Trang chủ Phật học Biểu tượng Thường Bất Khinh Bồ-tát trong kinh Pháp Hoa

Biểu tượng Thường Bất Khinh Bồ-tát trong kinh Pháp Hoa

161
0

Công hạnh của Thường Bất Khinh Bồ-tát tạo cho chúng ta một cảm giác mạnh mẽ về thể cách nhân tính hết sức gần gũi và thân thiện. Tại đây, đã khẳng định một vấn đề hết sức sống động đó là một người bình thường chỉ bằng cách tu hạnh tôn kính người khác, thể hiện sự tín thành của mình và cuối cùng đạt được tính chất hoàn hảo.

Qua Thường Bất Khinh chúng ta tiếp cận qua bốn mặt đó là: Tín, Trí, Hạnh và Quả.

Đối với Tín: Thường Bất Khinh Bồ-tát có niềm tin tưởng một cách sâu xa và vững chãi rằng: “Chính mình và hết thảy chúng sanh đều có Phật tính và đều có khả năng thành Phật”.

Đối với Trí: Vị Bồ Tát biết một cách như thật rằng: “Phật tính nơi bản thân mình và hết thảy chúng sanh đều có sẵn và không hề sinh diệt”.

Đối với Hạnh: Do có niềm tin và trí tuệ như vậy, nên Thường Bất Khinh Bồ-tát mới khởi lên hạnh nguyện rằng, dù bất cứ lúc nào, bất cứ ở đâu và bất cứ gặp ai, cũng đều lễ bái, ca ngợi và nói như sau: “Tôi kính trọng quý vị một cách sâu xa, không dám khinh thường, tại sao, vì quý vị là những người đang hành Bồ tát đạo, sẽ được làm Phật”.

Hạnh mà Bồ-tát Thường Bất Kinh làm đó là Bồ-tát hạnh. Theo Hoà thượng Thiện Siêu, Thường Bất Khinh Bồ-tát chỉ làm công việc là gặp ai cũng chỉ nói một câu “Tôi không dám khinh quý ngài, vì tương lai quý ngài sẽ làm Phật”, ngài nói với sự tín thành, kiên trì nhẫn nại như thế cũng đã toát lên trọn vẹn ý nghĩa của Bồ-tát hạnh.

Trong việc làm đơn giản đó, tuy nhiên cần phải có một lòng tin mãnh liệt rằng “Tất cả chúng sanh đều là Phật” thì mới làm nổi. Lòng tin đó nếu không có trí tuệ của Bồ-tát thì không thể có được. Đó là Bát-nhã Ba-la-mật. Ngài đã làm việc ấy không phải một hai lần mà làm thường xuyên, không phải đối với một hai người mà đối với tất cả mọi người, đó là Tinh tấn Ba-la-mật. Trong khi ngài làm như vậy, có người nghe hoan hỉ, vì cho đó là lời chúc tụng giá trị nhất; cũng có người nổi sân vì cho ngài chọc tức mình nên xua đuổi đánh đập. Vậy mà ngài vẫn giữ một thái độ bình thản đối với cả ba hạng người ấy, đó là Nhẫn nhục Ba-la-mật. Ngài nói câu nói ấy với lòng kính cẩn tập trung chứ không phải cuồng loạn hời hợt, hình thức đó là Thiền định Ba-la-mật.

Đối với Quả: Do tín, trí và hạnh đối với kinh Pháp Hoa hay giáo lý Nhất Thừa như vậy, nên sau khi đời sống kết thúc, Bồ-tát Thường Bất Khinh, đã gặp được và trải qua hai ngàn ức đức Phật cùng một danh hiệu Nhật Nguyệt Đăng Minh, sống ở trong giáo lý của các Đức Phật này, để hoằng truyền kinh Pháp Hoa. Và rồi Ngài cũng gặp hai ngàn ức đức Phật hiệu Vân Tự Tại Đăng Vương, và cũng sống trong giáo pháp của các Ngài này để hoằng truyền kinh Pháp Hoa và tiếp tục gặp ngàn vạn ức đức Phật nữa và ở trong giáo pháp của các Ngài này, mà hoằng truyền kinh Pháp Hoa, cho đến khi công đức hoàn thành và chứng đắc quả vị Tuệ giác vô thượng.

Biểu tượng về Bồ-tát Thường Bất Khinh còn mang ý nghĩa thâm sâu của triết thuyết “Đèn tuệ trao nhau” hay gọi là “Tục diệm truyền đăng” có công năng chuyển vận bánh xe pháp, làm lợi ích cuộc đời đến vô cùng tận trong tương lai: “Sau khi mạng chung, vị ấy gặp được hai ngàn ức đức Phật, tất cả đều cùng một hiệu là Nhật Nguyệt Đăng Minh, trong pháp của Chư Phật này, vị ấy giảng kinh Pháp Hoa”.

Nhật là mặt trời, nguyệt là mặt trăng, đăng là ngọn đèn. Phật tính của Bồ-tát Thường Bất Khinh lúc bấy giờ ban ngày được ôm ấp và soi chiếu bởi tuệ giác mặt trời, ban đêm được ôm ấp và soi chiếu bởi tuệ giác mặt trăng và trong nhà hay những nơi hóc hiểm được ôm ấp và soi chiếu bởi tuệ giác ánh đèn. Ngọn đèn trí tuệ sẽ được Thường Bất Khinh Bồ-tát tiếp nối, truyền trao để soi rọi cuộc đời.

Hạnh nguyện Thường Bất Khinh tràn đầy sự kính cẩn là một biểu tượng mang tính giáo dục khích lệ khuyến tấn hữu hiệu. Bất cứ một chúng sanh nào, dù kẻ đó là ác nhân đi nữa thì có lúc cũng còn một chút nhân tính. Hổ dữ không bao giờ ăn thịt con; kẻ sát nhân cũng có lúc nô đùa với con trẻ trong vòng tay âu yếm của mình. Một chút nhân tính ấy chính là hạt giống của Phật tính. Hạt giống bồ đề, hay Phật tính hết thảy chúng sanh đều có, nhưng đã bị chôn vùi sâu dưới những lớp vô minh tà kiến. Hạt giống ấy, nơi Bồ Tát Thường Bất Khinh đã trỗi dậy trong thời đại của Phật Oai Âm Vương và đã được nuôi dưỡng từ chất liệu chúa tể của âm thanh oai hùng, qua đức tính nhẫn nhục và tinh cần.

Bồ-tát Thường Bất Kinh thấy rõ ràng vấn đề này, nên cố tìm thấy khe hở của tâm thức và khơi dậy làm bùng lên đốm Phật tính vốn đã bị che mờ từ lâu. Làm việc Bất Khinh ấy được thực hiện một cách bền bỉ với lòng thành khẩn, tất nhiên sẽ có tác động vào trong tâm thức và làm cho họ tự nhận biết rằng mình cũng có nhân tính, Phật tính ấy. Giáo dục bằng cách khen ngợi khích lệ động viên hiệu quả hơn là giáo dục bằng trừng phạt. Giáo dục khen ngợi là giáo dục soi sáng theo hướng trực tiếp. Hẳn nhiên, chúng ta phải hiểu rằng khen ngợi nhưng đừng cưng chiều, vì cưng chiều thì sẽ nảy sinh tâm ỷ lại. Thường Bất Khinh Bồ-tát nói và hành động là nhất như nên khiến người nghe có khả năng thông hội và tin hiểu được giác tính của mình để rồi phát huy giác tính ấy. Do vậy, bất cứ việc làm gì mà xuất phát từ thật tâm thì hiệu quả đem đến là rất cao. Nhất là vấn đề tôn trọng mình và tôn trọng người khác.

Thành ra, “chúng ta làm sao biến Bồ-tát Thường Bất Khinh ở trong kinh Pháp Hoa, thành Bồ-tát Thường Bất Khinh ở trong đời sống, để chúng ta không bị lung lay về đức tin, nghèo nàn về tuệ giác, bạc nhược về ý chí, cạn cợt về thương yêu, sơ suất trong hành xử và để cho đời sống của chúng ta, cũng như thời đại của chúng ta, sông hận lắng yên, lửa hận tắt ngúm, khói hận trở thành mây lành, mọi hành xử của chúng ta không bị rơi vào ngõ cụt, mà cùng nhau sống trong tính thể bất khinh, hòa điệu và sáng đẹp vô ngần”.

N.T

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here