Trang chủ Phật giáo với Tuổi trẻ Ấm áp tình người nơi cửa Phật

Ấm áp tình người nơi cửa Phật

246
0

Khi chúng tôi mới bước tới bậc thềm trước cổng chùa, thay vì được nghe tiếng mõ gỗ, chuông đồng ngân vang như thường lệ, ở đó là những lời du con à ơi dịu ngọt của sư thầy đang đưa trẻ thơ vào tận sâu giấc ngủ. Tay ẵm đứa bé chưa đầy 3 tháng tuổi, người tu hành kể: “Thầy đang nghĩ cách đặt tên và làm giấy khai sinh cho con. Hôm đó, một ngày đầu tháng 8, người phụ nữ trẻ bế con đến chùa thắp hương lễ Phật rồi từ bao giờ người ấy bỏ đi để lại đứa bé ngay trước sân chùa, đứa trẻ đỏ hỏn xinh xắn, dễ thương vậy mà ai lỡ lòng nào bỏ con mình” sư thầy Thích Đàm Lương giãi bầy.

Ẩn mình bên dãy núi Nham Biền huyền thoại thuộc huyện Yên Dũng (Bắc Giang), cũng như bao ngôi chùa khác của miền bắc nước ta, chùa Dâu xã Nội Hoàng vẫn sáng mõ chiều chuông, thanh bình và yên ả. Chỉ khác là vài năm trở lại đây cái tĩnh lặng, yên ả đó đôi lúc lại bị phá vỡ bởi đầy ắp tiếng cười đùa và cả quấy khóc của trẻ thơ. Ở chốn Thiền môn ấy, sư thầy Thích Đàm Lương mỗi ngày không chỉ tụng kinh, niệm Phật mà còn kiêm thêm công việc của người “mẹ” chăm bẵm, nuôi nấng những đứa trẻ không may bị cha mẹ bỏ rơi.

Còn đó một nỗi oan 


Bốn năm trước, tại cổng chùa Dâu, khi tiếng kinh kệ đang ngân dài theo tiếng gió thì bất ngờ bị cắt ngang bởi tiếng khóc oe oe của một em bé. Sư thầy Đàm Lương rất ngạc nhiên khi thấy một bé gái mới sinh vài ngày bị bỏ rơi đang khóc thét đòi mẹ trong niềm vô vọng. Cuống quýt đem đứa bé về nuôi trong chùa, những ngày đầu chăm “con” đôi bàn tay thầy còn lóng ngóng vụng về, tìm cách học pha sữa, thay tã lót… nhưng sau rồi cũng thành quen. Và cũng kể từ ngày đó nhiều người dân trong vùng hiểu lầm về thầy, họ gièm pha, rồi câu ra câu vào, rằng là “sư hổ mang”, rằng là bà “trai gái” ở đâu nên đẻ ra đứa bé ấy và đòi đuổi hai “mẹ con” bà ra khỏi chùa, hai thầy trò ngồi ôm nhau và khóc. Sự việc tồn tại một thời gian dài, thầy Lương có giải thích như thế nào thì mọi người vẫn cho đó là nỗi “Oan thị Mầu”. Thanh danh của thầy và cả giới tăng ni phần nào bị ảnh hưởng. Ngày ấy nơi xóm nghèo thôn quê bỗng trở nên ồn ã, khắp nơi trong làng ngoài xã đâu đâu người ta cũng xì xèo, họ đồn đại những lời không hay về thầy. Nhưng vì thương đứa bé, thầy Lương kiên nhẫn chịu nhục, bỏ ngoài tai những lời sỉ vả, thị phi ghê gớm ấy, thầy quyết tâm sẽ nuôi dưỡng đứa bé lên người. Đặt tên cho bé là Đặng Ước Thiện với hy vọng trên đời có thật nhiều người làm việc thiện hơn nữa. 

Được sống trong vòng tay yêu thương, ấm áp của thầy Lương, bé Ước Thiện mỗi ngày một lớn, mới đây khi vừa lên 4 tuổi thầy đưa em đến lớp học mẫu giáo, thường ngày hai thầy trò quấn quýt bên nhau. Và cũng từ đó ngôi chùa nhỏ bên xóm nghèo luôn đầy ắp tiếng trẻ thơ vui đùa. Tôi hỏi: Sau này lớn lên con sẽ làm nghề gì? Bé Ước Thiện hồn nhiên trả lời “Con đi tu theo thầy”. Nói vậy thôi nhưng thầy Đàm Lương cho biết, sẽ nuôi các con khôn lớn lên người, học hành đến nơi đến chốn còn chuyện tương lai để chúng tự quyết định thầy không ép.

Thuê ruộng cày cấy lấy tiền nuôi con

Hơn 30 năm trước ở thôn Tứ, xã An Lão, huyện Bình Lục (Hà Nam) có một đứa trẻ tên Đặng Thị Như, thường ngày cô bé Như vẫn ra chùa giúp sư cụ Đàm Mỹ khói hương nơi cửa Thiền, từ đó cô đã mến mộ đạo Phật, lên 7 tuổi về xin phép cha mẹ quyết lòng xuống tóc đi tu lấy hiệu là Thích Đàm Lương. Được sư cụ Đàm Mỹ truyền thừa, dạy bảo, rồi đi học, năm 1999 sư Lương về trụ trì tại chùa Dâu (Yên Dũng). Trước năm 2008, vị sư thầy vốn dĩ chỉ quen sớm chiều hương khói, tụng kinh, niệm Phật thì bây giờ còn kiêm nhiệm thêm chức trách là người mẹ nuôi 4 đứa con thơ. Thầy phải thuê hơn một mẫu ruộng của người dân rồi cũng trồng hạt lúa, củ khoai, cũng tát nước, be bờ, cuốc cày, gồng gánh và gặt hái như ai để có hạt gạo nuôi con và có tiền nuôi ước mơ làm từ thiện. Những ngày hè nắng bỏng vai hay những ngày đông giá rét cắt da cắt thịt người ta vẫn thấy thầy cần mẫn trên những cánh đồng làng. Thương các con thiệt thòi vì thiếu hơi ấm của bàn tay cha mẹ, thầy tự nhủ lòng mình sẽ gắng sức bù đắp phần nào cho cuộc đời các con. Những đứa trẻ được thầy nuôi dưỡng có hoàn cảnh khác nhau, có đứa thì bị câm, bị điên, có đứa bị bệnh hiểm nghèo, bị cha mẹ vứt bỏ từ khi mới cất tiếng khóc chào đời nhưng dưới mái chùa Dâu cổ kính ấy chúng nhận được sự yêu thương, che trở của sư thầy Đàm Lương nên bé nào trông cũng thật hồng hào, khỏe mạnh, được thầy Lương đặt cho những cái tên đầy ý nghĩa: Đặng Ước Thiện, Đặng Ước Hoài Linh… Thầy Lương chia sẻ: “Hiện nhà chùa nuôi 4 cháu, cháu lớn nhất 30 tuổi bị bệnh thần kinh, nhỏ nhất mới 3 tháng. Trong số đó có một trường hợp đặc biệt, đó là vào tháng 3 vừa qua khi người dân nhặt được một cháu bé bên đống gạch vệ đường, cháu khóc thảm thiết đến lịm người, bị muỗi, kiến đốt đỏ mần hết thân thể, người ta nghi cháu bị AIDS nên chẳng ai nhận nuôi, họ gọi điện cho thầy…”. Lời Phật dạy vẫn còn đây “Cứu một người phúc đẳng hà sa”, không ngần ngại thầy Lương nhận nuôi cháu bé, hết lòng chăm sóc, đưa đi khám bệnh, làm xét nghiệm HIV… Chưa có kết quả chính thức xong mỗi ngày thầy đều thắp hương cầu trời, khấn Phật mong sao đứa bé bình an vô sự và hy vọng em không mắc phải căn bệnh quái ác ấy. Những lúc các con ốm đau thầy lo thuốc thang chữa trị, khi các con khóc nhiễu thì thầy dỗ dành yêu thương, rồi tặn tiện chi tiêu, gắng nhận thêm ruộng để có tiền mua sữa cho các con mỗi ngày. Có việc phải đi xa thầy thấy nhớ bọn trẻ lắm, mau chóng thu xếp cho nhanh để được trở về với đàn con thơ. Thầy Lương chỉ mong ước giản dị là một ngày nào đó các “con” mau chóng lớn khôn, trưởng thành và hạnh phúc.

Nồi cháo nghĩa tình


Hơn ba năm nay, sư thầy Thích Đàm Lương mỗi tháng đôi lần chuẩn bị củi lửa, bếp núc xoong nồi lễ mễ khuân vác mọi thứ đồ lỉnh kỉnh đến Bệnh viện đa khoa tỉnh Bắc Giang nấu cháo miễn phí giúp đỡ những bệnh nhân nghèo. Mỗi nồi cháo của thầy được từ 700- 800 suất. Mở nắp nồi cháo thơm phức nghi ngút khói bốc lên, nhiều bệnh nhân nghèo đã cảm thấy ấm lòng hơn vì bớt đi một khoản chi phí trong cơn bệnh tật. Cùng đó, từ năm 2007 đến nay thầy Lương tự nguyện hiến máu nhân đạo hàng chục lần, thầy xin được ghi tên mình trong danh sách đội hiến máu dự bị của tỉnh. “Mỗi giọt máu cho đi là niềm hy vọng với biết bao nhiêu người sẽ được cứu chữa, tôi quyết định sẽ làm tình nguyện viên hiến máu nhân đạo thường xuyên của tỉnh nhà” thầy Lương rủ rỉ. Thầy còn đi nhiều nơi vận động các tăng ni, phật tử góp quần áo, thực phẩm, thuốc men cứu giúp những người nghèo ở mọi miền tổ quốc. Năm 2010 thầy Lương quyên góp được hơn 1000 bộ quần áo, mỳ tôm đưa đến cho người nghèo. Sư thầy Thích Đàm Lương đang dự định xây dựng một trang Web riêng làm địa chỉ từ thiện cho những phụ nữ không may gặp phải điều trắc trở.

Trở lại chuyện nỗi oan khuất khó giải thích của sư thầy Đàm Lương, dù chưa được giải tỏa thỏa đáng xong “tiếng lành đồn xa”, năm sau rồi năm sau nữa, nhà chùa liên tiếp đón thêm những đứa bé bị cha mẹ bỏ rơi. Và cũng từ đó, tấm lòng từ bi của thầy được nhiều người biết đến, có những bà mẹ trẻ vì cả tin trong tình yêu nên trót dại mang thai, tình mẫu tử khiến họ không lỡ bỏ đi giọt máu của mình, họ cũng không thể nói với gia gia đình nên đã đến đây hàng tháng trời xin nương nhờ nhà chùa, chờ khi nào sinh nở xong rồi mới ra đi. Để có nơi có nơi, có chốn cho những bà mẹ cơ nhỡ ấy, thầy Lương đã quyên góp, bỏ tiền xây dựng được gần chục căn phòng dành cho các bà mẹ mang bầu đến chờ ngày sinh nở… Thời gian trôi đi, câu chuyện nỗi “oan Thị Kính” của thầy Thích Đàm Lương cũng dần nguôi ngoai, mọi người trong làng dường như hiểu được tấm lòng từ bi ấy nên chỉ lặng im cảm kích. Không ai còn nghi ngờ cái tâm hướng thiện của thầy. Nỗi oan ấy, dù sư thầy vẫn chỉ chôn chặt trong lòng nhưng phần nào đã được làm sáng tỏ.

K.S

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here