Trang chủ Phật học BẢN TÁNH CỦA NHỮNG SỰ VẬT (Hosshō, pháp tánh)

BẢN TÁNH CỦA NHỮNG SỰ VẬT (Hosshō, pháp tánh)

179
0

Tiểu luận này của Đạo Nguyên nhằm phản đối quan niệm sai lầm rằng bản tánh của những sự vật như là tánh không thì chống đối lại hay loại trừ những hình tướng của những sự vật, hay hiện hữu tương đối. Quan niệm sai lầm này cho sự xóa bỏ những hình tướng là phương cách chứng ngộ bản tánh của những sự vật, điều mà Đạo Nguyên chống lại suốt những tác phẩm của ngài. Hơn là cố gắng xóa bỏ cái gì, Đạo Nguyên nhắm phá thấu qua hàng rào quan niệm để chứng ngộ bản tánh của những sự vật trong mọi sự, để chứng ngộ bản tánh của những sự vật là mọi sự.

Bản tánh của những sự vật là một danh từ căn bản của Phật giáo Đại thừa. Nó được định nghĩa như là tánh Như, tánh Không và Niết Bàn. Trong Phật giáo nguyên thủy, niết bàn hay “tịch diệt”, ám chỉ sự chứng đắc bình thản, bình an của tâm, thoát khỏi lo âu và phiền não. Trong Phật giáo Đại thừa, niết bàn thường dùng để nói đến những sự vật, với nghĩa tánh không. Về con người, niết bàn ám chỉ sự tịch diệt, tắt mất của diễn tả sai lầm, của những quan điểm chấp trước ; điều này là sự tỉnh giác về bản tánh “trống không” hay “rỗng rang” của những sự vật. Tánh không nghĩa là bản thân những sự vật là bất định, tùy thuộc vào những tương quan, những sự vật thì không có bản tánh riêng hay tuyệt đối về phần chúng. Tính không-tuyệt-đối này gọi là tánh không. Cách diễn tả khác là tính không không thể quan niệm. Những diễn tả để định nghĩa sự vật và thậm chí kinh nghiệm về sự vật đều dựa trên tâm thức, chúng không phải là bản thân sự vật. Như thế bản tánh của tự thân những sự vật là không thể quan niệm, không thể nghĩ bàn, vượt khỏi diễn tả hay “trống không”.

Nhưng “tánh không” này không hiện hữu riêng phần nó, bởi vì nó không là gì ngoài bản tánh của những sự vật như là tương đối và không có cá tính, vô ngã. Nói thế nghĩa là, tánh không của những sự vật và hiện hữu tương đối của những không tương phản mà đồng nhất trong tinh túy. Danh từ tánh Như bao trùm cả hai mặt này của thực tại – hiện hữu tương đối của những sự vật và tánh không của hiện hữu tuyệt đối của những sự vật riêng biệt. Hai viễn cảnh này là hai mặt của tánh như – cái bất biến (tánh không tuyệt đối) và cái ứng hợp với những điều kiện (hiện hữu tương đối). Bản thân danh từ tánh như ám chỉ sự chứng ngộ đồng thời tánh không và hiện hữu, kinh nghiệm một cách trực tiếp và rỗng rang mà không trụ vào những hào nhoáng bề ngoài của ý niệm, thấy mọi sự đơn giản là “như thế”.

Tiểu luận này của Đạo Nguyên nhằm phản đối quan niệm sai lầm rằng bản tánh của những sự vật như là tánh không thì chống đối lại hay loại trừ những hình tướng của những sự vật, hay hiện hữu tương đối. Quan niệm sai lầm này cho sự xóa bỏ những hình tướng là phương cách chứng ngộ bản tánh của những sự vật, điều mà Đạo Nguyên chống lại suốt những tác phẩm của ngài. Hơn là cố gắng xóa bỏ cái gì, Đạo Nguyên nhắm phá thấu qua hàng rào quan niệm để chứng ngộ bản tánh của những sự vật trong mọi sự, để chứng ngộ bản tánh của những sự vật là mọi sự.

Bản Tánh của những Sự Vật

Trong học thiền định, dù theo kinh hay theo một vị thầy, người ta ngộ một mình không có một vị thầy. Ngộ một mình không có một vị thầy là hoạt động của pháp tánh, bản tánh của các pháp. Cho dù người ta sanh ra vốn biết, người ta cần tìm kiếm một vị thầy để hỏi về Đạo. Dù khi có các hiểu biết về vô sanh(1) người ta cần phải dứt khoát nỗ lực quán triệt Đạo. Có ai mà không sanh ra vốn biết? Thậm chí cho đến giác ngộ, Phật quả, đó vẫn là một việc theo những kinh điển và những vị thầy. Hãy biết rằng gặp gỡ một kinh điển hay một vị thầy mà đạt được thể nhập vào định pháp tánh được gọi là sanh ra vốn biết, cái biết này thể nhập pháp tánh khi gặp gỡ pháp tánh. Đây là sự đạt được hiểu biết những đời quá khứ, đạt được ba thông,(2) thành tựu giác ngộ vô thượng, gặp gỡ cái hiểu biết không có thầy (trí vô sư) và cái hiểu biết tự nhiên và truyền đạt đúng đắn trí vô sư và trí tự nhiên.

Nếu người ta không vốn biết, thì dù có gặp những kinh điển, những vị thầy, người ta cũng không thể nghe về pháp tánh, người ta không thể thể nghiệm pháp tánh. Đạo Lớn không phải là nguyên lý giống như người nào uống nước thì nóng lạnh tự biết. Tất cả chư Phật cũng như chư Bồ tát và tất cả chúng sanh đều làm sáng tỏ Đạo Lớn của bản tánh của tất cả sự vật nhờ năng lực của cái hiểu biết vốn sẵn (trí huệ bổn nguyên). Làm sáng tỏ Đạo Lớn của pháp tánh theo những kinh điển và những vị thầy gọi là làm sáng tỏ pháp tánh bởi chính mình. Những kinh điển là pháp tánh, là chính mình. Pháp tánh là thầy, pháp tánh là chính mình. Bởi vì pháp tánh là chính mình, nó không phải là cái “mình” hiểu sai của ngoại đạo và quỷ ma. Trong pháp tánh không có ngoại đạo hay quỷ ma – nó chỉ là ăn sáng, ăn trưa, có một bữa qua loa. Dù vậy, những người tự cho là đã học lâu, hai mươi ba mươi năm, trải qua cuộc đời họ trong bối rối khi đọc hay nghe nói về pháp tánh. Những người tự nhận là đã học xong Thiền và xếp mình vào hàng những vị thầy, khi họ nghe thấy tiếng nói của pháp tánh và thấy những sắc tướng của pháp tánh, thì thân tâm họ, kinh nghiệm khách quan và chủ quan, cũng luôn luôn khởi lên và rơi xuống trong hố mê mờ. Điều này giống như nghĩ một cách sai lầm rằng pháp tánh sẽ xuất hiện khi toàn bộ thế giới chúng ta đang tri giác được xóa bỏ, rằng pháp tánh không phải là cái toàn thể hiện tiền của những hiện tượng. Nguyên lý pháp tánh không thể như kia được. Cái toàn thể của những hiện tượng này và pháp tánh thì vượt hẳn mọi vấn đề như nhau hay khác nhau, vượt hẳn sự nói năng về phân biệt hay đồng nhất. Nó không phải là quá khứ, hiện tại, hay tương lai, không phải đoạn diệt hay thường còn, không phải sắc, thọ, tưởng, hành, thức – bởi thế nó là bản tánh của các pháp, pháp tánh.

Thiền sư Mã Tổ nói, “Tất cả chúng sanh, dù vô tận kiếp, đều chưa từng lìa ngoài, xuất khỏi định pháp tánh : tất cả họ luôn luôn ở trong định pháp tánh, mặc áo, ăn cơm, nói chuyện – những hoạt dụng của sáu giác quan (căn), và mọi hoạt đôïng, tất cả đều là pháp tánh.”

Pháp tánh được nói đến bởi Mã Tổ là pháp tánh được nói đến bởi pháp tánh. Học từ cùng nguồn với Mã Tổ là người học đạo của pháp tánh: từ khi nghe về nó, làm sao không có thể nói về nó? Sự kiện là pháp tánh cưỡi Mã Tổ; đó là người ta ăn cơm, cơm ăn người ta. Suốt từ đó pháp tánh không hề lìa khỏi định pháp tánh. Nó không lìa pháp tánh sau pháp tánh, nó không lìa pháp tánh trước pháp tánh. Pháp tánh, trải dài với vô tận kiếp, vẫn nhập vào định pháp tánh; pháp tánh được gọi là vô tận kiếp. Bởi thế cái ở đây của hiện tại tức thời này là pháp tánh. Mặc áo ăn cơm là mặc áo ăn cơm của nhập trong định pháp tánh. Nó là sự biểu lộ của pháp tánh của cơm, nó là sự biểu lộ của pháp tánh của ăn, nó là sự biểu lộ của pháp tánh áo, nó là sự biểu lộ của pháp tánh mặc.(3) Nếu người ta không mặc hay ăn, không nói hay trả lời, không dùng những giác quan, không hành động chút gì, nó không phải là pháp tánh, nó không nhập vào pháp tánh.

Sự biểu lộ của Đạo của hiện tại tức thời được chư Phật trao truyền, đến Phật Thích Ca Mâu Ni; được truyền đạt đúng đắn bởi các Tổ sư, rồi đến Mã Tổ. Phật qua Phật, Tổ qua Tổ, trao truyền không sai một mảy ly, thông nhau trong định pháp tánh. Chư Phật và chư Tổ không nhập, mà sống trong pháp tánh.(4) Dù những học giả hướng ngoại có thể có danh từ pháp tánh, đó không phải là pháp tánh được Mã Tổ nói. Dù thần lực để đề xuất “những chúng sanh không hề lìa khỏi pháp tánh vẫn không phải là pháp tánh” có thể thành tựu cái gì đó, đấy là ba, bốn lớp mới về pháp tánh. Nói, trả lời, vận hành và hành động như thể không phải là pháp tánh thì vẫn phải là pháp tánh. Những ngày và những tháng của vô số kiếp là sự qua đi của pháp tánh. Quá khứ, hiện tại, và vị lai cũng phải như vậy. Nếu các ông xem giới hạn của thân tâm như là giới hạn của thân tâm và nghĩ nó xa cách pháp tánh, thì cái nghĩ bậy này vẫn là pháp tánh. Nếu các ông không xem giới hạn của thân tâm như là giới hạn của thân tâm và nghĩ nó không phải là pháp tánh, cái nghĩ này cũng là pháp tánh. Nghĩ hay không nghĩ đều là pháp tánh. Học theo kiểu từ khi chúng ta nói tánh thì nước thôi chảy và cây cối phải không nở hoa và héo, đó là ngoại đạo.

Phật Thích Ca Mâu Ni nói, “Tướng như vậy, tánh như vậy.” Thế thì hoa nở và lá rụng là tánh như vậy. Nhưng người ngu nghĩ rằng không thể có hoa nở và lá rụng trong cõi giới của pháp tánh. Vào lúc này người ta chớ hỏi cái gì khác. Các ông cần đúc khuôn cái nghi của các ông vào những diễn tả ngôn ngữ này. Đề khởi nó lên như những người khác đã từng nói, các ông cần nghiên tầm, nghiền ngẫm nó mãi – sẽ thoát khỏi cái trước kia.(5) Những ý nghĩ ở trên không phải là nghĩ sai, chúng chỉ là những ý nghĩ khi chưa thấu hiểu. Không phải sự suy nghĩ này sẽ được làm cho biến mất khi người ta thấu hiểu. Hoa nở và lá rụng tự chúng là hoa nở và lá rụng. Cái suy nghĩ rằng không thể có hoa nở và lá rụng trong pháp tánh, cái tư tưởng ấy chính là pháp tánh. Nó là một tư tưởng năm trong một khuôn khổ ; thế nên nó là tư tưởng của pháp tánh. Toàn bộ suy nghĩ của suy nghĩ về pháp tánh là một hình tướng xuất hiện như vậy.

Dù câu nói của Mã Tổ, “tất cả đều là pháp tánh” thực sự là một tuyên bố tám chín mươi phần trăm, cũng có nhiều điểm Mã Tổ chưa tỏ bày. Nghĩa là ngài không nói những bản tánh của tất cả các pháp không lìa khỏi pháp tánh,(6) ngài không nói những bản tánh của tất cả các pháp là tất cả bản tánh của các pháp.(6) Ngài không nói tất cả chúng sanh không lìa khỏi chúng sanh,(7) ngài không nói tất cả chúng sanh là một phần nhỏ của pháp tánh, ngài không nói tất cả chúng sanh là một phần nhỏ của tất cả chúng sanh,(8) ngài không nói những bản tánh của tất cả các pháp là một phần nhỏ của chúng sanh.(9) Ngài không nói một nửa chúng sanh là một nửa pháp tánh.(10) Ngài không nói sự không hiện hữu của của chúng sanh là pháp tánh,(11) ngài không nói pháp tánh không phải là chúng sanh,(11) ngài không nói pháp tánh biểu lộ pháp tánh, ngài không nói chúng sanh rơi rụng mất chúng sanh. Chúng ta chỉ nghe rằng chúng sanh không lìa khỏi định pháp tánh – ngài không nói pháp tánh không thể lìa khỏi định chúng sanh, không có câu tuyên bố rằng định pháp tánh hiện hữu và đi vào định chúng sanh. Chưa nói là, chúng ta không nghe nói đến sự chứng đắc Phật quả của pháp tánh, chúng ta không nghe chúng sanh chứng ngộ pháp tánh, chúng ta không nghe pháp tánh chứng ngộ pháp tánh, không có câu tuyên bố những loài vô tình không lìa khỏi pháp tánh như thế nào. Bây giờ người ta cần hỏi Mã Tổ, cái gì mà ngài gọi là “chúng sanh”? Nếu ngài gọi chúng sanh là pháp tánh, thì đó là Như Lai chăng? Nếu ngài gọi chúng sanh là chúng sanh, thì nếu ngài nói nó là cái gì đó, ngài đã mất nó. Nói nhanh, nói nhanh!

Nguồn: thuvienhoasen.org
Chú thích

1. “Vô sanh” nghĩa là tánh không, cũng là kinh nghiệm trực tiếp không có so sánh trước và sau.

2. Ba thông là những tri thức siêu thường của các vị thánh và Phật : hiểu biết sự sanh ra và chết của chúng sanh trong quá khứ, hiểu biết sự sanh và chết của chúng sanh trong tương lai và hiểu biết sự tận diệt những nhiễm ô của tâm thức. Trong Thiền cả ba cái đôi khi được giải thích quy về huệ quán vào tâm nền tảng, nó là như nhau trong cả mọi thời và không có nhiễm ô bẩm sinh.

3. Có thể đọc “Áo là biểu lộ của pháp tánh, cơm là biểu lộ của pháp tánh, ăn là biểu lộ của pháp tánh, mặc là biểu lộ của pháp tánh”.

4. Ở đây, “không nhập” nghĩa là pháp tánh không phải là cái gì ở ngoài để nhập vào ; mà nó là cái gì có mặt ở khắp cả để sống.

5. Đoạn này có vẻ chỉ đến sự thực hành công án, nhất là sự sử dụng kosuku kōan hay công án kiểu cổ, những lời nói hay câu chuyện Thiền được dùng để cho tỉnh giác tập chú vào trong một số đường lối. “Sẽ thoát khỏi cái trước kia” ám chỉ sự rơi rụng của những quan kiến hay trạng thái tâm thức trước kia.

6. Những bản tánh (cá nhân) của những sự vật (pháp) không lìa khỏi bản tánh (phổ quát) của các pháp, bởi vì những bản tánh cá thể thì tương đối, do đó trống không có một cá tính tuyệt đối – chính tánh không này là bản tánh phổ quát của các pháp, hay các sự vật.

7. Những chúng sanh như là những chúng sanh – nghĩa là về mặt cá tính tương đối hay hiện hữu theo điều kiện – thì luôn luôn như vậy, theo định nghĩa.

8. “Tất cả chúng sanh” như được nhìn từ một quan điểm (chẳng hạn từ tri giác con người) là một phần nhỏ của “tất cả chúng sanh” như được thấy từ mọi điểm quy chiếu có thể có. Điều này nhắc nhở đến giáo lý Hoa Nghiêm về sự phản chiếu lẫn nhau vô tận của những hiện hữu tương thuộc, và giáo lý Thiên Thai về mọi lãnh vực dung chứa lẫn nhau. Theo giáo lý Thiên Thai, toàn thể chúng sanh được định nghĩa theo mười cõi hay pháp giới, nhưng mỗi cõi chứa đựng tiềm năng của tất cả các cái khác, như vậy làm thành một trăm cõi. Hoa Nghiêm còn đi xa hơn và nói rằng mỗi cõi tiềm năng cũng chứa đựng tất cả các cõi tiềm năng khác. Nó là tương quan lẫn nhau vô cùng tận, được nhân lên và nhân lên vô cùng.

9. Theo giáo lý tương tức tương nhập của mọi sự trong vũ trụ, tất cả những sự vật là một phần của hiện hữu của mỗi sự vật và mọi sự vật.

10. Tinh túy (tánh không của hiện hữu tuyệt đối) và tướng (những đặc tính, hiện hữu tương đối) có thể giống như hai “nửa” của toàn thể tất cả hiện hữu và bản tánh của những sự vật.

 

11. “Không hiện hữu của chúng sanh” là tánh không, bản tánh tuyệt đối của chúng sanh là bản tánh của những sự vật như là tánh không.

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here