Trang chủ Vấn đề hôm nay Ai chịu trách nhiệm các ấn phẩm có nội dung lệch lạc?

Ai chịu trách nhiệm các ấn phẩm có nội dung lệch lạc?

199
0

 

 

Xuất bản ấn phầm tôn giáo – xin đừng tùy tiện (Kỳ 2)

Ai chịu trách nhiệm các ấn phẩm có nội dung lệch lạc?

GN – Một số tác phẩm được cho là có nội dung Phật giáo nhưng lại có nội dung lệch lạc, được NXB Tôn Giáo thuộc Ban Tôn giáo Chính phủ cũng như một số nhà xuất bản khác cấp phép xuất bản, gây nên nhiều sự bức xúc cho độc giả. 

sach.jpg
Các ấn phẩm có nội dung lệch lạc về Phật giáo do NXB Tôn giáo và NXB Hồng Đức cấp phép xuất bản – 
Ảnh trích xuất từ bản tin và phim tài liệu của VTV2
 
Lần gần đây nhất, với loạt ấn phẩm của Nguyễn Nhân được cho là “Huyền ký của Đức Phật” liên quan tới Thiền tông đã và đang làm nhiều người quan tâm, phê bình gay gắt. “Ai sẽ chịu trách nhiệm và chịu trách nhiệm như thế nào, trước việc cấp phép truyền bá một loạt ấn phẩm thiếu chuẩn xác và xuyên tạc Phật giáo như vậy?”. 
 
Theo đó, loạt ấn phẩm khiến dư luận hồ nghi và bức xúc trước công tác thẩm định của các cơ quan quản lý nhà nước thuộc ngành xuất bản hiện nay, là 10 tập về “Giải đáp bí mật Thiền tông” và “Huyền ký” do Nguyễn Nhân biên soạn. Với nội dung hết sức “lạ lẫm”, nếu không muốn nói là sai lệch với các giáo lý Phật giáo. Song, loạt ấn phẩm này vẫn được NXB Tôn Giáo (thuộc Ban Tôn giáo Chính phủ) và NXB Hồng Đức (thuộc Hội Luật gia Việt Nam) cấp phép, được in ấn và phổ biến. Không những thế, một số kênh truyền hình thuộc Đài Truyền hình quốc gia (VTV1, VTV2, VTV4) đã quảng bá, làm nhiễu loạn thông tin về các giá trị tôn giáo tại nước ta hiện nay. 

Sự hoang tưởng và tùy tiện trong nội dung 
 
Trong “Huyền ký của Đức Phật truyền theo dòng Thiền tông”, NXB Hồng Đức (2016, gọi tắt là Huyền ký), về “lai lịch” của Huyền ký, Nguyễn Nhân cho rằng: “Đức Phật (Thích Ca) trao tập Huyền ký này cho ông Ma Ha Ca Diếp, là vị Tổ Thiền tông đời thứ nhất, nhờ vị Tổ này truyền riêng theo dòng Thiền tông”, (Sđd, tr.5, sic). Ông cũng lý giải sự tồn tại của Huyền ký“Như Lai nhắc lại: Khi nào “Long nữ” nhận được tập Huyền ký này, cũng là lúc pháp môn Thiền tông đã bắt đầu chuyển mình chảy lại. Khi Minh Triết ngự trị “Đất rồng”, pháp môn Như Lai thanh tịnh thiền này mới có nơi an trụ”, (Sđd, tr.273). 
 
Đồng thời, để “hợp lý hóa” sự xuất hiện của tập Huyền ký tại chùa Tân Diệu, ông còn trích dẫn “bài phong Thiền Tông gia” cho mình, từ người ông tôn làm sư phụ là “Thiền sư Ni” Đức Thảo – người ông cho là “Long nữ”, cũng chính là mẹ của ông, rằng: “Theo Huyền ký của Đức Thế Tôn: Mạch nguồn Thiền tông sẽ bùng lên tại ‘Đất rồng’ vào thế kỷ XX. Theo lời dạy của Đức Thế Tôn: tập Huyền ký của Đức Thế Tôn truyền theo dòng Thiền tông do ‘Long nữ’, tức Con nhận được”, (Sđd, tr.236). 
 
Không hiểu sao những nội dung mang màu sắc hoang đường thế này lại qua mắt NXB chuyên về tôn giáo, mà nếu chỉ với những người có hiểu biết cơ bản về Phật giáo, một tôn giáo lâu đời ở nước ta, cũng nhận ra và không thể chấp nhận. 
 
Dễ dàng nhận thấy, xuyên suốt cái gọi là Huyền ký này là các thuật ngữ thường dùng trong các văn bản hành chánh. Ví dụ như các từ và cụm từ: kiểm duyệt, đảm nhận chức vụ, đặc cách phong, ban bệ, tiêu chuẩn, tổng kho, công thức thực hành v.v… Gửi phản ánh đến tòa soạn, bạn đọc M.N bày tỏ: “Đọc tập sách này, với chữ nghĩa hành chánh và bố cục ‘bậc thang’ kiểu văn bản nhà nước…”. Đó là chưa kể tới nhiều lỗi sai chính tả và cấu trúc ngữ pháp tiếng Việt, lỗi về trình bày trong ấn phẩm này. 
 
Tại trang 81, về “Bài kệ truyền “Bí mật thanh tịnh thiền” cho ông Ma ha Diếp, để các vị Tổ sư lấy làm chuẩn truyền cho nhau” (sic), ông Nguyễn Nhân đã lấy “râu ông nọ chắp cằm bà kia”. Bài kệ này lấy ý từ giai thoại Niêm hoa vi tiếu. Mà tích Niêm hoa vi tiếu thì chỉ xuất hiện trong văn học Trung Quốc. Do đó, nó chỉ mang ý nghĩa biểu trưng mà không có giá trị về văn bản gốc, cũng như tinh thần Thiền của Phật Thích Ca. 
 
Các nhà nghiên cứu Phật học xác nhận rằng truyền thuyết “Niêm hoa vi tiếu” không được ghi nhận trong Chánh tạng, Nam truyền lẫn Bắc truyền, mà chỉ thấy trong Tục tạng Trung Quốc vào đời Tống (960-1127) (“Tông môn tạp lục”, mục “Nhơn thiên nhãn”, quyển 5). Điển tích này mang tính huyền sử, lộ rõ dấu ấn đặc thù văn học Thiền theo Phật giáo Hán truyền. 
 
Những lỗi kiểu như vậy đầy dẫy trong ấn phẩm được gọi là Huyền ký của Nguyễn Nhân, cũng như các ấn phẩm cùng tên, ấy vậy không hiểu sao các NXB lại cấp giấy phép xuất bản, được phổ biến, được các cơ quan truyền thông, kể cả đài truyền hình quốc gia giới thiệu, coi như là một ấn phẩm có giá trị về tâm linh hiện nay (!). Điều đó khiến cho dư luận đặt vấn đề tại sao các nội dung có nhiều lệch lạc như thế được phép xuất bản và phổ biến chính thức, lại được giới thiệu trên sóng truyền hình quốc gia, không chỉ ở kênh trong nước mà cả với kênh đối ngoại (VTV4)? 
 
VTV.jpg
Lại được Đài Truyền hình VN giới thiệu trên sóng quốc gia, đã tạo nhiều bức xúc và hiểu lầm trong dư luận về Phật giáo và chính sách tôn giáo của nhà nước – Ảnh trích cắt từ VTV1
 
Vừa qua, trước dư luận bức xúc của Tăng Ni, Phật tử, Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Long An đã có báo cáo về Văn phòng II TƯGH. Văn phòng II TƯGH cũng đã chủ trì cuộc họp liên tịch các cơ quan chức năng liên hệ về vấn đề liên quan tới chùa Tân Diệu và những nội dung sinh hoạt – trong đó có các ấn phẩm của Nguyễn Nhân với các lệch lạc về nội dung liên quan tới Phật giáo đã được các cơ quan chức năng về ngành xuất bản là NXB Tôn Giáo và NXB Hồng Đức duyệt cấp giấy phép xuất bản rộng rãi. 
 
Báo cáo do HT.Thích Minh Thiện, Trưởng ban Trị sự GHPGVN tỉnh Long An xác nhận hiện tượng liên quan tới ông Nguyễn Nhân tại chùa Tân Diệu cùng các ấn phẩm, như đã nói, “đã tạo nên những bức xúc trong cộng đồng Phật giáo về việc bị xúc phạm”. 
 
Khó tránh khỏi bất bình 
 
Xét ở khía cạnh quản lý nhà nước, trách nhiệm trong khâu kiểm duyệt của các NXB, đối với loạt ấn phẩm của Nguyễn Nhân là không thể chối cãi. Sự cấp phép như thế gây nhầm tưởng là sự công nhận hợp pháp từ phía NXB; điều này, một mặt làm cho một số người có nhận thức sai lệch về Phật pháp, mặt khác gây nhiễu loạn trong cộng đồng Tăng Ni, Phật tử Việt Nam nói riêng, tạo nên ấn tượng xấu về Phật giáo trong dư luận nói chung. 
 
Như vậy, liệu việc ấn hành các ấn phẩm Phật giáo có phải chỉ thông qua NXB là đủ? Đâu là cơ sở để đánh giá tính chính thống, chuẩn mực, chính xác của ấn phẩm Phật giáo nói riêng, tôn giáo nói chung, để một ấn phẩm được cấp phép phổ biến? Trách nhiệm của các cơ quan chức năng quản lý nhà nước về vụ việc này ra sao? Vai trò của GHPGVN trong vấn đề này như thế nào? Mời bạn đọc theo dõi nội dung ghi nhận kỳ sau, trên tuần báo Giác Ngộ. 

 

(Còn tiếp)

Gần đây nổi lên một người tự xưng là “Viện chủ Nguyễn Nhân” tại “chùa Thiền tông Tân Diệu”, địa chỉ 273 ấp Chánh Hội, xã Tân Mỹ, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An, cùng hiện tượng một số người tự xưng “Đạo sư”, “Phật gia”, gây xôn xao, bức xúc dư luận. 

Trong một số ấn phẩm, ông Nguyễn Nhân tự cho mình là: “Nhà sưu tầm”, “nghiên cứu Thiền học”, “Thiền gia”, “soạn giả”, biên soạn 10 đầu sách để minh họa cho là “Huyền ký” từ… Đức Phật nói ra. 

Vào ngày 14-5-2017, ông Nguyễn Nhân đã tổ chức buổi lễ “Công bố Huyền ký của Đức Phật truyền theo dòng Thiền tông”, có đại diện chính quyền sở tại và Ban Trị sự GHPGVN huyện Đức Hòa tham dự; ông cũng tụ tập quần chúng để giải thích “huyền ký Đức Phật”, cấp “Chứng chỉ thiền tông” cho một số người… 

VTV4 làm chương trình “Người giữ lửa” và VTV2 làm phim tài liệu “Chùa Thơ – Dấu ấn thanh tịnh thiền”. Các NXB Tôn Giáo, Hồng Đức cấp phép in và tái bản 10 quyển sách của ông Nguyễn Nhân. Những việc làm của ông Nguyễn Nhân tại chùa Tân Diệu cùng loạt sách của ông, theo tôi, đầy những lệch lạc, góp phần làm “ô nhiễm tâm linh”, ảnh hưởng tới nhận thức của một số quần chúng. 

Mong rằng các cấp Giáo hội có nhận định để giải thích cho số đông được biết, tránh những điều xáo trộn, sai lạc trong cái nhìn của một số người về Phật giáo truyền thống cũng như chính sách tôn giáo tại nước ta. 

Thích Lệ Thọ


Giao Hảo

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here