Trang chủ Phật giáo khắp nơi Bagan đất Phật

Bagan đất Phật

157
0

Có lẽ tôi sẽ chẳng bao giờ quên được cái cảm giác thật đặc biệt khi ngồi trên chiếc xe thổ mộ cọc cạch đi giữa những đền tháp hoang tàn trong một buổi sáng tinh mơ, mặt trời chưa thức giấc, cả vũ trụ dường như chỉ có tôi, con ngựa già và những đền đài trầm mặc. Không đèn đóm, không bóng người, không tiếng máy xe, chỉ tiếng vó ngựa lách cách trên con đường ướt đẫm sương mai và tiếng quàng quạc của bầy quạ ăn đêm đâu đó đang gọi nhau về tổ. Trong thoáng chốc, tôi có cảm tưởng như thời gian đã quay ngược lại hàng trăm năm, hay là tôi đã bị lạc vào quá khứ một vùng đất từng rất huy hoàng nhưng nay chỉ còn là phế tích: Bagan (Pagan).

Tôi chỉ mới vừa đến Bagan trên chuyến xe tốc hành xuyên đêm từ thành phố Yangon, cách 700 km về phía nam. Cũng như mọi du khách đến Myanmar khi đất nước này bắt đầu mở cửa, tôi háo hức đến Bagan, nơi mật độ di tích lịch sử thuộc loại cao nhất thế giới, và thường được ví với thánh địa Angkor của Campuchia. Xe rời Yangon lúc 6 giờ chiều hôm trước và rạng sáng hôm sau, lúc 4 giờ, tôi đã có mặt ở bến xe thị trấn Nyang-U gần kề khu di tích Bagan.

Theo tài liệu lịch sử, từ thế kỷ thứ IX đến thế kỷ XIII, Bagan là thủ đô của Vương quốc Pagan, vương quốc đầu tiên thống nhất được các lãnh chúa, hợp thành quốc gia Myanmar hiện đại. Trong thời hoàng kim của vương quốc, từ thế kỷ thứ XI đến thế kỷ XIII, đã có hơn 10.000 ngôi chùa, đền miếu và tu viện Phật giáo được xây dựng trên đồng bằng Bagan rộng 104 km2, bên dòng sông Irrawaddy.

Bình minh trên đền tháp Bagan.

Những chùa chiền và tu viện này đã đào tạo hàng nghìn tăng sĩ về Phật pháp, kiến trúc, thiên văn học, ngôn ngữ học…, đặt nền tảng cho nền văn minh sông Irrawaddy, cội nguồn của văn hóa Myanmar hiện đại. Thời thịnh trị có cả những đoàn tăng sĩ từ Ấn Độ, Tây Tạng, Khmer đến Bagan tu học. Sự phát triển phồn thịnh suốt 250 năm của kinh đô Bagan chỉ chấm dứt khi vó ngựa của đoàn quân viễn chinh Mông Cổ tràn qua đồng bằng này năm 1287.

Đến nay sau gần ngàn năm bị tàn phá bởi thời gian và binh lửa, Bagan vẫn còn hơn 2.200 chùa chiền đền tháp tương đối nguyên vẹn, được bảo tồn trong một cánh đồng diện tích khoảng 25 km2, không có dân cư sinh sống, gọi là Khu khảo cổ học Bagan hay đơn giản là Old Bagan (Bagan Cổ). Ở hai đầu nam bắc của khu bảo tồn có hai thị trấn nhỏ, Nyang-U và New Bagan, nơi dừng chân của du khách bốn phương, có sân bay, bến xe, nhiều khách sạn, nhà hàng, thậm chí có cả một sân golf.

Không để lỡ dịp ngắm bình minh trên đồng bằng Bagan, và còn quá sớm để nhận phòng khách sạn, tôi uống vội ly cà phê trong quán cóc bến xe rồi thuê xe thổ mộ đi đến nơi mà du khách vẫn thường tụ tập chụp ảnh mặt trời mọc trên các đền tháp cổ. Người đánh xe gầy gò, mắt thâm quầng vì thiếu ngủ, cùng con ngựa già lọc cọc đưa tôi đi vào khu di tích khi đất trời còn tối mịt.

Đền Shweleiktoo nằm giữa con đường xuyên qua Old Bagan nối Nyang-U với New Bagan, tuy không phải là ngôi đền to lớn nhất hay đẹp nhất, nhưng trong đền có một cầu thang hẹp, chỉ vừa cho một người nhỏ con, tối đen, dẫn lên một ban công rộng hướng về phía mặt trời. Lúc tôi lên đến nơi trời hãy còn tối nhưng đã có vài du khách Nhật Bản và Thụy Sĩ ngồi chờ với máy ảnh lăm lăm trong tay. Từ ban công này nhìn ra, cánh đồng Bagan trải rộng tới chân trời, có rất nhiều đền, tháp lẩn khuất dưới các tàn cây.

Khi mặt trời mọc dần lên, nền trời ửng lên màu hổ phách rất đẹp, rọi một thứ ánh sáng huyền bí xuống các ngôi đền gạch làm chúng đỏ hồng lên trong ánh bình minh. Lúc ấy tôi tiếc đã không mang theo cái máy ảnh compact có chức năng chụp ảnh toàn cảnh (panorama), chiếc Canon EOS của tôi dù đã mở ống kính hết cỡ cũng chỉ bao quát được một góc nhỏ của cảnh quan hùng vĩ. Chung quanh đền Shweleiktoo, phía nào cũng điệp trùng đền tháp, có tháp vươn cao trên nền trời, có tháp ẩn dưới tán lá, lại có những đỉnh tháp dát vàng rực rỡ phản chiếu ánh nắng.

Điện thờ và tượng Phật Gautama dát vàng cao gần 10 mét trong đền Ananda.

Tôi dành trọn buổi sáng để theo người xà ích, kiêm hướng dẫn viên nghiệp dư, đi tham quan những ngôi đền chính của Bagan. Rất nhiều ngôi đền, vẻ ngoài còn nguyên vẹn nhưng đã hoàn toàn hoang phế nằm lặng im bên những con đường lầm cát, nhưng cũng có những ngôi đền vẫn còn thực hiện chức năng tôn giáo, nơi người dân đến cúng viếng và cầu phước. Mỗi ngôi đền có một vẻ riêng, không giống nhau. Do thời gian có hạn, tôi chỉ chọn một số ngôi đền chính, còn nguyên vẹn và tiêu biểu nhất.

Đền Ananda, đúng hơn là chùa Ananada (Ananda Pahto) nằm cuối con đường dẫn vào kinh thành cổ Bagan – nơi có cung điện của các vị vua. Đền được xây dựng bởi vua Kyansittha vào năm 1105, bị động đất phá hủy một phần vào tháng 7 năm 1975, sau đó được Phật tử đóng góp trùng tu lại, trở thành một trong những ngôi đền còn nguyên vẹn nhất, và cũng được tôn kính nhất Bagan. Sách hướng dẫn du lịch nước ngoài liệt đền Ananda là di tích số 1 mà du khách phải thăm khi đến Bagan.

Tháp chính của đền Ananda cao 54 mét, đỉnh tháp dát vàng; tháp có 4 mặt nhìn ra bốn hướng, mỗi mặt có một gian thờ, bài trí một tượng Phật khổng lồ cao gần 10 mét, dát vàng lấp lánh. Tượng hướng về phía Đông là Phật Konagamana (Câu Na Hàm Ma Ni), hướng về Tây là Phật Gautama (Cồ Đàm), hướng Nam là Phật Kassapa (Ca Diếp) và hướng Bắc là Phật Kakusanda (Câu Lưu Tôn). Đây là các vị Phật của thời hiện kiếp, quán cả bốn cõi, xuất hiện trên trần thế để cứu rỗi chúng sinh bằng năng lực trí tuệ vô biên. Nhiều tài liệu nghiên cứu cho rằng, đền Ananda được xây dựng bởi các kiến trúc sư và thợ thủ công Ấn Độ, có rất nhiều nét tương đồng về kiến trúc với các đền tháp ở quê hương đức Phật. Ngoài các tượng Phật khổng lồ, dọc các hành lang rộng trong đền có rất nhiều tượng nhỏ và nhiều tranh tường (bích họa) kể lại cuộc đời của Phật Thích ca, từ lúc ngài đản sinh, chứng quả cho đến lúc nhập diệt.

Khi tôi đến, có vài chiếc xe khách nhỏ chở Phật tử đến cúng buổi sáng. Trong đền, có người bán hoa và những mảnh vàng cán mỏng, tiếng địa phương gọi là lam, để người hành hương cúng dường đức Phật và sau khi cầu nguyện họ dán các mảnh vàng đó lên thân tượng. Do phong tục này mà một số bức tượng nhỏ, hình như là tượng La-hầu-la, dưới chân tượng Phật Gautama có “da dẻ sần sùi” trông rất lạ.

Đền Ananda là một trong hai ngôi đền có một quầy sách nhỏ, bày bán các loại kinh sách phục vụ Phật tử, lẫn các sách nghiên cứu về di tích đền tháp ở Bagan và Myanmar nói chung; những người có ý hướng nghiên cứu thì không nên bỏ qua quầy sách này.

Huỳnh Hoa (TBKTSG)

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here