Kỳ 1: Trước khi “Giọt nước làm tràn ly”
GN – Với các chính sách cởi mở của đất nước, nhiều năm trở lại đây, những ấn phẩm tôn giáo, hay có nội dung liên quan đến tôn giáo, trong đó có Phật giáo, ra đời ngày một nhiều hơn. Tuy nhiên, đã có không ít những ấn phẩm “mượn” màu sắc Phật giáo để tiếp cận độc giả…
Nhiều bạn trẻ tìm tới các ấn phẩm tôn giáo tại Hội chợ sách TP.HCM 2018 – Ảnh: G.H
Hình thức “khoác áo” tôn giáo
Chắc hẳn nhiều người vẫn còn chưa quên được “scandal” liên quan đến sách Phật giáo, gây bức xúc dư luận hồi đầu những năm 2000.
Theo đó, tập sách với nhan đề Tôn giáo & Lịch sử văn minh nhân loại: Phật giáo Việt Nam và Thế giới (Nxb Văn Hóa Thông Tin, 2003), được phát hiện chỉ là sự “góp nhặt” và “lắp ghép” một cách luộm thuộm, vi phạm nghiêm trọng luật bản quyền, thậm chí chứa đựng những nội dung có tính xuyên tạc tôn giáo.
Sự việc này, sau đó đã nhanh chóng được báo Giác Ngộ chỉ rõ và thông tin chi tiết đến bạn đọc, nhằm tránh việc hiểu sai lệch về Phật học. Tuy nhiên, điều đáng nói ở đây, các tác giả tập sách này lại tạo nên được độ tin cậy thông qua việc sử dụng hai danh xưng “thiền sư” và “cư sĩ”, mang đậm chất Phật giáo. Đồng thời, một trong những NXB uy tín trong nước đã cấp phép và được hai nhà phát hành sách nổi tiếng, liên kết ấn hành, thì xét ở góc độ pháp lý, tập sách ấy không thể “hợp pháp” hơn.
Nếu trường hợp trên, Phật giáo bị lạm dụng đặt để qua danh xưng của tác giả, thì ở cuốn Những câu chuyện có thật về nhân quả và Phật pháp nhiệm mầu tập 1 (Nxb Hội Nhà Văn, 2017), có thể thấy rõ sự “khoác áo” Phật giáo thông qua tựa và bìa sách.
Ngay từ những ngày đầu ra mắt sách, không ít độc giả bày tỏ sự bức xúc và phẫn nộ với những miêu tả chi tiết chuyện tình dục, cùng nhiều lời lẽ dung tục, chiếm phần lớn nội dung quyển sách. Qua đó, nhiều tờ báo lớn trong nước cũng không khỏi bàng hoàng, khi phần lớn đều nhận định đây không khác gì “dâm thư”: Bất ngờ cuốn sách bìa Phật pháp, ruột dâm ô (Minh Tuệ, báo Người Lao Động), Sách “rác” phát hành rồi thu hồi, tác hại còn đó (Trân Trân, báo Pháp Luật Plus), Tranh cãi về cuốn sách Phật pháp có từ ngữ tục tĩu (Bích Hà, báo Lao Động), Sách tâm linh của Hoàng Anh Sướng bị chê có từ ngữ thô tục (Vĩ Thanh, báo VNExpress) v.v…
Với hai trường hợp điển hình nêu trên, trong vô số những trường hợp “khoác áo” tôn giáo, liệu có thể chấp nhận đây là một ấn phẩm Phật giáo hay không? Hẳn mỗi người chúng ta đều tự nhận biết câu trả lời thích đáng.
Những ấn phẩm có màu sắc Phật giáo của Nguyễn Nhân khiến cho Tăng Ni, Phật tử hoài nghi về chủ tương
trong thẩm định về nội dung tôn giáo của các cơ quan quản lý nhà nước về xuất bản – Ảnh: G.H
Nghiễm nhiên “đội nón” NXB
Nhiều ý kiến từ phía chuyên môn cho rằng, tùy vào từng thể loại và nội dung sách, mà NXB liên quan, theo đó, có thể cấp giấy phép xuất bản sau khi đã thẩm định, chứ không thể chỉ quy chụp, đó là tác phẩm tôn giáo.
Trước ý kiến trên, bà Dương Ngọc Hân (Saigon Books), chỉ rõ: “Không thể đánh đồng tất cả sách có bìa mang hơi hướng tôn giáo là sách tôn giáo. Trước hết cần phân biệt rõ, sách tôn giáo và sách có nội dung liên quan tôn giáo. Lấy cụ thể ở đây là Phật giáo. Gọi là ấn phẩm Phật giáo, khi đó là kinh, sách, băng, đĩa thuyết giảng về các giáo lý nhà Phật. Mặt khác, các ấn phẩm là tiểu thuyết, truyện mang tính suy nghiệm, chia sẻ cuộc sống, được các tác giả bình thường cho tới các vị tu sĩ sáng tác lồng ghép vào nhiều chân lý của nhà Phật, hay có bìa liên quan Phật giáo, thì đó chỉ có thể nói là một tác phẩm có nội dung liên quan Phật giáo mà thôi”.
“Việc lạm dụng bìa không ăn nhập với nội dung, để thu hút các đối tượng độc giả nào đó, là việc làm hết sức nguy hại cho tôn giáo nói riêng và độc giả nói chung”.
Bà Dương Ngọc Hân,Saigon Books
|
Tuy nhiên, bà Hân cũng nhận định, nội dung bên trong là yếu tố quyết định cho bìa của tác phẩm, và đặc biệt cần cẩn trọng khi sử dụng bìa mang rõ hình ảnh tôn giáo, ở đây là như hình chư Phật, Bồ-tát, vì dễ gây nhầm lẫn, đó là ấn phẩm Phật giáo, trong khi nội dung lại chỉ có một chút liên quan, chứ chưa nói đến là hoàn toàn không liên quan đến Phật giáo.
Hơn nữa, vấn đề đáng báo động hiện nay, là việc các tác phẩm “khoác áo” tôn giáo như vậy, lại nghiễm nhiên “đội thêm chiếc nón” của các NXB uy tín trong nước, tức, hoàn toàn được công nhận về tính bản quyền, tính xác thực và hợp pháp từ nội dung đến hình thức. Điều này đồng nghĩa với việc, các ấn phẩm ấy được phát hành và bày bán tràn lan trên thị trường, đến tay độc giả và góp phần tạo nên một nhận thức sai lệch không hề nhỏ trong xã hội, về tôn giáo được đề cập.
Có thể thấy rõ, thông tin được đưa ra trong quyển Tôn giáo & Lịch sử văn minh nhân loại: Phật giáo Việt Nam và Thế giới, được Nxb Văn Hóa Thông Tin giới thiệu một cách trang trọng, lại là tác phẩm “đạo nhái” và có thông tin sai lệch với lịch sử Phật giáo hơn 2.500 năm qua. Hay cuốn Những câu chuyện có thật về nhân quả và Phật pháp nhiệm mầu tập 1, do Nxb Hội Nhà Văn cấp phép và cho đó là tác phẩm mang tính nghệ thuật và chứa đựng những đúc kết từ nhà Phật, những triết lý nên đưa vào giảng dạy cho cả trẻ em và thanh thiếu niên, lại như đang kể chuyện “phòng the”?
Như vậy, liệu sự cấp phép đó từ phía các nhà xuất bản có thực sự đi đúng hướng với sự kiểm chứng rõ ràng, minh bạch hay chưa, là một dấu hỏi lớn, mà cộng đồng Phật tử nói riêng và độc giả nói chung đang đặt ra.
Lại càng có nhiều nghi vấn hơn cho công tác quản lý của ngành xuất bản đối với ấn phẩm Phật giáo, khi thời gian gần đây, tòa soạn báo Giác Ngộ liên tục nhận được các phản hồi từ độc giả, trước một chuỗi tác phẩm được cho là từ “Huyền ký của Đức Phật”, truyền theo dòng “Thiền tông”, nhằm “chỉnh đốn hệ thống Phật giáo”… Loạt ấn phẩm này gồm 10 tập, đặc biệt, được Nxb Tôn Giáo thuộc Ban Tôn giáo Chính phủ và Nxb Hồng Đức thuộc Hội Luật gia Việt Nam cấp phép xuất bản. Nội dung của 10 tập được cho là “giải đáp bí mật Thiền tông” và “Huyền ký của Đức Phật”, có nội dung như thế nào, và vì sao lại gây nhiễu loạn, bức xúc cho cộng đồng Tăng Ni, Phật tử và độc giả đến vậy, nhưng vẫn được NXB của Ban Tôn giáo Chính phủ – cơ quan quản lý nhà nước về tôn giáo hiện nay cấp phép? Mời quý độc giả xem tiếp kỳ sau, trên tuần báo Giác Ngộ.
(Còn tiếp)
Trong năm 2016, Cục Xuất bản, In và Phát hành, thuộc Bộ Thông tin-Truyền thông (TTTT), đã xác nhận: trong số 64.588 xuất bản phẩm (XBP), Cục phát hiện và xử lý 179 XBP vi phạm, trong đó có đến 114 XBP vi phạm về nội dung, XBP mạo danh nhà xuất bản (NXB), in lậu, nhập lậu và lưu hành bất hợp pháp chỉ có 6 XBP và 59 XBP vi phạm khác.
Qua đó có thể thấy, tuy số lượng XBP vi phạm là không cao, nhưng, xét riêng con số các XBP vi phạm, thì vi phạm về nội dung ấn phẩm lại chiếm đến gần 64%, vượt hơn một nửa trong số các lý do khiến “sách bị buộc tội”. Vậy, câu hỏi được đặt ra ở đây, vì sao sách vi phạm về “nội dung” nhưng vẫn được bày bán trên thị trường, trước khi bị phản ánh và thu hồi? Trong khi, tất cả các đầu sách đều phải được kiểm duyệt thông qua các NXB, và được Bộ TTTT, Cục Xuất bản cấp phép cho lưu hành, mà vẫn vi phạm về nội dung, thì trách nhiệm thuộc về ai?
Từ đó, cần phải xét tiếp đến việc phạt NXB, thu hồi và tiêu hủy các sách cho là vi phạm. Thực chất, việc làm này chỉ có thể được xem là những biện pháp nhằm trấn an dư luận, thậm chí là có phần thoái thác trách nhiệm của những người trực tiếp quản lý công tác xuất bản. Bởi lẽ, sẽ không thể có sự vi phạm này, đặc biệt là về nội dung sách, nếu không có sự phê duyệt từ Cục Xuất bản, đơn vị trực tiếp cấp giấy phép lưu hành các ấn phẩm.
Nguồn: Cục Xuất bản
|
Giao Hảo