Trang chủ Phật giáo khắp nơi Phật giáo trong nước Hướng đến một thế giới hòa bình và hòa nhập

Hướng đến một thế giới hòa bình và hòa nhập

132
0

Sáng 14-5, tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia – Hà Nội, Đại lễ Phật đản Liên Hiệp Quốc (LHQ) lần thứ 5 năm 2008 (Vesak 2008) đã được khai mạc trọng thể với sự góp mặt của hơn 3.500 đại biểu trong và ngoài nước.


Sau lễ tam bảo, điệu múa Lục cúng và bài ca Vesak thiêng liêng được trình diễn theo đúng nghi lễ Phật giáo, các đại biểu đã dành một phút mặc niệm nạn nhân của cơn bão Nargis tàn phá Myanmar làm hàng chục ngàn người thiệt mạng.

Vì một trái đất mãi mãi màu xanh

Thay mặt Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon, điều phối viên Chương trình Phát triển LHQ (UNDP) John Hendra dẫn lời Đức Phật dạy cần mở lòng từ bi, dang rộng vòng tay nhân ái đến với con người, nhất là những ai đang lâm cảnh khổ để nhận ra bản chất đồng nhất trong mỗi con người; đồng thời phải biết đặt hạnh phúc chung của cộng đồng, của nhân loại lên trên hạnh phúc riêng mình để tranh đấu cho một thế giới không chiến tranh và hòa bình, hòa hợp.

Hòa thượng Thích Trí Tịnh, Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo VN, kêu gọi những nhà lãnh đạo Phật giáo thế giới, những nhà làm công tác tôn giáo, xã hội, học giả, trí thức… nỗ lực làm ý nghĩa Vesak của đạo Phật tỏa sáng trong khắp cõi nhân gian, mang thông điệp của Đức Phật đến với tất cả chúng sinh trên thế gian; biến những lời dạy của Đức Phật trở thành hiện thực để cùng mang lại sự an vui, hạnh phúc, hòa bình, tịnh lạc, công bằng, dân chủ, văn minh của một xã hội phồn vinh, tiến bộ và phát triển trong một thế giới không có vũ khí hạt nhân và chiến tranh hủy diệt, sống và chia sẻ tình thương…

Thông điệp trong ngày đầu diễn ra Đại lễ Phật đản là những lời tâm huyết, tôn trọng các giá trị đạo đức tốt đẹp của tôn giáo đóng góp cho đời sống xã hội, hướng con người tới chân, thiện, mỹ, nhất là những giá trị phù hợp với truyền thống văn hóa, đạo đức, lối sống hướng thiện của con người, tích cực tham gia công cuộc xây dựng xã hội mới với mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.

Ông Noeleen Heyzer, thư ký Ban Chấp hành Hiệp hội Kinh tế – Xã hội châu Á – Thái Bình Dương, gửi gắm trong thông điệp của mình: “Hãy tưởng nhớ đến cội nguồn dân tộc, văn hóa hay tín ngưỡng của mình, vì lợi ích của mọi dân tộc, vì nền hòa bình cho hết thảy mọi người, hãy hướng tới lợi ích chung bằng các việc làm cụ thể nhất, thiết thực nhất để hành tinh này mãi mãi là một màu xanh thân yêu”. Thủ tướng Úc Kevin Rudd cũng cho rằng sự đóng góp của Phật giáo trong việc xây dựng một xã hội công bằng, dân chủ và văn minh cho thấy sự thao thức của mỗi người con Phật, của các hội đoàn Phật giáo đối với lòng từ bi, nền hòa bình và sự hòa hợp. Đại diện cho Phật giáo Trung Quốc, ông Lục Tiểu Vân, cho biết nước này có lịch sử Phật giáo hơn 2.000 năm và rất tôn trọng tự do tín ngưỡng của người dân. Tổng thống Bangladesh hy vọng Đại lễ Vesak sẽ là động lực cho công cuộc xây dựng nền hòa bình, thịnh vượng, đưa nhân loại vượt thoát khỏi những phân biệt, ngăn cách vì Phật giáo chính là tôn giáo của hòa bình và từ bi. Thủ tướng Sri Lanka Rathasiri Wickramanayaka nhấn mạnh, đây là cơ hội để lưu truyền thông điệp của Đức Phật về hòa bình, hòa giải, hòa hợp và tình thương đến toàn nhân loại.

VN là “tổ” hòa bình

Giáo chủ Phật giáo các nước, các nguyên thủ quốc gia trên thế giới đã gửi đến Đại lễ Vesak những thông điệp cầu mong thế giới bình an, đoàn kết, thân hữu và công bằng trong ánh hào quang từ bi hỉ xả của Đức Phật.

Dự Vesak 2008, ông Gauthier Rheal, phật tử Canada, xúc động: “Tôi là người theo đạo Thiên Chúa, nhưng nay tôi đã chuyển sang học đạo Phật bởi tính triết lý từ bi hỉ xả. Đạo Phật dạy con người biết hy sinh, xả thân để giải quyết các vấn nạn trên thế giới. Tôi thích học hỏi và đi theo con đường mà Đức Phật đã trải qua để cứu nhân độ thế. Từ các triết lý của Phật giáo, tôi đã khám phá ra bản thân mình và quyết tâm theo đuổi giáo lý này đến cùng”.

Còn giáo sư vật lý nguyên tử Đỗ Đình Chiểu, phật tử kiều bào Pháp, bộc bạch: “Gia đình tôi rất vinh dự được tham dự Đại lễ Vesak. Đại lễ Vesak không chỉ là minh chứng cho sự quan tâm của Đảng và Chính phủ đối với tôn giáo, mà còn thể hiện VN là “tổ” hòa bình, là nơi mà các tôn giáo có thể hài hòa để cùng tồn tại. Chúng tôi, các nhà trí thức luôn luôn đi theo các tăng ni, phật tử đóng góp vào công cuộc xây dựng quê hương. Có thể nói rằng hơn 3 triệu tâm hồn người VN ở ngoại quốc luôn hướng về Tổ quốc.

Giáo sư Đỗ Đình Chiểu nhận xét: “Ba triệu tâm hồn người Việt ở nước ngoài luôn hướng về quê hương. Việc tổ chức Vesak cho thấy VN là một đất nước hòa bình, là nơi mà các tôn giáo có thể hài hòa cùng tồn tại. Phật tử kiều bào sẽ cố gắng đóng góp hết sức mình để xây dựng đất nước”.




  • B.Diệp-T.Lân

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here