Dương Chấn bảo: “Trước tôi biết ông là người khá, mới cử ông lên, thế mà ông vẫn chưa biết bụng tôi, còn đem vàng tới cho tôi ư.”
Vương Mật cố nài, thưa rằng: “Xin ngài cứ nhận cho, bây giờ đêm khuya không ai biết.”
Dương Chấn nói: “Trời biết, đất biết, ông biết, tôi biết, sao lại bảo là không ai biết.”
Vương Mật nghe nói, xấu hổ, lùi ra. Dương Chấn thật là một ông quan thanh liêm, chỉ chăm việc dân, việc nước không tham nhũng, không làm giàu cho mình, ông thường nói: “Làm quan mà để được cái tiếng thanh bạch cho con cháu, chẳng quý hơn tiền của ruộng nương lại cho chúng ư?”
Trích: Cổ học tinh hoa (Nguyễn Văn Ngọc, Trần Lê Nhân)
Chuyện bí mật giữa đêm khuya không chỉ có hai người, mà còn có Trời, có Đất. Trời và Đất trong câu chuyện này không phải là một đấng tối cao nào giám sát vị quan, mà đây là cái THIỆN vốn sẵn có trong tâm mỗi người, lưu truyền từ đời này qua đời khác, để luôn luôn nhắc nhở: “Ông biết”, “Tôi biết”. Đây cũng là ĐẠO của người công bộc, mà Đạo chính là gốc nguyên thủy của Trời và Đất. “Trời” và “Đất” cũng chính là luật nhân quả, chính vì thế ông quan nhận thức hành động xấu sẽ là nhân để tạo quả xấu sau này.
Nhưng không phải ai cũng làm được như ông. Vẫn không ít người bị lòng tham mê mờ. Vì vậy có thiện thì có ác, có chính thì có tà; xã hội loài người luôn luôn diễn ra cuộc chiến dằng dai giữa thiện và ác, giữa chính và tà, và may là loài người vẫn tồn tại, vì thiện và chính vốn ở trong tâm, còn ác, tà là do mê mờ, do tham sân si.
Ai biết? Đó không chỉ là câu hỏi đặt ra cho ông quan thời xưa, mà vẫn đặt ra cho mọi người ngày hôm nay, nhất là những người có chức có quyền. Duy có điều câu hỏi đó có khơi dậy từ sâu thẳm lương tâm, từ suy tư về nhân quả, về cái Thiện ngàn đời, để khẳng khái trả lời như ông quan nói trên, hay câu hỏi đó được giải đáp: Ờ thì thời buổi này, có phải mình ta đâu!
Ai biết? Câu hỏi này có nhiều người tự đặt, nhưng vẫn cứ “can đảm” làm, như biết bao nhiêu người “đạo”: đạo văn, đạo nhạc, đạo tác phẩm hội họa, sao chép hoặc xào nấu công trình khoa học của người khác, sao chép luận văn kể cả luận văn tiến sĩ … Chắc hẵn việc làm ám muội được trót lọt vì không ai biết, hoặc có người biết nhưng chuyện “đạo” lấp lửng tinh vi quá, rồi lâu ngày cho qua. Thật buồn lòng cho giới văn hóa, giáo dục, nghệ thuật, khoa học.
Dầu ngày nay, xã hội loài người ngày càng văn minh hơn, tích lũy nhiều của cải và tiện nghi hơn, nhưng vì con người cạnh tranh nhau để hưởng thụ nên bất công càng gia tăng, sự dối trá càng có đất để phát triển, niềm tin càng bị thử thách, đạo đức cổ truyền bị xem nhẹ. Tình thế đó khiến xã hội phải gia tăng pháp trị.
Nhưng pháp trị chỉ là ngọn, là giải pháp thiếu căn cơ, còn nhân trị mới là gốc, dĩ nhiên cần phải có cái uy, cái răn đe và trừng phạt của pháp trị. Nhân trị khởi đi từ giáo dục, từ đạo đức. Giáo dục gia đình, giáo dục trong nhà trường làm cho trẻ bồi bổ gốc thiện trong tâm để chống lại cái ác, cái gian, hoặc ít ra không thỏa hiệp với cái ác, cái gian; và tích cực làm điều thiện, sống chân thật. Mọi kiến thức trong nhà trường đều bao hàm chân thiện mỹ, mọi khoa học đều rèn luyện những đức tính tốt trong đó có tính chân thật, mọi sinh hoạt đều có mục đích giúp trẻ phát huy năng lực cá nhân, tôn trọng mọi người, chia sẻ tình thương và trách nhiệm với cộng đồng, mọi nội quy và hình thức thi đua cũng chỉ để trẻ học tập và sinh hoạt tốt, đem lại sự phát triển hài hòa của cá nhân và tập thể. Nhưng mọi chuyện suy cho cùng, đều quy về giáo dục sao cho bản thân học sinh càng ngày càng có ý thức làm chủ bản thân, tự chịu trách nhiệm lấy mình.
Làm sao để con người ý thức trách nhiệm cao về bản thân ngay từ khi còn trẻ? Con người ý thức được như thế nếu thấm nhuần luật nhân quả, và ý thức đó đến với mỗi người sớm chừng nào thì tốt chừng đó. Luật này là luật phổ quát cho mọi chúng sinh, cho mọi người, cho mọi sự vật và hiện tượng. Bạn có thể chưa trãi nghiệm tâm linh và cứ tin cuộc sống trên trần gian này chỉ có một kiếp: chết là hết; đó là quyền tự do của bạn; tuy thế bạn vẫn có thể chứng nghiệm luật nhân quả ngay cuộc sống hiện tiền. Tham sân si là nguyên nhân gây ra bao hậu quả tai ương cho nhân loại; tham sân si là nhân khiến cho quan chức cố đạt cho được giàu sang và danh vọng, từ đó hậu quả con cái hư hỏng, gia đình thiếu bền vững; ngược lại, niềm an lạc và buông xả giúp con người sống khỏe khoắn, tạo nên không biết bao kết quả tốt cho mình và người xung quanh, … Bạn có thể đưa ra nhiều ví dụ, sao có nhiều người ác nhân ác đức mà vẫn phè phỡn, vinh thân phì gia; thật ra, nếu đi sâu tìm hiểu, họ vẫn có nổi khổ của người phải phòng thủ mình, canh chừng người khác, bị trả giá khi gặp đối thủ, họ làm sao có được niềm vui an lạc? Rồi đến ngày họ phải tự vấn, nhất là trước lúc nhắm mất xuôi tay, phải tính sổ cuộc đời do nghiệp chướng nặng nề. Chưa chừng những người phóng túng, ngang tàng, ăn chơi bạt mạng, đến một lúc nào đó, chợt nhận ra cuộc sống giả tạm, hư ảo, chợt ngộ vô thường, nhân quả, nghiệp lực, để rồi xả bỏ hết thảy. Bằng chứng rõ rệt là biết bao nhiêu người hồi hướng, có người đã xuất gia đầu Phật, sau một quá trình trôi lăn trong chốn giang hồ, thậm chí nhúng tay vào tội ác.
Có biết bao nhiêu người làm việc thiện một cách tự nhiên, xem như chẳng hề nghĩ đến câu hỏi: Ai biết?, khiến ta thấy cuộc đời đẹp và lành biết bao, lành như gió mát, đẹp như sương sớm! Trước tai họa khủng khiếp cho dân Nhật gây ra bởi trận động đất và sóng thần vô cùng kinh hoàng ngày 11/3/2011, trên thế giới, biết bao nhiêu tấm lòng sẻ chia khó khăn của đảo quốc Phù Tang, và hơn ai hết, giới nghệ sĩ nổi tiếng trên thế giới đã đi đầu đóng góp tiền và thực hiện các cuộc vận động giúp các nạn nhân. Tất nhiên, những tấm lòng hảo tâm của Việt Nam cũng sẻ chia với nạn nhân Nhật Bản rất sớm, cụ thể trên báo Tuổi Trẻ, bạn đọc đã đóng góp tiền trước khi báo phát động quyên góp. Nhiều phụ huynh đem con nhỏ đến tòa soạn báo, đưa tiền cho con đóng góp vào quỹ từ thiện, qua đó trẻ biết san sẻ tình cảm yêu thương đến những người hoạn nạn, dầu người đó ở đất nước Nhật Bản xa xôi.
Đáng quý thay những người làm việc thiện và vận động những người khác cùng góp sức với mình để làm việc thiện. Hai người thuộc loại đại tỷ phú, giàu nhất thế giới, Bill Gates – ông chủ đại công ty phần mềm Microsoft – và Warren Buffett – nhà chứng khoán – vận động những nhà tỷ phú trên khắp thế giới đóng góp cùng với mình 50% gia tài để giúp người nghèo trên khắp thế giới. Đó chỉ là ví dụ rõ nét, tạo ảnh hưởng lớn trên thế giới; tuy nhiên, đứng về mặt đạo đức, mọi nghĩa cử từ thiện, tùy theo hoàn cảnh, đều được đánh giá cao, bất kể giá trị vật chất nhiều hay ít. Đáng quý thay, nhiều tấm lòng hảo tâm cùng vận động xây cầu ở nông thôn đồng bằng sông Cửu Long, nhiều tấm lòng cùng góp phần xây dựng và hỗ trợ những lớp học tình thương, những phòng khám bệnh từ thiện và cấp thuốc miễn phí nhằm giúp đồng bào nghèo, nhiều tờ báo đã xung phong đi đầu cứu trợ đồng bào thiên tai và quyên góp từ độc giả những đồng tiền và phẩm vật để cứu trợ đồng bào bị nạn rất hiệu quả, nhiều tổ chức và cá nhân đã vận động quyên góp để giúp người nghèo được chút đầm ấm … Những hành động nói trên chỉ là một số dẫn chứng trong vô vàn nghĩa cử, làm ấm lòng những cuộc đời bất hạnh. Tấm lòng đến với tấm lòng, nhờ các phương tiện thông tin truyền thông ngày nay có tác dụng nối kết rất hiệu quả và nhanh chóng.
Câu hỏi: Ai biết? nhiều khi rất cần được giải đáp công khai vì tác dụng xã hội to lớn: đó là những cuộc đấu giá từ thiện. Với mục đích vận động cho được nhiều tiền ủng hộ đồng bào nghèo, trong một thời gian ngắn nhất, các cơ quan mặt trận, đoàn thể, với sự hỗ trợ của truyền hình, đã tổ chức đấu giá các sản phẩm có giá trị đặc biệt, và mời gọi những doanh nhân lớn có tấm lòng vàng tham gia; những vị này có dịp làm từ thiện, ngược lại, những người trúng đấu giá được tiếng thơm và quảng bá thương hiệu đến từng mái nhà. Đấu giá vì từ thiện như thế là một phương tiện hiệu quả; nếu làm khéo và chừng mực sẽ tạo hiệu ứng xã hội cao. Tiếc thay, những lời hô bạc tỷ như có cánh bay về thiên thu. Ai biết? Mọi người đều biết, nhưng những người đấu giá như thế cứ phớt lờ, hoặc đổ thừa lý do này nọ. Thật là nhẫn tâm và vô cảm!
Hiện tượng vô cảm có nguy cơ trở thành bệnh thời đại, làm xấu đi quan hệ giữa người với người, làm con người bớt tin yêu cuộc sống, và luôn cảm thấy bất an. Bất an nhất là khi bạo lực làm cho con người đồng lõa với vô cảm. Ai cũng biết chuyện rải đinh trên xa lộ ở Tp. HCM, ai cũng biết chuyện ném đá lên tàu, ai cũng biết chuyện đua xe rùng rợn của một số thanh niên đường phố, chuyện cướp giật ngang nhiên giữa đường phố, trong chợ, trên xe đò, chuyện đâm chém nhau vì nguyên nhân chẳng ra gì, chuyện nữ sinh lột áo bạn làm nhục… nhưng mọi chuyện nóng đó hầu như giảm nhiệt vì quá quen.
Thế hệ trẻ đáng trách nhưng người lớn phải chịu trách nhiệm chủ yếu. Thanh niên sẽ phải đi vào thực tế cuộc sống do người lớn dàn dựng sẵn, trông vào gương của người lớn, sẽ phải theo ngõ ngách mà thế giới người lớn đã vẽ ra, sẽ phải chìu chuộng những ai để được việc. Như vậy, người lớn phải mở ra con đường quang minh chính đại thì tương lai trẻ mới thênh thang. Người lớn cần phải chấn chỉnh đạo đức mới có thể tạo niềm tin cho thế hệ trẻ.
Phần lớn con trẻ chưa lấm nhiều bụi phồn hoa nên ý nghĩ và hành động là trong sáng. Trẻ làm việc thiện rất vô tư, rất bình thường. Nhặt của rơi trả lại người mất, dũng cảm cứu bạn khỏi chết đuối, giúp đỡ bạn khi bạn gặp hoạn nạn, san sẻ vật chất cho nhau,… Ai biết? Trẻ không cần phô trương, nhiều khi kỵ với phô trương. Tâm tính trẻ vốn là vô vị lợi. Giáo dục đạo đức trong nhà trường có nhiệm vụ vun xới gốc thiện tâm đó, tinh thần trong sáng đó, tạo cho trẻ thói quen làm việc thiện, dù là hành động nhỏ nhất, và làm việc thiện là vì muốn giúp người khác gặp khó khăn, vì niềm vui của người khác và của chính mình, và chẳng cần xem trước xem sau: Ai thấy? Ai biết? Ai đánh giá thi đua? Tuổi con nít mới giáo dục như thế, chứ còn tuổi lớn, có chức phận, làm sao giáo dục? Được như vậy, sau này khi trưởng thành, con người mới có thể làm việc thiện mà chẳng cần hậu ý, chẳng mưu cầu lợi lộc. May mắn cho xã hội, không chỉ gia đình và nhà trường vun xới thiện tâm cho trẻ, mà từ rất xa xưa, tôn giáo còn giúp trẻ sống trong tình nhân ái bao la, trong vũ trụ chan hòa, vì lợi ích của mình và của mọi người.
Trở lại với ông quan trong câu chuyện trên, không phải một sớm một chiều ông khẳng khái: “Tôi biết. Ông biết. Trời biết. Đất biết.”, mà ông chính là thằng bé quá khứ đã từng nghĩ và làm điều thiện mà chẳng màng đến: Ai biết?
C.H.H