QUỐC SƯ VẠN HẠNH CÔNG ĐỨC ĐỐI VỚI ĐẠO PHÁP VÀ DÂN TỘC
Quốc sư Vạn Hạnh (932 – 1018), họ Nguyễn, làng Dịch Bảng, châu Cổ Pháp, phủ Bắc Giang, nay là huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Năm 21 tuổi, Ngài xuất gia theo học đạo với Thiền Ông Đạo Giả tại chùa Tiêu Sơn (Lục Tổ), Ngài đã nỗ lực tinh cần không mong cầu gì khác ngoài sự tu học về pháp hành, thiền định.
Do đó, không bao lâu Ngài đã lão thông Tam học, là ba môn học Vô lậu, là Giới học tùy thuận Niết bàn, Định học tùy thuận Chân như, Tuệ học tùy thuận Bát nhã, hoàn toàn khế hợp Chân lý tự tâm tự tánh của chính mình. Đồng thời, Ngài còn nỗ lực tu tập pháp môn Tổng Trì Tam Ma Địa (Dharanisammadhi).
Có nghĩa là một loại Thiền định có khả năng thông suốt và giữ gìn tất cả pháp, không bao giờ mất. Đó là duy trì tất cả ngôn ngữ, duy trì tất cả giáo pháp, duy trì tất cả nghĩa lý của giáo pháp, duy trì tất cả thần chú (Dharani). Do đó, Ngài thông hiểu tất cả loại sấm ký và nói ra mang vẻ thần bí sấm ký, biết trước mọi việc sẽ xảy ra.
Có thể nói, trong ba triều đại Đinh, Tiền Lê và Lý, Thiền sư Khuông Việt, Thiền sư Pháp Thuận, Thiền sư Vạn Hạnh và Thiền sư Đa Bảo là tứ trụ của triều đình, giúp ích cho các triều đại, đất nước, dân tộc và Đạo pháp. Với những sự tham mưu, hội ý của Thiền sư Vạn Hạnh đã góp phần củng cố và phát triển đất nước trong một thời gian dài từ năm 968 – 1009 trong những năm đầu kỷ nguyên thời kỳ độc lập, tự chủ của nước Đại Việt.
Cụ thể vào thời Lê Đại Hành, khi vua nhà Tống sai tướng Hầu Nhân Bảo sang đánh Đại Việt năm 981, nhà Vua đã hỏi ý kiến Thiền sư Vạn Hạnh về việc thắng bại trong trận đánh này như thế nào?. Thiền sư Vạn Hạnh đáp: “Chỉ trong 3, 7 ngày nữa là quân giặc sẽ rút lui”. Đồng thời, nhà Vua đã lịnh cho Thiền sư Pháp Thuận đến Đền Sóc Thiên Vương khấn vái Tỳ Sa Môn Thiên Vương hộ trì cho quân Đại Việt thắng trận.
Theo Lĩnh Nam Trích Quái ghi: “Triều Hoàng đế Lê Đại Hành Nhà Lê, năm Tân Tỵ Thiên Phúc thứ nhất (981) Tống Thái Tổ sai bọn tướng quân Hầu Nhân Bảo, Tôn Hoàng Hưng đem quân xâm lược nước Nam, đến sông Đại Thang, Vua Lê Đại Hành và Tướng quân Phạm Cự Lượng đóng quân ở sông Đồ Lỗ để chống lại, hai bên đối lũy giữ nhau. Vua Lê Đại Hành ban đêm nằm mơ thấy hai vị thần mà nhà vua đã khấn vái trước khi xuất quân, hai vị thần này đi lại trên sông và nói: Anh em thần, một người tên Trương Hống, một người tên Trương Hát, trước thờ Triệu Việt Vương (548 – 570) thường theo chinh phạt bọn giặc dữ, mà có được thiên hạ… Nay thấy quân Tống vào xâm lược nước Nam, làm khổ sinh linh nước ta, nên bọn thần đến gặp, xin cùng vua đánh bọn giặc nầy để cứu sinh dân…”.
Ngày 23 tháng 10 năm 981 vào canh ba nửa đêm, khí trời tối mịt, gió lớn mưa dồn nổ ra, thần mập mờ đứng trên không trung, cao tiếng ngâm nga:
Nước Nam sông núi Vua Nam ở
Rành rẽ phân chia tại sách Trời.
Giặc nghịch sao nay dám xâm phạm
Chúng bây chuốc bại chắc ngay thôi.
(Nam Quốc sơn hà Nam đế cư
Tiệt nhiên dĩ định tại thiên thư
Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm
Nhữ đẳng thành khan thủ bại hư).
Quân Tống nghe thế, chạy tứ tán, tan hàng rã ngũ, rút lui, một số đông bị bắt sống, thế là quân Tống chưa đánh đã đại bại. Vua Lê Đại Hành đem quân về Hoa Lư mừng thắng trận. Nói khác đi, cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại của nhân dân Đại Việt, đã thuận cả lòng Trời và lòng dân, nên được Tỳ Sa Môn Thiên Vương (Sóc Thiên Vương) và Quốc sư Vạn Hạnh, Quốc sư Pháp Thuận đại diện cho Dân tộc Đại Việt, vì Phật giáo thời ấy là Quốc đạo. Qua cuộc chiến thắng năm 981, đã giữ vững bờ cõi ở phương Bắc một thời gian dài.Năm Thuận Thiên thứ hai (982), khi Vua Lê Đại Hành cử Từ Mục, Ngô Tử Anh đi sứ Chiêm Thành, bị Vua Chiêm bắt giữ, nhà Vua rất tức giận muốn cất quân sang đánh Chiêm Thành, vì Chiêm Thành không thần phục, nhưng còn do dự chưa cất quân.
Khi xin ý kiến Quốc sư Vạn Hạnh, Ngài trả lời: “Nên xuất quân sang đánh, nếu không sẽ bỏ lỡ cơ hội và không kịp thời nữa”. Quả thật, khi quân Đại Việt sang đánh Chiêm Thành, dành được chiến thắng, bắt cả Vua Chiêm là Bề Mi Thuế (Paramesvaravarman) Nhà nước Chiêm Thành đã thần phục và triều cống Nhà Lê, giữ vững bờ cõi Phương Nam một thời gian, dân chúng an cư lạc nghiệp, thiên hạ thái bình, thịnh trị.
Cho đến cuối Triều Lê, nhất là khi Lê Đại Hành băng hà năm 1005, con là Lê Trung Tông lên kế vị được 3 ngày thì bị Lê Long Đỉnh sát hại, tiếm ngôi và lên làm vua, nên không tạo được sự ủng hộ của nhân dân, cũng như trong nội bộ triều đình, trong nước thì có một vài địa phương nổi lên chống đối triều đình như Châu Đô Lương, Vị Long, Án Động, Hoan Châu, Hoàng Đường, Thiên Liễu đã tạo sự bất ổn trong nước, có ảnh hưởng đến sự tồn vong của Triều đại. Điều không may xảy ra là Lê Long Đỉnh ngã bịnh, nằm tại giường (Long sàng) thiết triều, nên thường gọi là Lê Ngọa Triều, đến năm 1009, thì băng hà. Vua con còn nhỏ, không thể kế vị được. Do đó, Chi hầu Đào Cam Mộc và Quốc sư Vạn Hạnh cùng Thiền sư Đa Bảo đã hội ý quần thần, đưa quan Thân vệ Lý Công Uẩn (974 – 1028) lên ngôi, kết thúc Triều Lê, mở đầu Nhà Lý (1009 – 1225).
Vua Lý Công Uẩn lên ngôi tháng 11 năm Kỷ Dậu (1009), tôn hiệu là Lý Thái Tổ. Trong thời gian nầy, Quốc sư Vạn Hạnh đang ở chùa Lục Tổ, làng Địch Bảng, phủ Bắc Giang, biết rõ sự việc phải xảy ra và phù hợp với lòng dân, vì dân chúng đã và đang chán ghét Triều Lê, muốn có một Triều đại tươi sáng hơn, một minh quân có tài, có đức lãnh đạo đất nước. Người đó không ai khác hơn là Lý Công Uẩn, là con nuôi của Lý Khánh Vân, học trò của Vạn Hạnh Thiền sư cũng như Đa Bảo Thiền sư đã dày công dạy dỗ, trở thành tướng sĩ tài ba được tiến cử làm quan Thân vệ từ đầu Triều Lê. Cho nên, ngày hôm đó, tức tháng 11 năm Kỷ Dậu (1009), Ngài đã làm 4 câu kệ niêm yết ngoài đường, bố cáo cùng Quốc dân được biết sự kiện trọng đại của lịch sử và đất nước Đại Việt, nội dung 4 câu kệ như sau:
“Tật Lê chìm biển Bắc. Hạt Lý mọc Trời Nam. Bốn phương không giặc giả. Tám hướng được bình yên” (Tật Lê trầm Bắc thủy. Lý tử thọ Nam Thiên. Tứ phương qua can tĩnh. Bát biểu hạ bình yên).
Sau khi Lý Công Uẩn lên ngôi, với tầm nhìn phóng khoáng, muốn phát triển đất nước thì cần phải có một Kinh đô xứng tầm, là trung tâm văn hóa, chính trị, xã hội của cả nước, vì Kinh đô Hoa Lư bấy giờ đã quá nhỏ hẹp, không đáp ứng việc phát triển Quốc gia Đại Việt. Do đó, Quốc sư Vạn Hạnh đã hiến kế cho Vua Lý Thái Tổ dời đô từ Hoa Lư về thành Đại La, Thăng Long, Hà Nội ngày nay.
Ngày 10 tháng 7 năm Canh Tuất (1010), Vua Lý Thái Tổ chính thức dời đô, và định đô tại Thăng Long – Hà Nội. Ngay sau khi định đô, Vua Lý Thái Tổ đã đổi Châu Cổ Pháp thành Phủ Thiên Đức, cố đô Hoa Lư thành Phủ Tràng An. Việc dời đô do Quốc sư Vạn Hạnh hiến kế đã mở đầu triều đại nhà Lý (1010 – 1225) huy hoàng, hưng thịnh và phát triển gần 300 năm, rồi ảnh hưởng tiếp đến Triều Trần (1225 – 1400) gần 200 năm, tổng cộng trên 500 năm đã đưa Phật giáo lên hàng Quốc đạo của Đại Việt. Quả thực, công đức của Thiền sư Vạn Hạnh là một công đức vô cùng lớn lao đối với Dân tộc và Phật giáo Đại Việt và cho đến ngày nay và mãi mãi về sau.
Cuối cùng, Ngài cũng theo lý vô thường, đến đi tự tại, sinh tử nhàn nhi dĩ, viên tịch ngày Rằm tháng 5 năm Thuận Thiên thứ 9 (1018), có thuyết cho là ngày Rằm tháng 5 năm Thuận Thiên thứ 16 (1025), thọ 90 tuổi. Trước khi viên tịch, Ngài có để lại bài kệ phó chúc cho đệ tử như sau:
Thân như bóng chớp có rồi không
Cây cỏ Xuân tươi, Thu đượm hồng
Mặc vận thạnh suy không sợ hãi
Thạnh suy đầu cỏ hạt sương đong.
(Thân như điện ảnh hữu hoàn vô
Vạn vật xuân vinh thu hựu khô
Nhậm vận thịnh suy vô bố úy
Thịnh suy như lộ thảo đầu phô).
Ngài còn dặn tiếp: “Các con muốn đi đâu? Ta không lấy chỗ trụ để trụ, không nương vào chỗ không trụ mà trụ”, nói xong Ngài thị tịch.Vua Lý Thái Tổ và đệ tử cử hành Lễ Trà tỳ Quốc sư Vạn Hạnh, xá lợi tôn trí tại Bảo tháp chùa Lục Tổ, Tiêu Sơn, làng Địch Bảng, phủ Thiên Đức, xứ Kinh Bắc (Thành phía Bắc Kinh Đô Thăng Long) Bắc Giang, nay là huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh.
Sau này vua Lý Nhân Tông (1066 – 1128) đã có bài truy tán Ngài như sau:
Vạn Hạnh rõ ba đời (Quá khứ, hiện tại, vị lai)
Lời nói hợp sấm xưa
Quê hương làng Cổ Pháp
Chống gậy vững Kinh Vua (đô).
(Vạn Hạnh dung tam tế
Chân phù cổ sấm ky
Hương quan danh Cổ Pháp
Trụ tích chấn Vương kỳ).
Để tưởng nhớ và ghi tạc công đức của Ngài, ngoài tôn tượng được thờ tại chùa Tiêu Sơn (Chùa Lục Tổ), huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Trước năm 1975, dưới thời Đệ nhứt Cộng hòa năm 1956, Chính phủ Ngô Đình Diệm đã dùng tôn hiệu của Ngài đặt tên đường Sư Vạn Hạnh (tên cũ là đường Logril) chạy ngang qua trước chùa Ấn Quang – Chợ Lớn (Sài Gòn). Năm 1964, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất đã dùng Pháp hiệu của Ngài đặt tên cho một trong tám khu vực của miền Nam là Miền Vạn Hạnh (từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi).
Năm 1966, Tổng vụ Giáo dục GHPGVNTN đã dùng Đạo hiệu của Ngài đặt tên cho một Trường Đại học Phật giáo là Viện Đại học Vạn Hạnh, sau năm 1975, đổi thành Viện Phật học Vạn Hạnh, tiền thân Trường Cao cấp Phật học Việt Nam cơ sở 2, nay là Học viện Phật giáo Việt Nam tại Tp. Hồ Chí Minh.Tóm lại, công đức của Quốc sư Vạn Hạnh đối với Đạo pháp và Dân tộc thật vô cùng to lớn, là có công đức nuôi dưỡng, dạy dỗ Lý Công Uẩn trở thành tướng sĩ tài ba, văn võ song toàn, hữu dụng cho đất nước Đại Việt. Với cương vị cố vấn Quân sư, Quốc sư của các Triều Đinh, Tiền Lê và đầu Nhà Lý, Quốc sư Vạn Hạnh đã tạo được sự đoàn kết, thống nhất ý chí hành động và phát triển đất nước gần 300 năm, đưa Phật giáo lên hàng Quốc đạo. Ngài cũng có công rất lớn trong 02 cuộc chiến tranh vệ quốc của nhân dân Đại Việt năm 981, 982, nhất là có công đưa Thân vệ Lý Công Uẩn lên làm vua 909 mở đầu Nhà Lý thịnh trị, phát triển gần 300 năm. Đặc biệt, đã giúp Vua Lý Thái Tổ dời đô từ Hoa Lư về thành Đại La – Thăng Long – Hà Nội ngày nay, tạo cho đất nước Đại Việt có một trung tâm văn hóa, chính trị xã hội ổn định không ngừng phát triển, vươn ra tầm cao mới, xứng đáng là Thủ đô ngàn năm văn hiến của Đại Việt cũng như Việt Nam ngày nay.
Hơn nữa, với tinh thần Vạn Hạnh là tinh thần nhập thế tích cực Vô trụ giải thoát của các vị Thiền sư, Quốc sư và Tăng Ni, Phật tử Việt Nam qua gần 2.000 năm lịch sử truyền thừa và phát triển liên tục trong suốt thời kỳ dựng nước, giữ nước của dân tộc Việt Nam. Nhất là tinh thần đoàn kết hoà hợp dân tộc, gắn bó giữa đạo và đời, là chất liệu keo sơn không bao giờ cách ly. Qua đó, Phật giáo đã tạo được thế đứng vững vàng, ổn định và không ngừng phát triển trong lòng dân tộc. Quả thực: “Hoa đời, Hoa đạo đua nhau nở. Mãi mãi ngàn sau vẫn ngát hương”.