Trang chủ Phật giáo với Tuổi trẻ “Ba người một cuộc đời” – Sự gắn kết giữa hai thế...

“Ba người một cuộc đời” – Sự gắn kết giữa hai thế hệ

109
0

Với chương trình này, nhóm Thiện nguyện viên tìm đến những cụ già neo đơn có hoàn cảnh khó khăn, thông qua Hội chữ thập đỏ và sự nhất trí của địa phương, cử 3 bạn thiện nguyện viên hằng tuần dành ít nhất 1 buổi xuống chăm sóc cho các cụ. Hiện nay chương trình đang chăm sóc 2 cụ bà ở Minh Khai và Nam Dư. “ba người một cuộc đời”đã tạo ra sự gắn kết giữa hai thế hệ. Để rồi chính những người trong cuộc lại tìm thấy những giá trị cho riêng mình trong cuộc sống.

Món quà cho sự nhiệt thành và kiên nhẫn

Như thường lệ, buổi chiều cuối tuần này Tú Anh, Bình và Linh đến thăm nom, dọn dẹp nhà cửa cho cụ Vân, năm nay đã 78 tuổi, đang ở tạm trong căn nhà nhỏ (trước là nhà kho) của chùa Hưng Ký, Minh Khai, Hà Nội. Bà cụ niềm nở chào đón: Mong mấy chị quá, không phải dọn dẹp gì đâu. Ngồi xuống  đây chơi đi. Nói rồi cụ mở hộp “bảo bối” của mình được cất kĩ nơi góc giường, tìm sâu dưới đáy hộp lấy ra 1 bịch sữa tươi và 3 quả chuối cho 3 cô gái.  Có được sự yêu quí và tin tưởng của cụ là cả một quá trình gian nan với nhóm “ba người một cuộc đời” này.

          

Tú Anh, Bình và Linh đang cùng trờ chuyện với cụ Vân

Họ biết đến trường hợp cụ Vân nhờ sự giới thiệu của một phật tử – cô Thơm, thành viên của Hội sự nghiệp từ thiện Minh Đức. Cô cũng là người xin cho bà ở nhờ trong chùa Hưng Ký và hàng ngày vẫn mang cơm tới cho bà. Nhưng khi biết đến chương trình “ba người một cuộc đời” của nhóm thiện nguyện viên trẻ Minh Đức, cô đã tin tưởng giao cho các bạn chăm sóc cụ. Tìm hiểu hoàn cảnh của cụ thì được biết rằng: chồng mất sớm, cụ không có con, không họ hàng thân thiết và không nhà ở. Một mình bươn chải ở đời rồi đến khi già yếu lại bơ vơ, lạc lõng không có ai chăm sóc. Có lẽ vì thế mà cụ trở nên khó tính, cộc cằn và ghét sự giúp đỡ của người khác.

Lần đầu tiên, nhóm đến gặp cụ. Cụ vẫn tiếp chuyện bình thường nhưng không mấy niềm nở. Khi nhóm đề cập đến việc giúp đỡ và chăm sóc, cụ gạt phăng: cảm ơn các anh chị, nhưng tôi không lấy đâu, tôi sống thế này được rồi. Cụ nhất quyết không cho ai đụng chạm hay di chuyển đồ đạc trong phòng và thẳng thừng đuổi nhóm ra khỏi phòng.

Sau buổi đó, các thành viên trong chương trình đã họp lại để tìm cách thuyết phục và tạo sự tin tưởng nơi cụ, nhất định không bỏ cuộc. Bạn Nguyễn Tú Anh, trưởng nhóm, tâm sự về cách nhóm bạn triển khai:

Ban đầu, tụi mình chỉ đến trò chuyện, hỏi han bà. Dần dần bà tin tưởng chia sẻ rồi tin tưởng cho nhóm được chăm sóc. Tính cụ cũng thất thường lắm nên cả nhóm luôn nhắc nhở nhau phải khéo léo từng lời nói, cử chỉ”

Nhờ hiểu được hoàn cảnh, tâm lý của bà cộng với sự kiên trì, khéo léo, Tú Anh, Bình và Linh đã chiếm được tình cảm của bà. Nhờ đó việc chăm sóc cụ dễ dàng hơn và chu đáo hơn. Bây giờ hễ đau chỗ nào, hay cần giúp đỡ gì, thiếu thứ gì cụ đều chia sẻ với nhóm. Riêng Tú Anh được cụ ưu ái nhờ tắm hàng tuần. Nhóm cũng tinh ý hiểu được nhu cầu của cụ, kịp thời phản ánh lại với Hội để đáp ứng cho cụ như: chăn, màn, thuốc men… kể cả Bồ kết để cụ gội đầu. Hàng tuần đều tắm cho cụ một lần. Điều quan trọng hơn là cụ đã có người để chia sẻ và tinh thần thoải mái hơn. Đó là niềm vui lớn đối với các thiện nguyên viên trong nhóm.

Những giá trị vượt thời gian

Khác với trường hợp của nhóm của Tú Anh, nhóm ba người một cuộc đời do Nguyễn Tuyết Trinh phụ trách có phần thuận lợi hơn. Vì cụ bà mà họ nhận chăm sóc rất vui tính và thoải mái. Bà tên là Đỗ Thị Hân (thường gọi là bà Khoan) năm nay 84 tuổi. Bà vẫn minh mẫn kể cho chúng tôi nghe về cuộc đời của mình.

Khi bà ở tuổi đôi mươi cũng là thời khắc đất nước đang lao đao với sự xâm lược trở lại của thực dân Pháp. Lấy chồng chưa được mấy ngày, ông đã nhập ngũ đi chiến đấu. Chiến thắng Điện biên phủ ông trở về, họ có với nhau một cậu con trai kháu khỉnh. Rồi ông lại tiếp tục vào nam chiến đấu. Nhưng lần đi này ông mãi mãi không trở về. Bà một mình nuôi con. Nhưng trớ trêu thay cậu con trai bất hiếu không những phá hết tài sản của bà mà còn bỏ bà bơ vơ một mình. Bà phải đi lang thang ở khu vực Lĩnh Nam. Gần đây chính quyền phường đã bố trí cho bà 1 căn phòng ở khu chợ Lòng Thuyền để cụ ở hết đời. Hàng tháng cụ chỉ có 200000đ tiền trợ cấp nhờ chế độ của chồng. Họ hàng gần đó nhưng không ai giúp gì cho bà cụ cả. 

Bà Khoan trước cửa căn phòng nhỏ ở chợ Lòng Thuyền

Tuy hoàn cảnh khó khăn là vậy nhưng những buổi nhóm đến thăm chưa một lần thấy bà kêu khổ hay buồn phiền. Không chỉ thế bà rất thoải mái với những câu nói vui của con trẻ và đùa tếu lại khiến cho buổi gặp gỡ tràn ngập tiếng cười. Mặc dù tuổi cao nhưng đôi chân bà vẫn dẻo dai lắm. Nhiều tuần nhóm phải hẹn lịch với bà trước vì sợ bà đi ra chùa hay đi đám cưới ở đâu đó. 

      
Các bạn trẻ trong nhóm Thiện nguyên trẻ đến thăm cụ Khoan

Nhóm chủ yếu đến trò chuyện, thăm sức khỏe cụ, nấu cơm và ăn cùng bà, rồi dọn dẹp nhà cửa, mua một số đồ dùng cần thiết cho bà như: chăn, màn, thùng đựng nước (một tuần thay nước một lần)… Bà chỉ có một cái nồi cơm điện, nấu cơm, thức ăn gì đều nấu vào đó tất. Phòng của bà rất nhỏ, lại lợp bằng blo xi măng nên trời nắng khá oi bức, nhiều chỗ bị dột. Các thành viên nam trong đội thiện nguyện viên trẻ đã dành một ngày giúp bà sửa lại nhà và ôp xốp lên trần giúp dịu đi cái nóng của mùa hè đang đến gần.

Giờ đây, các thành viên của nhóm ba người một cuộc đời đã trở thành những người thân thiết với bà. Tuần nào bà đi vắng, hay cháu bận việc không xuống được đều cảm thấy nhớ mong lắm. 

Nhóm chăm sóc cụ Khoan có Tuyết Trinh, Nga và Hương

Ngoài 2 nhóm đang chăm sóc cụ Vân và cụ Khoan thì trước đó còn 1 nhóm do Đàm Bích Hồng phụ trách cũng đã chăm sóc cho bà Vinh, người đã sống gần 50 năm ở gầm ô Quan Trưởng.  Bà quê Hưng Yên, vì gia cảnh khốn khó, chồng chết sớm nên những năm 60 bà phải gửi con lại cho bố mẹ đẻ để lên Hà Nội kiếm sống. Thế rồi, trong một lần không có chỗ ngủ, bà chui vào hốc nhỏ trong gầm Ô Quan Chưởng ngả lưng và rồi nó trở thành nơi định cư của cụ. Tổ dân phòng và những hộ gia đình xung quanh cũng thương cảm mà cho cụ ở lại.

Mặc dù biết đến cụ qua thông tin trên mạng, nhưng khi đến thăm cụ và tổ ấm của cụ ai cũng bất ngờ đến rớt nước mắt. “Chỗ cụ ở tối thui và ẩm thấp quá, xi măng trên tường thỉnh thoảng lại rơi lả chả xuống dưới, cái màn trên giường đã ngả màu nâu sẫm.” Bích Hồng bùi ngùi rồi kể tiếp.

Nhóm chúng mình đã thay cho cụ cái màn mới, xin mấy tấm baner về treo xung quanh và trần để xi măng không rơi xuống vì đây là di tích cách mạng nên không được sửa đổi gì. Chúng mình cũng không làm được gì nhiều cho cụ, chủ yếu chỉ đến trò chuyện và mua cho cụ ít quà bánh. Nhưng mỗi lần đến cụ vui lắm, những người dân ở đó cũng rất ủng hộ nhóm. Thỉnh thoảng mình cũng rủ bạn bè đến thăm cụ. Và thật bất ngờ là ai cũng muốn được tham gia chương trình “ba người một cuộc đời” với nhóm .

Mình rất khâm phục cụ. Sống khó khăn vậy mà cụ vẫn xem nơi ấy  như một thiên đường. Mình học đượcc ở cụ rất nhiều, đặc biệt là tinh thần lạc quan, vượt trên nghịch cảnh.” Bích Hồng chia sẻ.

Chỉ tiếc, sau gần hai tháng, cụ đã về với họ hàng ở quê. Do chỗ cụ ở chính quyền lấy đất xây lại Ô Quan trưởng. Nhóm của Bích Hồng, hiện vẫn đang tìm 1 trường hợp khác để tiếp tục chương trình ba người một cuộc đời của nhóm mình.

Mặc dù mới thực hiện, nhưng chương trình ba người một cuộc đời đã thực sự thu hút các bạn trẻ. Anh Nguyễn Hữu Quân, trưởng nhóm Thiện nguyện viên trẻ, người điều hành chính của chương trình rất vui mừng vì sau khi chương trình ra đời đã có rất nhiều bạn đăng kí tham gia và ủng hộ chương trình.  Anh cùng những bạn trẻ thực hiện chương trình mong muốn: “Sẽ mở rộng mô hình, chăm sóc được thêm nhiều cụ hơn nữa, để rồi bất cứ ở nơi nào có cụ già hoàn cảnh khó khăn đều có nhóm ba người 1 cuộc đời đến chăm sóc.

Đội thiện nguyên trẻ  đến thăm cụ Vinh.

Sự gặp gỡ, gắn bó của những cuộc đời ở hai thế hệ già – trẻ đã giúp cho họ hiểu nhau hơn, trân trọng nhau hơn. Những cây cao bóng cả tìm lại niềm vui ở tuổi già, tự hào về lớp trẻ ngày nay biết sống vì người khác. Người trẻ học lại từ họ kinh nghiệm sống, biết quý trọng thời gian và những điều giản dị trong cuộc sống. Đó chính là những giá trị tồn tại vững bền qua thời gian.

Nhóm Thiện Nguyện

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here