Trang chủ Sáng tác - Nghệ thuật Bến cũ Văn Lâu tại Thùy Khương Trang

Bến cũ Văn Lâu tại Thùy Khương Trang

175
0

Buổi thơ nhạc “Lắng khúc tri âm” tại Thùy Khương Trang được anh chị Bá Thùy -Hỷ Khương tổ chức vào đầu xuân năm 1999 nhân dịp Thầy Trần Văn Khê về thăm Việt nam. Từ đó đến nay đã gần 7 năm. Ý định viết về buổi thơ nhạc ấy đã có ngay sau đó, nhưng lần lữa mãi vì ngại ngùng không dám viết những cảm tưởng sống thực của mình…

Thời gian không đợi ai, năm vị tham dự buổi ấy (“Ông Khai Trí”, nhà thơ nữ Vân Trang, nhà thơ Hải Phương, nghệ sĩ Minh Hiến, nhạc sĩ Ðinh Thìn) đã hóa ra thiên cổ, có lẽ họ cũng đã muốn biết tôi cảm, nghĩ gì trong hôm ấy…Sự thôi thúc viết hôm nay, xin để thân tặng người còn và tưởng niệm người mất.

Tôi gặp chị Hỷ Khương lần đầu tiên vào một buổi chiều ở Sài gòn trong quán cơm Huế Phú Xuân. Cuộc gặp tình cờ, không hình thức. Anh Trần Đình Sơn giới thiệu: “Đây là chị Hỷ Khương, con gái út cụ Ưng Bình Thúc Giạ.” Chị đến trong lúc chúng tôi đang thưởng thức món bánh bèo Huế. Tôi nghe lời giới thiệu với một chút lơ đãng, xa lạ, ghi nhận thoáng qua nét cười giản dị, hơi chút bẽn lẽn với núng hột gạo lún vội nơi má của chị, bắt tay chị vói qua bàn cơm, và mọi người ngồi xuống, chuyện trò không chủ đích. Khi sắp sửa chia tay nhau ra về, đứng trước cửa tiệm, trong ánh đèn đường vàng mờ, hơi nóng hâm hấp, tôi nhận ra dáng người đứng bên cạnh mình nhỏ nhắn trong bộ áo màu sẫm, khiêm tốn và đơn sơ, cung cách một phụ nữ Huế thuần hậu. Chị nắm cánh tay tôi ân cần: “Chiều mai có buổi họp thơ tại nhà chị mừng tái ngộ thầy Trần Văn Khê mới về, Kim Lan đến dự cho vui!”. Thấy tôi ngần ngừ, chị đưa tay vuốt vuốt lưng tôi và cười – lần này chị cười tròn đôi môi thân thiện hơn: “Kim Lan đến với Hoàng Anh nghe! Giấy mời chị không đem theo nhưng đã có Hoàng Anh dẫn Kim Lan đến, có nhiều nhà thơ, nhà văn, nhạc sĩ, vui lắm!” Tôi dạ dạ ngập ngừng không biết phải từ chối thế nào cho tiện. Trước khi lên xe chị còn nói với: “Ngày mai Kim Lan nhớ tới nghe!”.

Năm ấy 1999, vào tháng tư dương lịch, tôi vừa từ Huế trở lại Sài Gòn để chuẩn bị chuyến bay trở lại Munich. Ở Huế quen thói lần lữa, vào Sài gòn thường cận ngày đi, mọi vội vã dồn lại trong mấy mươi giờ ngắn ngủi nên nhận lời rồi mà tôi vẫn cứ lưỡng lự chưa biết có đi hay không… Vì còn bao việc phải làm mà thời giờ lại ít…

Huống chi vào thời điểm ấy tôi đang ở trong làn sóng khá nguy kịch của một thứ tuyệt vọng, một thứ chấn thương nội tâm đang gặm nhấm ngũ tạng lục phủ, tuy bề ngoài sắc diện vẫn bình thường. Quả tình dạo ấy ấy tôi đang ở trong giai đoạn khủng hoảng tinh thần nhiều cấp bậc.

Một là, năm ấy tôi đang tang mẹ. Chuyến về Huế vừa qua nhằm cúng lễ tiểu tường cho mẹ tôi. Từ ngày mẹ mất, tôi ở trong một tâm trạng khá bơ vơ, tâm lý giao động, xao xuyến, tình cảm dễ vỡ như lớp băng mỏng phủ trên mặt hồ nước mùa đông, chỉ một chút rạn nứt là hụt chân, là chới với, một tình trạng bất thường mà tôi không ngờ sẽ trải qua sau khi mất một người thân.

Tình trạng thứ hai có lẽ thường xảy ra nơi những người xa quê hương lâu ngày, mỗi năm một ít, sự cách biệt cứ chồng chất lên cho đến một lúc nào đó, quê nhà bỗng trở nên xa lạ, người trở về thấy mình là kẻ ngoại cuộc, kẻ lạ mặt với chính nơi chốn sinh thành, trong cách đi đứng, trong ngôn ngữ, trong nếp suy tư. Có một tác động ngược cho đến thời điểm ấy là càng trở về tìm lại, càng thấy mình xa với kỷ niệm, với vốn liếng văn hóa ngày ra đi mình đã đem theo. Nhìn bề ngoài, so với mọi người xa quê định cư ở phương tây, tôi vẫn còn Huế chay với đầu tóc bối đàng sau, vẫn còn rất “mệ” với áo dài kiểu Huế xưa, làm cho “người đời nay” thường ngạc nhiên ái ngại “răng vẫn còn xưa như rứa”. Nhưng trong tôi, tấm căn cước Việt Nam đang lung lay tận gốc, khổ hơn nữa, đang bị chính tôi chối từ. Tâm lý phản kháng, chống đối, chối từ tiếng mẹ nổi dậy trong kẻ lạ mặt với quê nhà trở nên một thứ tâm bệnh âm thầm lặng lẽ, làm cho tôi hoài nghi tất cả và làm tê liệt mọi năng động tư duy của một người “ở trong” so với con người “đàng ngoài”là tôi lúc ấy, dần dà con người trở thành một hình nộm rỗng, cũng đi, cũng đứng, cũng nói, cũng cười, nhưng chính cái tôi thật tình thì đứng xa xa, lắm lúc nhìn cái người tôi kia đang cử động, đang cố gắng hòa mình với mọi người bằng con mắt diễu cợt. Tôi mang tâm trạng của một kẻ bỏ trốn trước trang giấy viết, tôi không thể viết được nữa và quay ra tự chế nhạo mình và xem khinh mọi thứ sáng tác trong tiếng mẹ đẻ. Tôi nghi ngờ thi ca mà tôi cho là sáo rỗng, tôi nghi ngờ mỹ thuật mà tôi cho là vô hồn, tôi nghi ngờ văn chương văn nghệ mà tôi cho là giả dối, ngụy tạo, tôi nghi ngờ âm nhạc mà tôi cho là kịch cỡm, rỗng tuếch… Nguy kịch nội tâm có thể khiến biến chứng thành phân tâm, đi chân hỏng đất, lắm lúc nghe mình như là cái bóng của chính mình, nghe như có ai đó, một người khác, đang “chạy việc” cho mình trong con người của mình, còn mình thì như người ngoại cuộc đứng nhìn bỡ ngỡ.

Tâm trạng tôi vào thời điểm ấy là như thế. Cho nên phân vân, cho nên chỉ chực trốn, tránh chỗ đông người. Hết 90% chắc chắn sẽ chuồn không đi đến dự, tôi đã nhìn thấy mình ở phía 90 % ấy. Ấy vậy mà có một người đã lay động 10% kia thành ra già nửa, bất ngờ với giọng nói dễ thương qua điện thoại vào buổi trưa hôm sau: “Chị Hỷ Khương nói em chiều nay đưa chị đến dự buổi đọc thơ.” Tôi chưa kịp nói e không có thì giờ, thì Hoàng Anh đã tiếp với giọng úng úng tiếng cười tinh nghịch: “Chiều ni chị mặc cái áo lụa em vừa may cho chị, màu giáng châu, em cũng mặc áo nớ, bơ hai chị em mình giống hai đứa sinh đôi…” Có điều chi lành lặn vô tư trong giọng nói ấy làm hửng một chút vui, đánh thức tính “con gái” cỡ tuổi 15 tinh nghịch, ham bầu bạn từ lâu đã bỏ quên, tôi nghe tôi cười với mấy tiếng xuôi xị: “Ờ ờ… đi há, và mặc áo nớ há…”.

Thích mặc áo mới thì chỉ có trẻ con và đàn bà… và tính đàn bà trẻ con thì vẫn còn đọng lại dù quá 80, dù bao thăng trầm trên biển khổ…

Chiều Sài gòn, nắng chưa tắt hẳn… cái áo lụa màu giáng châu Hoàng Anh đưa ngày hôm qua còn xếp nằm ngoan ngoãn trên chiếc ghế tre… chờ… Nhưng tôi vẫn còn chìu cái tôi dễ vỡ kia bằng cách lờ đi như quên cuộc hẹn… Cho đến khi chị Hỷ Khương gọi điện thoại, lần này với giọng rất ư là “chị Hỷ Khương”, tự nhiên như người chị từ lúc não lúc nao, mọi ngăn cách hôm trước không còn: “À a, giờ ni mà Kim Lan chưa đi à, nì, mọi người đang đợi đây nghe, thầy Khê đang hỏi Kim Lan đó!” Không dám cưỡng, tôi bối rối còn tìm cớ hoãn binh là phải đợi Hoàng Anh, chị đã dục như ra lệnh: “Thôi đi đi, đừng đợi Hoàng Anh, trể rồi, đi ngay đi! Mọi người đang đợi Kim Lan rồi mới bắt đầu đó nghe.”

Nghe thế thì đố ai dám chối từ. Thế là tôi vội vàng mặc chiếc áo giáng châu để sẵn, vội nhờ kêu xe, vội chạy ra xe… Ngồi trong xe tôi lại bỡ ngỡ với tôi, vẫn còn thấy trong lòng miễn cưỡng, không vui qua nhiều dãy phố…xe cộ ngột ngạt…lại tự hỏi mình, lại e ngại đến chỗ đông người, không quen…Xe đổ trước cửa nhà mà tôi vẫn còn phân vân, chỉ muốn quay về…rồi ngại ngần bước xuống, chẳng đặng đừng thêm bước nữa.

Ði hết cái sân con, hôm ấy chật ních xe đạp và honda, cúi đầu lòn qua những lẵng hoa lan lủng lẳng, là đã bước vào ngay phòng khách nhà chị Hỷ Khương trong cái hẻm xuyệt (sur) mấy lần mà đến nay tôi vẫn không nhớ nỗi tên và số.

Khách đến dự đã chiếm hết dãy ghế dọc tường bên trái, đối diện với bộ ghế da sau chiếc bàn con đầy máy móc và nhạc cụ, cuối phía bên phải cũng đầy người bên cạnh chiếc dương cầm cũ. Ý chừng buổi thơ nhạc đã bắt đầu từ lâu chứ không như chị Hỷ Khương đe doạ (sau này mới biết chị hay dọa khan như thế đối với những đứa em mắc bệnh đi trể như tôi và Hoàng Anh), vì đã nghe xôn xao tiếng đàn tranh đàn nguyệt từ ngoài ngõ… Tôi ấp úng mấy câu xin lỗi nhưng may chị không giận mà mừng, bỏ dở khúc ngâm, chị đứng lên kéo tay tôi ngồi xuống và chỉ vào người bên cạnh hỏi: “Kim Lan còn nhớ ai đây không?”, rồi chị bảo ngay: “Kim Lan ngồi đây bên cạnh chị và Thầy Khê đi”. Tôi còn bỡ ngỡ thì đã thấy nụ cười nhân hậu của Thầy Khê quay sang đón tôi, tựa như một nhấc tay vớt nhẹ cánh bèo mọn bị sóng đánh giạt, trong lúc hai tay Thầy vẫn còn giữ trên phím dàn tranh. Thầy gật nhẹ đầu với đôi mắt hiền dịu sau cặp kính dày cộm làm cho tôi bớt sự lạ lùng.

Không gian êm ả dù căn phòng chật ních người tham dự. Mọi người ngồi bình yên, dáng người nào cũng gầy, điệu nhũn nhặn thanh thản, đôi mắt họ ửng lên một chút giao động như mặt hồ chao thoáng gió rớt lại của cánh chim bay, có lẽ màu áo lụa giáng châu đã như thoáng gió ấy, có lẽ… Hình như có vài nét môi hé mở rồi trở lại nghiêm trang, giữ nét từ tốn mà tự tin sẵn có trên mọi gương mặt của chiều hôm ấy.

Tôi ngạc nhiên về sự hiện diện của đông đảo nghệ sĩ, tài nhân, mà đến hôm nay, khi viết bài này, tôi cảm kích biết ơn được có duyên may ngồi chung với họ một lần trong trong đời: bác sĩ kiêm họa sĩ Dương Cẩm Chương, lúc ấy 89 tuổi, đầu tóc bạc phơ nhưng vẫn tinh anh và cường tráng, anh Hoàng Dũng vẫn còn anh dũng hồng hào, phu quân của chị Hỷ Thọ chân chất có tình, chị của chị Hỷ Khương, nhà thơ Việt Nữ đoan trang, em của nữ sĩ Tương Phố, nhà thơ Nguyễn Hải Phương với gương mặt an nhiên trầm lặng làm nổi bật đôi mắt đen biểu lộ một tâm hồn nhạy cảm sâu lắng. “Ông” Khai Trí nguyên chủ nhà sách Khai Trí Saigon (sau này “Ông” tâm sự cho biết chữ “Ông” cũng như “my lord”, trân trọng dành cho ông tổ những kẻ mọt sách trong nhiều thế hệ học sinh miền Nam), nhà thơ Trụ Vũ gầy yếu trong bộ áo vải bà ba, anh Nguyễn Duy Cương, dược sĩ yêu thơ mê nhạc, anh Trần Quang Minh, con trai của Thầy Khê, ông bà nhạc sĩ Vĩnh Bảo, ông Sáu Khoa, người mến mộ thơ Quỳnh Giao, nữ thi sĩ Chiêu Anh và phu quân Vĩnh Lạc, nhà báo Quốc Phương, Nữ sĩ Vân Trang, nhạc sĩ Ðinh Thìn, nhạc sĩ Minh Hiến, nhạc sĩ Hoàng Cương (Giám đốc nhạc viện thành phố HCM) và phu nhân, nữ nhạc sĩ Kim Thanh (Gs dương cầm của nhạc viện), chị Trần thị Tuyết Hoa, giảng viên đại học với nụ cười xinh, chị Hoàng Anh, người đẹp Phú Xuân (đến sau, chủ nhà hàng Phú Xuân), anh chị giáo sư Nguyễn Nhã, anh Trần Bá Thùy, phu quân của chị Hỷ Khương, người chăm chút từng tí một cho hội thơ được hoàn mỹ và chính nữ chủ nhân của tư thất Thùy Khương, mà khi mới bước vào nhà, khách đã có thể chiêm ngưỡng bức hoành phi sơn son thếp vàng khắc hai chữ LẠC THIỆN treo trên bàn thờ với di ảnh cụ Ưng Bình Thúc Giạ. Theo lời kể của chị Hỷ Khương, đó là kỷ vật duy nhất chị mang theo từ dinh cơ (ngày nay hoàn toàn bị hư hỏng) của cụ Thượng Ưng Bình tại thôn Vĩ Dạ Huế.

Mặc dù buổi đọc thơ bỗng nhiên bị gián đoạn vì sự đột nhập bất ngờ của tôi, chị Hỷ Khương, – hôm ấy chị mặc áo dài gấm màu tím in chữ thọ vàng mơ, trông đài các như một bà công nương Huế, nhưng không mất nét giản dị hồn nhiên, vẫn điềm đạm không hối hả, chứng tỏ là một chủ nhân tế nhị, chị không quên giới thiệu từng người đến sau. Chị định nói vài lời nhưng sực nhớ là vừa quen nhau, chị cười chưa biết nói chi, may sao Thầy Khê đã đỡ lời chị, vì Thầy là người duy nhất trong buổi hôm ấy biết tôi.

Ðiều ngạc nhiên đáng nói không phải là người được giới thiệu mà chính người giới thiệu. Thầy có một trí nhớ lạ kỳ về cô sinh viên gầy yếu mặc áo lụa trắng tại thành phố Munich khoảng năm 1973, trong buổi giới thiệu âm nhạc Việt Nam cho khán giả Ðức mà giáo sư Trần Văn Khê đã làm say mê với tài bình giảng âm nhạc, với kiến thức uyên bác và lối nói cuốn hút nghe hoài không chán. Từ đó đến nay đã 25 năm, biết bao thay đổi, vậy mà những ấn tượng ngày xưa vẫn còn i chang mồn một trong trí nhớ của Thầy. Chỉ khác, với tâm từ bi quảng đại, thầy đã đổi ấn tượng hôm qua thành hôm nay, khi nói Kim Lan hôm nay có phần hơn xưa, với giọng thuyết phục làm cho ngay chính cả người trong cuộc cũng tin là như thế.

Nhưng cũng nhờ vậy mà bỗng nhiên tôi thấy mình hết xa lạ, những cặp mắt đàng trước đàng sau nhìn tôi chớp chớp cử chỉ gật đầu chào, thấy như quen hơn một chút, thấy như họ đang mở lòng, bao dung chấp nhận người mới đến. Có một chút chi làm tôi an lòng nơi vẻ yên lặng trên những gương mặt cao quí, trong dáng ngồi của người chung quanh. Dáng chăm chú mà hờ hửng, lỏng buông và vì thế không gây cảm giác trói buộc nghẹt thở, ngược lại người lạ có cảm giác như được tha thứ ngay từ lúc bước vào, bớt đi sự ân hận đã làm lỗi nhịp, khuấy động những tâm hồn đang chú tâm vào buổi thơ nhạc.

Sau lời giới thiệu đầy thân ái của thầy, hiện diện của tôi được đón nhận ngay mà cũng được bỏ quên ngay như một dấu hiệu khoan dung kiên nhẫn của vòng thân hữu khép kín này. Ðược bỏ quên là điều tôi mong mỏi vào lúc ấy, mong được thứ lỗi đi trể và mong được ở một mình, được không tên, được làm người lạ, cho nên tôi thầm cám ơn từng cử chỉ lặng lẽ nhẹ nhàng rất trí thức của mọi người. Tôi thu mình lại thụt lùi sau lưng Thầy và chị Hỷ Khương như con ốc nhỏ tự xóa mình ngay lúc ấy, một phần vì tôi biết tôi cần chế ngự cái tôi kia chỉ chực đứng lên bỏ đi… trốn.

Rồi không chờ ai thêm một lời, nhạc sĩ Vĩnh Bảo đã cúi xuống cây đàn nguyệt so dây.

Thầy Khê cũng lùa tay trên phím đàn tranh, nghe ngóng tiếng tình tang nơi cây đàn nguyệt. Thầy Bảo nhìn sang phía người bạn, cười nụ cười nghệ sĩ trẻ ngông, dù đã hơn 70, mái tóc bạc phất phơ trước cần đàn: “Anh dạo trước, tôi theo”. Người bạn chúm chím gật đầu, tay rung nhẹ trên giây đàn, ấn giây vài nhấn và âm thanh òa ra như nước chảy. Người kia lập tức đuổi theo không rời, đầu lắc lư theo nhịp, tiếng đàn réo lên quấn quít với nhau. Họ dạo chơi một khúc, dò dẫm tìm nhau, người nọ nhìn sang chăm chút hỏi bằng mắt: “có nhanh không?”, người kia chịu chơi không kém: “anh mau thì tôi mau theo, anh chậm thì tôi chậm!”. Cả hai đồng cười xòa, trong lúc tay vẫn thoăn thoắt trên phím đàn. Âm thanh trầm bỗng nhặt khoan xô đẩy, níu nhau, dang ra rồi lại đến gần, thoắt tới thoắt lui, lúc va chạm lúc vuốt ve, ngất ngưỡng trên cao rồi xoáy tròn dưới thấp. “Cao hả, được rồi, thì theo!” “Thấp hả? ờ, thì thấp nghen”. Họ cười với nhau qua tiếng đàn, họ nghịch với nhau qua từng dấu nhấn, thách thức, chọc ghẹo, mơn trớn vuốt ve và cùng nhau đắm chìm trong cung bậc tài hoa…

Âm thanh thánh thót nhịp nhàng tựa như chim liền cánh lơ lửng trong không gian, bay bổng, rồi bỗng nặng nề, quyến luyến rời xa, rồi lại thoắt gần, không nỡ dứt. Trong phút chốc họ không còn là Vĩnh Bảo và Văn Khê bằng xương bằng thịt, họ hòa vào tiếng đàn đang đầy ắp gian phòng, thần sắc phơi phới, họ như bay trong không gian, sảng khoái như hai ông tiên nhập cốt.

Tôi nghe tim mình nhảy thót. Chưa bao giờ tôi được chứng kiến một cuộc hội ngộ cầm đài thích thú đầy khoái cảm như thế. Ðã từng nghe ngón đàn tài tình của Vĩnh Bảo lừng danh miền Nam, đã từng nghe tiếng đàn tài tử của Trần Văn Khê truyền diễn trên năm châu, trong những giờ cao điểm biểu diễn nghệ thuật, trong những lúc thi thố tài năng tột đỉnh với mọi người bốn bể, nhưng cuộc trùng phùng hôm ấy cho người nghe cảm giác đang tham dự một cuộc đùa vui bằng hữu, nhẹ như tơ mà thơ thới như mây. Hình như mọi vướng bận đều được rũ sạch trong cuộc “chơi đàn” ấy, mọi hình tướng bỗng chốc nhòa đi, chỉ còn thoăn thoắt ngón tay, chỉ còn thích chí tiếng cười, chỉ còn nhột nhạt “chạm nhau” nơi từng nốt nhạc, chỉ còn đầu lắc lư, chỉ còn chân dậm nhịp, chỉ còn mê say tiếng nhạc, chỉ còn hạnh phúc cho nhau, chìu nhau, nâng nhau nơi từng tiếng tình tang. Họ không còn là người phàm, họ là tiên hiện xuống chơi đàn! Vui, thích, sảng khoái, thong dong! Bay bổng, chơi vơi. Hầu như mọi trọng lượng chẳng còn nơi tiếng đàn ấy, trầm xuống là buông, là thả để lên cao réo rắt, lửng lờ là để tự do như gió!

Họ dạo đàn không lâu trước khi ngâm thơ, không ai chuẩn bị hay phân công ai sẽ đánh bản nào, họ nghe tiếng đàn người khác để nhấn phím của mình, họ nhìn miệng người ngâm thơ để gây cung bậc… tất cả đều là ngẫu hứng ngẫu nhiên. Không ai hẹn trước một nốt nhạc, một tiếng tơ, mà nhạc chỉ chờ trào ra từ ngón tay, tưởng như liên miên, ngay cả khi dừng lại, ngón tay nghệ sĩ như vẫn còn tuôn khúc cầm ca…

Không lâu chìm trong âm thanh, tôi nghe bao muộn phiền bỗng dưng được cởi. Người tôi như được tiếng đàn nhấc bổng lên, không còn nặng chĩu những băn khoăn, tôi nghe vai mình nhẹ đi như vừa trút một gánh nặng đè nén từ muôn nghìn kiếp trước, tay chân không còn thủ thế chống đỡ, nghe như có một luồng nước chảy vào tim, dội mát, nghe như xương cốt không còn cồng kềnh trong da. Không gồng lên cố gắng xã giao như mọi khi, cùng với tiếng nhạc, tôi chuồi mình nhập vào cuộc thơ lúc nào chẳng hay.

Chỉ biết, khi chị Hỷ Khương bắt đầu ngâm thơ cùng với tiếng đàn đệm trìu mến của thầy Khê, thầy Bảo, ngũ quan tôi đã bơi vào trong vùng âm thanh trầm bổng ấy.

Cuộc thơ này có được nhờ một ngẫu nhiên 10 năm trước, như thầy Khê vừa đàn vừa kể, năm 1989 Thầy tình cờ đưa cho chị Hỷ Khương một bài thơ Thầy vừa làm và chị đã họa ngay. Từ đó “âm nhạc lạc vườn thơ” (lời Thầy Khê) và hội thơ hàng năm thường diễn ra tại Thùy Khương trang mỗi khi Thầy Khê trở về thăm Việt Nam. Hội thơ đã trở thành một thông lệ của nhóm thơ nữ Quỳnh Giao mà nhiều nữ sĩ có mặt (chị Việt Nữ em ruột của nữ sĩ Tương Phố, chị Hỷ Khương) hay không có mặt (nhà thơ Mộng Tuyết) đều có gửi thơ họa đến hôm ấy và chị Hỷ Khương đã ngâm liên tiếp hơn mười mấy bài xướng họa chung quanh đề tài “Lắng khúc tri âm” (bài xướng của chị và bài họa của thầy Khê tôi không được nghe). Cuộc họp thơ đã trở thành một thông lệ mà theo Thầy Khê, mỗi lần về nếu chưa có cuộc thơ là thấy “THIẾU”, như chưa vừa một chuyến thăm quê…

Thật là một ngẫu nhiên cho tôi, bỗng dưng lơ ngơ rơi vào một khung cảnh thơ nhạc kỳ lạ như hôm ấy. Ai có ngờ, trong lòng cái thành phố náo nhiệt, xô bồ, ồn ào nhất Việt Nam này, trên mảnh đất nhan nhãn bích chương biểu ngữ rầm rộ lớn lao vĩ đại ấy, lại có một góc nhà nhỏ trong con đường hẻm (mà chị Trần Tuyết Hoa đã giới thiệu là nhà đẹp trong một tạp chí kiến trúc) hội tụ hơn 20 vị văn nghệ sĩ lão thành cũng như trung niên. Chắc chắn đường đi không dễ cho những người đã quá bảy mươi, chắc chắn thì giờ không dài không rộng cho những người trung niên tất bật, và chắc chắn không ai đến căn nhà nhỏ bé đơn sơ ấy để tìm một cái gì có thể gọi là khoa trương hay danh vọng. Họ đến đây, một phần để gặp Thầy Khê và có lẽ một phần để ngồi với ông già trong bức ảnh treo trên tường có râu tóc bạc phơ đang tự trào “Vĩ dạ thôn, có lão vương tôn là Thúc Giạ, ưng ca ưng hát, ưng giã gạo hò khoan, ham vui điệu cổ thi đàn, nghe câu tuyệt xướng, muôn vàng cũng mua”. Và nhất là vì lẽ – như thầy Khê và mỗi người đều cảm nhận thời gian đang đậu trên mái tóc: “ngày này không giống ngày kia, chúng ta mỗi giây mỗi phút đều thay đổi, nhưng chỉ có tình thương, tình bạn là khó đổi thay”. Họ đi, chân đã run nơi từng bước vô thường, để đến nơi ấy, ngồi cùng nhau lắng nghe những khúc “tri âm đẹp tháng ngày” như chiêm nghiệm một sự vĩnh viễn của thơ và nhạc.

Trong suốt cả buổi thơ, tiếng ngâm ấm dịu của chị Hỷ Khương hòa với tiếng đàn tuyệt diệu của Thầy Khê và Thầy Bảo đổ đầy cả không gian im lặng, bao trùm cả người nghe.

Tôi đã ngỡ ngàng vì chính sự im lặng này, nó ngược hẳn với không khí ầm ĩ cả ngày khắp nơi trong nếp sống phố phường hiện nay từ thôn quê cho đến thị thành, từ loa phóng thanh ra rã mỗi buổi sáng cho đến văn nghệ phòng trà. Hình như càng ồn ào, càng lớn tiếng, hát càng to, nhạc càng lớn, càng “ ka-ra-ô-kê” con người ở đây mới có cảm giác mình hiện hữu đối với người bên cạnh, một hiện tượng khó hiểu cho người Tây phương, khi một tiếng ếch kêu của nhà hàng xóm cũng có thể bị truy tố xâm phạm sự yên tĩnh cuộc sống người  xung quanh.

Cho nên tôi đã bỡ ngỡ về cử chỉ “lắng nghe” trong yên lặng của những người tham dự cuộc thơ. Họ khác hẳn người thường trong sự ít lời suốt mấy tiếng đồng hồ trên chiếc ghế đẩu, nhưng không lạnh lùng thờ ơ mà đầy thiện cảm với người ngồi chung, chỉ duy tất cả tâm tư dành cho thơ và nhạc. Sự yên lặng như một tờ giấy thấm có thể hút hết chất thơ chất nhạc mà họ đang thưởng thức vào tận nơi sâu của tâm hồn làm cho họ có thể hé môi cười – Tôi không thể quên được nét mặt của nhà thơ Hải Phương xuất thần chăm chú theo dõi hầu như là tuyệt đối nơi từng chữ, từng vần của câu thơ, nơi từng dấu nhấn của tiếng đàn, ngẫm nghĩ nơi từng biến chuyển thấp cao của bút pháp, âm thanh – một sự thưởng thức tận tâm như chính nhà thơ đang đồng hóa với nhà thơ, với nhạc sĩ đối diện của mình, một hình ảnh “sống thơ nhạc” trong nghĩa nhập đạo thi-ca. Và “Ông” Khai Trí, và Trụ Vũ, và Minh Hiếu, và Chiêu Anh, và Việt Nữ…và tất cả đều quên mình mà “sống” buổi thơ, không ai nói với ai, chỉ có ánh mắt và nụ cười cho thấy niềm vui đang nở ra, niềm vui nếm được đạo vị thơ nhạc như một ngụm trà ngon vừa mới nhấp, thoáng nhẹ mà mãi nhớ.

Cũng chính từ sự yên lặng ấy, từ ánh mắt và nụ cười của người tham dự, tôi được hiểu sâu thêm hai chữ LẠC THIỆN treo trên đầu tường. “Ưng ca, ưng hát, ưng giã gạo, hò khoan”, – sao nhà thơ Ưng Bình dung dị tuyệt vời đến thế khi nói về thơ nhạc! – thơ nhạc là ca là hát, thơ ca là âm điệu giã gạo, là hò là khoan – thơ nhạc đem vui cũng như điều THIỆN đem đến niềm vui, cho nên “lạc thiện”, cho nên nếp nhà Ưng Bình Thúc Giạ ưng ca ưng hát, hành trạng đắc chí của vương tôn họ Ưng là thi ca. Chữ “ưng” chơi chữ thật là hay! “Ưng ca ưng hát” cũng là “ưng” (tiếng Huế) nghĩa là yêu – yêu điều thiện và vui thích trong việc làm điều thiện. Có lẽ trong mắt của nhà thơ Ưng Bình, thi nhân, nhạc sĩ là những kẻ “ưng” thích hành thiện, đem vui.

Thật rõ! điều này, hôm ấy, nơi nụ cười thầm lặng nhưng đầy hạnh lạc trên những gương mặt hiện diện trong buổi nhạc thơ.

Chẳng qua mà phải nói, thật tình tất cả những ý nghĩ vừa mới viết trên đều đến sau những cảm xúc của tôi về buổi thơ. Tôi không có ý định viết về đêm thơ nhạc này với mục đích bình bài thơ này hay bài thơ kia. Tôi không dám và không thể bình những bài thơ hôm ấy, bởi vì – tôi xin thú thật một điều: tôi đã CHẲNG HIỂU một chút gì ngôn từ các bài thơ được ngâm hôm ấy. Như trên đã nói, tâm trạng của tôi khi đến tham dự cuộc thơ là tâm trạng của một kẻ mang trong người nhiều tuyệt vọng, vừa bi quan vừa phản kháng, rất nhiều phủ định, sẵn sàng chối từ.. Ban đầu đi đến đầy miễn cưỡng, đến ngồi cũng miễn cưỡng, vẻ ngoài tươi cười nhưng bên trong chỉ chực thừa cơ bỏ trốn. Nhưng sự phản kháng ồn ào trong tôi đột nhiên lại chạm mặt với một sự im lặng chân tình đầy khoan dung của vòng người tham dự. Tôi có cảm giác như từ một cơn bão dữ tình cờ trôi giạt, rơi vào trong một nệm bông, chưa kịp ngoi lên thì âm thanh thơ nhạc đã phủ ngập lấy người, chưa kịp vuốt mặt thì đã nghe xương mềm trong da qua ngón đàn vừa tài tử vừa tiên phong đạo cốt của thầy Khê thầy Bảo. Tất cả những… “tai nạn” hay đột biến tâm lý ấy chẳng ai thấy được vì mỗi người đều miệt mài trong lời thơ tiếng nhạc, chỉ có một mình tôi biết, một mình mình hay. Nhưng vừa là một điều may, bỗng nhiên phải tự sắp xếp cho mình một thái độ,- không thể là con voi vụng về trong cái không gian thanh nhã ấy, tôi nhắm mắt, buông, thả…

Rồi một lúc nào không hay, tôi nghe mình lênh đênh trong tiếng ngâm thơ của chị Hỷ Khương. Tiếng ngâm như một dòng nước chảy luân lưu khắp người, gây cảm giác êm dịu như được trầm mình, bơi trong vùng nước mềm ngọt êm ấm của con sông Hương nơi khúc quành chùa Linh Mụ một thời còn xanh ngắt trời mây dưới đáy. Mọi giác quan không còn co rúm như mọi khi, dần dần giãn ra, mọi đau đớn trong người lần hồi được thoa dịu, tôi nghe trái tim mình như đập lại nhịp điệu của tiếng nói sinh thành, tròn đầy, uyển chuyển, êm ái, chứ không góc cạnh, châm chích làm đau. Cảm giác lạ lùng được khám phá lại giai điệu sống động của ngôn ngữ đã được tôi xếp loại như là khuôn sáo, vô hồn, đáng vất bỏ. Không! Cho dù văn từ, ý nghĩa lặp lại nghìn năm đến sáo mòn, nhưng chính hồn thơ, hồn người hôm ấy đã làm cho tiếng thơ cựa mình sống lại. Tôi nghe mọi phản kháng trong tôi như được một cơn mưa xối bùn sau cơn hồng thủy gột sạch dần dần, ngũ quan như được cởi trói, giải phóng mọi ràng buộc bệnh lý. Mỗi tiếng ngâm, mỗi nốt nhạc thẩm thấu vào da thịt, an ủi vuốt ve. Không phải là hạnh phúc mà có lẽ gần như thế, những tia vui bồng bềnh như rong rêu lóng lánh trong nước…

Mãi đến khi chị Hỷ Khương chấm dứt bài thơ cuối, tôi kêu lên tiếc nuối “hết rồi? uổng rứa!”. Là tại tôi đến trể chứ tại ai! Nhưng chị Hỷ Khương đã thương tình, nói ngay, chị muốn hò Huế tặng riêng cho Kim Lan mấy câu hò nỗi tiếng của “ông cụ”, của tác giả Ưng Bình (mà bấy lâu nay tôi đã tưởng là câu hò vô danh do dân gian truyền tụng):

“Chiều chiều trước bến Văn Lâu,
Ai ngồi, ai câu, ai sầu, ai thảm,
Ai thương, ai cảm, ai nhớ, ai trông,
Thuyền ai thấp thoáng bên sông,
Ðưa câu mái đẩy chạnh lòng nước non.”

Thầy Khê, thầy Bảo đã vội vàng so dây, dạo nhạc và chị Hỷ Khương cất giọng.

Sau này chị nói với tôi, chị ngạc nhiên vì chưa có lần nào chị thấy chính mình lại hò hay như thế, chính ông cụ đã dạy chị điệu hò mái nhì này tường tận. Giọng ngân của chị vút dài trong gian phòng, láy cao rồi chuyển thấp như tiếng mái chèo quẫy nước. Tôi nghe chấn động con tim. Nhịp láy hò ơ ơ ơ hà lảnh lót vang dội rồi hạ trầm nghẹn tức. Toàn thân tôi chao đảo như bị xoáy trong cơn lốc. Cùng với điệu ngân, tôi bỗng thấy rõ hình dáng mẹ tôi đang ngồi trong căn nhà ở Munich, dáng thanh gầy trong áo Huế. Nhiều ngày mẹ thường ngồi trông ra cửa sổ như chờ ai, như mong nhớ, dù con cháu vây quanh. Và lắm khi nhớ quê, mẹ hay hò câu “chiều chiều trước bến Văn Lâu… ai ngồi… ai sầu, ai thảm…” như thế. Tiếng ngân “ơ, ơ” của mẹ tuy không điêu luyện như của chị, nhưng cũng nấc khúc từ lồng ngực rồi thoát ra lồng lộng, thổ lộ hết tâm can trong gian phòng tù túng, ở đó đâu có núi cao sông dài để tiếng hò thoát ra lãng bạc trên sông nước? Những lúc như thế đã thương mẹ vô cùng. Bỗng dưng nước mắt từ đâu chảy ra ràn rụa, không ngăn kịp. Trong tiếng hò ngân “Hỷ Khương” và trong màn nước mắt tôi thấy mẹ hiện ra lửng thửng bên bến Văn Lâu hay đợi đò nơi bến Long Thọ, đàng sau là dĩ vãng non nước một thời, thấy cả thành quách quá khứ sừng sửng rồi tàn rụi, thấy thanh xuân và già cỗi theo nhau, thấy vườn cây, hoa lá, mặt trời, trăng sao như hoài bão và hi vọng lụn tắt theo với đời người, làm sao tìm được lại người xưa? Không thể giữ gìn ý tứ trước mọi người, xúc động vì tiếng hò, tôi bật khóc thành tiếng, gục đầu trên vai chị Hỷ Khương, khi câu hò vừa chấm dứt, trong vòng tay chị tôi khóc oà như một đứa con nít, không ngại ngùng, không hổ thẹn.

Nhưng chính trong vòng tay ôm của chị, mà cũng trong vòng tay ôm vô hình bằng mắt của tất cả mọi người hôm ấy, tôi bỗng thấy cơn đau nhớ mẹ quay chiều thành nỗi thương chung, những xót xa cay đắng hầu như biến mất với ý nghĩ, từ nay tôi có thể quay về nơi bến cũ Văn Lâu ấy…tĩnh lặng lắng nghe “ưng ca ưng hát”, kiên nhẫn đợi chờ…một cuộc hồi sinh.

Muenchen, mùa tuyết đổ 2005

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here