Trang chủ Phật giáo khắp nơi Phật giáo thế giới Ajanta một ngày Đông

Ajanta một ngày Đông

132
0

 Ba mươi động đá, là những ngôi chùa, những thiền đường, những tăng phòng được hình thành bởi công sức của bao đời người khắc đục, giờ nằm im lìm hướng mặt về thung lũng, làm chứng tích cho sự hưng thịnh một thời của Phật giáo ở vùng đất này. Cái kỳ vĩ của những ngôi chùa bằng đá vẫn còn đó, nét tinh xảo của những bích hoạ vẫn còn lưu dấu đó, nhưng sức sống của Phật giáo thì không còn. Những cái phụ thuộc, phần tô điểm cho cái chính ngậm ngùi nhìn hậu thế quay về tham quan và tìm hiểu, còn cái chính đã được dồn về bảo tàng quá khứ xa xăm!

Những ngôi chùa đá này bắt đầu được đục khắc vào thế kỷ thứ II (tr. TL) và kết thúc vào thế kỷ thứ VII (TL), từ thời kỳ các bộ phái Hinayana Phật giáo thịnh hành ở vùng đất này cho đến thời điểm Phật giáo Đại thừa phát triển, từ thời điểm tượng Phật chưa được phụng thờ cho đến khi yếu tố Mật giáo in dấu lên các pho tượng Phật và những vị Bồ-tát. Chín trăm năm cho 30 hang động lần lượt ra đời, để rồi sau 1200 năm bị vùi lấp trong quên lãng, tình cờ được khám phá và trở thành một di sản thế giới qua công nhận của UNESCO.

Các hang động phần lớn vẫn giữ được hình hài nguyên thuỷ của chúng, nhờ không có sự tàn phá của con người. Thời gian thật khắc nghiệt những cũng đầy nhân từ, đẩy đưa vạn vật trở về cát bụi theo một lộ trình tiệm thoái. 1200 trăm năm bị bỏ quên, chúng vẫn còn lưu giữ được hình hài dù khi nằm im lìm trong rừng sâu, chịu sự bào mòn của nắng mưa, và làm nơi cho muông thú trú ngụ. Vị trí địa lý heo hút đã giúp chúng thoát khỏi sự đập phá mà những thánh tích Phật giáo ở những nơi khác đã gánh chịu bởi bàn tay và đầu ốc của những con người khác niềm tin.

Ba mươi hang động mà ngày xưa là những ngôi chùa riêng biệt, nay được nối lại với nhau thành một quần thể. Ba mươi hang động mà ngay xưa các thế hệ tăng lữ thuộc nhiều truyền phái Phật giáo đã làm nơi tu hành, và hẳn có lúc không bằng lòng với nhau về vấn đề tư tưởng và triết thuyết, nay chỉ còn là một dấu lặng trầm thống trên nền nhạc im bặt vì thanh âm đã bay đến những chân trời xa. Động đá thứ tư, là ngôi chùa lớn nhất của quần thể này, nhưng là ngôi chùa chưa hoàn tất, để lại hình hài dang dỡ của mình cho hậu thế ngậm ngùi suy nghẫm.

Ai đã khắc đục nên những ngôi chùa đá này? Những sử gia và những nhà khảo cổ học không biết. Người ta đoán chứng rằng do các tăng sĩ Phật giáo thực hiện, ít nhất là những hang động thuộc thời kỳ đầu. Nhóm động được xây dựng dưới triều đại Gupta thì được các vua chúa bảo trợ, nhưng vẫn không biết được ai là người làm nên, cả những bức bích họa kiệt xuất lạ lùng kia, vẫn chưa rõ là tăng hay tục vẽ. Một bí ẩn lớn đối với mọi người như sự lạ kỳ của việc Phật giáo biến mất khỏi xứ sở này!

Các thầy đã đục đá trong núi làm chùa và đã để lại cho hậu thế một kỳ quan. Di tích đồ sộ còn lại đó cho thấy rằng ít nhất có chín thế kỷ Phật giáo sinh hoạt mạnh mẽ tại vùng đất heo hút này, và nó đã nhận được sự bảo trợ đầy nhiệt huyết của các bậc vua chúa. Nhưng sự tiếp nối đã không được truyền lưu khi từ sau thế kỷ thứ VII Phật giáo bắt đầu dần suy tàn nơi vùng đất đã khai sinh ra mình. Dù quy mô, dù biết bao công sức của những thế hệ tiếp nối chạm đục từng mẫu đá cho những ngôi chùa đồ sộ hình thành, nhưng rồi trở thành phế bỏ khi không còn người gìn giữ. Yếu tố con người thật quan trọng xiết bao! Những ngôi chùa đồ sộ chỉ có sự sống khi giáo lý của đức Phật còn có người lưu giữ, được truyền bá và có người hành theo. Bài học này vẫn còn quá khó thuộc đối với chúng ta!

Các thầy đã đục đá làm chùa tu hành. Quả tu của các thầy không ai có thể biết nhưng những ngôi chùa đá còn lại đó đủ để hậu thế thán phục đức làm việc bền bỉ, khả năng điêu khắc và họa vẽ tinh xảo của các thầy. Giờ đây chúng nằm đó, cho những người đủ mọi xứ sở, mọi tôn giáo trở về chiêm ngưỡng, nghiêng mình cảm phục và rồi… quên. Và chúng cũng nằm đó, cho những người con Phật đến từ những đất nước khác nhau, ngậm ngùi xót xa.

Cố gắng truyền rộng và gìn giữ giáo pháp lâu dài cho cuộc đời là nỗ lực của những người con Phật qua nhiều thế hệ. Sự phân chia bộ phái sau thời đức Phật, ở gốc độ tích cực là để phát triển giáo thuyết của đức Phật theo từng phương cách khác nhau. Nhưng phân phái tự trong bản chất đã là sự phân rẽ, nên không tránh khỏi sự phán xét là đã khiến cho Phật giáo suy vong. Ai có thể lường trước được những ý muốn của mình sẽ đưa đến những hậu quả gì về sau! 

Vạn vật đều chuyển động như vòng quay bánh xe. Một vương quốc sẽ suy thoái khi vị vương chủ không sống theo vương pháp, khiến cho thiên xa biến mất khỏi bầu trời. Điều đó Thế Tôn đã nêu ra trong kinh Cakkavati Sīhanāda. Cũng tương tự như vậy đối với tôn giáo. Chánh pháp khi không có người thực hành, Pháp luân khi không được vận chuyển thì nó sẽ lặn xuống, hoặc dần dần, hoặc chóng vánh. Xa luân là tượng trưng cho sự tiến bộ, cho sự vận động. Khi thiên luân biến mất khỏi bầu trời, sự chuyển động không còn, vương quốc sẽ suy thoái. Pháp luân khi không được hậu thế chuyển vận, sẽ dần biến mất khỏi cuộc đời, đạo giáo sẽ suy vong. Những giáo huấn trong kinh Cakkavati Sīhanāda đâu chỉ bảo với các tỳ-kheo rằng “nếu các thầy đi lại trong giới hạn được phép của mình, trong giới hạn Tổ phụ các thầy truyền lại, thì ma vương sẽ không có cơ hội để xâm nhập…”, mà còn là triết lý về sự vận hành, dịch chuyển và thịnh suy của vạn pháp ở cõi đời…

Rời Ajanta khi nắng chiều đổ thêm màu vàng sẫm xuống đồi núi. Cửa động được khép lại sau một ngày đón hàng ngàn khách trở về tham quan. Miệng trở nên chát đắng bởi cơn bệnh vẫn chưa qua khỏi, và bởi cái dư vị còn lại sau một buổi ruỗi rông qua từng hang động. Xe lăn bánh ra khỏi vùng đồi. Những cánh đồng lúa mì vàng ươm trãi ra mênh mông đến tận chân núi. Thi thoảng trên những cánh đồng bát ngát ấy xuất hiện một lá cờ ngũ sắc Phật giáo, lặng lẽ, phất phơ. Mắt cay cay và lòng thấy dịu lại sau những xung động tâm thức. Một giọt nước mắt ứa ra, do vướng phải một hạt bụi đường bay qua!

 

Ajanta: Thành phố miền trung tây Ấn độ, nổi tiếng nhờ một dãy những hang động lịch sử Phật giáo đã có từ thời 200 trước Tây Lịch và 700 sau Tây Lịch trong vùng Hyderabad. Trong đó có những cấu trúc tịnh xá nhỏ. Trong các hang động nầy hiện nay còn thấy những bức minh họa về những  hình ảnh về cuộc đời Đức Phật, bốn lần ra đi bốn cửa của Phật, ý định của Mara, hay Phật nhập Niết Bàn, v.v. Những bức họa trong hang động là những tác phẩm nghệ thuật Phật giáo cổ còn lưu trữ. Những câu viết còn tồn tại khiến cho những học giả đương thời có được sự hiểu biết quan trọng về đời sống của các Phật tử Ấn Độ trong giai đoạn đó

 
Hình trên là bức tranh trên tường trong động Ajanta

Ajanta Caves (Ajaṇṭā; Devanagari: अजंठा लेणी) in Maharashtra, India are rock-cut cave monuments dating from the second century BCE, containing paintings and sculpture considered to be masterpieces of both Buddhist religious art[1] and universal pictorial art.[2]. The Ajanta Caves have been a UNESCO World Heritage Site.

 

The first Buddhist cave monuments at Ajanta date from the 2nd and 1st centuries B.C. During the Gupta period (5th and 6th centuries A.D.), many more richly decorated caves were added to the original group. The paintings and sculptures of Ajanta, considered masterpieces of Buddhist religious art, have had a considerable artistic influence.

 Theo TVHS

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here