Chùa Bái Đính được xây dựa lưng vào núi Bái Đính ở xã Gia Sinh, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình (gần cố đô Hoa Lư). Mặc dù đang trong quá trình xây dựng, nhưng ngôi chùa này đã được chọn là một trong những địa điểm tổ chức các hoạt động nhân Đại lễ Phật đản Liên Hiệp Quốc 2008.
Dự kiến, khoảng 3.500 đại biểu từ hơn 80 quốc gia và vùng lãnh thổ sẽ được chiêm ngưỡng công trình Phật giáo với nhiều kỷ lục, được đánh giá là lớn nhất Việt Nam hiện nay. Hiện các nghệ nhân, thợ giỏi đang ngày đêm làm việc để kịp khánh thành chùa (giai đoạn 1) vào ngày 17.5 tới. Tượng Pháp chủ nặng 100 tấn – Ảnh: Ngọc Minh
Đến năm 2010, khi chùa hoàn thành, khách thập phương đến vãn cảnh chùa Bái Đính phải xuống xe, đi thuyền qua hồ tụ thủy trước chùa để vào cõi Phật. Từ hai phía tam quan là 2 dãy nhà chạy dài ôm toàn khu chùa, bên trong đặt tượng 500 vị La Hán bằng đá, mỗi tượng một dáng hình khác nhau nhưng đều cao to đồ sộ. Bước qua cổng tam quan được làm bằng những thân gỗ lim cổ thụ, khách thập phương sẽ gặp một sân chùa rộng với pho tượng Quan thế âm bồ tát cao to, để rồi sửng sốt trước một tháp chuông hình bát giác với 3 tầng mái cong, tất cả là 24 mái ở tám phía với các đầu đao. Trong tháp treo một quả chuông đồng cao 10m, đường kính miệng 5m, nặng 36 tấn (đây được xem là quả chuông đồng lớn nhất Đông Nam Á hiện nay).
Thợ mộc đang khẩn trương thi công |
Lần theo các bậc đá lên cao là điện thờ Pháp chủ gồm hai tầng mái cong, có 8 mái ở 4 phía. Điện cao 27m, dài 47,7m, rộng 43,2m, bên trong đặt một pho tượng Pháp chủ nặng 100 tấn, được đúc bằng đồng nguyên chất. Đây là tượng Phật bằng đồng lớn nhất Việt Nam. Sau điện Pháp chủ là một vườn sinh vật cảnh quý hiếm với những loài cây cổ thụ và những hòn non bộ như ở chốn tiên cảnh.
500 pho tượng La Hán được tạc bằng đá trắng nguyên khối – Ảnh: Ngọc Minh |
Phía trong cùng, dựa lưng vào vách núi là điện Tam thế cao 30m, dài 52m, rộng 47m. Bốn phía nền của điện Tam thế đều xây các tường đá thấp, tam cấp theo độ dốc của đồi và xây nhiều bậc đá để đi lên, tạo cho điện thờ một không gian hoành tráng, trang trọng. Trong điện đặt 3 tượng Tam thế đại diện cho quá khứ, hiện tại và tương lai bằng đồng nguyên chất, mỗi tượng nặng 50 tấn. Bên tả điện treo một quả chuông đồng cao 5,6m, đường kính miệng 3,5m, nặng 27 tấn.
Khu vực chùa Bái Đính còn được mở rộng với một không gian lớn về phía trước cửa tam quan và phía sau điện Tam thế với giếng Ngọc, hồ Phóng Sinh, hồ Đàm Thị, khu thờ Mẫu, khu thờ Tổ, khu tháp mộ sư, khu nhà Tăng thiền viện, khu nhà khách, bảo tháp 14 tầng và khu Bảo tàng Phật giáo Việt Nam…
C.N – N.M (thanhnienonline)