Mục đích tối hậu của Phật giáo là thực chứng Niết-bàn, dứt trừ khổ đau; thoát mọi sự trói buộc của luân hồi sinh tử. Suốt 45 năm hoằng hoá, đức Phật cũng chỉ nhằm mở ra chân lý ấy. Ngài đã tuỳ căn cơ mà thuyết giáo, tuỳ quốc độ mà xiển dương, tuỳ điều kiện mà thiết lập những mô hình tu tập khác nhau cho các hàng đệ tử xuất gia. Mùa An cư cũng được hình thành trong ý nghĩa này.
Người ta thường nói “An cư lạc nghiệp”, tức muốn xây dựng sự nghiệp cho mình thì phải biết an cư cả thân lẫn tâm. Có “an cư” thì mới có thể làm được rất nhiều việc, trong đó có thể thanh lọc tâm nhiễm ô. Chính vì lẽ đó mà người xuất gia thật cần thiết có những khoảng thời gian an cư, nhằm buông bỏ bớt ngoại cảnh để lo cho sự nghiệp giác ngộ của mình, tức chuẩn bị những chuyến đi lớn hơn quay về với bản giác.
Vào thời đức Phật tại thế, An cư là một tập quán chung của giáo đoàn tu sĩ để tránh mưa lũ. Nhưng đặc biệt ở Phật giáo, mùa An cư có ý nghĩa nổi bật, là thời gian để các Tỳ-kheo sống hoà hợp, tịnh trú, phát triển đạo nghiệp nhờ nỗ lực tu tập. Và mùa An cư còn là thời gian để các Phật tử tại gia có dịp phát triển đức hạnh của mình nhiều hơn.
An cư là ở yên trong một khu vực có phạm vi nhất định, được ấn định các đường ranh giới gọi là cương giới. Có hai loại cương giới: cương giới tự nhiên và cương giới ấn định. Cương giới tự nhiên là lấy mốc thiên nhiên làm giới hạn như con sông, quả núi, gốc cây… Cương giới ấn định là giới hạnh được hình thành qua sự thống nhất trong buổi họp Tăng-già. Các cương giới này có thể lớn nhỏ khác nhau, tuỳ theo số lượng Tỷ-kheo chung sống thống nhất. Nếu trú xứ rộng rãi, thì cương giới gồm hai lớp: vòng ngoài gọi là đại giới. Mỗi bề có thể dài nhiều ki-lô-mét, kể cả nhà và ruộng vườn của dân chúng. Vòng trong gọi là tiểu giới, bao gồm giảng đường, phòng ốc… Trong suốt mùa An cư, các Tỳ-kheo không được tự ý ra khỏi cương giới nếu không có duyên sự đặc biệt. Trường hợp nếu có, phải thưa trình trước Tăng chúng bằng việc thực hiện Tăng-già yết-ma. Thời gian An cư là ba tháng, bắt đầu từ mồng một trăng tròn tháng 6 theo lịch Ấn độ (tức ngày rằm tháng tư theo lịch Trung Hoa).
Mùa An cư đầu tiên của đức Phật và chúng Tỳ-kheo vào năm 525 tr.CN tại vườn Nai. Lúc ấy chưa có một tinh xá thích hợp nào được xây dựng. Nơi cư ngụ duy nhất gồm vài thảo am, hay vài chiếc lều tre hoặc sậy được các Phật tử ngoại hộ dựng lên để đức Phật và chư vị Tỷ-kheo kiết hạ an cư trong ba tháng.
Thời tiết của xứ Ấn độ lúc bấy giờ, vào giữa khoảng tháng 6, có những cơn mưa và gió mùa kéo đến. Phần nhiều những con đường đều bị ngập lụt, rất bất tiện cho việc đi lại. Mặt khác, rắn rít, côn trùng sinh trưởng nảy nở khắp nơi; để tránh tránh sự kinh động và giẫm đạp đến chúng, làm tổn lòng từ bi, nên đức Phật dạy chúng Tỳ-kheo cần phải có ba tháng an cư trong mùa mưa.
Như vậy, mùa An cư của chúng Tỳ-kheo được xem là có tính chất quan trọng: cả điều kiện nội tại lẫn yếu tố khách quan.
Ở đây, ta cần thấy thêm rằng, sự sinh hoạt của Tăng-già không ngoài nhắm đến hai mục tiêu: một là để tiến tới thành quả an lạc giải thoát; hai là truyền bá chánh pháp để giúp chúng sinh chấm dứt khổ đau sinh tử. Nên sinh hoạt của Tăng-già vừa có tính cách cá thể vừa có tính cách xã hội. Vì vậy mà pháp An cư của Phật chế cũng không nằm ngoài mục đích đó.
Nói rộng hơn, thì mục đích an cư của Phật chế có các ý nghĩa sau:
1. An cư để Tăng già hoà hợp: Trong suốt những tháng du hoá, chư vị Tỳ-kheo đi khắp đó đây, nên có một vài Tỳ-kheo đã trở nên thiếu sự phòng hộ trong tu tập, đi ngược với sáu pháp hoà kỉnh của Tăng chúng: 1. Thân cùng sống với nhau trong hoà hợp; 2. Cùng nhau nói năng hoà hợp, không tranh cãi; 3. Ý cùng vui vẻ, hoà hợp; 4. Cùng chia nhau những lợi ích trong tinh thần hoà hợp; 5. Cùng tu tập giới pháp với tinh thần hoà hợp; 6. Kiến thức cùng giải bày trong tinh thần hoà hợp. Do đó, Phật chế luật An cư, giúp Tăng già tránh sự bất hoà do tranh chấp để duy trì truyền thống thanh tịnh hoà hợp của Tăng. Nói cách khác, an cư là cơ hội tốt để chư vị Tỷ-kheo thể hiện đúng tinh thần lục hoà vậy.
2. An cư để truyền trì Chánh pháp: Truyền trì Chánh pháp là làm cho Chánh pháp được tồn tại lâu dài ở giữa thế gian. Việc duy trì đó chính là việc áp dụng và thực nghiệm chánh pháp của mỗi cá thể Tăng bảo để làm lợi ích chúng sinh, mà an cư là một trong những pháp quan trọng không thể thiếu được. Nên trong ba tháng an cư, các Tỳ-kheo chuyên tâm học hỏi Phật pháp và hành thiền định, gặt hái những thành quả tu tập để làm giàu thêm cho ngôi nhà Phật pháp.
3. An cư nhằm làm hiển lộ bản thể của Tăng-già: Tăng-già hay Tăng là một hội chúng, sinh hoạt cùng một mục đích và một lý tưởng theo giáo pháp của đức Phật. Tăng phải gồm bốn người trở lên; đã thọ cụ túc giới (Tỳ-kheo tăng 250 giới; Tỳ-kheo-ni 350 giới) và sống trong niệm hoà hợp, thanh tịnh. Nên ở đây, tính chất hoà hợp thanh tịnh của Tăng rất quan trọng, như nước với sữa hoà quyện lẫn nhau; đó chính là bản thể của Tăng. Như trăm sông đổ về biển cả, chỉ còn lại một thể của đại dương. Cũng vậy, Tăng già trên nguyên tắc là một thể thống nhất, thể hiện đúng như Pháp, như Phật, nên Tăng-già chỉ là một, duy nhất thanh tịnh hoà hợp mà thôi. Bởi vậy mà an cư là dịp để các Tỳ-kheo hiển lộ bản thể hoà hợp thanh tịnh đó. Tức thực hiện một cuộc sống an ổn, tịnh lạc giữa chúng tăng, đem lại hạnh phúc cho mình và người. Những nguyên tắc này vừa đầy tình thương, vừa đầy tình người vậy.
4. An cư nhằm tăng trưởng nội lực: Tăng trưởng nội lực tức là tăng trưởng tâm giải thoát và tuệ giải thoát, mà nội dung thực hiện chính là Giới, Định, Tuệ. Giới hạnh được Định và Tuệ làm cho thanh tịnh, và ngược lại. Vì vậy mà mùa an cư là một dịp tốt để cho các Tỳ-kheo trau dồi và phát triển ba môn học này một cách viên mãn.
Qua những phân tích trên, ta thấy, mùa An cư là thời gian dài nhất, quan trọng nhất trong năm mà ý nghĩa tu học được xem là nổi bật, được đưa lên hàng đầu. Đây là thời gian quan trọng, là thời điểm tấn hộ chư vị Tỳ-kheo, trong ý nghĩa luôn luôn phòng bị các căn, trau dồi thiện pháp và thực tập thiền định. Số tuổi đạo càng cao thì được xem là càng gần với sự chứng ngộ.
Mặc dầu điều kiện khí hậu ở nước ta có khác so với xứ Ấn độ và thời đức Phật. Nhưng mục đích rốt ráo của người con Phật vẫn là giải thoát sinh tử khổ đau, thực chứng Niết-bàn diệu lạc. Nên ba tháng An cư vẫn được duy trì đúng với mục đích và ý nghĩa cao đẹp của nó. Sống trong ba tháng An cư là điều kiện tốt để trở về với chính mình, để làm những việc “cần làm” và “nên làm”. Chính vì thế mà “vào hạ” là một niềm vui lớn đối với tất cả những ai có nhiệt tâm hướng thượng.
Nhật Học