Trang chủ Phật giáo khắp nơi Ai chiến thắng?

Ai chiến thắng?

137
0

Có môn thể thao nào mà người say mê tôn sùng và ví von như là một “tôn giáo”? – Đó là bóng đá, được tôn sùng là “túc cầu giáo”. Chuyện ngôn từ chỉ là đùa vui, nhưng xem ra cũng có chút cơ sở về cái “đạo” này: “tín đồ” theo một cách trung thành, vô điều kiện (ăn bóng đá, ngủ bóng đá), gán cho sân vận động tiếng tăm là “thánh địa”, phong “phù thủy” cho huấn luyện viên tài ba đem lại thành tích rực rỡ cho đội bóng vốn trước kia không có gì nổi bật.

Tôi không phải là tín đồ loại đó, nhưng suốt đời vẫn luôn luôn thích bóng đá. Từ xa lắm rồi, sân vận động Tự Do (Huế) cho tự do ra vào cổng, tự do cho mọi người, nhất là thanh niên, học sinh ra vào vui chơi, luyện tập, tôi đã gia nhập các nhóm đá banh con nít quần thảo mỗi buổi chiều hè: hai phe, phe mặc áo, phe ở trần, gôn thì lấy áo đặt cách nhau vài mét. Tôi chơi chẳng hay gì, tranh chấp bóng thường thua, lừa banh thì mất banh, thường bị xếp vào hậu vệ, có lúc bị ấn vào vị trí thủ môn. Nhiệm vụ vinh quang của đội bóng là thuộc anh tiền đạo, vô gôn đối phương là la hét vang trời. Họa hoằn lắm tôi mới ghi bàn, sướng rân cả người!

Lớn lên, không còn đá nữa thì bằng lòng xem bóng đá vậy. Hầu như bất cứ trận cầu lớn nào ở sân vận động Tự Do, tôi đều có mặt; không những thế, những U13, U17, U21,… tôi đều “chiếu cố” hết. Tất nhiên, con người địa phương của tôi vẫn “quan tâm” đến đội bóng đá Huế. Bất cứ trận đấu nào của đội ở sân Tự Do tôi đều xem, nếu điều kiện thời gian và làm việc cho phép. (Nhiều người nghỉ hưu than buồn, còn tôi, ngày đầu tiên nghỉ hưu, tôi đi xem bóng đá mà lòng thơ thới, hân hoan, không bị công việc ngăn trở sở thích của mình).

Từ khi truyền hình được phủ sóng nhờ vệ tinh, thiên hạ hả hê được xem bóng đá trên TV, với những trận cầu hấp dẫn nhất thế giới: World Cup, Euro Cup, Champions League, Giải Ngoại hạng Anh, Tây Ban Nha, Ý,…Rõ ràng phương tiện truyền thông hiện đại ngày nay đã đem lại hạnh phúc ngất ngây cho triệu triệu người trên hành tinh, từ thành thị đến nông thôn, từ trí thức đến bình dân, bất kể giàu nghèo, màu da, sắc tộc; ngoài ra, dân mình còn say sưa với những trận đấu có đội tuyển Việt Nam ra sân, chăm chăm nhìn vào màn hình, la hét, vỗ tay tán thưởng, hân hoan, ngậm ngùi. Nhờ truyền hình mà đối tượng người xem được mở rộng cho những ai chẳng bao giờ đụng trái banh, chẳng bao giờ được hân hạnh ngồi trên khán đài sân vận động, và đặc biệt, cho phái nữ. (Cách đây hai mươi năm, có mấy bóng dáng tóc dài xem bóng đá? Chỉ trong vòng mươi năm lại đây, hình ảnh con gái xem bóng đá tại sân vận động Tự Do trở nên quen thuộc hơn.) Như vậy càng vui, thêm những bình luận ngồ ngộ: anh chàng này đẹp trai, anh chàng kia tội nghiệp,… Nhưng nói đến phái nữ, phải loại trừ: không phải bà nội trợ nào cũng chia sẻ niềm vui bóng đá với ông chồng, nhất là 1, 2 giờ khuya, đài truyền hình trực tiếp bóng đá. Báo hại bà chị họ của tôi cằn nhằn ông chồng vì một mình, một tivi đêm khuya mà cũng vổ tay, cũng đánh đét vào đùi, cũng xuýt xoa vì cái giải ngoại hạng Anh, vì đội bóng thần tượng Arsenal.

Bóng đá đã đem lại hạnh phúc cho mọi nhà như thế, mà bất hạnh thay, người ta cũng đã vùi dập bóng đá đến mức độ tàn tệ. Tôi muốn nói nạn côn đồ (hooligan) trên sân cỏ, và bên ngoài sân cỏ, trước, trong, và sau khi trận cầu xảy ra. Nạn này đã xảy ra trên thế giới, với mức độ trầm trọng, như thảm họa Hillsborough (Anh), ngày 15/4/1989, trong trận bán kết tranh Cúp FA giữa hai đội bóng Liverpool và Nottingham Forest, làm 96 người chết; hay vụ cầu thủ Andres Escobar, người Colombia, bị cổ động viên bắn chết một ngày sau trận đấu World Cup 1994 (ngày 2/7/1994) giữa Colombia và Mỹ, trong đó Escobar đá phản lưới nhà để đội tuyển Colombia bị loại khỏi vòng 1. Còn ở nước ta, cách đây không lâu, những cổ động viên của đội Hải Phòng, trên đường vào Vinh để ủng hộ đội mình, đã gây rối trên quốc lộ 1A ở huyện Diễn Châu, Nghệ An, với dân địa phương, khiến ít nhất 4 người bị thương, 3 xe bị đập phá. Điều đáng nói thêm là năm trước cũng những cổ động viên Hải Phòng đã gây rối với cổ động viên Nghệ An trên sân Vinh, gián tiếp dẫn đến cái chết của một cổ động viên. Niềm vui thể thao bị xóa nhòa bởi thảm cảnh xã hội. Không lẽ chuyện thắng bại giữa hai đội trên sân cỏ lại kéo theo chuyện ăn thua đủ giữa các nhóm quá khích?

Những hành vi phản cảm xảy ra rất thông thường đối với những trận cầu V League và hạng nhất. Tôi ngồi ở khán đài B sân vận động Tự Do nên mọi chuyện hỉ nộ ái ố tôi đều chứng kiến. Cầu trường đầy màu sắc: cờ xí, pa nô, bảng quảng cáo, biểu ngữ, màu áo cổ động viên, và âm nhạc phong phú: Đang Lên đàng lở dở thì Bác vẫn cùng chúng cháu hành quân, rồi thì Nối vòng tay lớn, rồi bất ngờ Alibaba,…Vui thì thật vui: trống dong cờ mở, bình phẩm loạn xạ, la ó vung vít, thằng này thằng nọ (thằng này chạy xe thồ, thằng nọ mới lấy vợ,…), và mỗi khi đội nhà thắng thì mọi người bật dậy như lò xo, hoan hô dậy trời, áo mũ tung lên, kèn saxo hùng tráng, trống đánh thùm thụp, xập xỏa inh tai. Nhưng bực thì quá bực, khi tình thế bất lợi trên sân cho đội nhà thì chẳng có gì là văn hóa: văng tục, chửi bới, quăng chai lọ, đòi đuổi trọng tài, thậm chí hả hê khi cầu thủ mình nổi nóng hạ gục cầu thủ khách (có người hô: giết! giết!), hoặc mắng nhiếc cầu thủ mình khi va vấp khuyết điểm. Sân Tự Do đã từng được báo chí một thời “phong” là “chảo lửa” vì không khí cuồng nhiệt trên khán đài, nhưng xem ra mức độ phản cảm còn thua xa một số sân khác, nơi mà chảo lửa đúng là lửa: lửa của pháo sáng đỏ rực trên khán đài, nơi mà người ta đem cuốc lủi với đồ nhắm để vừa nhậu vừa xem, nơi mà người ta không từ quăng những thứ hôi hám như nước tiểu, mắm tôm; và thật táo tợn, nơi mà cổ động viên đội Hà Nội ACB quăng luôn cả hai đầu chó thui xuống sân bóng, để làm nhục đội Thể Công (mà họ gọi trại từ Thể Công là “thịt chó”).

"Ta cầu mong đội bóng ta thắng; nhưng ta cũng hòa làm một với không biết bao nhiêu người trên thế giới ưa thích bóng đá, để cho kẻ chiến thắng trên hết là nghệ thuật bóng đá". (Trong ảnh: Tại giải bóng đá Kiền Trắc, CĐV đội Dương Biều chăm sóc sức khỏe cho cầu thủ đội An Lạc, thể hiện tinh thần Lục Hòa của người Phật tử)

Quan sát kỷ trên khán đài, những hiện tượng không đẹp thường do một số ít khán giả máu nóng, cay cú hơn thua, trong đó có vài người tính khí nóng nảy, ưa chơi trội, vung tay múa chân; nhưng tiếc thay, mấy biểu hiện này lại được số đông xúi bậy, xem đây như là trò cười. Ngoài ra, nguyên do cũng là vì cổ động viên hai đội thiếu tinh thần thể thao, sẵn sàng đụng độ nhau vì nguyên cớ nhỏ nhặt như châm chọc, khích bác nhau. Tình trạng đạo đức trên sân cỏ góp phần làm cho không khí bóng đá thiếu lành mạnh: cầu thủ chơi xấu, giả bộ nằm sân, câu giờ,…

Nhưng gốc của vấn đề là “người ta” sẵn sàng “thắng” với bất cứ giá nào. “Người ta” ở đây có thể là lãnh đạo đội bóng, có thể là cơ quan chủ quản, là trên cơ quan chủ quản. Thắng là có tiền, thua là rủ sạch. Làm sao thắng cho được, còn cách thắng thì không mấy quan trọng. Vì vậy mới nuông chiều cầu thủ, thả lỏng kỷ cương, làm cho bệnh sao phát triển, để cổ động viên hành động tự phát, theo bản năng. Vấn đề sâu xa không nằm ngoài trình độ văn hóa của xã hội, đạo đức công dân, văn minh đô thị. Khi xã hội tràn đầy những hiện tượng tiêu cực: xe cộ mạnh ai nấy đi, kém tuân thủ luật giao thông; đi vào nơi công cộng chen lấn nhau, chẳng có văn hóa xếp hàng; thói quen vất rác bừa bãi; festival hoa mới khai mạc thì sau đó tả tơi; bao nhiêu di tích, tác phẩm nghệ thuật ngoài trời thì viết vẽ bậy; chuyện bất bằng giữa chợ thì làm lơ vì nguy hại (cướp giật, móc túi),… như thế thì làm sao những con người của xã hội đó vào sân bóng thì thoắt một cái trở thành văn minh, lịch sự, nhất là đời sống của dân cư thành thị chẳng có mấy thứ tiêu khiển, vào sân bóng được hò hét như cách xả xú páp?

Trước thực trạng đó, pháp luật phải góp phần hiệu quả xây dựng kỷ cương. Anh đi xe lạng lách? – Công an giao thông hỏi thăm, phạt. Anh viết vẽ bậy nơi công cộng? – Phạt, bắt anh làm vệ sinh công ích … Phải thẳng thắn công nhận các cơ quan quản lý nhà nước và đoàn thể đã chặn đứng nạn cá độ bóng đá quy mô lớn, nạn dàn xếp tỉ số, hối lộ trọng tài,… mà cách đây không lâu dư luận phán xét rất nghiêm khắc. Trên khán đài sân Tự Do, tôi đã chứng kiến các thanh niên quá khích gây rối trật tự, ném chai xuống sân, bị cảnh sát bắt giữ, đưa ra khỏi sân, nhờ thế trật tự vãn hồi. (Nhưng đáng buồn, rất đông khán giả “bênh vực” thanh niên quá khích, la ó cảnh sát).

Tuy nhiên, pháp luật chỉ là giải quyết phần ngọn, cái gốc phải là nâng cao đạo đức công dân, xây dựng nếp sống văn minh. Tất nhiên, khi mọi người trong xã hội có đời sống vật chất và trình độ giáo dục cao hơn, thì mọi mặt đạo đức cũng được nâng cao; nhưng cả hai mặt văn hóa và kinh tế tác động qua lại, và xây dựng văn hóa, trong đó có đạo đức công dân, là việc lâu dài nhưng khẩn thiết. Cần phải xây dựng và nâng cao đạo đức công dân từ trong các cơ quan, đoàn thể, doanh nghiệp ra đến dân thường, từ cấp cao xuống cấp thấp, từ người lớn đến thanh thiếu niên, từ nhà trường ra xã hội.

Mọi người đều có quan hệ tình cảm trong gia đình và ngoài xã hội từ gần đến xa, lại cũng có phe phái, cơ quan, đoàn thể, địa phương, đất nước. Trong bóng đá, làm sao tôi không đặt nặng đội bóng địa phương mình hơn địa phương khác? Vậy thì sự ủng hộ có tính địa phương là điều thường tình. Thể thao – đặc biệt là bóng đá – dựa vào điều đó để sống còn. Khi đội nhà lên chân, đá hay, thắng lợi (như đội tuyển Việt Nam tranh AFF Cup năm 2008) thì sướng lắm chứ; ngược lại đội nhà đá trầy trật thì cũng rầu. Nhưng, mọi sự trên đời đều là vô thường, huống hồ gì kết quả một trận đấu; vướng bận làm gì cho mệt. Mọi tình cảm bộc phát, hời hợt dựa trên đám đông, thường đưa lại những hậu quả tai hại, khó kiểm soát; thay vì để tâm mình cuốn theo những thứ tình cảm như vậy, ta nén lại một chút thời gian cho tình cảm đó trôi đi, ta sẽ thấy, à, chuyện bình thường! Giữ ở mức độ vừa phải cái ta, cái của ta, đội bóng của ta, Huế của ta, thì ta thấy vui với thành công của đội bóng, không quá thất vọng khi đội bóng xuống hạng, thông cảm khi với những con người như thế, năng lực và tiền của như thế thì thành tích như thế. Có nhiều người vì thất vọng đối với đội bóng Huế mà không thiết tha đến sân Tự Do nữa, còn tôi thì vẫn trung thành với đội, như vậy lại vui, nhất là khi thấy thành phần đội tuyển rất trẻ. Hơn nữa, khi ta gạt bớt cái ta, ta xem trận đấu hào hiệp hơn, công bằng hơn, để vẫn tán thưởng cái pha bóng hay, làm bàn đẹp của cả hai bên.

Mọi diễn tiến trên sân cỏ rồi sẽ qua đi, thắng thua rồi cũng sẽ trôi về quá khứ, duy chỉ có cái đẹp chiến thắng và ngự trị trong lòng mọi người.

Rốt cục, người xem bóng đá thích thú xem trận cầu hay, hấp dẫn, kịch tính; thích những đội bóng chơi hay, mạch lạc, công thủ đều tốt, có những cá nhân đột phá, xuất thần. Mọi người cứ thích theo chủ quan, vì nghệ thuật bóng đá: người thì chọn Arsenal, người thì yêu Manchester United, anh thì phục mà không thích đội tuyển Đức vì cỗ máy “lạnh lùng” quá!, chị thì mê đội tuyển Ý đá hay, người đẹp trai lại mặc áo màu thiên thanh! Những đội bóng này không phụ bạc người xem, cho nên dù là fan hay không, mọi người vẫn yêu mến họ, dù kết quả trận đấu ra sao đi nữa. Bây giờ tôi vẫn còn thích thú về trận đấu vào tứ kết Champions League lượt về giữa hai đội Chelsea và Liverpool ngày 15/4/2009. Cả hai đội bóng đều chơi thứ bóng đá tấn công vô cùng quyến rũ, thay nhau rượt đuổi tỉ số, cuối cùng hòa 4 – 4. Chelsea chiến thắng với tỉ số 2 lượt là 7 – 5, nhưng cổ động viên hai đội đều đứng dậy hoan nghênh cả Chelsea và Liverpool. Một trận cầu mà huấn luyện viên Calisto gọi là “một đêm trắng hoàn hảo!”

Xin mọi người hãy nuôi dưỡng bóng đá bằng tình yêu chân chính. Ta là cổ động viên, hơn thế nữa, là fan của đội bóng nào đó, ta cầu mong đội bóng ta thắng; nhưng ta cũng hòa làm một với không biết bao nhiêu người trên thế giới ưa thích bóng đá, để cho kẻ chiến thắng trên hết là nghệ thuật bóng đá. Bóng đá làm cho con người gần lại với nhau, dẹp qua phân biệt chính trị, tôn giáo, sắc tộc. Bóng đá dẹp qua chiến tuyến, như thể hiện trận cầu giữa hai đội tuyển Hàn Quốc và CHDCND Triều Tiên tại Seoul ngày 1 – 4 – 2009, trong khuôn khổ vòng loại World Cup 2010 khu vực Châu Á: Sân vận động quốc gia Seoul hôm qua tràn ngập khán giả. Trên sân bóng dường như không hề có lằn ranh khoảng cách giữa hai miền Triều Tiên. Thay vào đó là cờ, hoa, những tiếng vỗ tay ấm áp tình người dành cho cầu thủ hai đội… Và trận đấu đã bắt đầu bằng những hình ảnh đẹp như thế. (Tuổi Trẻ online, ngày 2 – 4 – 2009)

Bóng đá xứng đáng được tôn vinh, những cầu thủ cống hiến tài năng cho triệu triệu người xứng đáng được tôn vinh, xứng đáng được hưởng tiền lương cao ngất ngưỡng; những Pele, Platini, Beckenbauer,… được xem như là nhân vật thể thao lớn của thế giới. Còn nhiều, rất nhiều cầu thủ trên thế giới được nhiều giải thưởng danh giá. Riêng tôi, nếu được bầu cho cầu thủ nào fair-play nhất, tôi xin bầu cầu thủ sau đây, dù là không nổi tiếng:

Trong trận đấu giữa hai đội Rapid Bucharest và Otelul Galati, trong khuôn khổ giải vô địch bóng đá Romania diễn ra ngày 22/3/2009, trọng tài cho đội Rapid Bucharest hưởng quả phạt đền, vì cho rằng tiền vệ Costin Lazar bị truy cản và ngã trong vòng 16,5 m. Thay vì vui sướng và hồi hộp thực hiện đá phạt đền, Lazar ôm bóng đến nói với trọng tài, hậu vệ đội bạn không phạm luật với mình, và xin hủy quyết định đá phạt. Trọng tài đồng ý với đề nghị đó. (Theo Tuổi Trẻ online, ngày 4/4/2009). Không nhận quả phạt đền, có nghĩa là để vuột một bàn thắng, mà bàn thắng là đáng giá biết bao đối với một đội bóng. Thật đáng khen anh chàng Lazar trong thời buổi mà cầu thủ thường làm nhiều động tác gian dối như ngã trong vòng cấm trong tranh chấp bóng với đội bạn – kiểu như C. Ronaldo – , hòng đánh lừa trọng tài, kiếm quả phạt đền; hoặc khéo dùng tay đưa bóng vào lưới đối phương, như kiểu Maradona (Bàn tay của Chúa!). Cũng thật đáng khen cổ động viên đội bóng của Lazar, chấp nhận xử sự đẹp của Lazar, chứ ở nơi khác, cổ động viên sẽ kịch liệt la ó, phản đối anh chàng “hâm”, và không chừng anh chàng này lãnh đủ.

Mọi diễn tiến trên sân cỏ rồi sẽ qua đi, thắng thua rồi cũng sẽ trôi về quá khứ, duy chỉ có cái đẹp chiến thắng và ngự trị trong lòng mọi người.

Theo VHPG 82

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here