Trang chủ Vấn đề hôm nay Bảo tồn và phát huy giá trị di sản kiến trúc Phật...

Bảo tồn và phát huy giá trị di sản kiến trúc Phật giáo – Thống nhất trong đa dạng

164
0

Đây là vấn đề thuộc 2 trong 4 đề án lớn của Ban văn hóa TƯGHPGVN liên quan đến bảo tồn và phát huy những giá trị tốt đẹp của Phật giáo Việt Nam trong quá trình phát triển đang có nguy cơ sai lệch, mất định hướng.

Quang cảnh buổi tọa đàm

Những ý kiến tâm huyết được các chuyên gia đưa ra tại buổi tọa đàm

Phát biểu đề dẫn tọa đàm, chủ tọa – KTS Lê Thành Vinh, Viện trưởng Viện bảo tồn di tích (Bộ VH-TT-DL) cho biết, lần đầu tiên, tọa đàm về vấn đề rất có ý nghĩa này có sự phối hợp giữa một tổ chức tôn giáo với các cơ quan nghiên cứu và quản lý nhà nước (Viện bảo tồn di tích, Viện kiến trúc, Bộ Xây dựng, Hội kiến trúc sư, Viện văn hóa nghệ thuật, Hội di sản văn hóa, Hội khoa học lịch sử, Viện văn hóa nghệ thuật…).

Trong 4 đề án của Ban văn hóa Trung ương GHPGVN (Di sản văn hóa Phật giáo, Kiến trúc, Ngôn ngữ, Pháp phục) thì di sản kiến trúc Phật giáo là một vấn đề lớn, bởi không gian tôn giáo có một tác động không nhỏ đến di sản văn hóa Phật giáo, có vai trò quan trọng trong việc bảo tồn (hoặc phá vỡ) giá trị vĩnh hằng của tư tưởng, triết lý Phật giáo đã hình thành tự cổ xưa và tồn tại ở nhiều quốc gia trên thế giới.

Mở đầu tọa đàm về vấn đề này, Thượng tọa Thích Thọ Lạc – Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Văn hóa TƯGHPGVN phát biểu: Có nguồn gốc từ Ấn Độ nhưng tư tưởng từ bi trí tuệ của Phật giáo qua hàng ngàn năm tồn tại ở Việt Nam đã thấm đẫm hồn Việt, văn hóa Việt. Nhưng hiện nay, dường như chúng ta đang mất định hướng về kiến trúc và mai một văn hóa Việt trong tôn giáo Phật giáo. Ngay ở Đắc Lắc hay Hà Nội, Vĩnh Phúc chúng ta cũng đều có thể thấy bóng dáng những ngôi chùa Trung Quốc.

Trung ương GHPGVN giao cho Ban Văn hóa phối hợp chủ trì 4 đề án này là nhằm bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc trong Phật giáo vốn được coi là quốc giáo tại Việt Nam, đảm bảo thống nhất trong đa dạng, khi mà Phật giáo Việt Nam có tới 9 hệ phái với 4 hệ chính là Nam tông Kinh, Nam tông Khơ Me, Khất sĩ và Bắc tông.

PGS.TS Bùi Quang Thắng – Trưởng Ban Nghiên cứu Văn hóa sinh thái và du lịch thuộc Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia – cho rằng, có 5 loại hình di sản văn hóa phi vật thể Phật giáo cần được bảo tồn, đó là lễ hội, nghi lễ tôn giáo và diễn xướng, âm nhạc, truyền thống thụ môn và cao tăng. Đặc biệt, các cao tăng có uy tín trong các hệ phái Phật giáo chính là một di sản quý mà chưa được lưu tâm truyền tụng và phát huy giá trị.

Với quan niệm Phật giáo đồng hành với dân tộc, văn hóa Phật giáo đồng hành với văn hóa dân tộc, GS.TSKH Trương Quốc Bình – Ủy viên Hội đồng di sản văn hóa quốc gia – cho rằng: Cần nâng tầm hơn nữa việc bảo tồn di sản văn hóa Phật giáo Việt Nam, đó không chỉ là việc của Giáo hội hay các cơ quan chuyên môn, mà Nhà nước cần phải vào cuộc, có những chính sách cụ thể chứ không thể để tự phát, để văn hóa Phật giáo VN trở nên tan loãng và sai lệch.

Cũng nói về vai trò quản lý nhà nước, PGS Phạm Mai Hùng – Phó Chủ tịch Hội khoa học lịch sử VN – nhận định: Bên cạnh việc phát huy vai trò của chủ thể và cũng là người thụ hưởng di sản văn hóa Phật giáo thì các cơ quan quản lý nhà nước cũng cần phải quan tâm đến cả các di tích Phật giáo chưa được xếp hạng (tiểu danh lam), chứ không phải chỉ là di tích lịch sử cấp quốc gia (đại danh lam), hoặc cấp tỉnh (trung danh lam).

PGS.TS Đặng Văn Bài – Phó Chủ tịch Hội di sản văn hóa Việt Nam nhấn mạnh đến hồn cốt của văn hóa Phật giáo chính là triết lý tư tưởng Phật giáo có giá trị vĩnh hằng, cho dù khoa học có thể thay đổi đến đâu. Và cái mà chúng ta cần phát huy là hồn cốt đó. Tính cộng đồng, thích nghi của văn hóa Phật giáo Việt Nam là nền tảng tinh thần cho dân tộc trong công cuộc chống thiên tai và địch họa. Các phương tiện để thực hành văn hóa Phật giáo cần phải hướng tới sự hoằng dương Phật pháp, tức là truyền bá tư tưởng triết lý Phật giáo. Giữ được di sản văn hóa Phật giáo tức là hoằng dương Phật pháp.

 Thủy đình chùa Thầy (Bắc tông) 

Chùa Bút Tháp (Bắc Tông)

Chùa Bửu Long (Nam Tông kinh)

Chùa Ratanaransi (Nam Tông Khơ Me)

Tịnh xá Ngọc Viên (Khất sĩ)

GS.TSKH Lưu Trần Tiêu – Chủ tịch Hội đồng Di sản Văn hóa Quốc gia – dẫn một số liệu khá thuyết phục về tính cộng đồng của thiết chế văn hóa Phật giáo: Cả nước có trên 14.000 chùa, chiếm 35% tổng số di tích lịch sử. Đó là một khối di sản lớn lao cả về vật thể và phi vật thể. Mà di sản luôn có sự tiếp nối và bồi đắp, vì vậy, cần tách bóc những đặc trưng của các hệ phái Phật giáo Việt Nam để định hướng thống nhất trong sự đa dạng. Từ mặt bằng đến cảnh quan không gian, khuôn viên, nội thất đến hệ thống biểu tượng, tất cả đều phải được chuẩn hóa làm cơ sở cho sự thống nhất.

“Điều cần định hướng trước tiên, đó là định hướng nhận thức của con người, bao gồm cả người sử dụng kiến trúc Phật giáo, các cấp quản lý, người tư vấn thiết kế” – Thạc sĩ Vũ Đình Thành – Phó Viện trưởng Viện Kiến trúc Quốc gia nhấn mạnh.

Trong hoạt động tôn giáo tín ngưỡng, không gian văn hóa Phật giáo tác động đến tâm thức của con người khi chiêm bái các hình thức biểu hiện của Phật giáo và thực hành các nghi thức tôn giáo

Việc tôn tạo các ngôi chùa cũ và xây dựng các kiến trúc Phật giáo mới cũng là một nhu cầu rất lớn và thực trạng thiếu định hướng trong công việc này và những nguy cơ làm mất giá trị, hủy hoại di sản đến từ thiên nhiên và chính con người đang là một vấn đề mà GHPGVN, các cơ quan quản lý nhà nước cũng như các cơ quan nghiên cứu, chuyên môn đều rất quan ngại. Làm sao để có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan này trong việc giải quyết mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển di sản văn hóa Phật giáo, đảm bảo tính thống nhất trong đa dạng của các thiết chế Phật giáo, đó là điều mà tất cả các thành viên tham gia tọa đàm “Bảo tồn di sản và định hướng kiến trúc Phật giáo Việt Nam” đều rất mong mỏi.

_(Nguồn: giaoducthoidai.vn)_

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here