Điều làm cho chúng tôi ngạc nhiên là trong bữa ăn này, Hoà thượng cùng ngồi chung với quý Thầy và chúng điệu ở một cái bàn dài được phân thành hai dãy ghế: trên hết là Hoà thượng, thứ đến là quý Thượng toạ, rồi quý Thầy trẻ và tiếp nữa là chúng điệu; phân thành hai hàng như vậy.
Chúng tôi đến chào và hỏi thăm sức khoẻ Hoà thượng cùng đại chúng. Hoà thượng đáp lại chúng tôi bằng lối hỏi thăm lịch sự và chúng tôi được quý điệu bưng ghế mời ngồi.
Sau khi dùng cơm xong, Hoà thượng hỏi thăm chúng tôi về tình hình tu học của các Phật tử xứ Nghệ rồi Ngài kể chuyện xưa cho cả đại chúng nghe. Hôm đó Hoà thượng kể về thời Ngài còn làm điệu, đi học, rồi sau đó ra đi hành đạo. Khi trời bắt đầu nhá nhem tối, nhận thấy Hoà thượng đã tạm ngưng chuyện, thì Vũ liền tranh thủ hỏi chuyện:
– Kính bạch Ôn! Con có một điều thắc mắc mà mấy lâu ni chưa giải tỏa được, xin Ôn hoan hỷ cho phép con được hỏi.
– Không răng hết. Cứ hỏi đi.
– Kính bạch Ôn! Từ khi được Ôn quy y đến chừ, con rất sung sướng. Con thấy những lời Phật dạy rất thực tế và rất nhân bản, hễ ai chịu khó thực tập cũng đều được an lạc cả. Nhưng khổ nỗi là do bạc phước, mà con đã phải sinh ra ở vùng thiếu ánh sáng Phật pháp: chùa thì nhiều mà Thầy thì không có. Lắm khi có những cái thắc mắc mà con không biết tìm mô ra một bậc minh sư để hướng dẫn. Kính bạch Ôn! Nhất là hiện chừ con có một người bạn, do khác tôn giáo, nên tình bạn của tụi con hay có những bất hoà khí. Kính bạch Ôn, Ôn có cách chi giúp cho con sống với, con thiệt là khổ.
Hoà thượng cười hỏi:
– Răng? Khổ chuyện chi rứa, nói Ôn nghe coi.
Vũ thưa:
– Kính bạch Ôn, con có một người bạn, là người theo ngoại giáo. Nhưng nhờ học rộng, nên bạn ấy biết khá nhiều triết thuyết của các tôn giáo. Do học rộng nên nhiều khi bạn ấy đem cái học đó hỏi con, vặn con để dồn cho con vào thế bí. Có lần con đang lễ Phật, thì bạn đứng một bên hỏi: “Bạn đang lạy ai rứa?” Con nói: “Mình đang lạy Phật”. Bạn ấy hỏi lại: “Lịch sử của Phật ra răng bạn biết không?” Con nói: “Lịch sử Phật, do mới quy y, còn ít học, nên mình chưa biết nhiều lắm. Chỉ biết Ngài trước đây là thái tử, sau vì nhận thấy cung vàng điện ngọc chỉ là hạnh phúc giả tạm nên Ngài từ bỏ mà xuất gia rồi sau đó thành Phật, hiệu là Thích-ca-mâu-ni”. Khi đó bạn ấy nói với con: “Chuyện nớ thì có ai mà không biết! Nhưng chuyện mình muốn hỏi là: Phật Thích-ca con của ai, thuộc dòng họ mô, rồi dòng họ đó có mấy người, tên chi, cả thảy bao nhiêu đời vua?…”. Kính bạch Ôn, khi nghe bạn nói rứa, con liền khựng lại. Vì con có học phổ hệ truyền thừa của dòng họ Phật mô mà con biết! Nên con không làm răng mà trả lời được cả. Khi đó bạn ấy nói với con: “Thái tử Tất-đạt-đa là con Tịnh Phạn, thuộc dòng họ Thích-ca, một nhánh của Kiều-tất-la, ở nước Ca-tỳ-la-vệ…". Bạn ấy kể cả một phổ hệ truyền thừa của đức Phật dài lắm, nhưng chừ thì con không nhớ hết. Rồi bạn ấy nói tiếp: "Mình nghĩ bạn theo tôn giáo như rứa chỉ là hùa theo mà thôi, chớ chưa sáng suốt lắm. Theo mình, muốn theo một tín ngưỡng, thì ít ra trước hết bạn cũng nên nắm vững ngọn ngành gốc gác của vị giáo chủ mà mình tôn thờ đó, coi thử ra răng rồi mới theo. Nhưng thôi, chuyện nớ không quan trọng. Điều quan trọng là, như bạn thấy đó: Phật Thích-ca dù con ai, thuộc dòng họ mô, trải qua mấy đời… và Ngài có trí tuệ siêu phàm đến mấy đi nữa, thì cũng chỉ là ngọn mà thôi, còn đấng Sáng tạo mới là gốc. Vì Phật sinh sau, là hậu duệ của đấng Sáng tạo, nên đạo của Ngài có chi đi nữa thì cũng chỉ là Đạo ngọn mà thôi, còn đạo của đấng Tạo hoá mới là Đạo gốc”. Kính bạch Ôn, khi nghe nói rứa, mặc dù con không đồng ý, nhưng vì còn sơ cơ, ít học, nên con không biết làm răng mà đáp lại được cả. Xin Ôn dạy để cho con được hiểu.
Nghe xong, Hoà thượng cười, đoạn đưa tay bưng tách trà uống, rồi nói tiếu với đại chúng:
– Chà, trường hợp ni của anh Vũ mới khó giải quyết chớ! Chắc ở đây mấy Thầy mấy Chú có học cả rồi, giỏi hơn tui nhiều, nên chừ mấy vị trả lời anh Vũ giúp tui với (cười). Đó, chừ mấy Thầy mấy Chú ra đi giảng, làm giảng sư, gặp trường hợp như ri, mấy vị trả lời răng đây?
Hoà thượng nói xong, cười đôn hậu. Đại chúng nghe hỏi thế, im lặng, không ai dám nêu ý kiến. Thấy không ai lên tiếng, Hoà thượng tiếp:
– Răng? Răng không nghe ai nói chi cả? Nói đi chớ. Nói trước đi rồi tui nói sau. Chừ gặp trường hợp như rứa, trả lời răng đây? Mấy vị nói đi, tui nghe coi thử!
Nghe Hoà thượng nói thế, Thượng toạ T.H đỡ thay đại chúng:
– Kính bạch Ôn, anh Vũ hỏi Ôn vấn đề ni, tụi con cũng thấy rất mới. Nên xin Ôn chỉ dạy cho tụi con để tụi con được học.
Hoà thượng quở:
– Tui đã nói là, chừ các vị đóng vai giảng sư, ra đi giảng đạo, rứa mà cứ bắt tui nói trước là răng? Cứ nói đi đã, tui coi có trúng không, rồi tui nói sau. Có nói ra thì tui mới biết sai rồi sửa cho mà nhớ. Chớ còn bắt tui nói ra, thì ngay từ đầu, tự tui trả lời cho rồi, còn hỏi các vị làm chi nữa. Cứ nói ra, sai thì sửa, chớ ngại cái chi! Chừ hỏi không nói, để mai mốt ra đi giảng, người ta hỏi cho như rứa rồi chỉ biết lặng thinh là xong à?
Nghe đến đó, Thầy Q.H mạnh dạn:
– Kính bạch Ôn, nghe Ôn dạy như rứa nên con cũng xin được phép trả lời câu hỏi của anh Vũ. Bạch Ôn, con sẽ đem ý nghĩa của Phật dạy trong Kinh Pháp Cú mà trả lời với người bạn của anh Vũ như ri: Anh nói, anh theo đấng Sáng tạo đúng, vì là gốc, còn tui theo Phật sai, vì Ngài là ngọn; điều nớ có quan trọng chi! Vì như đức Phật có dạy: “Không ai làm cho anh cao thượng, không ai làm cho anh thấp hèn. Chỉ có hành động của anh làm cho anh cao thượng hay thấp hèn mà thôi”. Như rứa, gốc hay ngọn cũng không có chi quan trọng! Miễn là tui thấy người mô ở đời mà tui cho là có trí tuệ, có đức hạnh cao thượng, thì tui theo, rứa thôi! Bạch Ôn, con sẽ trả lời như rứa!
Thầy Q.H nói vừa xong, Hoà thượng hỏi lại:
– Như rứa là Ba Mẹ của Thầy ở trong nhà thiếu trí tuệ, thiếu đức hạnh, thì Thầy không theo? Còn người hàng xóm có trí tuệ, có đức hạnh, thì Thầy theo?
Cả đại chúng nghe Hoà thượng hỏi lại như thế thì cười. Một lát sau, không thấy Thầy Q.H nói thêm gì nữa, Hoà thượng hỏi:
– Răng? Thầy Q.H nói tiếp đi. Tui hỏi lại như rứa là chịu thôi à? Không còn cách chi khác à? Thôi, thầy Q.H chịu thì thôi, thì thầy khác?
Bấy giờ không ai dám nói gì thêm. Ít lâu sau, cả đại chúng cùng thỉnh xin ý kiến Hoà thượng. Hoà thượng dạy:
– Theo Nhân minh dạy, muốn phá tôn chỉ của người khác mà mình thấy nó không đúng với sự thật hiện kiến, thì có nhiều cách để phá. Nhưng phá cách chi đi nữa cũng không ra ngoài hai lối chính, là Lập lượng phá và Hiển quá phá. Lập lượng phá là lập một tôn chỉ để phá, như câu trả lời của Thầy Q.K vừa rồi cũng là một cách lập lượng phá. Nhưng lập lượng của Thầy không vững nên bị tui phá. Đó gọi là Tợ năng phá, tức phá tôn chỉ bị sai. Rứa thì muốn phá tôn chỉ trong câu hỏi của người bạn anh Vũ, phải dùng cách chi đây? Phải dùng cách thứ hai: là Hiển quá phá. Tức chỉ cái lỗi của anh ta mà phá. Cách phá ni thì cũng đã bao gồm cả cách tê rồi, tức là đã bao gồm cả Lập lượng phá. Rứa thì chừ trong trường hợp ni, muốn hiển cái quá của người ta thì hiển cách răng, các vị có biết không? Cái quá đó nằm chỗ mô? Ở chỗ: chấp có nguyên nhân đầu tiên. Với mục đích nhằm tôn vinh đấng giáo chủ của mình, thay vì anh ta nói (lập tôn) "Đấng sáng tạo sinh ra mọi loài mọi vật", nhưng sợ bạn mình (anh Vũ là Phật tử), không chấp nhận sẽ bác bỏ, nên anh ta nói bằng một lối khác "Đấng sáng tạo là gốc". Chứ thật ra trong cách nói nớ bị lỗi "chấp có nguyên nhân đầu tiên", mà Phật tử mình không thấy. Sở dĩ không thấy là vì không học Nhân minh, hoặc vì có học Nhân minh mà do không kỹ nên khó thấy được. Lỗi ni, Nhân minh gọi là lỗi do dự. Nghĩa là tôn chỉ mù mờ: mặc dù nói ra như ri, nhưng trong thâm ý của anh ta vẫn nhằm hướng đến một ý nghĩa khác. Cho nên, nếu có học kỹ Nhân minh thì mới thấy được Tôn "chấp có nguyên nhân đầu tiên" trong cái lỗi nớ! Mà chấp có nguyên nhân đầu tiên là trái ngược với sự thật hiện kiến của pháp Duyên khởi rồi! Cái lỗi như rứa thì cứ nhằm cái lỗi nớ mà phá! Mấy vị học bốn cách trả lời của Phật rồi hí? Rứa thì chừ trong trường hợp ni, dùng cách trả lời mô để phá đây? Cách thứ nhất được không? Không. Cách thứ hai? Cũng không. Còn cách thư ba và cách thư tư. Cách thứ tư: im lặng đáp (xả trí ký) được không? Cũng không. Trường hợp ni mà im lặng, chẳng những không phá được cái kiến chấp của họ, mà còn bị người ta cho mình nhu nhược, nên không thể im lặng. Rứa thì chừ chỉ còn cách thứ ba là hỏi ngược trở lại (tức phản vấn ký). Chừ mấy Thầy nghe tui phản vấn để phá thử coi hỉ? Tui sẽ nói với anh ta như ri: Anh nói, đấng sáng tạo là gốc, còn Phật là ngọn, mà mặt mũi của các vị nớ ra răng, anh có biết không? Nhưng chuyện nớ cũng không quan trọng lắm. Mà hiện chừ anh có thấy những người bất lương, làm việc phi nghĩa chuyên gây nhức nhối xã hội không? Những người nớ ai sinh ra? Và khi sinh những người nớ ra, người sinh có biết mình sinh không, hay không biết mình sinh? Nếu không biết mà sinh thì người sinh nớ là người ra răng? Lẽ dĩ nhiên là không có trí! Còn nếu biết mà vẫn cứ sinh thì người sinh nớ là người thiếu tình thương! Không lẽ nói rằng, đấng sáng tạo khi sinh con người ra, chỉ toàn là lương thiện; nhưng sở dĩ hiện chừ có những người bất lương như rứa, là do môi trường xấu xung quanh tạo ra! Nếu rứa thì môi trường xấu nớ do ai sinh? Nếu không do đấng sáng tạo sinh thì có người khác sinh! Mà môi trường do đấng sáng tạo sinh, thì khi sinh, đấng sáng tạo sinh mấy môi trường? Nếu chỉ một môi trường thì môi trường đó phải là môi trường tốt, mà không có môi trường xấu, vì đấng sáng tạo là người có lòng Bác ái! Đằng ni có môi trường xấu, rứa thì môi trường xấu nớ ai sinh? Nếu đấng sáng tạo không sinh thì có người khác sinh! Như rứa thì đâu có thể nói đấng sáng tạo là vị toàn năng! Còn nếu nói đấng sáng tạo khi sinh ra con người, chỉ có duy nhất một môi trường thánh thiện thôi; nhưng sở dĩ hiện chừ có những môi trường tốt xấu sai khác như rứa, là do đấng sáng tạo đã dành cho con người một phép tự do lựa chọn? Nếu rứa thì đấng sáng tạo cũng không khác chi một người cha khi đã biết con mình có đứa thông minh, có đứa thiếu hiểu biết, mà vẫn cứ để cho chúng lựa chọn những điều xấu, không ngăn cản! Như rứa thì đấng sáng tạo có phải là người có lòng Bác ái không?
Nói đến đây, Hoà thượng cười. Cả chúng cùng cười. Đoạn Hoà thượng nói tiếp:
– Răng? Mấy vị thấy tui trả lời rứa được không? Coi thử có chỗ mô bị lỗi không?… Chắc không hí? Cách trả lời ni, Nhân minh gọi là Phản vấn ký (đáp bằng cách hỏi ngược lại). Tức khi thấy câu hỏi của đối phương bị lỗi thì nhằm cái lỗi của họ mà hỏi lại. Đức Phật xưa, khi thuyết pháp, đối với những người tà kiến chấp thủ, Ngài cũng hay dùng cách ni để đưa họ về chánh kiến. Nhưng những trường hợp như ri bất dĩ lắm thì đức Phật và chư Tổ mới dùng đến. Và cũng đừng thấy rứa mà tưởng dễ mô nghe! Học Nhân minh rồi, mà nếu không học kỹ thì đến khi gặp trường hợp tương tự cũng khó mà ứng phó đó.
– Răng Vũ? Giải toả được thắc mắc chưa? Hoà thượng hỏi.
– Dạ, bạch Ôn dạ rồi. Ôn dạy như ri thì cứng lí quá. Ước chi con được ở gần Ôn để mỗi lần thắc mắc, lên hầu chuyện Ôn thì hay quá. Kính bạch Ôn, con còn nhiều nghi vấn muốn hỏi lắm, nhưng vì sợ Ôn mệt. Vả lại trời cũng đã tối rồi mà con phải về nhà chuẩn bị nhiều thứ để ngày mai còn phải đi công tác nữa.
Vũ và tôi vái Hoà thượng rồi chào quý Thầy để ra về. Trên đường đi, Vũ hỏi tôi:
– Răng? Anh thấy Ôn dạy ra răng?
Tôi nói:
– Câu ni đáng lý anh để tui hỏi anh mới phải. Ôn đối với tụi tui ở đây mà lạ chi. Bởi tụi tui thường gần gũi Ôn và được Ôn dạy cho nghe rất nhiều chuyện, nhất là những kinh nghiệm trong việc tu tập, hoằng hóa. Vũ chưa biết đó thôi. Không những chừ, mà hồi còn trẻ, Ôn đã nổi tiếng với tài biện luận như rứa rồi. Một phần nhờ chuyên tâm đào sâu Kinh, Luật, Luận, đặc biệt là về Pháp tướng Duy thức học, một phần nhờ tài ăn nói, mà Ôn rất thạo trong cách lý luận. Gần đây, tui cũng được chứng kiến Ôn trả lời phỏng vấn cho các vị Thông tấn xã Mỹ như ri:
Một phóng viên Mỹ hỏi Ôn:
– Xin Hòa thượng cho biết Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất và Giáo hội Phật giáo Việt Nam khác nhau ở chỗ nào về tổ chức cũng như nội dung tu hành?
Ôn trả lời:
– Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất cũng là tôi, Giáo hội Phật giáo Việt Nam cũng là tôi. Trước tháng 11-1981 là Giáo hội Phật giáo Thống nhất, sau tháng 11-1981 là Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Về nội dung tu hành thì giới luật Phật chế định rất nhiều, nhưng Tăng Ni Phật tử Việt Nam tu hành được 5 điều sau đây cũng thật là khó:
Một là không sát sinh. Từ bỏ sát sinh tức cứu sinh. Giữ được giới này sẽ không có chiến tranh, sẽ cân bằng được sinh thái, sẽ bảo về được hòa bình.
Hai là không trộm cắp. Từ bỏ trộm cắp tức bố thí. Giữ được giới này sẽ không có tham nhũng, sẽ không có cảnh giết người cướp của…
Ba là không tà dâm. Từ bỏ tà dâm tức giữ được phẩm hạnh. Giữ được giới này không sợ nhiễm HIV/ AIDS…
Bốn là không nói dối. Từ bỏ nói dối tức là nói lời thành thật, nói lời hòa nhã, nói lời ái kính…
Năm là không uống rượu. Từ bỏ uống rượu, gia đình sẽ ấm êm. Xã hội sẽ càng yên vui, văn minh và tốt đẹp hơn…
Tóm lại, yêu cầu của đạo Phật về mặt Giới luật là tránh mọi điều ác, làm mọi điều lành và giữ tâm ý trong sạch; tất cả những việc gì có hại đến thân tâm của mình, gia đình và quốc gia, xã hội, nhân loại đều nằm trong phạm vi cấm đoán của Năm giới và Mười thiện. Làm điều ác là phạm giới, không làm điều thiện cũng phạm giới.
– Ngài nghĩ thế nào về cuộc chiến tranh vừa qua? Bản thân Ngài có căm ghét nước Mỹ và người Mỹ không?
– Đối với tôi, cái gì đã qua là thuộc về dĩ vãng. Tôi cho rằng chính phủ Mỹ đã sai lầm, còn nhân dân Mỹ không hề có tội lỗi gì trong cuộc chiến tranh đó. Đức Phật dạy rằng: Lấy oán trả oán thì oán càng chất chồng; lấy ân trả oán thì oán sẽ tiêu tan. Vì vậy, phải bỏ qua chuyện cũ để cùng nhau hướng về tương lai.
– Ngài có cho rằng, liệu tương lai Phật giáo với Cộng sản có ngồi chung với nhau không?
– Anh hỏi chuyện đó với tôi thì cũng như không. Tôi một ngày hai thời lo việc trì kinh niệm Phật mà còn tự thấy mình chưa kham nữa, thì hơi đâu để tâm đi lo chuyện đó cho mệt! Thế thì trước đây anh có ngờ rằng Nga và Mỹ bắt tay nhau không?
Vũ biết không, khi họ đặt với Ôn những câu như rứa, tụi tui đứng một bên nghe mà khiếp vía. Nhưng không ngờ Ôn lại trả lời hay không tưởng nổi. Hễ mỗi lần Ôn tiếp chuyện như rứa, thì sau khi khách ra về, tui thấy trên môi của mọi người được chứng kiến, ai cũng đều nở nụ cười hoan hỷ. Mấy thầy mấy cô sau những lần giúp Ôn trà nước tiếp khách như rứa cũng đều trầm trồ khen ngợi: "Ôn mình là rứa đó"!
Vũ nghe tôi kể mà không ngớt lời tán dương trí tuệ của Hoà thượng sao mà uyên thâm đến thế. Cứ mong luôn được tiếp xúc hầu cận.
Hai chúng tôi bàn chuyện say sưa xung quanh việc sử dụng Nhân minh của Hoà thượng như thế, cho đến nỗi về đến nhà lúc nào không hay.
C.T