Trang chủ Phật học Bài pháp vi diệu

Bài pháp vi diệu

149
0

Sau khi khai ngộ, được Ngũ Tổ truyền y bát và bảo trở về phương Nam, Lục Tổ đi đến ngọn núi Đại Dữu thì bị Huệ Minh đuổi kịp. Tổ để y bát trên tảng đá vào rừng ẩn, Huệ Minh đến gặp y bát, song không sao nhấc lên nổi, liền gọi:

– Hành giả! Tôi đến đây vì pháp, không phải vì y bát.

Tổ nghe gọi, bước ra ngồi trên tảng đá và bảo:

– Nếu ông vì pháp mà đến, hãy bình tâm nghe tôi nói.

Huệ Minh đứng yên lặng hơi lâu. Tổ bảo: “Không nghĩ thiện, không nghĩ ác, chính khi ấy, cái gì là bản lai diện mục của Thượng toạ Huệ Minh?”

Nghe câu này, Huệ Minh liền đại ngộ…

Bài thuyết pháp ngắn gọn này phản ánh trung thực một sự nghiệp to tát mà Lục Tổ vừa lãnh hội nơi Ngũ Tổ và đang mang nó về phương Nam. Chính đó cũng là bản hoài của Đức Phật.

“Bản lai diện mục” là “bộ mặt xưa nay” của chúng ta, nó là tên khác của Đạo, của Pháp thân, của Phật tánh, của Chân tâm và của Thật tánh.v.v… Chúng ta có bộ mặt thật muôn đời không đổi, mà tự bỏ quên nó rồi lại bám vào thân hình tạm bợ cho là thật mình. Cái thân hình đang chấp giữ là thật mình, nó thay đổi từng phút giây, hợp tan không nhất định. Thế thì lấy cái gì bảo chứng cho nó là thật? Quả thật nó là một hình tướng biến thiên, một hợp thể tạm bợ. Nó có mà không thật có, vì luôn luôn đổi thay; còn mà không thật còn, vì hợp tan chẳng định. Nếu chấp chặt nó là ta, thật là cái ta tạm bợ làm sao!

Hoặc có người biết thân này là giả dối, chính là cái tâm biết thiện, biết ác; biết phải, biết quấy; biết tốt, biết xấu… mới thật là ta. Song, cái tâm phân biệt hai bên, cũng đổi thay tạm bợ. Vì vừa dấy nghĩ về lành, về dữ thì nó đã sinh diệt rồi. Nếu buông hết mọi vấn đề đối đãi, tìm lại nó thì tung tích vắng tanh.

Thế là ta ở đâu? Mất rồi sao? Thật bối rối vô cùng khi chấp cái suy nghĩ làm ta. Chỉ vì chấp thân tạm bợ, tâm giả dối làm ta nên muôn kiếp trôi lăn trong sinh diệt, gọi là luân hồi.

Ngay nơi thân tạm bợ, tâm giả dối, chúng ta nhận ra “bộ mặt thật xưa nay” của mình và sống hẳn với nó, dòng sinh diệt ngang đây liền dừng, kiếp luân hồi đến đây giải thoát. “Bộ mặt thật xưa nay” chưa từng bị sinh diệt, một thực thể không do duyên hợp thì làm gì bị đổi thay, tan hợp? Nó vẫn có và thường còn mà chúng ta quên đi, nên gọi là vô minh; nhận ra nó không còn lầm lẫn gọi là giác ngộ.

Muốn chỉ ra “Bộ mặt thật xưa nay” cho người, không có cách nào kỳ diệu bằng câu pháp ngữ của Lục Tổ: “không nghĩ thiện, không nghĩ ác, chính ngay khi ấy, cái gì là bản lai diện mục của Thượng toạ Minh?”. Người ta cứ thắc mắc “cái gì là bản lai diện mục” của Thượng toạ Huệ Minh, mà chẳng nhớ đến “không nghĩ thiện, không nghĩ ác” là tối quan trọng. Chính khi “không nghĩ thiện, không nghĩ ác” là “bản lai diện mục” của Thượng toạ Minh chớ gì nữa. Bởi khi tâm bình thường tỉnh táo, không dấy nghĩ thiện ác, phải quấy… quả là “bộ mặt thật xưa nay” xuất hiện. Vừa dấy nghĩ thiện ác, là động, là chạy theo sinh diệt, “bộ mặt thật xưa nay” bị khuất lấp mất rồi. Cho nên, qua câu nói này, Thượng toạ Minh khéo thấy được bộ mặt thật xưa nay của mình, gọi là ngộ đạo.

Tăng y của Lục Tổ Huệ Năng

“Không nghĩ thiện, không nghĩ ác”, nó tương xứng với tránh xa hai say đắm Khổ và Lạc, lý Trung đạo trong bài pháp Tứ Đế đầu tiên của Đức Phật.

“Không nghĩ thiện, không nghĩ ác”, nó tương xứng với “không tác ý”, nói về pháp tập khởi, pháp đoạn diệt của kinh Tứ Niệm Xứ.

“Không nghĩ thiện, không nghĩ ác”, nó tương xứng với “phòng hộ ý căn” trong khi sáu căn tiếp xúc với sáu trần, “Ý duyên pháp, không nghĩ tướng chung, không nghĩ tướng riêng…”

“Không nghĩ thiện, không nghĩ ác”, nó tương xứng với nhà thiền sư khi ngồi thiền nói: “Phùng ma sát ma, phùng Phật sát Phật”. Ma là nghĩ ác phải bỏ, Phật là nghĩ thiện cũng buông.

“Bất tư thiện, bất tư ác”, nó tương xứng với “Vô niệm” trong câu “Nhất niệm bất sinh toàn thể hiện”; “Vô tâm” trong câu “Đối cảnh vô tâm mạc vấn thiền”.

“Nghĩ thiện, nghĩ ác” hoặc “niệm thiện, niệm ác” tuy hai niệm, nhưng trên bản tánh nó không có hai, “Tánh không hai đó là thật tánh”, lời của Tổ Huệ Năng.

Tỷ dụ như khi ngồi tu niệm, niệm dấy khởi hoặc là niệm lành, hoặc là niệm dữ. Nhưng khi niệm lành hoặc niệm dữ lặng xuống rồi, thì cái hằng biết đó lành hay dữ. Cái hằng biết trong tâm mình, nghĩa là hằng biết lúc có niệm, lúc không niệm, cái hằng biết ấy thuộc về lành hay dữ?

Nó không có lành dữ. Cho nên, khi dấy niệm thì niệm niệm khác nhau, có lành có dữ, khi niệm lặng xuống chỉ có cái liễu tri thường hằng không có lành dữ, nên nói: “Tánh không hai mới là thật tánh”, còn niệm lành hay dữ không phải là cái thật. Tổ chỉ dạy rõ ràng như ban ngày, không có gì phải nghi ngờ nữa.

Dấy niệm thì có thiện, ác, là thuộc về hai, mà hai thì không thật; niệm thiện hoặc niệm ác lặng xuống trở về bản tánh, thì bản tánh không hai, mà không hai mới là tánh chân thật. Thật quá rõ ràng!

Thế nên, chúng ta muốn sống với tánh chân thật, phải dừng niệm thiện và ác. Hay “Không nghĩ thiện, không nghĩ ác”. Nếu không hiểu ý này, chúng ta sẽ thắc mắc, bỏ niệm ác thì được, vì sao lại bỏ niệm thiện? Bởi vì thiện là đối với ác, những niệm đó còn dấy lên là sinh diệt, lắng những cái sinh diệt ấy mới là chân thật, cái chân thật, tức là chân tâm ở ngay nơi đó, không đâu xa. Cũng như nói: không nghĩ thiện, không nghĩ ác, chính ngay khi đó bản lai diện mục xuất hiện.

Muốn thành Phật thì phải nuôi lớn giác tánh ngày càng sáng tỏ, càng viên mãn, kết quả sẽ thành Phật. Muốn thành ma thì trưởng dưỡng tham, sân, si nơi mình càng ngày càng lớn mạnh thì sẽ thành ma. Vậy, thành Phật hay thành ma là do ở nơi mình.

Một thiền sư nói: “Một giờ ngồi thiền, một giờ làm Phật”. Trong kinh cũng dạy: “Từ khi thành đạo cho đến khi nhập Niết bàn, Đức Phật sống một đời sống hàng ngày hành thiền để hiện tại lạc trú, và sách tấn các đệ tử tu hành”.

HT. T.C.T 

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here