Trang chủ Văn hóa - Lịch sử Bà Tuần Chi

Bà Tuần Chi

130
0

Bà cô tôi gọi Bà như thế, bà nội tôi gọi Bà như thế, mẹ tôi gọi Bà như thế, và tôi nghe ba chữ ấy gắn liền với hình ảnh người phụ nữ đã khắc trong tâm tôi, như một biểu tượng quí phái, thuần khiết, với sự ngưỡng mộ không chối cãi, không giấu giếm đối với chính lòng mình, đến nỗi tôi chưa bao giờ cần thiết biết tên thật của Bà.

Mặc dù Bà gần gũi, có thể nói, trong gia đình chúng tôi. Trước hết, bà là chị ruột của Bác gái, dâu trưởng của bà cô cô tôi, cho nên trong các buổi kỵ giỗ, tiệc tùng, ma chay, đám cưới của đại gia đình đều có sự hiện diện của Bà. 

Khi viết dòng chữ này, tôi giật mình, chợt nhận ra và tiếc nuối cho sự ngu ngơ của tôi, về sau đã bỏ mất cơ hội, được tâm sự lâu hơn với người phụ nữ này, về những điều mà tôi có thể học hỏi nhiều hơn giữa hai người phụ nữ. Năm 12 tuổi, tôi chưa có khái niệm “phụ nữ” như ngày hôm nay, cả năm 18, năm 20 tuổi, khái niệm ấy mơ hồ, khép nép như bị bỏ quên, bởi vì chính mình…là phái nữ, chưa có dịp phản tỉnh trừu tượng và khi bắt đầu phản tỉnh thì tôi đã xa quê hương.

Vả lại, ngoài khoảng cách tuổi tác, trong căn nhà rường xưa, còn cách nhau bàn trên và bàn dưới vào dịp gia đình kỵ giỗ… Tôi chỉ còn nhớ gương mặt đẹp cao quí như mảnh ngọc thạch nổi bật trên chiếc áo dài lương màu nâu cam mùa hè hay áo nhung đen mùa lạnh và mái tóc búi có hai nhánh tóc trễ xuống cổ, trông rất nhũn nhặn, trong sạch như nước mưa vừa mới hứng trên mo cau, long lanh màu hổ phách. Nét mặt thanh nhu với sóng mũi dọc dừa tự tin ẩn hiện thoáng chốc giữa những hàng cột, nhưng mãi hoài còn…

Những năm sau 1975, mỗi lần trở về Huế, dù thời gian ngắn ngủi, tôi đều lên thăm Bà. An Hiên thu hút tôi với vẻ nhã nhặn khiêm cung mà đầy lãng mạn của căn nhà cổ kính và hoa trái vây quanh, một nơi Huế như chưa nơi nào Huế hơn. Hình như đó là một sự phải làm, không thể thiếu trong những chuyến về quê. Mỗi lần như thế, tôi nhớ không lầm, ánh mắt của Bà nhìn tôi với nụ cười theo sau. Ánh mắt sâu, vẫn còn đen láy so với mái tóc bạc, thông minh, vẫn trong suốt như muốn nói điều chi nhiều hơn những xã giao của một cuộc thăm viếng thường, mà tôi không bắt kịp, nên bỏ lỡ cơ hội được tâm giao. Trong ánh mắt ấy, sâu hơn nụ cười rất sáng, vẫn còn duyên ngay ở tuổi 80, nghe như có dấu hỏi hay đúng hơn một đòi hỏi nơi người đi sau, hay đúng hơn nữa, nó biểu hiện sự mong muốn của người đạo sư tìm học trò để truyền thừa hoài bão, chắc chắn không phải điều chi vĩ đại, ồn ào, cứng cỏi, mà là điều chi mềm mại nhưng thật đẹp, thuộc về nữ tính. Hình như Bà đang tìm, và tôi, người ngoại cuộc trong dòng chảy lịch sử hơn bốn mươi năm, đã vì vội vàng nông nổi từ bên ngoài nên bỏ lỡ sự tâm đắc bên trong mà “Ma Dame” muốn dành cho tôi…

Cho nên mỗi lần đến thăm Bà, tôi chỉ biết mang về lòng ngưỡng mộ mà hình như điều đó lại không phải là điều chính yếu đối với Bà…

Lẽ ra, Bà phải gần tôi hơn chứ, bởi vì không những là người gần gũi với gia đình, tư thất “Bà Tuần” không xa nhà thờ họ tộc mà tôi thường gọi “nhà Mệ Nội”, vườn Bà Nội tôi, vườn Bà Tuần là thuộc những vườn nhà Huế đẹp nhất trên đường đi đến chùa Linh Mụ, vùng Hà Khê, bên bờ sông Hương.

Thuở nhỏ, khi lên “nhà Mệ” vào những dịp lễ hay cúng kỵ, thường là đi bộ từ “dưới phố” lên, đứa nhỏ ốm o lết bết đi theo mẹ, thấy đường xa tếch đến mù khơi, tôi hay lấy những biệt thự làm dấu mốc trên quãng đường từ chợ Kim Long đến nhà mình để làm gần. Qua phủ ông Hường Đồng là còn xa nhà Mệ…qua vườn nhà Bà Tuần là gần hơn, trong bụng thấy mừng và chân bớt mỏi…Hàng chè tàu với vòm cổng, cửa gỗ chấn song sơn đỏ đã nhạt màu, cổ độ quí phái, nay vẫn thế, nhưng trong trí tôi còn rõ hơn hôm nay, khi không còn đi bộ ngang qua, dù tốc độ xe đã vượt quá mà vẫn rõ như ở trước mắt. Khoảng đường ấy xanh mát mắt, gương mẫu cho cả vùng Hà Khê, đã bao lần mang cho tôi hi vọng “gần đến nhà”…

Bà Tuần Chi

Vườn bà Tuần Chi đối với lũ con gái học sinh Đồng Khánh chúng tôi thật nên thơ, đẹp nhất là hai hàng mận trên lối đi, mùa xuân hoa mận nở trắng, tinh khiết, đi dưới hàng hoa, tưởng như đang du mình vào trong giấc mộng. Rồi hai khóm hải đường bên phải bên trái bình phong trước khi rẽ trái hay phải theo con đường đất vào nhà, đã mê hoặc tôi với những bông hoa lộng lẫy như trong truyện cổ tích. Tôi thầm cám ơn con đường đất mịn này, nó cho tôi còn cảm giác an bình của con người trong thiên nhiên, hầu như càng ngày càng hiếm hoi ở Huế

Và cây, trái và hoa! Hình như chẳng thiếu một loại cây nào trên đất nước mà không góp mặt trong khu vườn ấy. Tôi không cần kể ra vì có người đã kể hết về vườn An Hiên của bà Tuần Chi. Chỉ biết mỗi khi trở về, khu vườn ấy là cả tiểu vũ trụ trao lại tôi nhiều điều tôi đã yêu và đang sợ mất. Điều ngạc nhiên nhất là vị chủ nhân của tiểu vũ trụ cây cối đếm không xuể từ Bắc chí Nam “ghê gớm ấy”, ngày nay thường được gọi là “đại gia”, lại khiêm tốn và tự chìm mình xuống như chiếc bóng bên cạnh cây cỏ, hoa trái, như tuồng cỏ cây vạn vật là thật, còn người ấy chỉ là sương khói đi theo. Nhũn nhặn và khiêm cung rất mực, người nữ chủ nhân ấy tự tại điềm nhiên với từng búp hoa có thể làm khách đến thăm vườn trầm trồ ồn ào. Và đến hôm nay tôi vẫn không quên được câu nói của Bà, khi nghe tôi hết lời khen cây này cây nọ. Bà cười nhẹ và bảo: “Vườn của tôi không bằng vườn Bà trên kia và vườn bà Đốc đâu chị ạ, tôi chỉ là kẻ học theo. Ngày trước vườn bà Đốc Hoành nhiều cây quí đẹp, vườn nhà Cụ cũng vậy. Tôi thường lên hỏi kinh nghiệm của các Cụ về chứng tật của các cây đang trồng cũng như mới trồng. Các bà cụ mới là những người biết cây thật giỏi. Nhất là bà Đốc, Bà Thím của chị.”

Câu nói ấy đơn sơ nhưng đánh thức biết bao hương hoa cây trái đã vùi trong quá khứ. Tôi nghe hương cau, hương bưởi, hương mít, hương ngâu bay về đậu trên áo trên tóc của mình. Tôi thấy dáng Mệ tôi mảnh khảnh vào ra vườn sau sân trước, thấy dáng Bà Thím tôi mạnh mẽ thành thạo chăm chút từng cây cam cây quýt…

Sau 1975, vườn Mệ tôi tan nát và cả vườn Bà Đốc, bà Thím của tôi, cây cối phần lớn bị mất mát, phá hoại. Khi tôi trở về, các Bà tôi đã qui tiên, ít người nhắc đến vườn hoa cây lá, sợ đau lòng. Đứng trước khu vườn bị tàn phá, tôi cứ nghe mình khao khát một thứ gì kỳ diệu trong thời thơ ấu nơi những khu vườn ấy, đó là thần tiên và hoài bão. Nghe câu nói nhắc nhở ấy, mà tưởng mình mới đọc lần đầu những trang nhật ký ngày xưa. Quí trọng và thương mấy cho vừa, những người phụ nữ thời xưa, từng bỏ cả tấm lòng trông nom cây trái như chăm con, suốt cả cuộc đời, ẩn dật nơi từng bóng cây, nhẫn nại nơi từng ngọn lá. Nỗi thương nỗi nhớ như sóng khoả chôn chặc chân dưới cát đến sửng sờ mà nhận ra Bà Tuần vẫn noi gương người trước trong thú chơi vườn, Bà mê hoa trái và thấu rõ lòng những người ở vườn, vừa làm, vừa ăn, vừa chơi…Từ đó tôi có cảm giác đội ơn Bà…

Mà tôi đội ơn Bà nhiều, bà Tuần Chi nửa xa nửa gần với tôi ấy. Nếu không có sự can thiệp của Bà, có lẽ tôi bị lỡ cơ hội làm nữ sinh Đồng Khánh. Đó là năm cuối cùng Bà làm Hiệu Trưởng trường nữ trung học Đồng Khánh, tôi mới 12 tuổi. Tên tôi đã trúng trong kỳ thi tuyển sinh rồi bỗng biến mất, nhường tên cho một người khác. Thời ấy chuyện gởi gắm khi đi thi cũng là chuyện thường, nên học tài mà thi phận. Nếu không có Bà xem lại bài thi, phát hiện và có giải pháp kịp thời thì không những chỉ tôi mà nhiều thí sinh khác bài vở tốt trong dịp ấy đã …rớt đài! Giải pháp xem ra ôn hoà, danh sách trúng tuyển vẫn giữ nhưng năm ấy trường Đồng Khánh có thêm một lớp đệ lục. Ngày khai trường, lũ nữ sinh áo trắng sắp hàng chào cờ, từ xa, tôi thấy Bà ngồi giữa hội đồng giáo sư, áo lụa màu vàng nhạt, không có dáng dấp của một phụ nữ tiên tiến, cách mạng, mà như một “Ma Dame” mệnh phụ, vừa bỏ áo thiết triều, mặc một chiếc áo đơn để đừng nổi bật giữa chị em, nhưng tự nhiên vẫn nổi, vì vẻ đẹp thuần hậu và khiêm tốn tinh thần bên trong.

Đường vào vườn A Hiên

Một lần khác, sau 1975, tôi chỉ nghe kể, chính Bà đã can thiệp vào một câu chuyện ở làng Xuân Hoà có liên hệ đến gia đình tôi, bằng cái nhìn trung thực, quảng đại và can trường như khi bà can thiệp ở trường thi. Một câu chuyện hoà giải chân thực chứ không giả tạo nửa vời. Khi gặp nhau về sau chúng tôi không bao giờ đả động đến chuyện ấy dù lòng tôi lúc nào cũng tràn đầy cảm kích. Có lẽ ánh mắt của Bà đôi khi đã chạm đến vấn nạn ấy khi nhìn tôi. Nhưng tôi nghĩ, tôi đã hiểu Bà qua chuyện học làm vườn trên kia, rằng suốt cả cuộc đời, vị nữ nhân ấy yêu chân lý và hoà bình, quí trọng tình thương cũng như yêu hoa, yêu mưa, yêu sông nước. Và không cần có thêm một lời.

Chân dung tôi có trong tâm về Bà Tuần Chi vỏn vẹn gồm những điều nho nhỏ, bình thường, quả thật mờ nhạt, nét chấm phá không rõ. Nhưng hình như những chi tiết chi li trong trường hợp này không cần thiết, chỉ cần một vài cử chỉ nhấc tay, mà được hiểu hết cũng đủ.

Không những chỉ mình tôi, tôi biết, khi nhắc đến Bà Tuần Chi, nhiều thế hệ phụ nữ Huế đều cúi đầu kính trọng và trân quí. Với tôi, thật sự tôi không nhớ rõ tên thật của Bà, “Bà Tuần Chi” là một biểu tượng cho nhiều thế hệ, một biểu tượng trí thức, đẹp, thanh cao mà khiêm tốn, nhân cách trung thực và tự tin của người phụ nữ Việt Nam, mà tôi được gặp trên đời.

Huế 
Trung Thu Canh Dần 2010

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here