Trang chủ Sáng tác - Nghệ thuật Bất ngờ đêm nhạc tưởng nhớ Phạm Duy -“Người tình của núi...

Bất ngờ đêm nhạc tưởng nhớ Phạm Duy -“Người tình của núi Ngự sông Hương”

127
0

(LQ) Vào ngày 20-2-2013 vừa qua, tại Gác Thọ Lộc 3/7 đường Nguyễn Công Trứ (TP Huế) của Nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân đã diễn ra một sự kiện văn hóa thân tình cảm động: “Đêm hát để tưởng nhớ Phạm Duy” do ông cùng nhóm bạn gồm những nhân sĩ, trí thức Huế tổ chức.

MC. Đỗ Hữu Nghị giới thiệu chương trình

Không có sự xuất hiện của những ca sĩ nổi tiếng và thành danh từ âm nhạc của Phạm Duy, không sân khấu, không dàn nhạc hùng hậu, cũng không khán giả thế nhưng cuộc hạnh ngộ bất ngờ của Đạo diễn Điện ảnh Đặng Nhật Minh, nhà văn Tô Nhuận Vỹ, họa sĩ Vĩnh Phối, ca sĩ Ly Văn Nghiên, Tăng Quốc Thái – người của nhà sách Tân Hoa xuất bản các nhạc phẩm của Phạm Duy từ những năm Năm mươi của thế kỷ trước, cùng với một nhóm trí thức, thầy cô giáo, ca sĩ trẻ yêu nhạc Phạm Duy đã tạo nên đêm ca nhạc thân tình tràn đầy cảm xúc.

Để có được đêm nhạc này, từ xế chiều nhiều thành viên yêu nhạc Phạm Duy đã lặng lẽ chuẩn bị âm thanh, nhạc cụ, tự tay sắp xếp bàn ghế, treo ảnh nhạc sĩ Phạm Duy và panô “Đêm hát để tưởng nhớ Phạm Duy”, biến phòng khách nhà ông Nguyễn Đắc Xuân thành phòng biểu diễn ca nhạc. Trước hành lang nối với “khu vườn” bên sông Thọ Lộc đặt một bàn dài sắp nước uống và các thức nhắm dư vị của những ngày tết muộn. Những món ăn nhanh do cô chủ nhà Cẩm Tú chuẩn bị suốt buổi chiều để khách lót dạ càng làm cho buổi gặp gỡ và đêm nhạc thêm hương vị Huế. Nhưng dường như, những tiếng chào thân tình, cái xiết tay nồng ấm và ánh mắt nhiều ưu tư của những người bạn gặp nhau dịp đầu xuân không hân hoan như mọi lần bởi lẽ “người tình già” của họ đã từ giã cõi trần cách đây 27 ngày.

Một góc thính phòng

Trong bài phát biểu ngắn mở đầu đêm nhạc, Nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân nhắc lại với thân hữu về những kỷ niệm của người nhạc sĩ tài hoa với “vùng núi Ngự sông Hương” khiến ai cũng bồi hồi xúc động. Hơn 65 năm trước, nhạc sĩ Phạm Duy lần đầu đến Huế theo gánh hát Đức Huy – Charlot Miều. Có thể nói, Huế trong ông chứa đầy những dư âm ngọt ngào.

NNC. Nguyễn Đắc Xuân nói về NS. Phạm Duy

Đó là những đêm ông được nằm trong khoang thuyền trên sông Hương nghe điệu Nam Ai Nam Bình, là những ngày thơ mộng khi ngắm các cô gái Huế e ấp, dịu dàng trong tà áo dài. Và từ đó ông đã “biết ái tình ở dòng sông Hương”.…

NS. Nguyễn Đình Niêm (cầm mic)

Mới đây thôi, dẫu phải di chuyển bằng xe lăn nhưng ông vẫn có nhiều hoạt động tại Huế như: giới thiệu Trường ca Hàn Mặc Tử tại Học viện Âm nhạc Huế, tham gia trò chuyện với học sinh sinh viên về đề tài “Văn hoá học đường” tại trường Quốc học Huế, tham dự đêm nhạc “Phạm Duy – tôi yêu tiếng nước tôi” tại Đại học Sư Phạm Huế.

Hoàng Lan với bài Nghìn trùng xa cách

Ông đã vận dụng âm giai điệu thức trong âm nhạc truyền thống Huế viết lên nhiều bài hát mang âm hưởng Huế như Về miền Trung, Kiếp Nào Có Yêu Nhau, Dạ Lai Hương, Người em xứ Huế, nhiều đoản khúc như Ai vô xứ Huế thì vô, Nước non ngàn dặm ra đi trong Trường ca Con đường cái quan… Bởi có nhiều gắn bó và tình cảm sâu đậm với nơi đây nên với nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân – nhạc sĩ Phạm Duy là “một người tình của xứ Huế”.       

Chính tại ngôi nhà nhỏ mang tên “Gác Thọ Lộc” này, đã nhiều lần được nhạc sĩ Phạm Duy ghé thăm và ở lại trong nhiều ngày. Nhạc sĩ cũng rất thích thưởng thức những món ăn Huế do cô Cẩm Tú thực hiện. 

Cô Cẩm Tú hát “Tình Ca”

Cũng không phải ngẫu nhiên Nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân lại cùng với vợ và nhóm bạn tổ chức “Đêm hát để tưởng nhớ Phạm Duy” tại chính nhà mình. Ông là một người có nhiều gắn bó với cố nhạc sĩ, vừa là bạn, vừa là một người yêu nhạc trung thành của Phạm Duy và cùng có thơ[1] được Phạm Duy phổ nhạc gần năm mươi năm trước.

HS. Tô Trần Bích Thúy với Mùa Thu Chết

Với nhóm bạn của nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân, họ có một tình yêu đặc biệt với nhạc Phạm Duy. Tuổi trẻ của họ đã gắn với những tình ca, những giai điệu mượt mà và đậm chất dân ca của ông. Mấy mươi năm trước, họ hát nhạc của ông để nuôi dưỡng cái hồn Việt, yêu tiếng nói, yêu đất nước, yêu con người Việt Nam, đến nay nhiều người đã có cháu nội, cháu ngoại họ vẫn hát với niềm say đắm.

Thúy Vân hát bài Đưa em tìm động hoa vàng

Có người đã từng được gặp, được hát cho Phạm Duy nghe, được trò chuyện với ông, cũng có người chỉ được thấy ông qua báo chí nhưng có lẽ chưa bao giờ giọng hát của họ lại đong đầy cảm xúc như đêm nay. Nếu những lần trước, họ cất tiếng hát nhạc Phạm Duy khi ông còn khoẻ mạnh và hiện diện tại đây thì bây giờ những lời hát đó lại là dành để tưởng nhớ về ông – người nhạc sĩ mà họ hết lòng kính yêu. Để rồi, những bài ca Áo anh sứt chỉ đường tà, Gánh lúa, Ngày trở về, Hoa rụng ven sông, Nghìn trùng xa cách, Kiếp nào có yêu nhau, Mùa thu chết, Bà mẹ Gio Linh, Tình ca, Thuyền viễn xứ… được họ thể hiện bằng tất cả nỗi lòng của mình.

NNC. Nguyễn Hữu Thông với bài “Bà Mẹ Gio Linh”

Xen kẽ vào giữa những tình ca bất tử của Phạm Duy, những người có mặt trong đêm nhạc còn cởi mở tâm sự những cảm xúc của mình về âm nhạc của ông, về những tình cảm riêng của họ với cố nhạc sĩ. Với đạo diễn Đặng Nhật Minh, “Phạm Duy đã vun đắp lên tình yêu quê hương đất nước trong tôi”, với chị Thuý Vân – một người Huế sinh sống ở Mỹ nhiều năm vừa về thăm quê lần đầu, trước khi thể hiện ca khúc Đưa em đi tìm động hoa vàng đã xúc động nói rằng: “Thời còn là nữ sinh trung học, thế hệ của tôi đã từng “say đắm” nhạc Phạm Duy. Giờ đây, khi tuổi không còn trẻ nhưng tôi vẫn yêu thích những sáng tác của ông. Bởi với riêng tôi, âm nhạc Phạm Duy luôn có sức mạnh của tình yêu, của đam mê và sự vĩnh cửu”, còn với nhà văn Tô Nhuận Vỹ: “Phạm Duy sẽ không bao giờ mất đi bởi nhạc của ông còn được cất lên ở khắp mọi nơi”.   

Bên cạnh những bài ca quen thuộc và đi vào lòng người nói trên, trong đêm nhạc, những tác phẩm tuyệt đỉnh của Phạm Duy như Trường ca Mẹ Việt Nam – xưng tụng quê hương, đất nước và ca ngợi người Mẹ đất Việt cũng đã được tất cả những người tham dự đêm nhạc tự hào cất tiếng đồng ca. 

Hợp Ca

Dẫu chỉ diễn ra trong thời gian ngắn ngủi nhưng những người có mặt tại đêm nhạc đã được sống trong một không khí ấm cúng, thân tình với nhiều cảm xúc. Những bài ca bất hủ qua giọng hát không chuyên của những người yêu mến ông đã làm nên một đêm nhạc tình đầu năm thật đẹp để tưởng nhớ về thiên tài âm nhạc bậc nhất Việt Nam vừa giải nghiệp.

“Đêm hát để tưởng nhớ Phạm Duy” được khép lại bằng một khúc ca rất hào hùng của nhạc sĩ Phạm Duy mang tên Việt Nam, Việt Nam. Những người yêu nhạc muốn còn có nhiều buổi hát nhạc Phạm Duy nữa, muốn tìm hiểu sâu sắc âm nhạc Phạm Duy nên họ đã tự nguyện cùng sinh hoạt chung trong một Câu lạc bộ mang tên Những người yêu nhạc Phạm Duy. Họ đề nghị nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân làm chủ nhiệm, nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Hữu Thông – Phó chủ nhiệm (thường trực), các thầy giáo nhà hoạt động xã hội, doanh nhân Lê Minh Diệu, Đỗ Hữu Nghị, Lê Tân (Huế xưa Huế nay), Dương Đình Vinh (Chuyên gia nhà cổ), Nguyễn Đình Niêm (nhạc sĩ), Nguyễn Viết Dũng (hoạt động âm nhạc), Khánh Thu (ca sĩ không chuyên), TS Sử học Nguyễn Văn Đăng, Tăng Quốc Thái, v.v. là những thành viên ban đầu.

Một nhón bạn cùng hát nhạc Phạm Duy

Đến hơn 22 giờ, đêm gặp mặt ca hát chính thức tạm chia tay. Nhưng sau khi trả lại không gian cũ của phòng khách Gác Thọ Lộc, các thành viên chủ chốt của CLB mới thành lập ngồi lại, với một cây Tây Ban Cầm hát tiếp cho “đã đời”, cho tới mãi gần nửa đêm mới chấm dứt.

Cám ơn nhạc sĩ Phạm Duy – người tình của xứ Huế. Nhờ âm nhạc của Phạm Duy mà người Huế qua nhiều thế hệ giữ được cái phong cách Huế, giữ được cái hồn Huế, tạo nên cơ hội gần gũi nhau, và thương yêu quý mến nhau.

B.T.P

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here