Trang chủ Văn hóa - Lịch sử Pháp Loa và sự phát triển của Phật giáo Trúc Lâm ở...

Pháp Loa và sự phát triển của Phật giáo Trúc Lâm ở Đàng Trong

225
0
Tổ Pháp Loa sinh ngày 07 tháng 5 năm Giáp Thân (1284) và mất vào ngày 03 tháng 3 năm Canh Ngọ (1330). Hôm nay là ngày giỗ lần thứ 687 của Tổ. Cuộc đời của Tổ tuy ngắn ngủi nhưng đã đóng góp to lớn cho việc phát triển Phật giáo Trúc Lâm, chính văn bia Thanh Mai sau này được Tính Quảng và Hải Lượng sử dụng để viết về tiểu sử của Tổ trong Tam Tổ thực lục, đã tổng kết như “đúc tượng Phật kể cả lớn và nhỏ có hơn 1.300 vị, tạo đại già lam được hai ngôi, xây tháp được năm ngọn, lập Tăng đường hơn hai trăm sở, độ Tăng Ni hơn một vạn năm ngàn người, khắc in được một bộ Đại tạng kinh, đệ tử đắc pháp hơn mười người, thành đại pháp sư có sáu vị”. 
Bên cạnh những Phật sự này, Tổ cũng để lại cho ta một số tác phẩm mà ngày nay đã tán thất, chưa tìm thấy được như Đoạn sách lục, Tham thiền chỉ yếu, Kim cang tràng đà-la-ni kinh, Tán Pháp hoa kinh khoa sớ, Bát-nhã tâm kinh khoa sớ… Cũng may là vào thế kỷ XVIII, khi Tính Quảng và Hải Lượng tập hợp tư liệu để cho ra đời bộ Tam Tổ thực lục thì có khả năng Tham thiền chỉ yếu hoặc một bộ phận của nó vẫn còn lưu hành. Cho nên, ba đoạn phiến liên hệ đến thiền đã được trích và ghép vào sau phần tiểu sử của Tổ là Khuyến xuất gia tấn đạo ngôn, Thượng thừa tam học khuyến chúng phổ thuyết, Yếu minh học thuật. Những trích đoạn này cho thấy một phần nào quan điểm thiền học của Phật giáo Trúc Lâm nói chung và của Tổ nói riêng.
Chính nỗ lực phát triển Phật giáo Trúc Lâm này đã để lại những dấu ấn sâu đậm và lâu dài trong lịch sử dân tộc, tạo nên một nền văn hiến điển chương mà các thế hệ con cháu đã tiếp tục kế thừa và phát huy. Việc này giúp ta xác định được vai trò của Phật giáo Trúc Lâm trong lịch sử dân tộc. Đây là điều chúng tôi muốn đề cập tới trong lần kỷ niệm 687 năm ngày mất của Tổ.
Trong Hải ngoại ký sự, Thiền sư Thích Đại Sán (1633-1705) của Trung Quốc trong lần đến du hóa tại nước ta vào thời gian 1694-1695 theo lời mời của Chúa Nguyễn Phúc Chu (1675-1725) đã ghi lại cuộc trao đổi chữ nghĩa và thi ca giữa ông với Học sĩ Hào đức hầu Nguyễn Hữu Hào (?-1713), anh ruột của Chưởng lễ hầu Nguyễn Hữu Cảnh. Điểm may mắn là Thiền sư đã chép lại các bài thơ và văn của cuộc trao đổi này, cho ta thấy phần nào ảnh hưởng sâu rộng mà Phật giáo Trúc Lâm đã để lại 400 năm sau. 
Theo ghi chép của Thiền sư Thích Đại Sán khi ông đến Thuận Hóa vào tháng Giêng năm Khang Hy thứ 34 (1695), thì “một hôm, có Đại học sĩ Ký lục Hào đức hầu sai con mình đem một bài thơ thất ngôn Đường luật cùng tiền bạc đến ra mắt”. Bài thơ được chép lại trong Hải ngoại ký sự quyển 1, tờ 35b3-6 như sau:
 
Văn thuyết thiền lâm tổ phái hồng 
Nga thừa trạch cập tế lưu thông
Hạnh đàn bổ ánh ma ha nguyệt
Mai dũ huân lai bát nhã phong
Tương sắc tức không, không tức sắc
Ức mông cầu ngã, ngã cầu mông
Đồng tâm dị quốc tương tư yểu
Hỷ hướng Hổ khê tam tiếu trung.

(Nghe nói rừng thiền mạch rộng khơi
Thấm nhuần ơn trạch khắp nơi nơi 
Ma ha trăng dọi trên đàn hạnh
Bát nhã gió lồng trước cửa mai 
Kìa sắc ấy không, không ấy sắc
Nào ai cầu tớ, tớ cầu ai
Lòng chung nước khác mênh mông nhớ
Suối Hổ nhìn nhau vui vẻ cười)
 
Trong bài thơ này, Nguyễn Hữu Hào đã dùng đến điển “ma ha nguyệt” mà Thạch Liêm đã cho là không đáng, cần phải thảo luận lại. Thích Đán Sán đã viết thư, dẫn điển “bồ đề nguyệt” của Bạch Cư Dị để đề nghị thay thế cho “ma ha nguyệt”. Đến ngày 24 tháng 3 năm Khang Hy thứ 34, Nguyễn Hữu Hào đã viết một lá thư dài giải thích tại sao ông dùng điển “ma ha nguyệt”: “Trộm nghe, người xưa làm thơ là để hứng khởi lòng người, là để xem phong tục, phần nhiều lấy tên cỏ cây chim muông, chẳng qua là để ngâm vịnh tính tình, sao cho tư tưởng không quấy mà thôi. 
Chỗ quý nhất là ý thơ trung hậu, chỗ đáng khinh nhất là lời văn phù hoa. Không thể lấy văn mà hại lời, không thể lấy lời mà hại ý vậy. Huống chi, bồ đề, ma ha, bát nhã xưa nay chẳng có một vật nào cả. Ma ha không có vật, đó là không có trăng vậy. Bồ đề không có cây, há có trăng ư? Bát nhã không có buồm, há có gió ư? Người làm thơ chẳng qua dùng gió để so với sự mát mẻ, dùng trăng để sánh với sự tròn sáng để ta hình dung, tính sắc sắc không không mà thôi. Há có trăng thật, gió thật để phải bàn bồ đề, ma ha, bát nhã là đáng dùng ư? 
Người xưa nói: “Ma ha vốn là bản thể của chân như, lớn không có gì ngoài, nhỏ không có gì trong, trời không thể che, đất không thể chở, sáng soi khắp nơi, không chỗ nào không tới. Lại nói, ma ni hiện ngũ sắc, trăng phát vừng sáng. Đó đều là trực chỉ toàn đề mà nói, chứ chẳng phải nói suông một bên. Tôi đặc biệt dùng trăng ma ha là vì thế”.
Sau khi nhận được bức thư dài biện bạch về việc dùng điển tích “ma ha nguyệt” của Nguyễn Hữu Hào, Thích Đại Sán tuy thừa nhận lá thư “lời lẽ uyển chuyển, ý tứ sâu xa, chỉ duy lời bàn về ‘ma ha chân như’ là khiên cưỡng chưa đáng” nên đã viết một bức thư dài bàn tiếp. Trong lá thư đó, cuối cùng, ông thừa nhận ‘ma ha nguyệt’ về mặt sự lý pháp dụ thì các sách vở trong và ngoài Phật giáo đều không có xuất xứ”. Vậy rõ ràng nếu căn cứ vào điển tích Trung Quốc trong cũng như ngoài Phật giáo đều không nhắc đến điển “ma ha nguyệt” này. Vậy điển này từ đâu tới?
Rất may, tư liệu điển tịch Phật giáo Việt Nam trước thời Nguyễn Hữu Hào đã cho ta cứ liệu về điển tích này. Đó là bài Vịnh Vân Yên tự phú của Thiền sư Huyền Quang (1251-1334), vị đệ tử nổi bật của tổ Pháp Loa. Kết thúc bài phú này, tổ Huyền Quang đã viết một bài kệ Đường luật như sau:
 
Rũ không thày thảy áng phồn hoa 
Lấy chốn thiền lâm làm cửa nhà
Khuya sớm sáng chong đèn bát nhã 
Hôm mai rửa sạch nước ma ha 
Lòng thiền vặc vặc trăng soi giãi
Thế sự hiu hiu gió thổi qua 
Cốc được tính ta nên Bụt thực 
Ngại chi non nước cảnh đường xa 
 
Căn cứ vào bài kệ này của Tổ Huyền Quang, ta thấy việc dùng điển “ma ha” đi với “bát nhã” là khá phổ biến trong văn học Phật giáo Việt Nam. Ta không biết trước Tổ Huyền Quang có người nào ở Việt Nam đã sử dụng điển nào hay không, vì hiện ta chưa có văn bản nào. Chắc chắc từ Tổ Huyền Quang trở đi, việc sử dụng điển này đã phổ biến đến nỗi những người sống ở phía Nam sông Gianh như Học sỹ Nguyễn Hữu Hào, gần 400 năm sau, ở thế kỷ XVII, đã sử dụng và bảo vệ cách sử dụng điển này. Điều đó cho ta những thông tin gì?
Trước hết, nó cho ta thấy Phật giáo Việt Nam phía Nam sông Gianh vào thời điểm ấy là một nền Phật giáo mang nặng tính chất Việt Nam, kế thừa truyền thống văn hóa Phật giáo Việt Nam. Thứ hai, truyền thống văn hóa Phật giáo Việt Nam này rõ ràng là truyền thống văn hóa Phật giáo Trúc Lâm qua việc dùng điển tích như “ma ha nguyệt”. Việc này bác bỏ mọi luận điệu sai lạc, cho rằng sự thiết lập triều đại nhà Hậu Lê, trong đó có cả Lê Trung Hưng, đã làm cho Phật giáo Trúc Lâm tàn lụi với lý do nhà Lê không muốn người dân Việt Nam nhớ đến nhà Trần thông qua nền Phật giáo Trúc Lâm này. 
Trong liên hệ đây, cần nhắc đến sự kiện vùng đất Lam Sơn nơi khởi nghiệp của gia đình Lê Lợi và sau này là địa điểm khởi nghĩa của phong trào cứu nước Lam Sơn, vùng đất này, Lam Sơn thực lục đã gọi là vùng đất Phật Hoàng. Phật Hoàng là tên thường dùng để gọi Phật Hoàng Trần Nhân Tông. Hệ luận tất yếu của kết luận vừa nêu xác nhận sự phát triển mạnh mẽ của Phật giáo Trúc Lâm qua toàn thời kỳ nhà Hậu Lê và Lê Trung Hưng. 
Như thế, từng bước với những phát hiện cứ liệu mới, ta có thể viết lại lịch sử của Phật giáo Trúc Lâm, tức là Phật giáo Việt Nam từ thế kỷ thứ XIV trở đi một cách đầy đủ và chính xác hơn, bác bỏ những luận điệu sai lầm, thiếu chứng cứ về sự lụi tàn của Phật giáo Trúc Lâm trong 400 năm ấy và đề cập đến việc phục hưng của Phật giáo Trúc Lâm với những người như Thiền sư Chân Nguyên Tuệ Đăng hay Minh Châu Hương Hải. Những vị này, cùng với những người đương thời ở phía Nam như Nguyễn Hữu Hào và các vị tiền bối trước khi Viên Phái, Pháp Tính đã kế thừa, duy trì và phát triển mạng mạch của Phật giáo Trúc Lâm trong giai đoạn đó. 
Điểm thứ ba và lý thú nhất là việc Học sĩ Nguyễn Hữu Hào vẫn giữ lập trường của mình trước một tri thức Phật giáo như Thích Đại Sán. Đây là điểm ta cần chú ý khi nhìn vào quá trình hình thành và phát triển của văn hóa Việt Nam, bởi vì nó thể hiện tinh thần độc lập văn hóa vốn là yếu tố cốt lõi, vì nếu mất văn hóa là mất tất cả. 
Ta có thể xem đây là đóng góp to lớn nhất của Phật giáo Trúc Lâm đối với lịch sử dân tộc ta. Nền Phật giáo này một phần nào đã hun đúc và gây dựng nên bản lãnh văn hóa và bản lĩnh con người Việt Nam. Đây là giai đoạn mở rộng biên cương tổ quốc và chính những con người như Học sĩ Nguyễn Hữu Hào và những bậc tiền bối đã tạo dựng nên giai đoạn vẻ vang đó của lịch sử dân tộc. 
Phật giáo Trúc Lâm do Phật Hoàng Trần Nhân Tông sáng lập đã góp sức mình vào sự nghiệp vĩ đại đó. Và đó là ta chưa bàn đến cách thức mở rộng biên cương phía Nam của những bậc tiền bối của Nguyễn Phúc Chu và Nguyễn Hữu Hào như Nguyễn Phúc Nguyên, Nguyễn Phúc Lan, Nguyễn Phúc Tần đã sử dụng con đường hôn nhân để dân tộc tiến bước đi về phía Nam. Phật giáo Trúc Lâm một lần nữa có những đóng góp to lớn cho lịch sử dân tộc, trong đó có cả quân sự, đường lối ngoại giao, kinh tế, văn hóa và cả giáo dục.
 
GS.TS Lê Mạnh Thát (Thượng tọa Thích Trí Siêu)
Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam tại TP.HCM 

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here