Trang chủ Phật giáo khắp nơi VUN BỒI CỘI RỄ PHẬT PHÁP TẠI PHI CHÂU

VUN BỒI CỘI RỄ PHẬT PHÁP TẠI PHI CHÂU

235
0

Tôi là Simon Manase Masauko, sinh ra ở Malawi vào ngày 23 tháng 4 năm 1978. Tôi quy y năm 2000 với Pháp sư Huệ Lễ (慧禮,Hui Li)và có pháp danh Ben Xing (本性), có nghĩa là “bổn tánh”, hay nói theo nghĩa đen là “cội nguồn của sự giác ngộ”. Pháp sư Huệ Lễ, là một danh tăng người Đài Loan, là vị thầy Đại thừa đầu tiên truyền Phật giáo đến Phi châu.

Huệ Lễ là vị thầy có tầm nhìn trong việc ươm mầm Phật Pháp cho giới trẻ tại Phi châu, là một trong những thành viên sáng lập Trường Cao đẳng Phật học Phi châu, đã đào tạo hơn 500 Tăng Ni đến từ Congo, Madagascar, Malawi, Mozambique, Tanzania , Nam Phi và Zimbabwe. Thầy cũng là người sáng lập Trung tâm Phụng sự A Di Đà Phật tại Phi châu và trên toàn thế giới.

Lần đầu tiên tôi có cảm hứng nghiên cứu Phật Pháp sau khi đọc cuốn sách Hoa tháng Năm IIlộ trình Phật pháp đi đến giải thoát của C.T. Chen, đã khai sáng cho tôi một số khía cạnh của đời sống, về triết học và cách tiếp cận độc đáo của đạo Phật. Năm 1999, tôi trở thành một trong sáu người tại Malawi tham gia khóa đào tạo Tăng tài trong ba năm ở Trường Cao đẳng Phật học Phi châu tại Nam Phi. Trong thời gian ở trường, thử thách đầu tiên mà chúng tôi gặp phải là thích ứng với những khác biệt về văn hóa, bao gồm ngôn ngữ và, trên hết đó là đức tin mới, vì tôi vốn sinh ra từ truyền thống Thiên chúa giáo.

Chúng tôi học và thực hành Phật giáo Nhân gian, xuất phát từ Phật giáo Đại thừa. Một ngày tu học của chúng tôi bắt đầu bằng việc thức dậy lúc 5:30 sáng để thực tập tâm linh. Nghi lễ đầu tiên là tụng kinh và trì chú lúc 6 giờ. 7 giờ dùng điểm tâm, sau đó là chấp tác. 8 giờ vào học. 12h ngọ trai, sau đó chúng tôi trở lại lớp vào lúc 2 giờ chiều và buổi học kết thúc lúc 3 giờ 50. Kế đến nghỉ ngơi, rồi ăn chiều vào lúc 5:30 và tự học vào lúc 7 giờ tối. Trước giờ chỉ tịnh mỗi ngày lúc 10 giờ tối, chúng tôi có 45 phút thực hành thiền chỉ (samatha). Sau này tôi cũng thực tập tương tự khi tiếp tục học tại Đại học Tsung-Lin vào năm 2002. Đây là ngôi trường do tổ chức Phật Quang Sơn ở Đài Loan thành lập dành cho chư Tăng. Chúng tôi được yêu cầu tuân thủ Năm giới cấm, điều mà tất cả các Phật tử cần phải gìn giữ: không giết hại sinh mạng, không lấy của không cho, không được tà hạnh, không nói sai sự thật và không được sử dụng các chất gây nghiện.

Lý thuyết chính của việc thực hành Bồ Tát đạo là “thượng cầu Phật đạo, hạ hóa chúng sanh”. Năm 2003, tôi tiếp tục học tại Myanmar, thực tập theo truyền thống Phật giáo Nguyên thủy tại Trường Đại học Hoằng pháp Nam tông Quốc tế, chủ trương tập trung vào việc tự độ, tinh tấn hành thiền và chứng quả A-la-hán. Khi so sánh và đối chiếu hai truyền thống Phật giáo này, tôi nghĩ rằng hầu hết các khái niệm cơ bản đều giống nhau, điểm sai khác nổi bật nhất là một số khía cạnh trong thói quen sinh hoạt hằng ngày của tăng ni. Ví dụ, trong truyền thống Đại thừa, chư Tăng thường ăn thức ăn được chuẩn bị sẵn ở nhà bếp, trong khi đó chư Tăng Theravada lại dùng thức ăn từ việc đi khất thực từng nhà.

Tôi nhận thấy rằng, có một số khó khăn và trở ngại trong việc hoằng pháp ở Phi châu, mặc dù Phật pháp vốn có đầy đủ tính ứng dụng, toàn diện và hoàn hảo. Bởi vì Phật giáo không giống các tôn giáo khác, không chủ động rao giảng hoặc cải đạo người khác theo đạo Phật. So với các tôn giáo lớn khác ở Malawi, như Công giáo và Hồi giáo, họ thường chủ động cải đạo người khác, thì Phật giáo lại tương đối biệt lập, và tôi nghĩ Phật giáo vẫn chưa phổ biến đối với người dân Phi châu trong thời gian tới. Hơn nữa, rất nhiều Phật tử trong số những người mà tôi từng gặp hơn 15 năm qua, thật không may, họ chỉ tập trung vào việc tự lợi. Điều này dường như đã làm cho Phật pháp mất đi tính ứng dụng vào cuộc đời, cho dù đạo Phật luôn đề cao trí tuệ, từ bi và trách nhiệm đạo đức, những điều có thể giúp cho con người hướng tới giải thoát và giác ngộ.

Trong tâm thức của đa số người dân Phi châu, đời sống tâm linh tập trung chủ yếu ở niềm tin vào sức mạnh siêu nhiên, và cái ác xuất phát từ ảnh hưởng của quỷ Satan. Do suy nghĩ này, rất khó cho những người thuộc tầng lớp bình dân ở Phi châu có thể hiểu và chấp nhận giáo lý Nghiệp báo-Nhân quả. Những khái niệm cơ bản sâu sắc và tinh tế này rất khó để tiếp thu đối với đa số quần chúng. Tuy nhiên, tôi tin rằng, khi tầng lớp trí thức hiểu được những giáo lý này, họ sẽ thiết lập được nền tảng cho sự truyền bá giáo lý Phật đà.

Bởi vì Phật pháp luôn sẵn sàng hòa nhập vào các nền văn hóa bản địa truyền thống, cho nên được đón nhận khá dễ dàng ở nhiều nhiều xã hội khác nhau. Ví dụ, ở Sri Lanka, Phật giáo đã hòa nhập vào văn hóa Sri Lanka, ở Trung Quốc, Phật giáo hòa nhập với văn hóa Trung Quốc, ở Nepal, Phật giáo hòa nhập vào văn hóa Nepal, vân vân. Tuy nhiên, tôi vẫn nhận thấy rằng, người dân Phi châu vẫn chưa hoàn toàn hiểu và chấp nhận một tôn giáo mới, cho dù tôn giáo này đã thích nghi với các giá trị văn hóa của họ nhưng lại thiếu khái niệm về một đấng Thiên chúa siêu nhiên. Tôi nghĩ rằng, Phật pháp cần được truyền bá rộng rãi và hòa nhập với nhiều truyền thống và văn hóa Phi châu, song hành với việc tiếp nhận và vay mượn một số khái niệm nhất định từ Công giáo và Hồi giáo, để được người dân Phi châu hoàn toàn đón nhận và đánh giá cao. Hơn nữa, những người truyền bá Phật giáo ở Phi châu lại nói tiếng Hoa, cũng như thuyết giảng, tụng kinh và các hoạt động khác bằng tiếng Hoa. Theo tôi, chính rào cản ngôn ngữ này là một sự trở ngại lớn khác trong việc truyền bá giáo lý của đức Phật ở Phi châu, mà Malawi không là ngoại lệ.

Nếu Phật giáo có thể tiếp thu một số phương thức mà Giáo hội Ki Tô giáo đã áp dụng ở Malawi, thì tôi tin chắc rằng, nhiều người sẽ đón nhận Phật pháp dễ dàng hơn. Theo tôi thấy, cách thức hành trì trong hệ thống Giáo hội Ki Tô có nhiều điểm tương đồng với Phật giáo, trong đó cả hai đều có hai chúng nam và nữ dành cho những người từ bỏ đời sống gia đình và tuân thủ những điều luật của người xuất gia. Ki Tô giáo đã chiếm ưu thế và hưng thịnh ở Phi châu vì tiếp thu những giá trị truyền thống của người Phi châu, cũng như đã giao chức vụ cho người dân địa phương nắm giữ, đồng thời những người truyền giáo Ki Tô đã hấp thu những phong tục địa phương: họ ăn thức ăn địa phương và nói ngôn ngữ địa phương. Giáo hội Ki-Tô đã làm lợi ích cho người bản xứ ở cấp độ quốc gia, trong khi đó Phật giáo lại bảo thủ trong việc hoằng pháp, và tôi nghĩ rằng Phật giáo sẽ mất thêm vài thập kỷ nữa mới có thể bén rễ tại Phi châu.

Từ Phật Pháp, tôi đã học được những giáo lý căn bản như: Tứ Diệu Đế, Duyên khởi, Nhân quả-Nghiệp báo, Từ bi hỷ xả, lòng tri ân, cách thức hồi hướng công đức đến với cộng đồng, tích cực hành thiện, và trên hết, là cách tĩnh tâm thông qua thiền chỉ và thiền quán. Tứ Diệu đế và Bát Chánh Đạo là những giáo lý căn bản nhất có thể giúp trẻ hóa thân tâm để vượt qua căng thẳng, trầm cảm, đem lại sức khỏe tốt, làm cho đầu óc minh mẫn, giúp chúng ta đạt được tuệ giác cũng như ứng dụng minh triết trong đời sống hàng ngày.

Khi ngồi thiền, chánh niệm và chánh định là những thực tập cơ bản giúp định tĩnh thân tâm. Bởi vì hầu như trong đời sống hiện đại, con người rất bận rộn, họ có thể thực tập căn bản chánh niệm bằng nhiều cách: khi lái xe, người ta phải tập trung vào việc lái xe, và chú ý đến người khác cùng lưu thông trên đường; khi ăn, nên chú ý đến thức ăn và quá trình ăn; khi nói, chú ý đến lời nói và quá trình nói; khi tắm, chúng ta nên chú ý đến quá trình tắm. Tóm lại, chánh niệm có thể được thực tập thông qua bất kỳ các hoạt động hằng ngày. Tuy nhiên, chúng ta cũng nên cố gắng dành thời gian ngồi thiền để thiết lập được nền tảng của thiền chỉ (samatha) để về sau có thể giúp phát triển được thiền quán (vipassana).

 

Tóm lại, tôi thực sự biết ơn Thầy Huệ Lễ cùng tất cả những người đã đóng góp tích cực trong việc truyền bá Phật pháp tại Phi châu. Nếu không có họ, không những tôi mà nhiều sinh viên khác từ khắp Phi châu sẽ không có được cơ hội học và thực hành theo lời Phật dạy. Phật giáo vẫn cần nhiều hơn nữa sự ủng hộ từ các vị hướng đạo tại địa phương, những người có thể hiểu giáo lý và các tư tưởng Phật giáo ở mức độ sâu hơn để truyền lại cho người khác. Chúng ta cần có các nguồn tài liệu như sách Phật học bằng tiếng Anh, sau đó gửi đến tặng cho tất cả các thư viện quốc gia và tư nhân, cũng như các trường tiểu học, trung học và đại học. Ngoài ra cũng cần thành lập các hiệp hội Phật giáo tại bản xứ, ở đó có thể trình bày các quan điểm Phật giáo, bằng cách kêu gọi nghiên cứu sinh của trường Cao đẳng Phật học Phi châu trở thành những người cầm đuốc tiên phong trong việc truyền bá chánh pháp của Đức Phật.

PhápTrí: chuyển ngữ  (nguồn: Buddhistdoor.net )

Tác giả Ben Xing

 Tác giả Ben Xing (bên phải) và bạn đồng tu

Tác giả Ben Xing (bên phải) và bạn đồng tu

TT. Hui Li (người đeo tràng chuỗi), cùng Ban Giám hiệu, Ban Giáo thọ và sinh viên Trường Cao đẳng Phật học Phi Châu

Tác giả Ben Xing (bên phải) và bạn đồng tu

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here