Trang chủ Phật giáo khắp nơi Phật giáo thế giới Borobudur ngôi đền Phật giáo lớn nhất thế giới

Borobudur ngôi đền Phật giáo lớn nhất thế giới

150
0

Borobudur được xây dựng trên một mặt bằng hình vuông rộng 2 500 m², theo mô hình của một Mạn-đà-la, tức sơ đồ về khái niệm vũ trụ của Phật giáo Tây tạng. Công trình gồm có năm tầng thềm hình vuông, tiếp theo là ba tầng thềm hình tròn và trên cùng là một bảo tháp lớn (stupa), tất cả cao 43 m. Nhìn từ xa, ngôi đền giống như một ngọn đồi hay một kim tự tháp với nhiều tượng Phật và bảo tháp, công trình hoàn toàn được xây dựng và tạc bằng một loại đá núi lửa màu xám khai thác trên đảo Java.

Chữ « Borobopdur » có nghĩa là « Ngôi đền trên đỉnh đồi », ghép từ hai chữ tiếng Phạn là baram và buduhur, baram có nghĩa là đền chùa, buduhur có nghĩa là trên cao. Nhưng thật ra tên gốc là « Bhumisan barabadura », hai chữ này có nghĩa là « Ngọn núi của vô lượng đạo hạnh », ý nghĩa của tên nguyên thủy phù hợp hơn với hình dáng như một quả núi của ngôi đền.

Vài nét lịch sử 

Vào đầu thế kỷ thứ VIII, hoàng triều Sanjaya theo Ấn giáo và thờ thần Shiva, đóng đô ở vùng Bắc trung tâm Đảo Java. Một hoàng thân người Kampuchia được hoàng triều này che chở, nhưng sau đó ông trở về Kampuchia vào năm 802 và lên ngôi vua, lấy vương hiệu là Jayavarman II. Có thể chính ông đã đem theo về nước dự án đầu tiên của Borobudur, vì người ta tìm thấy trên đất Kampuchia một ngôi đền nhỏ xây bằng gạch hình tháp tương tợ với mô hình của Borobudur. Vì thế các nhà khảo cổ nghĩ rằng phần nền của Borobudur do hoàng triều Sanjaya khởi công để xây dựng một ngôi đền Ấn giáo, nhưng bỏ dở. Ngoài ra, các công trình khảo cổ khác cũng phát hiện gần Borobudur một số di tích thuộc hoàng triều Sanjaya vào thời đó. Vì vậy người ta càng tin hơn là ngôi đền lúc khởi công rất có thể là một kiến trúc Ấn giáo.

Sau đó vào giữa thế kỷ thứ VIII, một hoàng triều thứ hai là Saïlandra thiết lập kinh đô trên phần đất phía Nam của trung tâm Java, hoàng triều này theo Phật giáo và đã từng xây cất nhiều ngôi đền nổi tiếng khác, trong số đó có ngôi đền Candi Sewu. Dưới triều đại Saïlandra Phật giáo bành trướng nhanh chóng trên đảo Java, vì thế việc xây dựng một ngôi đền Phật giáo lên trên một công trình Ấn giáo bỏ dở cũng có thể là cách chứng tỏ uy thế của hoàng triều Saïlandra. Công trình được khởi công khoảng năm 795, nhưng trong khi xây cất, những người thực hiện công trình lại quyết định sửa đổi và bỏ bớt trang trí các tầng trên trong mục đích tạo cho phần đỉnh của công trình những nét đơn giản, thanh thoát và nhẹ nhàng hơn so với phần dưới, phần nền thì mở rộng thêm cho có vẽ vững chắc và đồ sộ bằng một bức tường đá chạm trổ bao quanh.

Trong khi hoàng triều Saïlandra dồn nổ lực xây cất và hoàn thành Borobudur thì hoàng triều Sanjaya đóng đô ở phía Bắc phục hồi được quyền lực và uy thế, thống nhất lãnh thổ vào năm 832. Nhờ sự khích lệ mạnh mẽ về văn hoá của Ấn độ, hoàng triều Sanjaya chiếm lại Borobudur, nhưng không tàn phá công trình này, chỉ xây lại cửa cổng và cho khắc thêm một số tượng nổi. Sự kiện này cho thấy tinh thần rộng rãi của Ấn giáo thời bấy giờ.

Năm 850 có thể xem là năm hoàn thành Borobudur, tuy thế thỉnh thoảng vẫn thấy có những công trình bảo trì và sửa đổi cho hoàn thiện hơn. Nhưng vào khoảng đầu thế kỷ XIII, từ khi những người buôn bán Á rập  theo đường hàng hải đưa Hồi giáo vào Inđônêxia, Borobodur trở nên hoang tàn. Chỉ trong vòng hai trăm năm, cả quần đảo Inđônêxia gần như hoàn toàn bị Hồi giáo hoá. Hồi giáo bành trướng nhanh chóng là do các nhà truyền giáo Á rập rất tích cực, các vị vua địa phương theo Hồi giáo dùng áp lực chính trị để huấn dụ và cải đạo dân chúng. Vào thế kỷ XV, các nhà truyền giáo Ki-tô người Bồ đào nha xâm nhập vào Inđônêxia, người dân lại càng trở nên nhiệt tình hơn với Hồi giáo, có thể đó cũng là những phản ứng tự nhiên trước bóng dáng của một tín ngưỡng mới. 

Sau người Bồ đào nha là người Anh và người Hoà lan xâm nhập vào Inđônêxia. Vị toàn quyền người Anh trên đảo Java là Sir Stamford Raffles khi đi kinh lý trong vùng, dân chúng nơi đây chỉ cho ông di tích hoang tàn của Borobudur. Ông biết ngay đó là một kỳ quan khác thường và nhờ một chuyên gia người Hoà lan là Cornelius đo đạc và vẽ địa hình hình. Vào cuối thế kỹ XIX sang đầu thế kỷ XX, người Hoà lan ra công khai phá cây rừng, trùng tu Borobudur dưới sự điều khiển của ông Theodore van Erp. Sau chiến tranh thứ hai, Inđônêxia ý thức được tầm quan trọng của Borobudur liền mời nhiều nhà khảo cổ trên thế giới đến xem, đồng thời yêu cầu UNESCO giúp sức để trùng tu. Một chương trình cấp thời vào năm 1948 do Liên Hiệp Quốc đưa ra đã giúp cho Borobudur thoát khỏi cảnh hoang tàn và quên lãng. Tiếp theo là một chương trình trùng tu rộng lớn hơn kéo dài từ 1973 đến 1982 do UNESCO đảm trách với sự hợp tác của 27 quốc gia trên thế giới đã hồi phục cho Borobudur. Chương trình trùng tu tốn 17 triệu đô-la thời bấy giờ, hai phần ba số tiền này do quốc gia Inđônêxia đóng góp. 
 

Ý nghĩa của kiến trúc Borobudur

Borobudur  tổng cộng có 1460 tấm tranh điêu khắc và tạc nổi trên mặt đá, trình bày các cảnh tượng của Tam giới, kể lại các gương sáng của những vị Bồ-tát, cuộc đời và những tiền thân của Đức Phật và sau hết là các câu chuyện về Đạo Pháp mô tả trong kinh sách. Ngoài những cảnh tượng điểu khắc, còn có 1212 trang trí khác tạc trên đá. Nếu xếp các cảnh điêu khắc thành hàng thẳng sẽ có một chiều dài 5 km. Kiến trúc tổng quát của ngôi đền có thể chia làm ba phần từ thấp lên cao, tượng trưng cho ba cảnh giới của Ta-bà : các tầng thấp nhất là Dục giới, tiếp theo là Sắc giới và những tầng trên hết là Vô sắc giới.

Viếng Borobudur bắt đầu từ cổng phía Đông, đi theo chiều kim đồng hồ, mỗi tầng đều có bậc thang để trèo lên tầng cao hơn, hết tầng này đến tầng khác. Trên vách đá hiện ra các cảnh tượng điêu khắc của Dục giới, phô bày những cảnh tượng của thế giới tham dục (kamadhatu), gồm đủ loại chúng sinh như quỷ đói, súc sinh, loài người, các cảnh tượng tham lam, những xung năng thấp kém, tham dục và hận thù, tiếp theo là cảnh tượng của Sắc giới gồm những bậc thánh nhân, và sau hết là các thiên nhân thuộc Vô sắc giới. Những tầng cao hơn hết kể lại sư tích tiền thân của Đức Phật trong nhiều kiếp trước, sau đó là ngày đản sanh ở Ca-tỳ-la-vệ, ngày Đức Phật từ bỏ cung điện đi tìm đạo, ngày đạt được Giác ngộ ở Chính giác sơn, ngày chuyển Pháp luân lần đầu ở vườn Lộc uyển…

Bên trên năm tầng hình vuông là ba tầng hình tròn với các bảo tháp đục rỗng, trong mỗi bảo tháp là một tượng Phật trong tư thế thiền định. Tầng thứ nhất có 32 bảo tháp, tầng thứ hai có 24 và tầng thứ ba có 16 bảo tháp. Trung tâm của tầng thứ ba là một bảo tháp lớn nhất với đường kính 15m, và cũng là đỉnh cao nhất của kỳ quan Borobodur. Bảo tháp này hoàn toàn trống không, không tượng Phật cũng không có một trang trí nào khác, sự trống không tượng trưng cho tánh Không và sự Giác ngộ, vì thể phần đỉnh của công trình củng có thể xem như một sự biểu hiện của cõi Niết bàn. Điều đáng chú ý là trang trí của các tầng hình vuông hết sức phong phú và tinh xảo với hàng ngàn cảnh tượng tạc nổi trong đá, nhưng bổng nhiên không còn thấy một điêu khắc nào nữa khi trèo lên các tầng hình tròn, sự đơn giản hiện ra một cách lạ lùng. Nơi đây bàng bạc sự trong sáng và tinh khiết của thể dạng « vô hình tướng », tượng trưng cho sự tĩnh lặng của tâm thức. 

Lúc hoàn thành Borobodur có 602 pho tượng Phật, nhưng một số đã bị mất cắp, ngày nay còn 504, một số bị lấy mất phần đầu. Ngoài các tượng Phật đặt ở các góc, hầu hết các tượng Phật thuộc những tầng bên dưới được đặt trong các hóc thụt sâu trong tường, nhưng trên ba tầng cuối cùng các tượng Phật được đặt bên trong các bảo tháp đục rỗng như vừa kể trên đây. Vào thời kỳ xây dựng Borobudur, học phái Ngũ Phật thuộc Kim cương thừa Tây tạng phát triển rất mạnh mẽ, học phái này thờ năm vị Phật là : Tì-lô Giá-na (Mahavairocana), A-súc (Akyobhya), Bảo sinh (Ratnasambhava), A-di-đà (Amitabha), Bất không Thành tựu (Amoghasiddi). Theo như Mạn-đồ-la của Mật giáo thuộc Kim cương thừa, vị Phật Tì-lô Giá-na, còn gọi là Đại nhật Như lai Phật ngự ở trung tâm, bốn vị Phật còn lại ngự ở bốn góc. Tại  Borobudur, người ta thấy Phật A-di-đà được đặt vào hướng Tây, phía Đông là Phật A-súc, phía Nam là Phật Bảo sinh, phía Bắc là Phật Bất không Thành tựu. Trên tầng cao nhất của Borobodur là Phật Tì-lô Giá-na.

Một vài cảm nghĩ thay cho lời kết

Borobodur chẳng những là một kỳ quan đồ sộ mà còn là những trang kinh sách vĩ đại tạc trên đá diễn tả khái niệm về vũ trụ, thế giới của chúng sinh, cuộc đời của Đức Phật, giáo lý của Ngài và cuối cùng là sự Giác ngộ và Giải thoát. Giác ngộ, Giải thoát và Niết bàn là những gì hết sức cao siêu và trừu tượng nhưng đã được diễn tả bằng kiến trúc một cách tuyệt vời.

Cách nay khá lâu sau khi được UNESCO trùng tu, Borobodur vẫn còn nằm trong quên lãng và thờ ơ của người dân Inđônêxia và cả thế giới. Trong nhiều năm đầu tiên khi Borobudur mới được trùng tu xong, người ta có thể thuê xe ôm, xe ba bánh tuk tuk từ Yoyakarta để đến viếng Borobodur, và có thể ở lại với Borobudur cả ngày trong vắng vẻ không một bóng người, để ngắm một cách thanh thản những cảnh tượng của thế giới tham dục và sau cùng trèo lên cảnh giới của Niết bàn, nhìn ra phong cảnh xanh tươi và bát ngát chung quanh. Ngày nay, du khách tấp nập phải mua vé để vào, những tấm bảng chỉ « lối ra » thật sự là để đánh lừa người hành hương lọt vào khu buôn bán tượng Phật, tràng hạt, và những đồ lưu niệm khác. 

Phật giáo Nam tông được truyền vào Inđônêxia vào năm 600 đúng vào thời đại của hoàng triều Srivijaya trên đảo Sumatra, và không lâu sau đó Phật giáo Bắc tông cũng du nhập vào đây. Hoàng triều Srivijaya theo Phât giáo và rất hùng cường, quản lý cả Mã lai, đảo Java và Borneo. Vì thế Phật giáo từ Sumatra đã lan tràn sang các nơi vừa kể. Con đường biển giúp các nhà sư truyền giáo từ Ấn độ đến Trung quốc và những người hành hương từ Trung quốc đến Ấn độ đi ngang bờ biển đảo Sumatra, vì thế Sumatra đã trở thành trạm dừng chân trên con đường vạn dặm này. Hoàng triều Srivijaya bang giao thân thiện với Trung quốc cũng là một điểm thuận lợi khác khuyến khích Phật tử Trung quốc đến hành hương và tu học ở Sumatra. 

Một vị cao tăng Trung quốc là Pháp Hiền (320? – 420?) đã từng ghé vào Inđônêxia trên đường từ Ấn độ trở về Trung quốc. Ông đi đường bộ từ Trường an vòng sang vùng Cận  đông để đến Ấn độ tu học trong nhiều năm, lúc ấy ông đã sáu mươi tuổi. Vào năm 410 ông dùng đường biển để đi Tích lan, Sumatra và Java, nơi nào ông cũng lưu lại ít lâu trước khi trờ về Trung quốc vào năm 412. Một cao tăng Trung quốc khác là Nghĩa Tịnh (635-713), dùng đường biển đi Ấn độ để tu học, ông ghé vào đảo Sumatra vào năm 673 và hết sức ngạc nhiên khi gặp trên đảo hàng ngàn nhà sư đồng hương với ông đang học tiếng Phạn, tu tập và nghiên cứu kinh điển Phật giáo ở đây. Riêng ông thì rời Sumatra để đến Tu viện Đại học Nalanda ở Ấn độ và tu học trong 20 năm liền. Khi trở về Trung quốc ông trở thành một trong những nhà dịch thuật kinh sách nổi tiếng.

Một đại sư người Ấn là A-ti-sa (980-1054), đã từng đến Sumatra cùng với hơn 100 đệ tử, riêng ông đã tu học trong suốt mười hai năm với một vị thầy tên là Dharmarakshita, tên tiếng Tây tạng là  Serlingpa Tchokyi Drakpa. Năm 1025, ông quay trở về Ấn độ, nhưng vào lúc đó Phật giáo ở Ấn đã suy vi, Nhà vua Tây tạng là Gougué Tchangchoup Ö và cả nhà dịch thuật nổi danh của Tây tạng thời bấy giờ là Rhinchen Zangpo cùng tỏ ý mới ông lên Tây tạng để giảng Pháp. Ông nhận lời và đến Tây tạng vào năm 1042 cùng với hai mươi bốn đệ tử. Ông là người đã giữ vai trò chính trong việc du nhập và phát triển Phật giáo lần thứ hai trên đất nước Tây tạng.

Từng là một trung tâm Phật giáo lớn của Á châu, nhưng Inđônêxia đã trở thành một nước Hồi giáo từ đầu thế kỷ XIII. Hai trăm năm sau khi được xây cất, Borobodur rơi vào cảnh hoang tàn ; cây rừng, gió mùa và mưa nhiệt đới gặm mòn và tàn phá Borobudur suốt một ngàn năm cho đến khi được trùng tu trong thời đại chúng ta. Đồng thời với việc trùng tu Borobudur, hình như Phật giáo Inđônêxia cũng đang hồi sinh, giống như trường hợp của Phật giáo tại một vài quốc gia khác trên địa cầu này. Ngoài Á châu, Phật giáo cũng bắt đầu thu hút người Tây phương, các nước thuộc Trung và Nam Mỹ ngày nay cũng có hội thiền và chùa Tây tạng. 

Tất cả những đổi thay đó, những thăng trầm đó, chẳng qua cũng chỉ là những biểu hiện do sự vận hành của nguyên lý vô thường trong vũ trụ mà thôi, ta cũng không nên bám víu vào đó để xem đấy là một việc đáng buồn hay một niềm hy vọng. Buồn vui, hy vọng hay ước mong cũng chỉ là những bám víu. Tượng Phật khổng lồ ở Bamiyan thuộc A-phú-hãn bị đặt mìn và phá hũy trước sự chứng kiến và bất lực của cả thế giới, và trong trường hợp khác, Borobudur lại được trùng tu một cách tuyệt vời. Tất cả đều là những biến cố không nhất thiết liên quan mật thiết đến một tôn giáo nào cả mà đấy chỉ là những biểu hiện của vô thường, của quy luật tương liên, tương tác trong vũ trụ. Tôn giáo phải giữ những vai trò thiết thực hơn như thế.

Nếu hiểu rằng Phật giáo là một tôn giáo giúp con người loại bỏ khổ đau để mưu cầu hạnh phúc, thì khi nào khổ đau vẫn còn trong thế giới này, Phật giáo sẽ chưa bị hũy diệt. Nếu hiểu rằng Phật giáo là một tôn giáo giúp con người xoá bỏ vô minh để tìm lấy con đường giải thoát và sự tự do đích thực cho chính mình, thì khi nào thế giới này vẫn còn u mê, hận thù và bao lực, Phật giáo sẽ vẫn còn trường tồn để giúp đỡ con người. 

Từ ngàn năm, những pho tượng Phật của Borobodur ngồi im với cây cỏ và muôn thú của rừng sâu, ngày nay vẫn ngồi im cho những người hành hương đến chiêm bái và du khách ngắm nhìn một cách tò mò. Dù sao, nơi ngôi đền Borobudur, gương mặt của những pho tượng vẫn hiền hoà, vẫn sâu thẳm và phẳng lặng với thời gian. 

Bures-Sur-Yvette, 29.01.08
Hoang Phong (Theo Thuvienhoasen)

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here