Trang chủ Nghiên cứu – Trao đổi Bảng đen & phấn trắng

Bảng đen & phấn trắng

152
0

Gần gũi và quen thuộc nhất, đập vào mắt chúng ta hàng ngày, có lẽ là hình ảnh bảng đen và phấn trắng. Vâng! Nhưng điều này thì có gì lạ? Ngày ngày, quý thầy đến lớp, dùng phấn vạch lên bảng đen vô số những chữ và hình để giảng dạy, khiến tầm nhận thức của chúng ta ngày một quảng bác thêm lên.

Nhưng, nếu bạn để tâm, lắng lòng suy nghiệm một chút thì ngoài chức năng bình thường là dụng cụ giảng dạy, bảng đen và phấn trắng còn chứa đựng một triết lý về giáo dục rất tế nhị, thâm thuý và sâu sắc.

Trước hết, chúng ta thử phân tích về màu sắc. Màu đen biểu hiện cho sự tối tăm của một tâm trí chưa từng được khai minh. Do vậy, cần phải được nguồn sáng ở nơi minh sư chiếu rọi và cày xới dọc ngang trên mảnh đất tâm trí khô cằn ấy, mà hình ảnh tượng trưng là phấn trắng. Từng điểm, từng chữ, từng vệt trắng chấm phá lên nền đen chính là tấm màn mê muội của tâm thức được từ từ tác động và vén lần lên.

Thế nhưng, một qui luật hết sức phũ phàng mà lại rất thực, đó là bảng càng được sáng lên bao nhiêu với chi chít những vằn ngang, vết dọc thì phấn lại càng bị hao mòn và tàn lụi bấy nhiêu. Vì sự khai hóa, làm quang minh cho bảng mà phấn không nghĩ đến thân mình – Suốt cuộc đời vẽ nét, điểm tô vì tương lai đàn em tươi sáng, vì mục đích Phật Pháp trường tồn…

Phấn tàn lụi dần… Phấn tan ra thành bụi phấn. Phấn mất chăng? Không, phấn chỉ thay hình mà không đổi chất. Phấn phân thân thành hạt phiêu bồng trong gió bụi, vô tận với đất trời. Phấn đọng lại trên đầu cho tóc thầy điểm bạc hoa râm. Phấn hoá thân thành màu trắng tinh khôi là thế hệ chúng ta, mầm non tương lai của Đạo pháp, của dân tộc.

Trong chúng ta, chắc ai cũng ít nhất một lần nghĩ đến ân sư và tìm cách đền đáp. Nhưng, như phấn trắng ấy, quý thầy chỉ biết miệt mài, tận tuỵ, hy sinh. Vậy, chúng ta, những người học trò chỉ cần lắng lòng và nhìn thật sâu để thấy được bóng dáng ân sư qua tất cả những hình ảnh quen thuộc bình thường trong cuộc sống. Nếu được như vậy, thì hình ảnh người thầy sẽ luôn canh cánh bên lòng, và đó chính là ngọn đuốc soi đường, là nguồn động viên khích lệ cho chúng ta trên bước đường tu học.

Ngần ấy thôi, cũng thể hiện được phần nào đạo lý Đông phương về tôn sư trọng đạo “Nhất tự vi sư, bán tự vi sư”.

Đ.T

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here