Trang chủ Văn hóa - Lịch sử Ấn Độ: Đại học Gautam Buddha nơi Giáo dục Đào tạo tuyệt...

Ấn Độ: Đại học Gautam Buddha nơi Giáo dục Đào tạo tuyệt vời

150
0

Nhiệm vụ của Đại học Gautam Buddha, cũng như tất cả các trường đại học uy tín khác, là cung cấp một môi trường học tập tốt, cho cả những người ít có cơ hội học tập và chịu nhiều thiệt thòi. Đại học Gautam Buddha còn là nơi hiện thực hóa các giá trị của giáo lý đạo Phật và nền giáo dục hiện đại.

Trường được thành lập vào năm 2002 trên diện tích 511 mẫu đất. Bà Mayawati, Chủ tịch bang Uttar Pradesh trong suốt bốn nhiệm kỳ, đã chủ trì lễ khánh thành Trường Đại học Gautam Buddha vào ngày 23/08/2008.

Bà Mayawati cho biết, bà đã được thúc đẩy bởi những lời dạy của đức Phật và tầm nhìn của Tiến sĩ Ambedkar về nền tảng cho sự thay đổi xã hội để nâng cao phúc lợi của những người dân Dalit, một cộng đồng thấp kém nhất trong xã hội Ấn Độ.

Bà Mayawati nói: “Đại học này sẽ có sự hợp tác với các trường đại học tại Hoa Kỳ và châu Âu. Tôi đã mơ về ngôi trường đại học này sáu năm về trước (năm 2002). Trong khoảng thời gian chính quyền đảng Samajwadi điều hành, dự án đã bị bán phá giá và khu đất trở nên cằn cỗi… Giáo dục nên được đặt bên trên chính trị. Sau khi BSP lên nắm quyền, chúng tôi đã đẩy mạnh việc thực hiện dự án này.

Năm mươi phần trăm sinh viên thuộc tầng lớp thấp trong xã hội, hoặc thuộc dân tộc thiểu số và các gia đình nghèo trong đẳng cấp trên sẽ được gửi đến các trường đại học nước ngoài để nghiên cứu. Toàn bộ chi phí sẽ do chính quyền bang chi trả. Và sau này, những người được gửi đi đào tạo ấy sẽ đóng góp cho sự phát triển của xã hội”.

Tại Ấn Độ, ngoài những trường rất được biết đến về đào tạo chuyên nghành Phật học như: Phân khoa Phật học (Đại Học Delhi, Đại học Jammu); Trung tâm Nghiên cứu Phật học JK Somaiya (Đại học Mumbai); Khoa Pāli (Đại học Pune, Đại học BHU-Varanasi, Đại học Mumbai); Khoa triết (Đại học Allahabad), Khoa Phật học và Nhân minh học (Đại học Gautam Buddha) vừa nổi lên hứa hẹn là điểm đến mới đầy lí tưởng cho những ai muốn theo học ngành Phật học ở cập bậc hậu đại học (Thạc sĩ, Tiến sĩ).

Gautam Buddha University được cấp phép thành lập vào năm 2002 trên diện tích đất rộng 511 mẫu Tây, mãi đến tháng 08 năm 2008 khoá học đầu tiên mới chính thức được khai giảng.

Ngành Quản lý đào tạo các khóa học về nguồn nhân lực, quản lý chiến lược, tiếp thị và quản lý bán lẻ. Nhà trường cũng đào tạo các ngành Thông tin và Công nghệ truyền thông, Kỹ thuật, Nhân văn và Phật học, Luật và Công nghệ sinh học. Đây cũng là trường đại học duy nhất ở Ấn Độ đào tạo chương trình tiến sĩ trong các ngành nghiên cứu chuyên nghiệp, bao gồm các chuyên ngành thuộc về khách sạn và du lịch, quản trị kinh doanh, bán lẻ và dịch vụ thương mại, phương tiện truyền thông và thiết kế.

Tháng 07 năm 2012, Khoa Phật học và Văn minh học chính thức đi vào hoạt động. Đây sẽ là ngôi trường rất xanh, với diện tích trên 127 mẫu Tây dành cho trồng cây, tạo cảnh. Bờ tường rào vòng ngoài được bao với hàng trăm cây Bồ đề mang biểu tượng hoà bình và hài hoà giữa người với người, giữa con người với thiên nhiên.

Ngoài số lượng sinh viên Ấn Độ đến theo học những ngành học về khoa học tự nhiên, công nghệ hoá sinh, có số lượng lớn sinh viên nước ngoài đang hướng mắt về ngôi trường này đặc biệt là những ngành khoa học xã hội và nhân văn, Phật học và Nhân minh học. Trong đó, chuyên nghành Phật học luôn đứng đầu về con số sinh viên nước ngoài.

Trường bao gồm tám phân ngành học chính- lấy biểu trưng của Bát chánh đạo, trong đó khoa Phật học hứa hẹn là điểm đến mới lí tưởng cho những ai muốn theo học cấp bậc cao hơn sau khi tốt nghiệp đại học. Sở dĩ nói là điểm đến lí tưởng có thể nhìn vào đội ngũ giảng viên dồi vào và cơ sở vật chất đầy tiện nghi.

Đội ngũ Giảng viên:

Khoa Phật học và Văn Minh học chỉ vừa bước sang năm thứ hai trong chương trình đào tạo, nhưng đã hội đủ nhiều yếu tố hứa hẹn đây là điểm đến lí tưởng, trong đó hứa hẹn nhất là đội ngũ giảng viên. Đây được xem là điểm hội tụ của nhiều nguồn chất xám về Phật học của Ấn Độ. Có những tiến sĩ đã từng đảm nhận nhiều chức vụ quan trọng tại các Đại học, các viện nghiên cứu, đã thâm niên trong công tác giảng dạy; nhiều giảng viên có thâm niên trong công tác biên tập, xuất bản. Đặc biệt, rất nhiều giáo sư có bề dày kinh nghiệm trong việc hướng dẫn nghiên cứu sinh thực hiện các đề tài nghiên cứu cấp quốc gia.

Hệ thống Thư viện:

Thư viện này trang trọng mang tên biểu tượng sống của Phật giáo phục hưng tại Ấn Độ: thư viện Bồ tát B.R.Ambedkar. Thư viện này mang đặc trưng là linh hồn của Đại học với nguồn tư liệu dồi dào của 50,000 đầu sách; 500 nguồn sách điện tử; 29,000 luận án, khảo luận; 15,000 băng đĩa DVD, CD, và có hơn 1000 báo cáo của các dự án… con số này sẽ không ngừng tăng lên theo bề dày của trường. Thư viện này có diện tích sử dụng 180,000 mét vuông, có sức chứa cùng lúc lên đến 2000 người.

Thiền đường:

Thiền đường này mang nặng đặc trưng của Phật giáo, đậm nét thiền vị với kiến trúc hình tháp mang biểu tượng hoà bình và hướng về nội tâm, thiền đường này sẽ là nơi lí tưởng để những ai tìm những giây phút an lạc trong hiện tại. Không gian này luôn rộng mở cho sinh viên, nghiên cứu sinh tìm về nguồn giá trị đích thực.

Phòng học:

Tất cả phòng học đều có trang bị máy chiếu, hệ thống điều hoà và những học cụ rất tiên tiến và hiện đại. Ngoài ra còn có những phòng thí nghiệm mang tiêu chuẩn quốc tế.

Ký Túc xá:

Với hơn 5000 phòng đơn, trong đó có 3 kí túc xá nữ, 6 kí túc xá nam. Đây là ngôi trường bảo đảm nhất về chỗ ở cho sinh viên. Riêng đối với sinh viên nước ngoài, và nghiên cứu sinh hiện được đặc cách ở riêng với những tiện nghi tốt nhất.

Ngoài hệ thống thư viện, trung tâm y tế, Đại học này còn có thính phòng có sức chứa đến 3000 người, hay trung tâm mua sắm phục vụ nhu cầu thiết yếu của sinh viên, sân vận động, và có cả nhà khách đầy đủ tiện nghi cho những ai muốn nghé thăm trường hay ghé công tác.

Đây là cơ sơ mới vừa được xây dựng, nên cơ sở vật chất được trang bị rất tốt, và có thể nói là tốt nhất trong các trường có đào tạo ngành Phật học. Một chút sơ lược không thể nói lên được tầm vóc của ngôi trường thân thiện, quen thuộc ngay tên gọi ban đầu này. Bạn hãy thả một vòng trong ngày nắng đầu hạ sẽ thấy lòng phơi phới lạ. Phải chăng tiết trời đang đổi hay lòng người đang hoan hỉ cho cái nhìn đầy trí tuệ về một tương lai sáng của đất nước mến yêu này.

Nguồn:daophatngaynay.com

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here