Trang chủ Phật giáo khắp nơi Bagan, cố đô một thời vàng son của Phật Giáo Miến Điện

Bagan, cố đô một thời vàng son của Phật Giáo Miến Điện

120
0

Bagan có tới hàng nghìn ngôi chùa tháp và phần lớn các công trình kiến trúc ấy đã bị hủy hoại, hiện chỉ còn lại khoảng vài trăm ngôi chùa, tháp và các phế tích. Đây là dấu tích minh chứng cho một thời vàng son của Phật giáo tại đất nước Miến Điện.

Vào năm 1057, vua Anawrahta đã chiếm được thủ đô Mon thuộc Thaton, và lấy được bộ Tam tạng kinh điển bằng tiếng Pali, chiêu mộ được nhiều vị Tăng sĩ cùng các nghệ nhân và thợ thủ công. Chính những nhân tố này đã góp phần biến Bagan thành trung tâm văn hóa, tôn giáo và chính trị của đất nước. Với sự hỗ trợ đắc lực của các vị Tăng sĩ đến từ vùng hạ du của Miến Điện, vua Anawrahta đã phát triển Phật giáo Nguyên thủy trở thành quốc giáo. Đồng thời, vua còn thiết lập các mối quan hệ với Tích Lan. Vào thế kỷ thứ XII và XIII, Bagan đã chính thức trở thành trung tâm nghiên cứu Phật học mang tầm cỡ quốc tế, thu hút các vị tăng sĩ và học viên từ nhiều nước đến học tập và nghiên cứu, cụ thể là từ Ấn Độ, Tích Lan, Thái Lan và cả Khmer. Cũng trong giai đoạn này, khi Bagan là kinh đô của vương triều Miến Điện, rất nhiều chùa tháp nguy nga, tráng lệ đã được đức vua và nhân dân Miến Điện xây dựng tại Bagan. Chỉ trong vòng hơn hai thế kỷ, tại thủ đô Bagan và các vùng phụ cận đã mọc lên hàng nghìn chùa tháp, đền dài nguy nga, đồ sộ với đủ tất cả mọi kích thước, hình thù khác nhau. Phía bên trong của hầu hết các bức tường tại những chùa tháp, đền đài này đều được trang trí bằng các bức bích họa rất sắc sảo và ngoạn mục. 

Chùa Thatbyinnyu ở Bagan

 

 
Đến năm 1287, vương quốc Miến Điện bị quân Mông Cổ xâm chiếm, do vương triều Miến Điện không chịu cống nạp cho vua Hốt Tất Liệt (Kublai Khan) của Mông Cổ. Và Bagan cũng bị người Mông Cổ chiếm đóng. Rất nhiều ngôi chùa đã bị quân xâm lược và kẻ cướp bóc cướp đoạt đi nhiều thứ có giá trị và phá hoại. Từ đó kinh đô Bagan không còn là trung tâm chính trị của đất nước nữa. Tuy nhiên, Bagan vẫn tiếp tục phát triển trong vai trò là một trung tâm học thuật của Phật giáo.
 
Người sáng lập vương triều Bagan là vua Anawrahta (1044-1077). Đức  vua đã mở rộng lãnh thổ của minh từ một khu vực nhỏ ở miền trung Miến Điện ra đến những khu vực nằm ngoài các đường biên giới trong hiện tại của đất nước Miến Điện. Chính đức vua Anawrahta đã giới thiệu Phật giáo Nguyên thủy chính thống đến vùng thượng du Miến Điện với sự giúp đỡ của ngài Shin Arahan, một vị Tăng sĩ lỗi lạc, đạo hạnh thanh cao, đến từ vùng Suvanna Bhumi, thuộc hạ du Miến Điện. Vua Anawrahta là một tín đồ Phật giáo thuần thành. Ngài Shin Arahan là bậc thầy cố vấn của đức vua. Từ khi lên ngôi, vua đã hết lòng ủng hộ đạo pháp, tiến hành cải cách Phật giáo, xây dựng chùa tháp và tiến hành các chương trình cải tổ giáo dục. Sau khi vua Anawrahta băng hà, vua Kyanzittha lên nối ngôi và tiếp tục chương trình cải cách đất nước.
  
Theo ghi chép của Shwesandaw, vào năm 1093, vua Kyanzittha đã gởi một phát đoàn đến Ấn Độ để phục hồi ngôi tháp Đại giác tại Bồ đề Đạo tràng, nơi Đức Phật Thích Ca thành đạo. Đây là sự nỗ lực đầu tiên của quốc vương Miến Điện trong việc thiết lập mối quan hệ văn hóa chính thức với Ấn Độ.
 
Lối kiến trúc Mon rất phổ biến ở các ngôi chùa lớn tại Bagan, điển hình nhất là chùa vàng Shwezigon. Đây là ngôi chùa vàng đầu tiên được xây dựng tại Miến Điện và cũng là mô hình tiêu biểu cho các ngôi chùa sau này. Nhìn từ xa, du khách sẽ cảm nhận được vẻ linh thiêng toát ra từ kiến trúc kiên cố, tháp trên cùng hình trụ được thếp vàng, đặt trên ba tầng tháp vuông. Chùa vàng Shwezigon là một ngôi chùa cổ xưa nhất và thiêng liêng nhất tại thủ đô Bagan vì trong ấy có tôn thờ một trong bốn bản sao của xá lợi răng Phật tại Kandy, Tích Lan. Đấy là một ngôi chùa rất tráng lệ, do vua Anawrahta khởi công xây dựng, nhưng khi vua băng hà thì ngôi chùa vẫn chưa hoàn thành. Và vua Kyanzittha đã tiếp nối công việc này cho đến khi hoàn thành.
 
Bên cạnh chùa Shwezigon, Bagan còn có chùa Ananda, một ngôi chùa đẹp nhất. Chùa Ananda được xem là một kiệt tác còn lại của kiến trúc Mon. Chùa còn được xem là ngôi chùa có lối kiến trúc tinh xảo nhất, bền vững nhất và được bảo quản tốt nhất trong số các ngôi chùa, tháp tại Bagan. Sau trận động đất vào năm 1975, chùa bị hư hại nặng, nhưng sau đó đã được phục hồi trở lại. Chùa được vua Kyanzittha khởi công xây dựng vào năm 1105.
 
Cao vượt lên trên các ngôi chùa khác tại Bagan là chùa Thatbyinnyu. Đây là ngôi chùa cao nhất tại Bagan. Chùa do vua Alaungsithu (1113-1163) xây dựng. Đây là một trong những ngôi chùa đầu tiên có hai tầng, nhưng bố cục của nó hơi khác với những ngôi chùa hai tầng về sau này.
  
Còn có một ngôi chùa nữa cũng được xếp vào hàng nhất, ấy là chùa Dhamma Yangyi, một ngôi chùa đồ sộ nhất. Ngôi chùa này có lối kiến trúc tương tự như chùa Ananda, do vua Narathu (1107-1170) khởi công xây dựng.
  
Trước sự xuống cấp của các công trình kiến trúc cổ tại Bagan, các viện bảo tàng khảo cổ đã được xây dựng tại khu vực Bagan. Viện bảo tàng khảo cổ đầu tiên được xây dựng vào năm 1904, nằm gần phía Bắc chùa Ananda. Đây là một viện bảo tàng có diện tích khá khiêm tốn. Đến năm 1976, tại khu vực phía bắc của chùa Gawdawt Palin, một viện bảo tàng khảo cổ khác được xây dựng. Tại đó đã lưu giữ và trưng bày nhiều bản kinh khắc trên đá và nhiều tượng đá từ thời Bagan. Vào tháng 10 năm 1979, viện bảo tàng này chính thức khánh thành với tên gọi là Viện bảo tàng khảo cổ khu vực Bagan. Và ngày 17 tháng 4 năm 1998, một viện bảo tàng mới là Viện bảo tàng khảo cổ Bagan được khánh thành và đưa vào sử dụng. Đây là nơi lưu giữ và bảo vệ các di vật khảo cổ của cố đô Bagan danh tiếng. Viện bảo tàng này năm gần chùa Gawdawt Palin.
  
Viện bảo tàng khảo cổ Bagan được xây dựng trên diện tích rộng, có rất nhiều phòng được trang bị những trang thiết bị hiện đại. Tại tầng trệt có một hội trường rộng có gắn máy điều hòa, đủ không gian cho việc tổ chức các cuộc hội thảo, hội nghi hoặc seminar quốc tế. Cũng tại tầng này còn có phòng dùng để chiếu những hình ảnh về các cổ vật, các di tích từ thời Bagan, như là: những di vật bằng đất nung, những công trình bằng trát vữa, những tác phẩm điêu khắc bằng gỗ, bằng đá, những tác phẩm bằng kim loại, trang phục thời cổ,… Còn ở tầng một thì trưng bày những nguyên bản, những bản sao và những bản sao chép bằng mực về nội dung được ghi chép trên các phiến đá thời Bagan cổ, và cả những bản sao chép các bức bích họa trên các bức tường và trần nhà của các ngôi chùa cổ ở Bagan. Ở tầng hai của viện bảo tàng thì trưng bày các tác phẩm về các chủ đề tôn giáo. Tại đây chúng ta sẽ thấy những bức tượng Phật và những bức tranh Phật được sáng tác trên các chất liệu, hình dáng và phong cách khác nhau, cung cấp cho người xem một số kiến thức về Phật giáo. Tại phòng trình chiếu hình ảnh về nghệ thuật Phật giáo, người xem sẽ nhận thức được một cách sâu sắc về sự ảnh hưởng của Phật giáo đối với văn hóa Miến Điện. Bên trên tầng hai là mái bằng của toàn bộ tòa nhà. Tại đấy, khách hành hương, du lịch và người đến thăm sẽ được tận hưởng một cảnh quan ngoạn mục của toàn bộ khu chùa tháp ở Bagan. Cảnh vật ấy càng trở nên lung linh, huyền ảo và thiêng liêng hơn nếu du khách đợi đến lúc ánh tà dương dần lặn khuất sau ngọn đồi Tantkyi Taung ở bờ Tây của con sông Ayeyawaddy hung vĩ.
  
Cố đô Bagan là niềm tự hòa của người Phật tử Miến Điện về một thời vàng son của Phật giáo tại đất nước này. Mặc dù đã bị hủy hoại bởi những tác động từ thiên nhiên và con người, quần thể chùa tháp Bagan hiện tại vẫn còn nguy nga, tráng lệ, vẫn có sức hấp dẫn và thu hút rất nhiều khách hành hương, du lịch đến viếng thăm và khám phá mỗi năm. 
 
Chùa Ananda ở Bagan
Toàn cảnh khu chùa tháp ở Bagan

Người dân Bagan đang lao động
Chùa Shwezigon ở Bagan
Một khu phế tích tại Bagan

 Theo GNO

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here