Trang chủ Sáng tác - Nghệ thuật Ba và món Bún chao

Ba và món Bún chao

145
0

Bún chao là một "món thượng hạng ở quê tôi" mà có lẽ không thể nào lọt chân vào danh sách các món ăn Việt nam, cả dân dã lẫn sang trọng. Tôi xếp nó vào hạng dưới hàng dân dã nhưng trên hàng vua chúa. Món này đơn giản là bún, bún bình thường, ăn với chao, xì dầu, có thể thêm tương, ăn khô như vậy, không phải như bún bò Huế, bún riêu…

Không ai biết gốc gác ở đâu, mà chẳng ai mất công tìm hiểu làm gì vì nó cũng như những món ứng tác vừa để ăn cho tiện và ăn theo sở thích, nhất là dùng để ăn bữa lỡ. Món này có lẽ các thầy ở chùa, hoặc những người có liên quan với đời sống thiền môn mới biết.

Ba tôi là người thích bún chao nhất và vì vậy ba chuẩn bị bún chao cũng là ngon nhất. Có những buổi chiểu, tầm 3 giờ, mấy cha con ở nhà, thấy đói bụng, ba đưa 3000 nghìn đồng, gọi chị em chúng tôi ra chợ mua bún. Hoặc có khi thấy chị em tôi đang bận, ba xách xe tự đi mua bún. Khi có người đi mua bún, người ở nhà chuẩn bị nước xì dầu chao. Như vậy cũng có phân công hẳn hoi.

Và thường thì chị em chúng tôi đi mua bún, ba ở nhà làm xì dầu. Chén xì dầu của ba khi nào cũng thấy hấp dẫn. Ba quết boa-rô ớt, có lúc ớt xanh, lúc thì ớt đỏ, ớt phải đạt yêu cầu cay và thơm, nếu không ba chê ớt như rau sống, và tệ hơn nữa. Trong chén boa-rô ớt, ba cho xì dầu, thêm một ít vị tinh, ít dầu ăn, rồi cho chao vô đánh tan trong xì dầu. Mấy chị em tôi thì thích một chén tương ớt tự làm, cay cũng đáo để, cho vô chén bún có màu đỏ đỏ trông rất hấp dẫn. Dọn mâm chén bát lên chờ bún về. Trong mâm nếu có thêm đĩa rau sống là không ai kiện cáo gì nữa. Thế là xong bữa lỡ, phê đô, thoải mái.

Món bún chao dễ làm mà chẳng phiền hà ai, cũng chẳng lên lửa bếp núc phiền hà làm gì, cho nên ba đi đâu cũng không lo đói, và sẵn sàng đáp ứng cơn cồn cào của dạ dày bất cứ nơi nào. Có khi giữa buổi tiệc thịnh soạn, ba cũng soạn được cho mình chén bún chao, rồi đi khoe khắp mọi người, dem thèm. Nhà tôi ăn chay hai ngày trong tháng. Buổi sáng có một cô thường bán bún trước mặt nhà. Bình thường cô bán bún thịt, tới ngày rằm, mồng một, cô đổi nồi, đổi bộ đũa tô mới để bán bún chay. Ba tôi nhiều khi ngẳng đời, xuống ăn bún mà chỉ đòi cho ăn chao với xì dầu thôi, không ăn nước bún của cô. Do chỗ hàng xóm láng giềng với nhau nên cô và những người xung quanh chỉ nhìn ba tôi mà cười. Cái tính ngẳng đời đó tôi cũng bị lây chút ít.

Nói tới đây, hình ảnh ba tôi xách tô, xách đũa chạy quanh gánh bún để tự làm tô bún chao của mình vẫn hiện ra như in. Kiểu xách chén chạy quanh đó di truyền đến đứa con gái rượu của ba. Tôi là đứa nghiện cơm, một ngày không có cơm là không chịu được. Nhiều hôm đi học hoặc đi làm về trễ, buổi chiều nhà tôi ít khi nấu cơm, tôi cầm chén sang hàng xóm xin cơm, đi nhà này không có thì qua nhà khác, có khi chạy xuống tận nhà cậu mợ cách đó khoảng 100 m để xin cơm. Với tôi, một chén cơm là đủ. Vậy mà khi qua Pháp học, chuyện ăn cơm thường xuyên không thể đảm bảo được, tôi lại không thấy thèm thuồng « đói khát » như ngày trước. Tôi đã thích nghi được cuộc sống ở Pháp rồi chăng? Không biết, nhưng tôi thấy buồn vì thói quen mới đó.

Hôm nay, vì có đình công, tôi ở nhà không đi thư viện, sợ đóng cửa, đi mất công. Buổi trưa, nghĩ tới món bún chao như là một sự thăng hoa, giải thoát. Bên trời Tây, không có bún tươi như ở bên nhà, tôi bắc soong lên bếp đổ nước vào bật lửa luộc bún, chuẩn bị chao xì dầu, ớt tương đã có sẵn, thêm chút dưa cải.

Giờ cầm tô bún trong tay, và một đũa vào miệng. Thêm chút mặn giọt nước lăn lăn, chút cay cay sống mũi. Và cảm giác nhớ ba trong tôi lại hiện về.

                                      N.T.T.T

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here