Trang chủ Thiền môn xứ Huế Chùa -Tháp Bia chùa Huế

Bia chùa Huế

275
0

Ngày nay, khi đến thăm những ngôi chùa Huế, những ngôi tháp cổ ở Huế chúng ta rất dễ dàng nhận thấy những tấm bia rất cổ kính với nhiều kích cở khác nhau, viết bằng chữ Hán với nhiều nội dung khác nhau. Bia chùa Huế, chứa đựng nhiều giá trị bao gồm cả mỹ thuật điêu khắc trình bày ở bia, kiến trúc cấu tạo nhà bia, hàm lượng văn hóa lịch sử trong từng nội dung văn bia…

Bia chùa thì đa số nói về lịch sử chùa. Đặc trưng của loại này đều được viết và đem khắc sau khi chùa được trùng kiến, trùng tu. Điển hình như bia “Ngự Kiến Thiên Mụ Tự” (bia linh mụ) của chúa Nguyễn Phúc Chu viết năm 1714, chữ còn rất rõ, bia rất đẹp, hiện để ở trong nhà bi tại chùa Thiên Mụ. Bia “Ngự Chế Thiên Mụ Tự, Phước Duyên Bảo Tháp bi” của vua Thiệu Trị viết, khắc và dựng năm Thiệu Trị thứ 6 (1843), hiện còn trong nhà bia ở chùa Thiên Mụ; bia chùa Diệu Đế cũng do vua Thiệu Trị viết, hiện còn.. Bia “Ngự chế Thành Duyên tự chiêm lễ bát vận” của vua Minh Mạng viết năm Minh Mạng thứ 18 (1817), hiện còn ở chùa Thánh Duyên, núi Tuý Vân cũng được đặt trong một nhà bia rất đẹp. Bia chùa Diệu Đế “Ngự chế thi đề Diệu Đế tự” (1846) hiện đặt trong một nhà bia rất tốt trước sân chùa. Bia chùa Linh Quang “Linh Quang tự bi ký” (1902), bia chùa Kim Quang “Sắc tứ Kim Quang tự bi minh” (1908)

Bia chùa Diệu Đế

Văn bia nói về một vị Tổ hoặc một danh tăng người ta có thể gọi loại này là bia tháp. Như văn bia “Sắc tứ Hà trung tự, Hoá Bích Thiền sư tháp ký minh” do Đại Việt Quốc Vương Nguyễn Phúc Trú viết ban khắc theo niên hiệu vua Lê Bảo Thái, năm thứ 10, hiện còn ở lăng tháp Tổ Nguyên Thiều, tại ấp Thượng I, xã Thuỷ Xuân; bản trùng khắc do Hoà thượng Liễu Chơn Từ Hiếu thực hiện, ngày nay đang còn dựng ở phía phải sân trước chùa Quốc Ân. Văn bia “Sắc tứ Lâm Tế chánh tông đệ tam thập ngũ thế Liễu Quán, thuỵ Chánh Giác Viên Ngộ Hoà thượng”, do nhà sư Thiện Kế ở chùa Ôn Lăng Tang Liên, Trung Hoa soạn, khắc năm Cảnh Hưng thứ 9 (1748). Ngoài ra còn có nhiều bia loại này ở chùa Từ Hiếu, nói về Tổ Khai Sơn Nhất Định, các Hoà thượng danh Tăng như Hải Thuận, Hải Thiệu…

Văn bia khắc thơ do nhà vua ngự chế tức cảnh chùa, ngày lễ hội, tiếng chuông ngân, tiếng tụng kin. Như các bia sau đây của vua Thiệu Trị viết, sai khắc và dựng vào năm Thiệu Trị thứ 6: “Thiên Mụ chung thanh” ở chùa Thiên Mụ;  “Ngự ché thi đề Diệu Đế tự” ở chùa Diệu Đế, “Giác Hoàng phạn ngữ” ở chùa Giác Hoàng xưa, nay đã mất. “Linh quán Khánh vận” ở Linh Hựu Quán tại Tây Linh, nay đã mất. Chùa và bia hai nơi này tuy đã mất, nhưng thơ vãn còn trong tập “Ngự chế thi”.

I.NGƯỜI VIẾT BIA

Đọc văn bia chùa Huế, chúng tôi thấy người viết bia, thường là:

1.Vua chúa ngự bút: Văn bia loại này đều do các cháu Nguyễn, hoặc các vua triều Nguyễn đích thân viết, sai thợ khắc lên đá và dựng tại chùa. Văn bia laọi này thường có hai chữ “Ngự chế” đứng đầu bia, vị trí ở trên và trướng dòng thứ nhất, kể từ phải qua.

2. Các danh nho viết: Ngay trước, ở Huế, sự giao du giữa lớp nho sĩ trí thức và các tăng sĩ đã xuất gia ở các chùa Phật giáo rất là thanh thản, mật thiết. Do đó, mỗi khi trùng tu chùa xong, vị Hoà thượng trú trì thường mời một nhà nho giỏi Phật lý, viết cho bài văn bia, đem khắc để dựng tại chùa. Như bia chùa Tường Vân do Tuy Lý quận vương, một nhà thơ lớn dưới thời Tự Đức viết. Ông tên là Miên Trinh, con trai thứ 11 của vua Minh Mạng, đã qui y với ngài Tánh Hoạt Huệ Cảnh, sơ Tổ chùa Tường Vân, ông có pháp danh là Hải Tường, ngang với ngài Hải Toàn Linh Cơ. Khi ngài Hải Toàn Linh Cơ trùng kiến xong chùa Tường Vân, có mời Tuy Lý Vương viết văn bia. Bia hiện còn tại chùa Tường Vân. Văn bia chùa Thiên Hưng do Mai Sơn Nguyễn Thượng Hiền, nhà nho cách mạng, người Hà Nội viết. Nguyễn Thượng Hiền chính là ông nghè Liên Bạt, tuy đậu Tiến sĩ nhưng ông đã tham gia làm cách mạng với Phan Bội Châu, thường giao du mật thiết với các vị cao tăng ở Huế như Hoà thượng Huệ Pháp ở Thiên Hưng, Viên Thành Thượng Nhân ở chùa Tra Am… Sau qua Trung Quốc, tu ở chùa núi Hàng Châu, khi mất hoả táng, rải tro xuống sông Tiền Đường.  Văn bia “Tra Am Ký” khắc ở mặt trước tháp Viên Thành Thượng Nân khai sơn chùa Tra Am, do ông Mai Tu Nguyễn Cao Tiêu soạn. Ông này đậu Hội Nguyên tức là cử nhân thủ khao, làm quan đến chức Tham tá các vụ ở Huế. Sau đem gia đình và tự bản thân qui y Viên Thành Thượng Nhân tại chùa Tra Am. Dạng nhà nho viết bia chùa này còn rất nhiều: chùa Phổ Quang do Cúc Khuê Lâm mậu Thiếu Anh hiệu Giao Tiều soạn…

Bia chùa Đông Thuyền

3. Do một cao tăng viết: Bia Giáo thọ chùa Thiên Hưng là Hoà thượng Huệ Pháp do Viên Thành Thượng Nhân soạn vào ngày Phật đản năm Đinh Mão (1927). Bia Tăng Thống Thích Tịnh Khiết do Hoà thượng Trí Quang soạn, bia Tăng Thống Thích Giác Nhân do Hoà thượng Trí Thủ soạn. Bia của giảng sư Mật Khế lại do An Nam Phật Học hội soạn…

II. THỂ VĂN BIA

Dù cho ai viết thì lòng văn khắc ở bia chùa Huế vẫn có ba phần sau:

– Bên phải một dòng đề hiệu bia để cho người đọc biết đó là bia loại gì; trùng tu chùa hay tiểu sử một vị Tổ, một cao tăng đã tịch.
– Phần chính văn có hai phần nhỏ: văn trường hàng, viết theo thể tứ lục; một bài minh theo thể hành, thường gieo độc vận để tóm tắt ý trên, và nêu ý truyền đạo nêu là bia chùa; tám đạo phong của vị Tổ hay vị cao tăng đã viên tịch nếu là bia tháp.
– Phần cuối là vài dòng lạc khoản. Niên hiệu vua đương triều, ngày tháng tốt để soạn, khắc văn; tên người soạn và lập bia.

Cách viết văn bia chùa, tháp này đã làm cho thể loại văn này thêm phong phú và có thể gọi là văn học Phật giáo được.

Ngoài ra, bia chùa, bia tháp ở các chùa Huế còn góp phần mở rộng từ ngữ rất phong phú. Có loại từ khó hiểu vì ý mới lạ, hoặc âm tiếng Sanskrit. Như hai từ “cảm viên” (bia Nguyễn Phúc Chu ở chùa Thiên Mụ) chỉ nơi quê hương đức Phật, đất tại đó có bảy màu lóng lánh như hào quang đức Phật; từ “Tốt đỗ ba” ở bia Bảo Tháp Phước Duyên chùa Thiên Mụ. từ này âm từ Sanskrit của Ấn độ là Stupa chỉ ngội bảo tháp. Lại còn nhiều chữ đã trở thành phổ thông như: a-tăng-kỳ-kiếp, luân hồi, đạo pháp…

Hình thức chữ viết ở văn bia chùa Huế là lối chữ “chân” và chữ “triện”.

III.    CÁC YẾU TỐ KHÁC

Bia chùa Thiên Hưng

Từ văn bia khắc trên bia ở các chùa Huế, người ta có thể nghiên cứu rộng ra: tư tưởng Phật giáo fưới thời chùa Nguyễn, dưới thời các triều vua Nguyễn ở Huế; tư tưởng “tam giáo đồng qui”; tư tưởng của tác giả soạn lời văn bi; “văn tức là người”, nếu ta biết khai thác để giảng văn cho các lớp tăng sinh ở các trường Phật học thì điều này thể hiện rõ ràng hơn.

Ngoài văn chương, tôn giáo thì người ta còn thấy cả sử nữa. Vì tác giả viết văn bia có dính dáng đến lịch sử như Tuy Lý Quận Vương Miên Trình; như Mai Sơn Nguyễn Thượng Hiền chẳng hạn.

Đặc biệt là qua văn bia chùa Huế, người ta có thể thấy được nét đặc sắc riêng biệt của Phật giáo Huế là chỗ nào, lịch sử Phật giáo Huế đã phát triển thế nào.

Sau hết là ngoài những gì trong lòng văn khắc ở bia, thì những bia chùa Huế, người ta có thể còn nghiên cứu được một nét rất đặc sắc làm cho văn hoá Phú Xuân phong phú thêm: đó là nghệ thuật trình bày ở bia chùa. Rất nhiều hoa văn và mô-típ ước lệ được đem trình bày ở đây như: con rồng, mặt trời lửa, hoa sen, hình sen cánh phượng, hình các ấn triển vuông, tròn, thuẫn, chữ triện, chữ phù. Bia đứng trên lưng rùa lớn, bia đứng trên bệ đá chạm hình cái kỹ chân quỳ, hoặc giản dị hơn, chỉ một khối hình chữ nhật. Từ đó, người ta sẽ nghiên cứu thời đại ra đời của các hoa văn ấy, đem so sánh với các bia nơi khác như ở lăng vua, bia ở Văn Thánh để tìm ra nét đặc trưng của mỹ thuật Phật giáo Huế. Lại còn liên hệ đến kiến trúc, tức là nhà chứa bia nét mới lạ mà biết bao năm qua ta đã bỏ quên.

Tuy đây chỉ mới là những suy nghĩ tản mạn, song chúng tôi nghĩ đây có thể cũng là những gợi ý để chư vị tăng sinh tiếp tục nghiên cứu làm luận đề ra trường, sẽ góp phần không nhỏ cho văn hoá Phật giáo Huế vậy.

K.V

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here