Trang chủ Tài liệu - Thư viện - Phim Phật giáo Biết sống

Biết sống

259
0

Nhưng sống, không phải một ý nghĩa giống nhau, thường tuỳ theo trường hợp, hoàn cảnh mà biến nghĩa chữ sống ra nhiều loại. Ví dụ: gặp hoàn cảnh đau khổ, người ta cho sống là bị sống, nếu chết được thì phước ba đời. Bởi thế có nhiều người tìm cách rút ngắn thời gian bằng lối quyên sinh, nếu không thì cũng sống vơ, sốngvẩn, sống dật dờ, sống tối tăm.

Trái lại gặp hoàn cảnh đắc thời, người ta cho sống là được sống, rủi chết thì oan uổng quá, nên họ lật đật cướp gấp thời gian, để sống mau, sống hồ bằng cách ăn chơi trác tán, dục lạc xa hoa.

Ngoài hai loại sống: bị sống và được sốngtrên, còn một loại nữa là “biết sống”.Vậy thế nào là biết sống? – tôi xin thưa: biết sống là người biết hướng nội tâm, sống với nội tâm nhiều hơn ỷ lại hoàn cảnh, cho nên họ có thể chuyển được hoàn cảnh đau khổ hiện tại thành an vui thanh thái. Thật mà, không tin bạn hãy đi với tôi đến thăm một người biết sống.

– Chị! Con nhà thế phiệt, có học thức, sanh trong một gia đình Phật hoá gương mẫu.

Ngày tôi còn ở nhà (chưa xuất gia) chị với tôi tuy không tâm giao chi lắm, nhưng cũng nhiều lúc chia vui, xẻ buồn.

Trong tám món khổ(1) chính nghĩa đức Phật dạy, một mình chị côm lam lãnh hết hai rồi. Nghĩa là khi chị lập gia đình chừng 5, 6 tháng, thì anh ấy sang Pháp học. Giọt lệ chia ly gia đình chưa ráo, chị lại sụt sùi tiễn chồng đi xa, để rồi trở về cung phụng một bà mẹ chồng với 9, 10 Mụ O, Ông Chú. Bà cụ mẹ chồng kể ra cũng phước đức đấy, nhưng hai dòng tư tưởng trẻ già khó gặp nhau, nên tuy không cay nghiệt lắm, mà vẫn hay khó chịu.

Một hôm tôi đến chơi với chị, xớ rớ lại gặp bà cụ, bà đương rầy chị dữ dội, may có tôi vào chị được giải vây, – Không định đến chơi với cụ, rũi gặp, nên tôi cũng vọng ngữ sơ sơ: Bẩm, mạ cháu cho qua qua hầu thăm bác, và hỏi thăm anh cả bên Pháp kỳ thi này ra sao? Bà cụ cám ơn cám nghĩa hẳn hoi, ngồi hầu bà cụ một chút rồi may sao cụ sửa soạn đi. Tôi chào cụ ra về, hai xe cùng đi, nhưng xe cụ chạy thẳng, còn xe tôi nghẹo lại ngã sau, vì tôi định trở vào an ủi bạn một chút. Tôi nghĩ bà cụ đi rồi, chắc bạn tôi hiện đương nằm úp mặt xuống gối mà khóc nức nở cho vơi bớt niềm tủi nhục. Nhưng tôi rất ngạc nhiên, vì khi vào thì thấy chị đương đứng sờ sờ dưới bếp. Thấy tôi chị cũng ngạc nhiên, rồi vẫn cái vẻ khôi hài duyên dáng mọi ngày.

– Ủa, em tưởng chị về rồi, té ra còn luân hồi đó à?

– Vâng cũng tính đi thẳng, nhưng thấy chúng sanh còn khổ nên phải luân hồi để độ chúng sanh cái đã.

– Chà oai chưa? Nói cả giọng Bồ Tát, rứa mà không tu cũng uổng,

– Chị đi tu chắc thành Bồ Tát liền. Thôi mời Bồ Tát lên đây với em.

Hai đứa tôi vào phòng, chị đóng cửa lại. Tôi định bụng trở lui để an ủi bạn, song thấy chị không buồn chi cả nên tôi khen đức tánh nhẫn nại của chị thật tình.

Chị cười rồi moi trong túi một mảnh giấy: chị ơi! Đây là bí quyết nhẫn nại của em, – mới thấy tôi tưởng là thư của chồng chị, không thì một bài chú tiêu tai giải ách chi, té ra là một bài thơ tứ tuyệt nóng hổi. Thế rồi chị giải thích: Mẹ em tiếng rứa mà vô tâm địa chị ơi! Nên mình biết ý, khi mô bà cụ rầy thì em cứ đứng cúi đầu làm thinh. Rồi chị biết em làm chi? Em làm thơ chị ạ, đây là bà cụ mới bắt đầu quở thì chị vào, nên em chỉ làm tứ tuyệt, còn những khi quở hàng mấy giờ thì em làm thơ “ bác cú”hoặc “trường thiên’’ rồi mình ham lo niêm luật của mình, bà cụ nói chi mình có nghe mô. Rứa khoẻ chị ơi! Ngày vui rồi cũng qua, ngày buồn cũng hết, mình là Phật tử phải biết tìm một lối sống thoát hơn. Nghĩa là phải sống với “nội tâm” nhiều hơn sống với “ ngoại cảnh” phải không chị? – Rồi nhờ thế, chị được tiếng là nhẫn nại, không hề cải lẫy, nên lâu bà cũng thương, nhất là chị được thiện cảm với một đàn em chồng hau hau, hiện giờ chị hoàn toàn sung sướng.

Và bạn ơi! Lại đây thăm một người thiếu phụ nữa, cũng là bạn trầm luân khổ hải cả. Thiếu phụ, hoa hậu một tỉnh, có học thức hẳn hoi, về làm dâu một gia đình sang quý, hiện thời, (1930) chị sanh một cháu trai, trong cảnh hạnh phúc êm ấm, thì bỗng đâu giông tố kéo đến ầm ầm, phủ lên đời chị một đám mây buồn dày đặc. Trong lúc chị mới có thai đứa con thứ hai, thì anh ấy đâm ra chơi bời , mê một cô nọ rồi bỏ chị, khi được sáu bảy tháng, anh ta nói với mẹ, đứa con ấy không phải là con anh. Tuy biết con ăn chơi, nhưng không tin con thì tin ai? Bà cụ sanh nghi ngờ, bà lạnh lùng với chị… người sốt rét nặng, bị nhốt trong phòng lạnh, tôi e cũng chưa thấm chi với cái lạnh lùng của bà mẹ chồng lúc ấy, than ôi! “ Thành sầu cao chất ngất muôn trượng, bể khổ mêng mông sóng ngập trời”. Ba lần chị toan mượn dòng nước sông Hương để rửa sạch tiền khiên, oan trái… đứng trên cầu Bạch Hổ, cứ mỗi khi sắp nhảy thì cái thai trong bụng lại cựa quậy như nhắc chị nhớ tình thiêng liêng làm mẹ, đức hy sinh của người đàn bà…rồi không chết. Chị thuê xe lên chùa sư nữ một buổi chiều mưa gió tơi bời. Nhìn người đàn bà thai nghén, sư cụ động lòng từ bi, dịu dàng khuyên dỗ chị và đề cao tinh thần tự lập của người … Được gặp các vị tu hành, chị cảm thấy lòng mình ấm lại, rồi nhờ đức của sư cụ và các bà sư nữ, giảng giải lần hồi chị cũng khuây khoả. Thêm vào đây, chị được thấy các vị tu hành còn non trẻ, họ không cần ỷ lại tình thương tạm bợ, mà họ vẫn sống, vẫn vui. Từ đấy chị hay lên chùa để vui với các ni cô. Một hôm nhân nói về nhân quả, chị chợt nhớ ra và thú thật: Ngày trước, anh ấy đi hỏi chị, chị chê anh ta kém học thức, đôi ba phen từ hôn, nhưng vì thân phụ chị là bạn thân với ông bố chồng nên chị đành chịu… Thế là chị bị quả báo hiện tiền (bị anh chê lại).

Được gần gũi với các Ni cô, chị thấy vui vui, rồi chị đổi hẳn chiều sống, chị vui vẻ vì chị thấy ngoài gia đình nhỏ hẹp  tầm thường còn có một gia đình thênh thang cao thươngh hơn. Chị sống cho con, sống cho cha mẹ, sống với đạo, tuy cảm tình đạm bạc mà lành mạnh chân thật. Cho đến ngày chị sanh đứa bé ra đời, nó đã minh oan cho chị, vì nó giống hệt bà cụ (bà nội). Khi bà cụ đến thăm, thấy cháu, bà khóc và hối hận vô cùng, thế là bà cụ trở lại thương chị. Rồi chồng chị cũng rất hối hận và trở về tha thiết xin lỗi. Chị vui vẻ giải thích: Tôi không giận cậu, tôi nói thật, nhưng tôi đã tìm được lối sống giải thoát hơn. Nhất là tôi không nỡ làm cho một người đàn bà khổ cái khổ của tôi đã từng chịu. Tôi nhờ biết Phật mới nên mới sống được đến ngày nay, và hiện giờ thì cậu đừng lo tôi đã sung sướng lắm, nếu cậu trở về với tôi, người bạn gái của tôi sẽ khổ như tôi đã khổ, nhưng họ không biết Phật thì họ sẽ chết như tôi chưa biết Phật. Vậy thật tình tôi tránh cho cậu khỏi tạo thêm một lần tội nữa, chớ tôi không giận, cậu cứ tin như vậy là được. Bây giờ thì chị cũng làm bà cụ rồi. Có con hiếu làm to, dâu hiền, cháu ngoan. Mỗi khi lên chùa bà thường nói với dâu con: Mẹ mà không nhờ biết Phật, không nhờ các bà đây thì mẹ chết bảy đời vương rồi, không thì cũng chết mòn, chết mỏi, chứ đâu còn đến ngày nay.

Những người biết sống như thế còn nhiều lắm, ở đây tôi chỉ kể sơ vài nhân vật đại diện để chúng ta thấy biết sống nghĩa là biết chuyển hoàn cảnh khổ đau hiện tại, thành an vui thanh thoát, biết sống với nội tâm nhiều, nên ít bị hoàn cảnh chi phối. Đừng nói chi xa, hoặc những nổi khổ thấm thía như trên, có nhiều trường hợp mới khổ hơi hơi mà đối với người biết Phật thì họ kêu trời, kêu đất om xòm. Như trước đây (chừng vài mươi năm) khi đạo Phật chưa phổ biến, người hiểu đạo còn lơ thơ… chẳng hạn như các bà bán hàng, lỡ gặp buổi chợ bán không được, họ ngồi khoanh tay rế, mặt chừ bự rồi kêu trời kêu đất. Không thì cũng dụm nhau đánh bài tới, tứ sắc, chờ ai đụng đến họ gắt như mắm mòi.

Thế mà hiện giờ,  (chắc các bạn còn thấy nhiều hơn tôi) hiện giờ, mấy chị bán hàng cũng gặp lúc ế chợ (còn ế hơn trước nhiều)  nhưng họ vẫn vui vẻ, lợi dụng thời giờ bán ế, họ xem sách học kinh. Khi bạn nghèo đến mua họ niềm nỡ đón tiếp, khi đo vải họ không ngừng ngại: Để em đo nới một chút, chị may cho rộng rãi; cân đường họ vui vẻ: Để cháu cân già một chút bác nấu cho ngọt… có nhiều bà chờ ế hàng, họ lên chùa thọ “Bát Quan Trai” hỏi họ vui vẻ: dạ, bán đắt thì kiếm tiền nuôi thân, bán ế thì niệm Phật nuôi thần (tinh thần) đàng nào cũng có lợi cả… thật họ biết sống quá.

Cho đến mấy bác xích lô có theo đạo Phật có vô khuôn hội, khi khách trả tiền xe, bác vui vẻ: Dạ ăn chung, tội riêng, ngày kiếm hai bữa đủ rồi, gian lận tội chết. Họ nói mà họ làm thật, nên bớt cái nạn nói ngược đòi thêm. Cho đến các chị hàng tôm, hàng cá có vô khuôn hội, họ cũng bớt nói lời thô tục, dữ dằn, thay vào niệm Phật, niệm kinh, họ nói nôm na với nhau: Chà! Vua Văn Vương ba mươi sáu tàng vàng, chết xuống âm phủ chẳng mang theo cái nào. Mình ăn ở hiền lành, gắng tu nhân tích đức, sống cực cực mà chết sướng…

Vậy người biết sống thường hướng về nội tâm nhiều, nên gặp cảnh buồn họ không quá bi quan, để đến nỗi sống dật dờ, sống đen tối, sống héo hắt, mà họ có đủ can đảm hoán cải cuộc đời đen tối đau khổ, thành sáng tươi vui vẻ.

Người biết sống, gặp cảnh đắc thắng họ không quá ồ ạt, kiêu căng, xa hoa, cầu kỳ, phách lối, nhưng họ khiêm tốn, nhã nhặn, thanh liêm. Người biết sống là người biết hướng về nội tâm nên họ thường bằng lòng cảnh hiện tại, không ao ước một tương lai quá mức mình. Biết sống là biết gò cương dục vọng lại, bằng lối tri túc, nên họ không than trời trách đất, họ không oán giận ai, và người biết sống lại là người vâng lời Phật dạy, họ thường nhớ ơn(2), chớ không niệm oán(3), họ là người ít tạo tội, hay nói đúng hơn là họ sợ tội, vì họ tin nhân quả, họ không dám gây oán, gây thù với ai, vì họ hiểu lý luân hồi.

Người biết sống là người luôn luôn tranh đấu với cõi lòng, để diệt trừ tận gốc tham, sân, si, tuy nhất thời chưa được, nhưng họ cố gắng, cố làm, nguyện làm cho kỳ được. Mỗi khi họ sân, si lỡ, thì họ khổ vô cùng, lương tâm trừng trị họ gắt gao, cho nên họ là người ưa chuộng hoà bình, họ tập hoà bình từ trong lòng, từ tự thân đến gia đình, xóm làng và xã hội… họ tìm mọi phương tiện để lợi người, lợi vật (bố thí phóng sanh) họ muốn làm lợi ích cho chúng sanh, tuỳ theo khả năng của họ…

Người biết sống là người biết sâu đạo Phật, thật lòng họ ưa vui cái vui của đồng loại, biết khổ cái khổ của chúng sanh.

Thế nên tôi dám chắc ai nỡ ghét người biết sống vậy. 

T.N.T.Q

 

 




(1) Sanh, lão, bệnh, tử, ái biệt ly, oán tắng hội, cầu bất đắc, ngũ ấm xí thạnh.

(2) Phật tử mỗi khi tụng Kinh xong thường hồi hướng công đức cho bốn ơn: Ơn Tam Bảo-ơn cha mẹ-ơn quốc gia xã hội-ơn chúng sanh.

(3) “Oan gia nghi giải, bất nghi kết” là khẩu hiệu của người Phật tử phải nhớ luôn luôn.


 

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here