Trang chủ Văn hóa - Lịch sử Ấn tích Phật đản xưa ở Cố đô Huế

Ấn tích Phật đản xưa ở Cố đô Huế

139
0

Đón mừng Khánh Đản cả nhiều tháng ngày, bức phá thông lệ  “tiền tam nhị hậu” vì ngày vui lớn ấy là ngày vui của nhân loại.

Từ nông thôn ở vùng sâu vùng xa hẻo lánh cho đến chốn kinh đô thị thành, dân tình đều nô nức đón mừng với tất cả tấm lòng, nỗi lòng chí thành mừng ngày đức Phật Thích Ca thị hiện. Nếu cho mọi người sống trên địa cầu chọn lựa ngày hạnh phúc lớn thì từ người chân đất cho đến bậc vương giả cao sang đều chung gọi NGÀY KHÁNH ĐẢN.

Ca từ theo điệu cổ bản lấy tựa đề ngày Khánh Đản của nhạc sĩ Trần Ngọc Cơ:

Nay đây là, nhớ đây là

Đây là Khánh nhật đức Phật xuất trần

Chúng sanh mừng

Đã từng xông pha đạo vàng đưa ra

Khắp gần xa dễ hòng qua

Con đường đưa tới thế gian an hòa

Cố đại lão hòa thượng Thích Thiện Trí, bút hiệu Dạ Sĩ viết theo điệu Nam bình ở lời kết bài lễ Phật đản viết:

Khánh Đản ngày Thích Ca

Khai đạo mầu vô thượng, giữa trần ba

Phiền não tiêu ma, vượt trầm kha

Chúng sanh an hòa.

Lời ca chuyển theo điệu nhạc cổ truyền, nay vẫn còn nghe thanh thoát trên dòng Hương giang vào ngày thường chớ không riêng gì vào mùa Phật đản ở chốn kinh sử, mở rộng ra ở chốn kinh kỳ xuất phát từ cuộc  đất Thần kinh gắn liền với núi Ngự sông Hương. Thần kinh là cái tên đẹp của vua Thiệu Trị là một nghệ sĩ tài ba, nhà kiến trúc nổi tiếng đạt cho cố đô Thuận Hóa-Phú Xuân, Huế.

Dưới thời các chúa Nguyễn và vua Nguyễn, vương đình là Phật đình, tác phẩm Tư Dung vãn để tán ca ngôi danh lam có tên Trấn Hải Tự ở núi Qui Sơn, hay Linh Thái dưới thời Minh Mạng, mà dân gian quen gọi núi Rùa soi bóng bên bờ biển Đông.

“Mưa hoa dưới khắp sân mây

Khói hương nghi ngút rồng bay ngất trời

Nghiêm trang thay tướng Như Lai

Cao giơ tuệ kiếm, sáng ngời thủy tinh

Thời lành cả mở hội lành

Reo đưa gió Phật, quét thanh bụi tà

Vượn xanh dâng trái, hạt già nghe kinh

Phật đình nào khác vương đình

Ngũ vân tán lớn cảnh tinh thoại tường

Tiên nga nâng chén quỳnh tương

Tiêu thiều nhạc múa thái dương khí hòa

Tư Dung là tên gọi của cửa Tư Hiền ngày nay có những ngôi cổ tự mang ấn tích Chiêm – Việt như chùa Hải Triều Âm, chùa Thánh Duyên… Tư Dung vãn của khai quốc kinh thành Đào Duy Từ sáng tác trong khoảng từ năm 1628-1634.

Theo Nam công nghiệp diễn chí của Nguyễn Khoa Chiêm vào tháng 2 năm Bính Ngọ (1666), hiền vương Nguyễn Phúc Tần đi chơi cửa biển Tư Dung để thưởng ngoạn cảnh núi non Cổ Vườn, vương thấy trên đỉnh núi có di tích một ngôi cổ tự linh thiêng vẫn được dân địa phương chăm lo phụng thờ. Nhà chúa muốn dựng ở đây một ngôi chùa để cầu Phật cứu vớt chúng sanh. Chúa giao trách nhiệm Thủ bạ Trần Đình Ân cho hưng công xây chùa.

Chùa mới xây dựng nên lầu điện nguy nga, chuông trống ngân vang, ngọc vàng xán lạn, ngoài cổng treo biển đề tên chùa ba chữ: “Vinh Hòa Tự” chỉ trong vòng một năm xây dựng toàn bộ ngôi quốc tự – thật đáng là nơi cực lạc trong rừng thiền tỏa rạng vào mùa Phật đản năm Đinh Mùi (1667). Và hẳn đúng như lời thơ vịnh của người đương thời:

Lồng lộng tôn nghiêm bóng Phật đài

Treo làn gió tuệ quét trần ai

Mới hay đức lớn quỷ thần phục

Lại thầy thiên muôn tỏa ánh trời

Ở vùng sông nước, hai bên bờ sông Hương, sông Bồ, phá Tam Giang và dọc miền duyên hải, miền cát trắng Đại Trường và Tiểu Trường Sa kéo dài từ phía Bắc phá Tam Giang cho đến tận cửa Tư Hiền có nhiều ngôi danh lam cổ tự, trong quá khứ đã trở thành chùa công, chùa quan hoặc quốc tự, sắc tứ quốc tự như Thiên Mụ, Sùng Hóa, Phước Yên, Bác Vọng, Thuận An, Hà Trung, Vinh Hòa, Thánh Duyên, như lời Đào Duy Từ đã viết:

Xưa kia ba chữ tốt tươi

Răng chuông hải tự kết vời huyền đô.

Và tại những phước địa này một thời đã trở thành vương đình. Hèn gì mà người dân quê, vùng sông nước, ven miền duyên hải, ở vùng sơn cước cho đến chốn thị thành của đất kinh kỳ đều giàu lòng mộ Phật, tín thành Tam Bảo làm chỗ dựa vững bền trong tìm cầu giải thoát, như lời Đào Duy Từ đã viết trong Tư Dung vãn:

Thời lành cả mở hội lành

Reo đưa gió Phật quét thanh bụi tà.

“Cả” là từ cổ có nghĩa là “lớn”, “tất cả”, “thâu tóm thành một”.  Các lễ Xuất gia, Thành đạo, Khánh đản đều là hội lành. Đúng như UNESCO ngày này thừa nhận và khẳng định là “Lễ Tam Hợp” tức VESAK. Thì ra không sai tí nào. Chúng tôi có bản lĩnh và cả tin rằng điều ấy đúng vì người Việt Nam xưa giàu óc sáng tạo đạt tới mức độc sáng.

Huế, Ngày mùa sen nở

 L.Q.T
 

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here