Sau loạt bài phản ánh thực trạng cấp phép xuất bản cho ấn phẩm tôn giáo, mà cụ thể là các ấn phẩm Phật giáo, của các NXB, được đăng tải trên báo Giác Ngộ thời gian vừa qua, chư tôn đức đại diện GHPGVN, mới đây, cũng đã có những phản hồi về vấn đề này.
Tất cả văn hóa phẩm, bao gồm các ấn phẩm liên quan tới nội dung tôn giáo đều do các cơ quan quản lý Nhà nước thẩm định nội dung, cấp giấy phép phổ biến, lưu hành – Ảnh: phatgiao.org
Vai trò của Giáo hội với các ấn phẩm
Phật giáo Tiêu đề bài viết là lời khẳng định đầu tiên mà HT.Thích Huệ Thông, Phó Tổng Thư ký HĐTS kiêm Chánh Văn phòng II TƯGH, đã đề cập khi PV báo Giác Ngộ trao đổi về vấn đề xuất bản những ấn phẩm Phật giáo hay có nội dung liên quan Phật giáo, gây xôn xao dư luận gần đây.
Theo đó, Hòa thượng chỉ rõ, thiếu sự kiểm duyệt của Giáo hội, cơ quan tôn giáo được Nhà nước công nhận, đại diện hợp pháp và có trách nhiệm quản lý tất cả những vấn đề liên quan đến Phật giáo tại VN, trong đó có các ấn phẩm Phật giáo, là nguyên nhân đầu tiên dẫn đến thực trạng các ấn phẩm Phật giáo sai lệch xuất hiện tràn lan trên thị trường.
“Việc cấp phép xuất bản cho các ấn phẩm Phật giáo lâu nay là việc làm hoàn toàn đơn phương từ phía các cơ quan nhà nước, chứ không có bất kỳ một sự liên hệ, dù chỉ tham khảo ý kiến từ phía Giáo hội, hay trực tiếp là với Ban Văn hóa T.Ư, cơ quan chuyên ngành của GHPGVN”, HT.Thích Huệ Thông thẳng thắn nhận định.
Đồng quan điểm, HT.Thích Hải Ấn, UVTT HĐTS, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Văn hóa T.Ư GHPGVN, cho biết: “Vấn đề chất lượng các ấn phẩm có nội dung Phật giáo đã được Ban Văn hóa T.Ư quan tâm và kiến nghị lên Ban Thường trực HĐTS GHPGVN trong nhiều văn bản báo cáo hàng năm, từ nhiệm kỳ trước, do cố HT.Thích Trung Hậu, Trưởng ban Văn hóa T.Ư ký trình. Tuy nhiên, cho đến nay, dường như mọi thứ vẫn còn đang bị bỏ ngỏ”.
Có thể thấy, cơ quan quản lý Nhà nước về vấn đề xuất bản đang bỏ qua vai trò chủ chốt của GHPGVN đối với các ấn phẩm Phật giáo. Điều này lại càng được thể hiện rõ qua Luật Xuất bản, khi Giáo hội không có bất kỳ quyền tham dự nào trong việc kiểm duyệt các ấn phẩm Phật giáo, một trong những giáo sản thuộc quyền và nghĩa vụ quản lý của Giáo hội trước tín đồ và lịch sử, vốn phù hợp với quy định của pháp luật, trước khi những ấn phẩm được xuất bản.
Mặt khác, ở khía cạnh chuyên môn, GHPGVN hoàn toàn có đủ năng lực thẩm định tính chính xác và chính thống của một ấn phẩm Phật giáo. Như đã biết, tôn giáo nói chung và các nội dung Phật giáo nói riêng có những đặc thù về thuật ngữ, đòi hỏi một biên tập viên, trước phải nắm rõ về thuật ngữ, sau phải có sự am hiểu nhất định về chuyên môn Phật học. Đây cũng chính là “lỗ hổng” về nhân lực ở các NXB, khi các biên tập viên không hề chuyên trách.
Hệ quả dẫn đến một số ấn phẩm sau khi được biên tập bởi các biên tập viên ở các NXB do hạn chế chuyên môn về lĩnh vực này, đã trở nên rất ngô nghê, hoặc đã bỏ qua nhiều thông tin không phù hợp, đôi khi bị lệch lạc. Đơn cử như trường hợp loạt ấn phẩm gần đây của tác giả Nguyễn Nhân, được NXB Tôn Giáo thuộc Ban Tôn giáo Chính phủ cấp phép lưu hành, phổ biến.
Như vậy, xét ở khía cạnh nào, về tư cách pháp nhân, hay trình độ chuyên môn, rõ ràng sự phối hợp đồng bộ giữa Nhà nước và Giáo hội trong công tác thẩm định, kiểm duyệt các ấn phẩm Phật giáo, là điều cần cân nhắc tiến tới. Việc làm này, một mặt giảm đi gánh nặng trong khâu quản lý của Nhà nước đối với vấn đề xuất bản ấn phẩm Phật giáo; mặt khác, hạn chế việc hàng loạt các ấn phẩm Phật giáo với đầy sai phạm từ hình thức đến nội dung, thậm chí mang tư tưởng lệch lạc với giáo lý Phật giáo, nghiễm nhiên đến tay độc giả, qua đó, tránh gây nguy hại cho xã hội trong nhận thức giữa những yếu tố tâm linh với việc mê tín, góp phần gìn giữ văn hóa tôn giáo của dân tộc.
Đề xuất từ phía GHPGVN
Trả lời PV báo Giác Ngộ về những đề xuất giải pháp khắc phục cho thực trạng này, HT.Thích Huệ Thông nhấn mạnh việc cần tôn trọng truyền thống giáo lý của một tôn giáo nói chung và Phật giáo nói riêng, qua việc thống nhất tư tưởng về định nghĩa của các thuật ngữ chuyên biệt. Điều này nhằm tránh sự diễn dịch các giáo lý của Đức Phật theo một chiều hướng khác, mang tính xuyên tạc tôn giáo của một số thành phần.
Lý giải về điều này, HT.Thích Huệ Thông chỉ rõ: “Mỗi người khi tiếp cận với bất cứ sự vật, hiện tượng nào, đều có những cách hiểu khác nhau và có quyền diễn tả nó theo cách hiểu riêng của mình. Tuy nhiên, nếu đó đã là hiểu biết và nhận định cá nhân, thì phải dùng chính tên mình để chú thích, chứ không thể mượn tên người khác được. Đối với vấn đề tôn giáo cũng vậy. Bạn có quyền hiểu theo cách của bạn, nhưng không thể mượn danh hiệu Đức Phật để dẫn giải ý của mình, nhằm lôi kéo lòng tin từ người khác được”.
Bên cạnh đó, việc “mượn danh xưng” liên quan đến Phật giáo để hợp thức hóa các tác phẩm sai phạm, cũng là một trong các vấn đề được GHPGVN đặc biệt lưu tâm kiến nghị đến công tác cấp phép xuất bản. Theo HT.Thích Huệ Thông, danh xưng là yếu tố đầu tiên khiến các NXB tin tưởng vào tư cách pháp nhân của một tác giả. Đơn cử như loạt ấn phẩm gây tranh cãi thời gian vừa qua: “Huyền ký của Đức Phật”- sản phẩm của sự hoang tưởng, lại được các NXB và truyền thông tín nhiệm, giới thiệu tác giả với danh xưng là “Viện chủ”, đã gây không ít nhầm lẫn và ảnh hưởng tiêu cực đến hình ảnh Phật giáo VN.
Được biết, hiện nay, Ban Kiểm soát TƯGH đã và đang nhanh chóng tiến hành hoàn thiện các văn bản pháp lý gửi đến các NXB Tôn Giáo và Hồng Đức, cũng như các cơ quan chuyên trách về tôn giáo và ngành xuất bản, trong việc xem xét vai trò của GHPGVN đối với các vấn đề liên quan đến ấn phẩm Phật giáo, bao gồm nội dung ấn phẩm cho đến tư cách pháp nhân của tác giả.
Theo đó, Hòa thượng Phó Trưởng ban Thường trực Ban Văn hóa T.Ư thẳng thắn đề xuất: “Với tư cách pháp nhân của GHPGVN và có các Ban, Viện chuyên môn như Viện Nghiên cứu Phật học VN, Phân viện Nghiên cứu Phật học VN tại Hà Nội, Ban Văn hóa T.Ư, chúng tôi nghĩ Giáo hội có đủ điều kiện để thẩm định các ấn phẩm có nội dung Phật giáo, hoặc tối thiểu, cử nhân sự tham gia thẩm định về nội dung này, nếu chưa được phép thành lập một NXB chuyên trách như các tổ chức, hội đoàn khác”. Vậy, một lần nữa điều đó cho thấy vai trò quan trọng và hợp pháp của Giáo hội đối với các ấn phẩm thuộc tôn giáo của mình. Qua đó, cần có những động thái tích cực và chủ động hơn trong việc quản lý những gì được xem là giáo sản của Phật giáo. Về phía các cơ quan quản lý Nhà nước về vấn đề xuất bản, cần nhanh chóng đưa ra những chấn chỉnh kịp thời, để không chỉ giúp định hướng đúng đắn cho độc giả, mà còn để khôi phục bản sắc văn hóa tôn giáo của dân tộc nói chung, Phật giáo nói riêng, góp phần bài trừ các yếu tố mê tín mượn danh nghĩa Phật giáo suốt thời gian vừa qua.
“Hiện nay, Giáo hội chưa có một NXB riêng biệt, mà hầu hết đều phụ thuộc vào sự cấp phép của Nxb Tôn Giáo là chính. Điều này đồng nghĩa với việc, một ấn phẩm Phật giáo được bày bán trên kệ, chỉ phụ thuộc vào tính chủ quan của một đơn vị, mà đơn vị đó không có bất cứ chuyên môn nào về Phật giáo, tạo nên nhiều bất cập cho công tác quản lý của GHPGVN. Để khắc phục được thực trạng và bất cập này, Giáo hội cần sớm đề xuất Nhà nước về việc thành lập một NXB chuyên biệt của Phật giáo, với các đội ngũ có am hiểu về các truyền thống giáo lý Phật giáo, thuộc hệ thống Giáo hội. Các ấn phẩm Phật giáo thì phải do Giáo hội thẩm định và kiểm duyệt, như vậy mới hợp lý và chính thống được”.
HT.Thích Giác Toàn
Phó Chủ tịch HĐTS GHPGVN, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phật học VN
“Đối với các vấn đề liên quan đến Phật giáo nói chung, cần hết sức thận trọng, nhưng cũng phải chủ động và quyết liệt hơn, để mạnh dạn xử lý các sai phạm liên quan đến những vấn đề trực thuộc quản lý của GHPGVN. Theo đó, đối với các NXB và các cơ quan truyền thông, Giáo hội nên tiến hành đề xuất yêu cầu truy vấn trách nhiệm trong việc tùy tiện cấp phép xuất bản và tuyên truyền cho những ấn phẩm có nội dung sai lệch, xuyên tạc Phật giáo. Đồng thời, tôi cũng đề xuất lập một bộ phận chuyên trách trực thuộc Giáo hội trong vấn đề kiểm duyệt các ấn phẩm Phật giáo, trước khi đưa đến các NXB, tránh tái diễn thực trạng này.”
HT.Thích Huệ Thông
Phó Tổng Thư ký HĐTS kiêm Chánh Văn phòng II TƯGH |
Giao Hảo