Bên bờ sông tịnh thủy, có một bà cụ già sinh sống cùng với ba con cá. Mùa xuân bà nuôi cá trong ang gỗ, mùa hạ bà nuôi cá trong chậu sứ, mùa thu bà nuôi cá trong bể thủy tinh, mùa đông bà nuôi cá trong chum sành. Ba con cá của bà được bà chăm sóc rất cẩn thận, nên con nào cũng rất đẹp. Có điều người dân xung quanh cứ thắc mắc, tại sao bà lại chỉ nuôi có ba con cá, và mỗi mùa bà lại phải nuôi cá ở một vật dụng khác nhau; bà sống cùng ba con cá mà lúc nào cũng thấy bà bình thản, an vui?
Ai hỏi bà vậy, bà chỉ lặng lặng mỉm cười chứ không nói. Vào một sớm mùa thu dịu trời, có một nhà sư đến ngôi làng bà sinh sống để khất thực. Sau khi nghe được câu chuyện về bà và ba con cá của bà, nhà sư đã tìm đến nhà bà.
Vốn là một người sùng tín đạo Phật, nên khi thấy có nhà sư đến nhà bà rất lấy làm hoan hỉ. Bà đảnh lễ mời nhà sư vào nhà và bà xin được cúng dường nhà sư.
Sau khi nhận vật cúng dường, nhà sư đi lại nơi bể cá của bà và nói: Ba con cá của con rất đẹp. Nhưng tại sao con lại chỉ nuôi có ba con cá, và mỗi mùa lại nuôi ở một vật dụng khác nhau?
Bà lão chắp tay hình búp sen và nói: Nam Mô A Di Đà Phật, con kính bạch thầy, nhà Phật có câu: “tình và vô tình, đồng tròn chủng trí”, sở dĩ con nuôi ba con cá là vì con ví ba con cá giống như Tam Bảo, để ngày ngày con tôn kính, bảo vệ và chăm sóc. Vừa là sự an vui, vừa là để gột rửa tham, sân, si để trưởng dưỡng lòng từ bi trong mình. Mỗi sớm, mỗi chiều con vẫn thường cùng cá tụng kinh đó thầy ạ. Còn chuyện mỗi mùa lại nuôi cá ở một nơi khác nhau là vì con thấy Phật tính giống như là nước, còn ang gỗ, hay chậu sứ, hay bể kính, hay chum đất chỉ là ngã chấp mà thôi. Ang, chậu, bể, chum tuy khác nhau, nhưng nước thì đâu có khác. Nước ở ang vẫn là nước, nước ở chậu cũng vẫn là nước… và cá sống được là nhờ nước chứ không phải nhờ ang hay chậu, hay bể, hay chum. Ở đâu có nước, thì ở đó có sự sống, ở đâu có Phật tính thì ở đó thiện căn tăng trưởng, nhân dân có cuộc sống hạnh phúc, an vui.
Con thay đổi vật dụng nuôi cá theo mùa là vì muốn nhắc nhở mình, dù có phải vào sống trong bất cứ môi trường nào thì con cũng vẫn sống an vui được, miễn là con không bao giờ đánh mất Phật tính trong mình.
Người đời ngã chấp sâu dày, cứ phức tạp hóa lên cho rằng con có điều gì đó thần bí, cầu kỳ, nên nay đến hỏi, mai đến hỏi tại sao. Thực ra chỉ đơn giản có vậy thôi, chứ không có gì là đặc biệt cả. Có điều con thấy lạ, thầy là một nhà tu hành mà sao thầy cũng có sự tò mò, hiếu kỳ giống như những người dân trong làng của con.
T.T.M