Trang chủ Thiền môn xứ Huế Danh Tăng-Ni, Nhân sĩ Tiểu sử Trưởng lão Hòa thượng Thích Hiển Pháp (1933-2018)

Tiểu sử Trưởng lão Hòa thượng Thích Hiển Pháp (1933-2018)

276
0
 
 
Trưởng lão Hòa thượng Thích Hiển Pháp đã thuận thế vô thường, thâu thần viên tịch vào lúc 10giờ 45phút, ngày 16 tháng 11 năm Mậu Tuất (nhằm ngày 10 tháng 10 năm 2018) tại chùa Hưng Phước, quận 3, Tp. Hồ Chí Minh. Trụ thế: 86 tuổi, Hạ lạp: 66 năm.
 
 
 
TRƯỞNG LÃO HÒA THƯỢNG THÍCH HIỂN PHÁP
 
– Phó Pháp chủ Hội đồng Chứng minh Giáo hội Phật giáo Việt Nam;
– Nguyên Đại biểu Quốc hội nước CHXHCNVN khoá VI, XI;
– Nguyên Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội đồng Trị sự, Trưởng Ban Phật giáo Quốc tế Trung ương, Trưởng Ban Kinh tế Tài chính Trung ương GHPGVN;
– Nguyên Phó Tổng Thư ký – Chánh Văn phòng 2 Trung ương Giáo hội;
– Nguyên Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Ban Liên lạc Phật giáo Yêu nước Tp. Hồ Chí Minh;
– Nguyên Phó Trưởng Ban Trị sự GHPGVN Tp. Hồ Chí Minh;
– Chứng minh Ban Trị sự GHPGVN quận 3, Tp. Hồ Chí Minh;
– Trụ trì Thiền viện Quảng Đức – Văn phòng 2 Trung ương Giáo hội; Viện chủ chùa Hưng Phước, quận 3, Tp. Hồ Chí Minh; Viện chủ chùa Huyền Trang, quận Gò Vấp, Tp. Hồ Chí Minh; Viện chủ chùa Pháp Thanh, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre.
 
I. XUẤT THÂN:
Trưởng lão Hòa thượng Thích Hiển Pháp, thế danh Từ Văn Ngưu, tên thường dùng Trần Như Ngọc, sinh năm 1933 (Qúy Dậu) tại xã Tân Thanh, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre. Trưởng lão Hòa thượng là con thứ trong gia đình có 04 anh chị em; thân phụ là Cụ ông Từ Thế Nhạn, Cụ bà là Phan Thị Kim.
Trưởng lão Hòa thượng sinh ra và lớn lên trong một gia đình trung nông, phúc hậu, nề nếp gia phong, đạo đức, nhiều đời kính tin Tam bảo và giàu lòng yêu nước.
II. QUÁ TRÌNH TU HỌC:
Trưởng lão Hòa thượng có sẵn duyên lành với Phật pháp, từ nhỏ đã ở chùa Mỹ Thành, xã Mỹ Nhơn, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre do Bà nội làm trụ trì. Năm 10 tuổi (1943), Trưởng lão Hòa thượng xuất gia với Tổ Khánh Thông – pháp húy Như Tín, thuộc Thiền phái Lâm Tế gia phổ đời thứ 39. Sau khi Tổ Khánh Thông viên tịch, Trưởng lão Hòa thượng cầu pháp với Hòa thượng Vĩnh Huệ – pháp húy Hồng Phước, được ban pháp hiệu là Nhựt Sáng, thuộc Thiền phái Lâm Tế gia phổ đời thứ 41.
Sau khi tốt nghiệp Tiểu học, từ năm 1945 – 1950, Trưởng lão Hòa thượng cầu học Phật pháp với quý Hòa thượng Vĩnh Từ, chùa Khải Tường; Hòa thượng Vĩnh Pháp, chùa Linh Phước, Ba Tri, Bến Tre; Hòa thượng Hiển Pháp, chùa Phước Duyên, Mỹ Tho.
Năm 1951, Trưởng lão Hòa thượng đăng đàn thọ giới Sa di tại chùa Bạch Liên, Tân Thạnh, Rạch Miễu, Mỹ Tho.
Năm 1953, Trưởng lão Hòa thượng đăng đàn thọ giới Cụ túc tại chùa Pháp Liên, Cần Giuộc, Long An.
III. QUÁ TRÌNH HÀNH ĐẠO:
Đất nước đang chìm trong khói lửa chiến tranh, đồng bào ruột thịt đang chịu cảnh tang thương, Trưởng lão Hòa thượng từ thuở thiếu thời đã sớm nhận thức: “Nước hưng đạo thịnh, nước mất đạo suy”, Phật Pháp có được xiển dương hay không, xuất phát điểm từ trách nhiệm của các đệ tử Phật. Từ ý nghĩa “Đạo – Tục dung thông”, Trưởng lão Hòa thượng đã dấn thân hành đạo và đây chính là nhân tố quan trọng để Ngài chu toàn trách nhiệm với Tổ quốc và Đạo pháp.
Trưởng lão Hòa thượng đã được gia đình giáo dục tinh thần yêu nước nên Ngài đã sớm giác ngộ Cách mạng, tích cực tham gia hoạt động bí mật và công khai trong lòng chế độ Sài Gòn, ủng hộ phong trào Cách mạng bằng tinh thần Bồ tát, bằng chính trái tim và tâm hồn của người dân nước Việt.
Khi chính thức dự vào hàng cập đệ, năm 1951 – 1957, Trưởng lão Hòa thượng đảm nhận chức vụ trụ trì chùa An Phước, xã An Bình Tây, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre. Trong thời gian này, Trưởng lão Hòa thượng đảm nhận chức vụ Thư ký Chi hội Tăng già Nam Việt huyện Ba Tri; theo học Phật pháp tại Phật học đường Nam Việt – Chùa Ấn Quang, tỉnh Chợ Lớn, tham dự khóa huấn luyện Trụ trì tại chùa Pháp Hội, tỉnh Chợ Lớn (nay là quận 10, Tp. Hồ Chí Minh), cũng như theo học thế học và tốt nghiệp tú tài toàn phần.
Năm 1958, Trưởng lão Hòa thượng được Giáo hội Tăng già Nam Việt điều động và bổ nhiệm trụ trì chùa Phật học – Biên Hòa, và tham gia khóa Như Lai sứ giả tại chùa Tuyền Lâm, tỉnh Chợ Lớn (nay là quận 6, Tp. Hồ Chí Minh). Giai đoạn này, Trưởng lão Hòa thượng vừa tu học, vừa tích cực tham gia phong trào cách mạng tỉnh Bến Tre, với vai trò Thư ký Công đoàn giải phóng thị xã Bến Tre.
Năm 1960, Trưởng lão Hòa thượng được Giáo hội Tăng già Nam Việt phân công chính thức là thành viên Giảng sư đoàn, thuyết giảng Phật pháp tại hầu hết các tỉnh miền Đông và miền Tây Nam bộ.
Năm 1961 – 1963, Trưởng lão Hòa thượng được Giáo hội bấy giờ điều động làm Tổng Thư ký Giáo hội Tăng già Nam Việt tỉnh Bến Tre; bổ nhiệm làm Giám đốc kiêm Giáo thọ sư Phật học đường Viên Minh, Hiệu trưởng trường tư thục Bồ Đề tỉnh Bến Tre, trụ trì chùa Viên Minh; tham gia thuyết giảng Phật pháp tại Việt Nam Quốc tự.
Suốt thời gian này, Trưởng lão Hòa thượng tiếp tục liên hệ chặt chẽ với Thị ủy Bến Tre để vận động quần chúng Phật tử đấu tranh chính trị với chế độ Sài Gòn, như chống càn, chống bắn phá bừa bãi, đấu tranh đòi hòa bình, độc lập dân tộc, thống nhất Tổ quốc v.v…; làm Trưởng ban Giảng huấn miền Tây Nam phần; tham gia Uỷ ban Liên phái bảo vệ Phật giáo đòi bình đẳng tôn giáo, bị chế độ Ngô Đình Diệm bắt giam tại Rạch Cát, quận 7, Sài Gòn đến ngày 20/8/1963 được trả tự do.
Năm 1964 – 1968, Trưởng lão Hòa thượng được suy cử chức vụ Phó ban kiêm Chánh Thư ký Ban Đại diện Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất tỉnh Kiến Hòa (nay là tỉnh Bến Tre). Giai đoạn này, Trưởng lão Hòa thượng tiếp tục cùng những người yêu nước tỉnh Bến Tre đấu tranh đòi hòa bình, độc lập dân tộc, thống nhất đất nước với chế độ Sài Gòn, tích cực ủng hộ cuộc tổng tiến công và nổi dậy tết Mâu Thân, vận động nhân sĩ, trí thức tham gia Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam.
Năm 1969 – 1971, để bảo vệ lực lượng, tổ chức Cách mạng và Giáo hội bấy giờ điều động Trưởng lão Hòa thượng sang tỉnh Sa Đéc hoạt động. Trưởng lão Hòa thượng được suy cử Chánh Đại diện Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất tỉnh Sa Đéc. Tại đây, Ngài thành lập trường tư thục Bồ Đề và làm Giám học; Ngài tiếp tục hoạt động cách mạng bằng các hình thức vận chuyển thuốc men cho cách mạng, đưa người từ nội thành ra chiến khu và ngược lại v.v…
Năm 1972 – 1975, giai đoạn này Hiệp định Paris về hòa bình Việt Nam được ký kết, nhưng chính quyền Sài Gòn không thực thi. Trước tình hình đó, tổ chức Cách mạng và Giáo hội điều động Trưởng lão Hòa thượng từ Sa Đéc về Sài Gòn đảm nhận nhiệm vụ mới. Khi về Sài Gòn, Ngài được suy cử Chánh Đại diện GHPGVNTN quận 2, Tổng vụ Cư sĩ, Tổng Thư ký Tổng vụ xã hội, Vụ trưởng Hội đoàn chuyên nghiệp Phật tử để trực tiếp và lãnh đạo phong trào đấu tranh của quần chúng yêu nước trong đô thành Sài Gòn. Để có cơ sở hoạt động, Trưởng lão Hòa thượng xây dựng chùa Quảng Hương tại đường Ngô Tùng Châu, quận 2, Sài Gòn (nay là đường Lê Thị Riêng, quận 1, Tp. Hồ Chí Minh). Bấy giờ, Trưởng lão Hòa thượng tham gia các phong trào yêu nước khác như làm Cố vấn tổ chức nhân dân đòi thi hành Hiệp định Paris, Cố vấn Uỷ ban bảo vệ quyền lợi người lao động. Trưởng lão Hòa thượng thành lập Mặt trận Nhân dân cứu đói do Ngài làm Chủ tịch để trực tiếp đấu tranh với chế độ Sài Gòn. Mặt trận Nhân dân cứu đói là một lực lượng mạnh có mặt đều khắp các tỉnh, thành miền Nam bấy giờ.
Năm 1976, bầu cử Quốc hội khóa VI, Quốc hội của nước nhà thống nhất, Trưởng lão Hòa thượng được nhân dân tín nhiệm bầu làm Đại biểu Quốc hội khóa VI. Cũng trong năm này, Ngài tham gia Ban Liên lạc Phật giáo Yêu nước Tp. Hồ Chí Minh với cương vị Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký. Trong những đầu giải phóng, đất nước còn khó khăn về kinh tế, Trưởng lão Hòa thượng thành lập Hợp tác xã Hoa Sen do Ngài làm Chủ nhiệm để tạo công ăn việc làm cho Tăng Ni và quần chúng.
Năm 1981 lịch sử, Giáo hội Phật giáo Việt Nam được thành lập, Trưởng lão Hòa thượng được Đại hội suy cử chức vụ Uỷ viên Hội đồng Trị sự.
Năm 1982, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Tp. Hồ Chí Minh được thành lập, Trưởng lão Hòa thượng được suy cử đảm nhận chức vụ Phó Trưởng Ban Trị sự.
Năm 1997, Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ III (1997), Trưởng lão Hòa thượng được Đại hội tấn phong lên hàng giáo phẩm Hòa thượng.
Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ II, III, IV, Trưởng lão Hòa thượng được Đại hội suy cử chức vụ Phó Tổng Thư ký kiêm Chánh Văn phòng II Trung ương Giáo hội.
Năm 2002, bầu cử Quốc hội khóa XI, Trưởng lão Hòa thượng được Giáo hội giới thiệu và nhân dân tin tưởng bầu làm Đại biểu Quốc hội khóa XI.
Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ V, Trưởng lão Hòa thượng được Đại hội suy cử chức vụ Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội đồng Trị sự, Trưởng Ban Phật giáo quốc tế Trung ương, Trưởng Ban Kinh tế Tài chính Trung ương.
Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ VI, Trưởng lão Hòa thượng được Đại hội suy tôn ngôi vị Phó Pháp chủ Hội đồng Chứng minh, suy cử chức vụ Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự.
Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ VII, VIII, Trưởng lão Hòa thượng được Đại hội tiếp tục suy tôn ngôi vị Phó Pháp chủ Hội đồng Chứng minh Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Qua từng giai đoạn lịch sử của Phật giáo Việt Nam, Trưởng lão Hòa thượng đã giữ nhiều cương vị khác nhau, nhưng đều chu toàn Phật sự. Ngài đã thí giới khai tâm cho nhiều thế hệ Tăng Ni hậu học, làm Đường đầu Hòa thượng truyền trao giới pháp cho hàng ngàn giới tử tại Đại giới đàn tỉnh Kiên Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, An Giang, Cà Mau và Bình Dương, cũng như chứng minh, ban đạo từ cho hầu hết các lễ hội, khóa học, sự kiện quan trọng của các cấp Giáo hội từ trung ương đến địa phương; Ngài thăm và làm việc, cũng như chủ trì nhiều buổi làm việc, tiếp nhiều vị chính khách Quốc tế đến thăm và làm việc với Giáo hội. Những nơi Ngài đến, những vị khách được Ngài tiếp đều nhận được tình cảm thân thiết thắm tình. Thông qua đó, hình ảnh và đất nước con người Việt Nam, Phật giáo Việt Nam đã được bạn bè quốc tế hiểu hơn và đánh giá cao.
Đặc biệt, Trưởng lão Hòa thượng đã thừa đương Phật sự, hoằng dương Phật pháp và trụ trì các chùa: chùa Pháp Hải, chùa Long Nguyên, quận 6; Thiền viện Quảng Đức (Văn phòng II Trung ương Giáo hội), chùa Hưng Phước, quận 3; chùa Quảng Hương, quận 1; chùa Huyền Trang, quận Gò Vấp; chùa Viên Minh, chùa Pháp Thanh, tỉnh Bến Tre. Khi thừa đương Phật sự tại từng trú xứ, Trưởng lão Hòa thượng đều trùng tu, tôn tạo để các trú xứ đều là chốn phạm vũ trang nghiêm tại nhân gian.
Trưởng lão Hòa thượng đã kinh qua nhiều chức vụ khác nhau, dù ở cương vị nào Ngài đều có nhiều đóng góp quan trọng đối với các hoạt động Phật sự của các cấp Giáo hội. Trưởng lão Hòa thượng đã cùng Chư tôn đức lãnh đạo Giáo hội đi đến nhiều tỉnh, thành phố khu vực phía Nam để cùng trao đổi và tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong việc kiện toàn tổ chức, nhân sự Giáo hội tại địa phương, phục hồi các hoạt động Phật sự đúng Chính pháp tại các cơ sở Tự viện; kêu gọi công đức trùng tu các cơ sở tự viện bị xuống cấp, động viên Tăng Ni, Phật tử yên tâm hành đạo và tích cực tham gia lao động sản xuất, ổn định đời sống tu hành; tiếp Tăng độ chúng, quy y Tam bảo cho Phật tử.
Với những đóng góp to lớn đối với Đạo pháp và Dân tộc, Trưởng lão Hòa thượng luôn được Tăng Ni, Phật tử, nhân dân quý mến và tin tưởng. Ngài được Trung ương Giáo hội công cử làm đại diện giới Tăng Ni, Phật tử tham gia ứng cử đại biểu Quốc hội khóa VI, XI và là thành viên Uỷ ban các vấn đề xã hội của Quốc hội. Là một đại biểu lớn tuổi nhất trong Quốc hội, song Ngài vẫn luôn tích cực tham gia đầy đủ các kỳ họp, thực hiện chức năng nhiệm vụ của người đại biểu nhân dân, đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết, xác đáng tại các kỳ họp, các phiên thảo luận của Quốc hội, tiếp xúc cử tri trước và sau mỗi kỳ họp được Quốc hội và cử tri đánh giá cao, với tấm lòng kính trọng một vị cao Tăng luôn vì dân vì nước.
Dù ở vị trí, cương vị nào, Trưởng lão Hòa thượng luôn nhận được tình cảm kính trọng đặc biệt của Tăng Ni, Phật tử Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong và ngoài nước, cũng như cộng đồng xã hội. Với công lao to lớn, có nhiều thành tích xuất sắc, đóng góp vào sự nghiệp Cách mạng, phụng sự Đạo pháp và dân tộc, Trưởng lão Hòa thượng được Trung ương Giáo hội và Nhà nước đã trao tặng nhiều phần thưởng cao quý:
Bằng Tuyên dương công đức của Trung ương GHPGVN;
Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng nhất;
Huân chương Độc lập hạng nhất;
Huân chương Độc lập hạng nhì;
Huân chương Đại đoàn kết toàn dân tộc;
Và nhiều phần thưởng cao quý khác của Trung ương Giáo hội và Nhà nước.
IV. THỜI KỲ VIÊN TỊCH:
Quả thật, Trưởng lão Hòa thượng là tấm gương sáng tốt đạo đẹp đời của hôm nay và mai sau. Mặc dù đảm nhiệm cương vị khác nhau của Giáo hội qua các thời kỳ trước và sau năm 1975, trụ trì nhiều chùa, Ngài luôn dành nhiều tâm huyết cho công tác Phật sự của Giáo hội, lo tu bổ, tôn tạo chùa chiền ngày một khang trang tú lệ, mái lá giờ thành chốn tòng lâm huy hoàng.
Định luật vô thường không hẹn cùng ai, khi xưa chốn song lâm Đức Thế Tôn còn hiện tướng Niết Bàn, bao năm trụ tích Ta Bà, thân tứ đại theo duyên tăng giảm, Trưởng lão Hòa thượng luôn xem trần gian là hóa thành, chỉ có cõi Phật mới là bảo sở. Do đó, công việc chùa Trưởng lão Hòa thượng đã sắp xếp người thừa tự.
Thế rồi, chốn song lâm mây ẩn bóng ưu đàm, thuyền Bát nhã xuôi dòng bản thể, Trưởng lão Hòa thượng đã thuận thế vô thường, thâu thần viên tịch vào lúc 10giờ 45phút, ngày 16 tháng 11 năm Mậu Tuất (nhằm ngày 10 tháng 10 năm 2018) tại chùa Hưng Phước, quận 3, Tp. Hồ Chí Minh. Trụ thế: 86 tuổi, Hạ lạp: 66 năm.
Nam mô phụng vì Việt Nam Phật giáo Giáo hội, Chứng minh Hội đồng Phó Pháp chủ, Hưng Phước đường thượng, tự Lâm Tế gia phổ, tứ thập nhất thế, pháp húy thượng NHỰT hạ SÁNG, hiệu Quảng Giác, tự Hiển Pháp, Từ công Trưởng lão Hòa thượng Giác linh.

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here