13.4) ở nhà Bua Phăn tại tỉnh lỵ Atôpư. Bua Phăn là thạc sĩ chính trị học tốt nghiệp ở Việt Nam, nay làm việc cho một DN Việt Nam tại Lào, nói tiếng Việt như người Việt, như một cuốn “bách khoa” giúp tôi suốt chuyến khám phá Lào – Thái Lan này. Cả nhà Bua Phăn tíu tít thu dọn đồ đạc, lau chùi sạch sẽ từ trong ra ngoài, chuẩn bị cho 3 ngày tết (14-16.4). Suốt 3 ngày này, việc buôn bán làm ăn của người Lào tạm hoãn nhường chỗ cho Bunpimay.
Các bản làng, người già – người trẻ bắt đầu tập trung, mở loa thùng nhảy điệu lăm vông truyền thống. Điệu lăm vông ngày Bunpimay xâm chiếm cả dancing nhà hàng Ven Sông lớn nhất Sê Kông suốt tối 13.4, Bua Phăn kéo tôi hoà vào. Điệu lăm vông chỉ có 2 nhịp nhún chân và khoa tay. Bua Phăn và cả sàn nhảy cứ nhún nhảy lắc lư trong các điệu dân ca đậm chất Lào.
Bua Phăn nhận định: “Tính cộng đồng đậm đặc trong sinh hoạt văn hoá ngày tết của đồng bào Lào và có vẻ như giá trị gia đình nằm trọn trong đó. Hầu hết dân Lào theo Phật giáo, người chết được táng ở khuôn viên và thờ cúng chùa. Tết Bunpimay cũng chính thức khởi đi từ những ngôi chùa. Khoảng 15h chiều 14.4, tôi theo dòng người ở trung tâm Sê Kông đổ đến chùa Ban May Hủa Mương, làm lễ rước, tắm tượng Phật, lấy nước lành và chỉ màu buộc tay cầu phúc.
Lễ buộc chỉ, té nước cầu phúc cho khách tại nhà ông Bun Khon. |
Rồi tôi theo Bua Phăn đến chúc Tết nhà ông Phonphete – Phó Bí thư, Phó Chủ tịch, Trưởng đoàn đại biểu quốc hội tỉnh Sê Kông – uống thứ rượu có tên gọi trúc trắc tiếng Lào, dịch ra là “sức mạnh như hổ”, như một lời chúc dành cho khách phương xa. Rồi cùng kéo nhau sang nhà ông Bun Khon – GĐ Sở Năng lượng-Khoáng sản Sê Kông – ăn tết. Bun Khon là tiến sĩ kinh tế học tốt nghiệp tại Việt Nam. Cũng bánh chưng, cũng rượu trắng của gia đình tự chưng cất, hơi men xông lên tới óc. Và nghi lễ chúc phúc buộc chỉ tay bằng 3 sợi 3 màu cùng té nước cầu phúc cho nhau, cả khách lẫn chủ đều có thể làm.
Đó là những lời chúc phúc an lành, có cả sự cầu mong cho một tình bạn giữa những con người và cho những vùng đất láng giềng hữu nghị. Để rồi, sau đó mọi người đổ cả ra đường…
Té nước cầu may
Đất nước Lào rộng khoảng bằng 1/2 nước ta, nhưng dân số chỉ bằng khoảng 1/12. Hầu hết người dân quần cư suốt dọc các tuyến đường quốc lộ, trong những bản làng. Và suốt dọc đường hơn trăm cây số từ Sê Kông đến tỉnh Champasak, khắp cả thành phố Pakse, tôi chứng kiến một tết té nước – tên gọi khác của Bunpimay – đẫm ướt tình thân thiện con người. Mỗi bản làng đều có một ngôi chùa, cách nhau khoảng một vài kilômét, đó là nơi tụ hội té nước trên đường trước cổng chùa. Trẻ em, người lớn cầm ca, bình, vại, cả xô tạt nước vào nhau hớn hở. Có nơi người ta mang cả vòi nước chảy suốt để xịt liên tục cho nhanh. Trẻ em bắt đầu hiện đại hoá tết té nước bằng súng phun nước đủ cỡ lớn – nhỏ…
Đi té – hứng nước bằng xe bán tải. |
Lễ tắm tượng Phật trong chùa. |
Hứng nước phúc từ nước tắm tượng Phật. Ảnh: T.T.Thư |
Người dân tập trung về chùa làm lễ tắm tượng Phật, rước nước phúc. |
Ngang qua cao nguyên Boloven trải dài qua 3 tỉnh Sê Kông, Salavan và Chawmpasak, trời bỗng đổ mưa to. Niềm vui Bunpimay của người dân hạ Lào lên đến cực điểm bởi được trời té nước. Bua Phăn đùa: “Các anh sang đây phải nói là “vui như hội… nước”, mới đúng”. Và anh giải thích: “Người ta còn té nước vào các nhà sư, chùa và cây cối xung quanh chùa. Để tỏ lòng tôn kính, người trẻ tuổi té nước những người lớn tuổi để chúc sống lâu và thịnh vượng.
Bạn bè té nước vào nhau. Họ không chỉ té nước vào người mà còn vào nhà cửa, đồ thờ cúng, súc vật và công cụ sản xuất. Người Lào tin rằng nước sẽ giúp gột rửa điều xấu xa, bệnh tật và cầu chúc năm mới sống lâu, sạch sẽ và mạnh khoẻ. Ai bị ướt nhiều là hạnh phúc nhiều”. Kịp đến Pakse, từ đầu đường vào thành phố đã ướt đẫm nước trong ánh đèn điện sáng choang.
…Tôi kết thúc phóng sự này ngay trên xe ôtô, mong kịp ướt đầm đêm té nước ở thành phố lớn nhất hạ Lào, để ngày mai trực chỉ Viêngchăn, nghe Bua Phăn nói, Bunpimay ở thủ đô còn thấm đẫm hơn tình thân ái của con người đất nước láng giềng thân thiện này…
Theo Trương Tâm Thư laodongonline