Trước Đó, vào thế kỷ V, nhà chiêm bái Pháp Hiển đã chứng kiến hào quang Phật giáo nơi đây. Và vào thế kỷ VII, Tam tạng Pháp sư Nghĩa Tịnh đã đến học tiếng Phạn ở Sumatra trước khi Ấn Độ, và ông cũng ở lại đây 4 năm để dịch kinh và viết sách trước khi về lại Trung Quốc. Những cuộc du hành của họ và của nhiều Tăng sĩ khác đã đóng góp vào tính quốc tế của Phật giáo trong những thế kỷ VII, VII và IX.
Borobudur nằm ở ngay trung tâm Java hòn đảo lớn nhất cạnh Sumatra trong quần đảo Indonesia, do vương triều Sailendra xây dựng khoảng cuối thế kỷ VIII. Boro-budur được xác định như là một ngôi đền, một bảo tháp (stupa), một mạn –đà-la (đồ hình vũ trụ) khổng lồ, hoặc như một đàn tràng chấn tế. Nhìn chung, có thể xem là kết hợp của cả hai: là bảo tháp thể hiện toàn thể Phật pháp (Dharma), và là mạn – đà – la thể hiện vũ trụ của Pháp giới. Trong truyền thống Mật giáo, đồ hình Kim Cương giới mạn-đà-la (Vajradhâtu – mandala) biểu tượng cho trí tuệ viên mãn và trí tuệ sở chứng của Phật, và cũng được phối hợp với Thai tạng giới mạn- đà- la mô tả vũ trụ tĩnh biểu tượng hiện đại bi tâm của Phật.
Công trình kỳ vĩ này xây trên một bình diện nền vuông mỗi cạnh 112m quay ra bốn hướng, bao quanh bởi năm tầng thềm hình vuông liên đới và ba tầng thêm hình tròn đồng tâm chia theo cấp độ gồm có 72 tháp. Tất cả 504 tượng – trong đó có 72 tượng Phật đặt trong mỗi tháp tròn và 108 tượng đặt trong những hốc dọc những vách tường ngoài của năm tầng thềm được phân biệt với nhau bởi vị trí ở các tường phía Đông, Tây, Nam, Bắc, và bởi động tác thủ ấn. Đây là một trong những công trình tráng lệ nhất và hấp lực nhất trong thế giới Phật giáo. Ý nghĩa biểu tượng tâm linh của Borobudur còn nhiều ẩn ngữ, và sẽ không thể nào lý giải trọn vẹn được. Borobudur từng bị bỏ phế khoảng một thế kỷ sau khi nó được kiến tạo, khi trung tâm của vương quốc Java dời sang phía Đông của đảo này. Qua nhiều thế kỷ, nhất là sau thế kỷ XIV với sự suy tàn của Phật giáo và Ấn giáo khi người Java cải sang đạo Islam, nó bị bỏ rơi hoàn toàn, dần dà bị rừng rậm và tro bụi hỏa diệm sơn phủ kín. Cuối cùng Borobudur được các nhà thám hiểm châu Âu tái khám phá vào đầu thế kỷ XIX, kể từ đó nó được nghiên cứu và phục chế.
Borobudur vừa là một ngôi đền cúng dường Đức Phật, vừa là địa điểm chiêm bái của Phật tử. Cuộc chiêm bái khởi đầu từ chân đền, đi theo con đường xung quanh đền để thăng cấp lên đỉnh qua ba cấp độ vũ trụ Phật giáo là Dục giới, Sắc giới và Vô sắc giới. Trong hành trình này, ngôi đền chỉ dẫn cho hành giả thông qua một hệ thống bậc thang và hồi lang trải dài với 1.560 tấm phù điêu (2.500m) mang tính diễn kể và 1.200 phù điêu trang trí trên vách tường và bao lơn. Đa số các phù điêu này mô tả những sự kiện cuộc đời của Đức Phật cho đến bài thuyết pháp đầu tiên của Ngài được nói đến trong kinh Phổ Diệu (Lalitavistara), cũng như những câu chuyện kể tiền thân của Ngài trong kinh Bản Sanh (Jataka). Tuy nhiên, phần lớn phù điêu cũng cho thấy những cảnh câu chuyện chàng hành giả Thiện Tài (Sudhara) đi theo con đường giác ngộ của Phật trong phẩm “Hạnh nguyện” (Gandhayuha) từ bộ kinh quan trọng là Hoa Nghiêm (Avatamsaka sutra). Có thể nói toàn công trình Borobudur là một “cẩm nang” đồ sộ dành cho người Phật tử thuần thành. Hình tượng của Borobudur còn có thể đọc như một lịch sử của Phật giáo. Từ những chuyện kể về cuộc đời của Thích Ca Mâu Ni ở những tầng thấp hơn thể hiện giai đoạn lập đạo, cuộc hành hương của Sudhana biểu tượng cho những giai đoạn sau tìm thấy trong Đại thừa, và sự sắp xếp nhiều chư Phật ẩn mật trên những tầng cao thể hiện cho Phật giáo Mật tông. Hệ thống đồ tượng Phật giáo nối kết các truyền thống khác nhau (Ấn Độ, Nhật Bản, Trung Quốc, Tây Tạng…) có tầm quan trọng đối với sự phát triển của Phật giáo Mật tông, khởi từ thế giới khổ hạnh của các nhà du – già (yoga) để đi vào một truyền thống có cơ cấu và có tính tự viện hơn.
Phương vị trong mạn – đà – la với trung tâm là Đại Nhật Như Lai (Vairocana Buddha), bao quanh là những chiếu quang của Ngài (chư vị Bồ tát) và các thắng giả (jina) ở bốn phương chính trong vòng tròn, mỗi bậc đều có 4 Bồ tát thân cận. Các ngài tạo nên một cõi thiêng liêng của mạn – đà – la trong vòng tròn. Còn các cõi bên ngoài thuộc Sắc giới năm trong hình vuông, nơi các lực lượng thiên thần (deva) cư ngụ. Bốn phương chung quanh Đại Nhật Như Lai là vị trí của bốn Đức Như Lai, xếp theo thứ tự; Bất Động Như Lai (Aksobhya; Đông), Bảo Sinh Phật (Ratna – sambhava; Nam), A – di – đà Phật (Amitabhâ; Tây), Bất Không Thành Tựu Như Lai (Amoghasiddhi; Bắc).
Ba phần của Borobudur biểu tượng ba giai đoạn chuẩn bị tâm thức hướng tới mục tiêu cuối cùng theo vũ trụ luận của Phật giáo, đó là Dục giới (kamadhatu), Sắc giới (rupadhatu), và cuối cùng là Vô sắc giới (arupadhatu). Dục giới thể hiện qua phần bệ (phần chân), Sắc giới qua năm bậc thềm hình vuông (phần thân), và Vô sắc giới qua ba bậc thềm hồi lang tròn. Trong các tháp tròn (trổ nhiều ô hình kim cương) trên ba thềm hình tròn, đều chứa tượng Đại Nhật Như Lai và ở hai tầng trên còn có thể thấy một phần hình tượng Phật bên trong, nhưng càng trở nên rất khó thấy Ngài trong những bảo tháp trổ ô hình vuông thưa hơn. Ở giai đoạn cao nhất, là giai đoạn người chiêm bái đạt được sự thức tỉnh hay Phật tính: nhìn ra tự tánh chân không của mọi hiện tượng, tượng trưng bằng một bảo tháp lớn nhất và rỗng không ở ngay trung tân hay “đỉnh” của ngôi đền, nơi Đức Phật tối thượng trở nên vô hình – tượng trưng cho niết – bàn, dập tắt hiện hữu cùng sự tái sinh luân hồi (samsara). Không có những bức phù điêu nào trên ba bậc thềm hình tròn này hàm nghĩa sự tĩnh mặc vô biên, vô thủy vô chung. Các đặc điểm kiến trúc giữa ba giai đoạn này có những dị biệt ẩn dụ, chẳng hạn, hình vuông và các chi tiết trang trí trong Sắc giới tan biến vào trong những bậc thềm hình tròn trong Vô sắc giới thể hiện con người vướng mắc vào danh sắc và chuyển biến vào thế giới của vô sắc.
“Đại Nhật Như Lai, hiện thân của Pháp thân (dharmakaya), biểu hiện sự bình đẳng vô vi, sự thông suốt tính Không (sunyata), và Phật tính của vạn vật. Kim cương biểu thị như một yếu tính tồn tại của Phật thân (Kim cương bất hoại thân). Thân này cũng do năm uẩn, và năm đại cấu thành, và cũng tương ứng với năm trí. Và nhân cách của Phật, như là một chỉnh thể thống nhất tồn tại và nhận thức biểu hiện thành 5 Đức Như Lai tương ứng, Ngũ trí Như Lai hay năm vị Thiền Phật” (Tuệ Sĩ), như ta thấy trong hình tượng Mạn đà la Kim cương giới của Borobudur.
Cũng theo giải thích của Louis Fréderic, trong sự đi tìm ý nghĩa thực sự của Borobudur có ba cấp bậc của Borobudur tương ứng với tam thân (trikaya) của Phật, tức Pháp thân, tất cả biểu tượng cho Phật, Pháp và nội tại tính của Ngài. Trường phái Duy Thức (Vijnanavadin yogacara) vào thế kỷ thứ IV, mà Asanga được cho là nhà sáng lập, phân biệt bốn thân Phật: 1) Tự tính thân (Svabhavikakaya), thân xác hữu thể của Phật, biểu tượng bằng bảo tháp chính của Borobudur. 2) Pháp thân (Dharmakaya) tạo bằng bản thể của Phật, thường hằng, không sinh không diệt, tương ứng với tầm tháp tròn thứ ba. 3) Tha thọ dụng thân (Parasambhogakaya) là thân đầy đủ công đức để thọ dụng pháp lạc, thể hiện bằng chư Phật hai tầng tháp đầu tiên và biểu thị cho các bậc Bồ tát. 4) Ứng hóa thân (nirmanakaya), hay thân tùy cơ duyên mà hóa hiện, tương ứng với các thắng giả (jina) trong các hồi lang diễn kể.
Bốn thân Phật này thực ra là tam thân (trikaya) theo truyền thống, với thọ dụng thân (sambhogakaya) chia thành hai giai đoạn, pháp thân và tha thọ dụng thân. Như vậy, qua hình thái đơn giản hóa, tự tính thân thể hiện bằng bảo tháp trung tâm. Pháp thân và tha thọ dụng thân bằng ba hồi lang tròn, và cuối cùng, ứng hóa thân thể hiện bằng các hồi lang vuông (trong hệ thống này pháp thân tuyệt đối hay tự tính thân tạo nên bản thể chân thực của Phật và cũng là tánh Không).
Hệ thống biểu tượng của Borobudur mang tính phổ quát trong ý nghĩa và tư tưởng Phật giáo. Nó thể hiện sự viên mãn, tính toàn thể, đa dạng, và bất biến. Do vậy, Borobudur được xem là một trong những công trình quan trọng nhất thế giới, không chỉ trên bình diện thẩm mỹ mà còn trên bình diện tư tưởng khi nó biểu tượng cho tinh thần nhân loại trong tính nhất thể và đa dạng.
Tham khảo:
· Jean Louis Nou & Louis Frédéric, Borobudur, Abeville press, 1994
· Denis Patry Leidy & Robert Thurman, Mandala – The architecture of Enlinghtenment, Shambala 1998
· Tuệ Sĩ, “Khái niệm cơ bản về ý nghĩa và cách bố trí đàn tràng mạn – đà – la trong mật giáo – Lễ tháng Bảy”, phatviet.com
· Wikipedia: “Borobudur”
Tạp Chí Văn Hóa Phật Giáo số 54: Hà Vũ Trọng