Bánh cộ xuất phát từ chốn cung đình và được xem là đặc sản của chốn cung đình Huế…Hàng năm cứ đến các vụ mùa là quý bà “nội trợ” trong các vương phủ lại ngồi lựa nếp ròn, đậu xanh vàng lòng, hạt sen trần, bí đao thật tốt, cà rốt thật đẹp từ các vùng miền của đất nước tiến cúng rồi đem cất kín vào nơi chỗ khô ráo để đợi đến đầu tháng Chạp là bắt đầu đem ra làm bánh để dâng lên cúng Phật, cúng tổ tiên ông bà trong ba ngày Tết.
Theo các mệ, các bà cao niên công thức làm các loại bánh cộ này tuy giống nhau nhưng tuỳ theo mỗi loại, mỗi người làm lại có một bí quyết riêng, như: Làm bánh đậu xanh phải sấy khô 12 tiếng bằng than củi thì bánh mới dòn tan, để được lâu mà không bị mốc, không bị cứng; bánh bột nếp thì phải in thật nhẹ tay nếu không thì bánh sẽ cứng như đá, cắn mẻ răng, bánh bó thì phải lăn trước một đêm khi cắt lát bánh mới láng mặt, bánh mới có mới thơm ngon quyến rũ…
Bánh cộ nổi tiếng thơm ngon và sạch sẻ mà nguyên liệu thì rất bình dân và cách thức làm bánh cộ thì rất dễ làm, chỉ cần da tâm một chút là các cô các bà “nội trợ” đều có thể làm được. Bánh cộ do đó đã nhanh chóng lan truyền ra dân gian xứ Huế. Các bà nội trợ không những làm bánh cộ để cúng mà còn đem ra bán tại các chợ, các gia đình ai cũng có thể mua về cúng Phật và kỵ giổ ông bà cha mẹ…Nhất là vào các dịp Tết người ta làm rất nhiều bánh (gấp đến 10, 20 lần) để mọi người mua về cúng tất niên, cúng đón giao thừa, cúng ông bà trong cả 3 ngày Tết và đem dần cúng các đền chùa…
Ngày xưa các bà, các mệ thường tự làm bánh để cúng trong gia đạo. Đặc biệt hơn hết là tự làm những mâm bánh cộ thật “tinh khiết” để dành riêng đem cúng chùa cúng Tết. Còn những nhà nghề làm bánh cộ để bán thì không bao giờ có ý định tăng giá, và nhất là vì họ hiểu rất rõ mâm bánh cộ chủ yếu là để bà con mua về dâng cúng Phật, cúng tổ tiên nên không bao giờ chạy theo lợi nhuận mà làm bánh kém chất lượng, nên chẳng cần quảng cáo, chẳng cần PI mà bao nhiêu bánh làm ra bán cũng hết.
Ngày nay đã khác nhiều, mỗi khi Tết đến xuân về tuy không có cảnh các bà các mệ tự làm bánh cộ để dâng cúng nữa mà chủ yếu là ra các chợ, các tiệm mua về để cúng. Các nhà nghề làm bánh cộ đã sản xuất hàng loạt để đem bỏ sỉ tại các tiệm. Một số chùa Ni ở Huế cũng đã học được cách làm bánh cộ vừa đẹp vừa có chất lượng nên được các tiệm đặt hàng và có nhiều bà con Phật tử tìm đến tận chùa để mua về cúng, và làm quà biếu Tết. Nhiều mâm bánh được sắp xếp theo hình tháp Phước Duyên rất cao, rất đẹp, cũng có mâm bánh được sắp thành hình cổng Tam Quan chùa rất tinh tế, bắt mắt…bày bán khắp nơi trong các quầy hàng ở đường Phan Đăng Lưu, Huỳnh Thúc Kháng và tại các chợ Đông Ban, Bến Ngự, An Cựu…
Với hương vị và sắc màu đặc trưng cũng như tính chất “tinh khiết” của bánh cộ, nên ngày Tết nếu thiếu “bánh cộ” là người Huế xem như thiếu hương vị ngày Tết, bới hương vị và màu ngũ sắc của mâm bánh cộ đặt trên bàn Phật, bàn thờ tổ tiên cùng đèn hoa lung linh và hương trầm nghi ngút người Huế mới thấy ấm cúng, mùa xuân mới trọn vẹn.
Hiện nay, ở Huế có hai tiệm bán bánh cộ ngon nổi tiếng là tiệm Hồng Phúc ở đường Phan Đăng Lưu và tiệm Bà Bốn ở đường Nguyễn Thiện Thuật, bánh cộ ở hai tiệm này được đặt hàng từ các nhà nghề có truyền thống làm bánh cộ ngon nhất, đẹp nhất và uy tín nhất của xứ Huế, nên hầu hết các chùa Huế, cũng như nhiều người Huế yêu truyền thống, muốn “giữ chút gì rất Huế” đều tìm đến các tiệm nầy để mua bánh cộ về thờ cúng Phật, tổ tiên ông bà và gởi biếu bà con, bạn bè khắp nơi trong và ngoài nước cùng chia sẻ hương vị Tết cổ truyền xứ Huế.
N.N