Trang chủ Vấn đề hôm nay BTS GHPG TT-Huế tổ chức Lễ Tảo tháp Tổ sư Liễu Quán

BTS GHPG TT-Huế tổ chức Lễ Tảo tháp Tổ sư Liễu Quán

141
0

Tham dự có HT. Thích Huệ Ấn – Chứng minh BTS; HT. Thích Tánh Tịnh, HT. Thích Chơn Tế – Chứng minh BTS; HT.Thích Khế Chơn, Phó BTS, Trưởng Ban Hướng dẫn Nam Nữ Phật tử; HT. Thích Quang Nhuận, Trưởng ban hoằng pháp; HT. Thích Quán Chơn, Trưởng Ban Phật giáo Quốc tế, Chư tôn đức Tăng Ni các Ban đại diện các huyện trong tỉnh, Chư tôn đức Tăng Ni trên địa bàn tỉnh, Tăng Ni sinh Học viện PGVN taioj Huế, Trường trung cấp phật học Thừa Thiên Huế, Gia đình Phật tử Thừa Thiên Huế cùng đông đảo đồng bào Phật tử các giới đã về dự lễ.

Thiền sư Liễu Quán sinh vào giờ Thìn, ngày 13 tháng 11 năm đinh Mùi (1667) tại làng Bạc Mã, huyện đồng Xuân, tỉnh Phú Yên. Ngài sinh ra trong một gia đình bình dân, mồ côi mẹ từ thuở lên sáu. Năm 12 tuổi Ngài được thân phụ cho xuất gia với Hòa thượng Tế Viên chùa Hội Tôn. Xuất gia chưa được bao lâu thì bổn sư viên tịch, Ngài lặn lội ra xứ Thuận Hóa thọ học với Giác Phong Lão Tổ (chùa Báo Quốc). Sau đó Ngài trở về Phú Yên hằng ngày làm nghề đốn củi nuôi cha bị lâm trọng bệnh. Sau khi cha mất, năm Ất Hợi (1695), Ngài trở ra Thuận hóa thọ Sa-di với Hòa thượng Thạch Liêm và hai năm sau – tức năm đinh sửu (1697)- Ngài đã đăng đàn thọ Cụ túc giới.

Đến năm Kỷ mão (1699), Ngài bắt đầu tham lễ khắp chốn Thiền lâm và được Thiền sư Minh Hoằng Tử Dung (khai sơn chùa Từ Đàm) dạy tham công án "Vạn pháp quy nhất nhất quy hà xứ". Mùa xuân năm Mậu tý (1708), Ngài Hòa thượng Tử Dung ấn chứng.

Mùa xuân năm Nhâm dần (1722), Ngài lập thảo am Thiên Thai, tức Tổ đình Thiền Tôn ngày nay. Trong những năm Quý sửu (1733), Giáp dần (1734), Ât hợi (1735), Ngài khai liên tiếp bốn đại giới đàn theo lời thỉnh cầu của hàng xuất gia, của các quan viên hộ pháp cũng như thiện tín Phật tử gần xa. Năm Canh Thân (1740), sau khi truyền giới tại Giới đàn Long Hoa, Ngài đã trở về thảo am.

Đương thời Hiếu Minh vương Nguyễn Phúc Chu cảm phục đạo đức và danh tiếng của Ngài, muốn thỉnh Ngài vào cung, nhưng Ngài chỉ thích thanh tịnh, tự tại ở chốn Thiền lâm nên đã từ tạ lời thỉnh cầu mà không đến.

Ngoài thời gian tu luyện ở thảo am dưới chân núi Thiên Thai, Ngài còn khai sơn chùa Viên Thông, nơi đây vua quan và Phật tử thường tới lui học đạo. Mùa xuân năm Nhâm tuất (1742), Ngài chứng minh đại giới đàn tại chùa Viên Thông. đây là Phật sự tối hậu của cuộc đời Ngài.

Ngài viên tịch là vào trưa ngày 22 tháng 11 năm Nhâm tuất (1742) sau khi hội họp môn đồ lại để dạy bảo lần cuối cùng và phú kệ cho đồ chúng:

‘Thất thập dư niên thế giới trung, 
Không không sắc sắc diệc dung thông, 
Kim triêu nguyện mãn hoàn gia lý, 
Hà tất bôn man vấn Tổ tông’. 
(Ngoài bảy mươi năm trong thế giới, 
Không không sắc sắc thảy dung thông, 
Ngày nay nguyện mãn về quê cũ, 
Nào phải ân cần hỏi Tổ tông?’ 

Niên hiệu Cảnh Hưng thứ 3, chúa Nguyễn bấy giờ ban thụy hiệu là ‘Chánh Giác Viên Ngộ Hòa thượng’. Ngài thọ 76 tuổi đời và 45 tuổi hạ. đệ tử xuất gia danh tiếng có 49 vị và rất đông đệ tử tại gia. Tang lễ của Ngài được tổ chức suốt gần 3 tháng, đến ngày 19 tháng 2 năm Quý hợi mới cung nghinh kim quan của Ngài an táng và được triều thần tôn tạo ngôi bảo tháp hùng vĩ hiện nay.

Thiền sư Liễu Quán thuộc đời thứ 35 của thiền phái Lâm Tế và là Sơ tổ của dòng Thiền Liễu Quán với dòng kệ truyền thừa do Ngài biệt xuất: "Thiệt Tế Đại Đạo, Tánh Hải Thanh Trừng, Tâm Nguyên Quảng Nhuận, Đức Bổn Từ Phong…". Hiện nay dòng kệ của Ngài đã truyền đến chữ Bổn, tức đã truyền được 14 đời.

Với tinh thần hướng về chốn Tổ, báo Phật ân đức, hằng năm cứ đến gần ngày húy nhật Tổ Sư Liễu Quán Ban Trị sự cùng môn phái Tổ Đình Thiền Tôn long trong tổ chức tảo tháp của Ngài.
 

M.N

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here