Trang chủ Phật học TỔNG LUẬN – LUẬN TẠNG PHẬT GIÁO TUỆ QUANG

TỔNG LUẬN – LUẬN TẠNG PHẬT GIÁO TUỆ QUANG

256
0

Người Việt Nam theo Phật giáo, học hỏi, tu tập, tụng niệm, thực hiện các nghi lễ, giảng dạy Phật pháp, in ấn kinh sách v.v… tất cả đều phải sử dụng tiếng Việt Nam, chữ viết Việt Nam, là điều hầu như tự nhiên, thuận hợp. Tuy vậy, trong thực tế lịch sử gần hai nghìn năm đạo Phật đã truyền bá và phát triển trên đất nước ta, cùng với sự biến chuyển của chữ viết Việt Nam, chữ viết dùng để ghi chép kinh điển Phật giáo  ở nước ta cũng diễn biến không đơn giản. Cho đến hôm nay là những năm đầu của thập kỷ thứ hai thuộc thế kỷ 21, Phật giáo Việt Nam đang có nhiều cố gắng để hoàn thành Đại Tạng Kinh chữ Việt trên cơ sở tạng Pali và tạng Hán, làm chỗ dựa vững chắc cho sự tu học của người Phật tử Việt Nam.

1. Đại Tạng Kinh chữ Hán.

Chữ Hán là văn tự của người Trung Hoa. Điều đáng nói là ông cha chúng ta, từ xa xưa do hoàn cảnh lịch sử, đã từng học tập và sử dụng thứ chữ ấy – tất nhiên là phát âm theo cách của mình – xem nó như một thứ ngôn ngữđể dùng. Ông cha chúng ta, trải qua nhiều thế hệ, đã dùng chữ Hán để sáng tác, chép sử, viết sách khảo cứu, bày tỏ tư tưởng v.v… và coi đấy là chuyện bình thường. Văn học chữ Hán chẳng hạn, đã tồn tại và phát triển trên 1500 năm, là một bộ phận trong gia tài văn học Việt Nam mà nhà nghiên cứu văn học không thể bỏ qua.

Trước đây ở miền Nam, một số người viết lịch sử văn học Việt Nam, đã chủ trương gạt bỏ phần văn học chữ Hán ra khỏi văn học Việt Nam. Luận điểm sau đây được nêu ra để làm nền tảng cho sự gạt bỏ, đó là: “Văn học một quốc gia, một dân tộc không thể viết bằng chữ nước ngoài được”. Lập luận như thế là đúng nhưng chưa đủ, lại càng không thấu tình đạt lý vì không xét tới hoàn cảnh đặc thù của ông cha ta ngày trước đã học tập và sử dụng chữ Hán, cũng như không bàn đến phần nội dung đậm đà tính chất dân tộc của mảng văn học ấy. Thực tế lịch sử đã hoàn toàn bác bỏ một thứ quan điểm lệch lạc như vậy.

Văn học còn thế huống chi là các lãnh vực lịch sử, học thuật, tư tưởng v.v… muốn tìm hiểu người xưa chúng ta không thể không tham khảo các tác phẩm chữ Hán (Phần lớn đã được dịch ra chữ Quốc ngữ).

Phật giáo được truyền vào Trung Quốc, ở đây, với mảnh đất rộng lớn, dân cư đông đúc, và một nền văn hóa sớm phát triển, đạo Phật đã gặp được một số điều kiện thuận lợi để phát huy cả về chiều sâu, chiều rộng của mình. Kinh điển của Phật giáo bằng tiếng Phạn đã được đưa vào Trung Quốc qua nhiều ngả và bằng nhiều cách, đồng thời phong trào dịch thuật kinh điển Phật giáo đã phát triển sớm và liên tục, với những gương mặt dịch giả nổi danh như An Thế Cao (Thế kỷ 2 TL), Chi Lâu Ca Sấm (147-?), Trúc Pháp Hộ (226-304), Cưu Ma La Thập (344-413), Huyền Tráng (602-664) v.v… dẫn tới việc hình thành sớm Đại Tạng Kinh chữ Hán đầu tiên vào năm 983 TL đời Triệu Tống (960-1276).

Theo Nguyễn Lang, Đại Tạng Kinh này do vua Tống Thái Tổ ban chiếu khắc từ năm 972 đến năm 983 thì hoàn thành, gồm 13 ngàn bản gỗ, 1076 kinh, 480 tập và 5048 quyển. Ấn bản Đại Tạng Kinh thứ hai của Trung Hoa bắt đầu từ năm 1080 đến năm 1176 mới hoàn thành, gồm 6434 quyển, gọi là Sùng Ninh Vạn Thọ Đại Tạng, cũng được thực hiện trong triều Triệu Tống (VNPGSL, T1, Sđd, trang 213-214). Các đời Nguyên (1277-1368), Minh (1368-1643), Thanh (1644-1911) lần lượt đều có khắc in Đại Tạng Kinh một cách trang trọng.

Cũng theo sách Việt Nam Phật Giáo Sử Luận, Tập 1, thì trong đời Lý ở nước ta (1010-1225), Đại Việt đã cho sứ thần sang Trung Quốc bốn lần để thỉnh Đại Tạng Kinh chữ Hán, vào các năm 1018, 1034, 1081, và 1098, đồng thời vào các năm 1023, 1027, 1036, các vua Lý cũng ban lệnh cho chép thêm Đại Tạng Kinh để hỗ trợ cho nhu cầu tham khảo, học hỏi của giới Phật tử bấy giờ (Sđd, trang 213 – 214).

Dưới triều Trần (1225-1400), Đại Tạng Kinh chữ Hán được thỉnh từ Trung Quốc vào năm 1295, đó là ấn bản đầu tiên được thực hiện trong đời Nguyên, từ năm 1278 đến năm 1294 thì hoàn tất, gồm 1422 mục, 6010 quyển, đóng lại trong 587 tập. Dựa theo ấn bản này, nhà Trần đã cho khắc in lại, bắt đầu từ năm 1296, bị gián đoạn vào năm 1308 khi vua Trần Nhân Tông tức Trúc Lâm Đệ Nhất Tổ qua đời, đến năm 1319 thì xong, dưới sự trông coi của Thiền sư Bảo Sát, đệ tử đầu của Trúc Lâm Đệ Nhất Tổ (Nguyễn Lang, Sđd, trang 337-338).

Sau Lý Trần, các triều đại Hậu Lê, Trịnh – Nguyễn phân tranh, Tây Sơn, Nguyễn, công việc thỉnh Đại Tạng Kinh từ Trung Quốc, tất nhiên là không quy mô bằng, nhưng thỉnh thoảng vẫn có, hoặc do nhà nước, hoặc do các Thiền sư Trung Hoa mang sang. Sách Tang Thương Ngẫu Lục, nơi truyện Thiền sư Chuyết Công do Tùng niên Phạm Đình Hổ (1768-1839) viết, có đoạn: “Hồi tiên triều trung hưng, có người thầy tu ở bên Trung Hoa là Thiền sư Chuyết Công, đi thuyền chở hơn ba vạn quyển kinh Tam Tạng sang Nam, lên núi Lan Kha, bỗng chợt có ý nghĩ gì đó, liền làm nhà trụ trì ở đấy. Ở được hơn một năm, Kinh Tam Tạng bị chuột gặm mất nửa, sư lại về Trung Hoa lấy kinh đem sang. Sau đời Lý Trần, đạo Phật được hưng thịnh lên là nhờ công đức của vị sư này…”(Tang Thương Ngẫu Lục, Đạm Nguyên dịch, Bộ GD xb, S, 1970, T2, trang 228).

Sự việc này, sách VNPGSL của Nguyễn Lang viết: “… Đến năm 1633, Thầy trò – Thiền sư Chuyết Chuyết và đệ tử – tới được kinh thành Thăng Long. Thầy trò ông cũng có mang theo một số kinh điển… sau một thời gian, Chuyết Chuyết dời về chùa Phật Tích huyện Tiên Du, Bắc Ninh… vì chúa Trịnh Tráng muốn có thêm kinh điển Phật giáo để lưu hành trong nước, cho nên Thiền sư Chuyết Chuyết đã ủy đệ tử mình là Minh Hành trở về Trung Hoa để thỉnh kinh…”(VNPGSL, T2, Sđd, trang 116). Rõ ràng là sách Tang Thương Ngẫu Lục, như tên sách đã khơi gợi (Ngẫu hứng chép chuyện bể dâu) đã cố tình khai thác khía cạnh dân gian quái dị của sự việc, nhưng điều đáng nói là cái âm vang đáng kể của Thiền sư Chuyết Chuyết (1590-1644), người được xem là mở đầu cho phong trào phục hưng Phật giáo Việt Nam ở thế kỷ 17, đối với xã hội đương thời. Ở Nam Hà thì vào năm 1714, chúa Nguyễn Phúc Chu (1675-1725), sau khi trùng tu Tổ đình Thiên Mụ, đã tổ chức đại hội tại chùa, trai đàn chẩn tế, và thỉnh một bộ Đại Tạng Kinh từ Trung Hoa đem về trưng bày ở Tàng Kinh Lâu của ngôi Tổ đình ấy (VNPGSL, T2, Sđd, trang 241).

Sang thế kỷ 20, cùng với Phong trào chấn hưng Phật giáo, một số thư viện của các Hội Nghiên Cứu Phật Học, Phật Học Đường… cũng đã vận động để mua Đại Tạng Kinh chữ Hán, làm tài liệu nghiên cứu, học tập cho Phật tử, các học giả v.v… như thư viện Pháp Bảo Phương của Hội Nam Kỳ Nghiên Cứu Phật Học (1932), thư viện của Phật Học Đường Lưỡng Xuyên (1934) v.v…

Nhìn chung, giới Phật tử Việt Nam ngày trước, học chữ Hán, tụng niệm cũng như học hỏi, nghiên cứu kinh điển Phật qua Đại Tạng Kinh chữ Hán là điều bình thường, hợp lẽ. Điều đáng nói thêm là, không hề vì học chữ Hán, chú trọng chữ Hán mà cửa Thiền tỏ ra lơ là với tinh thần dân tộc, với văn học dân tộc. Văn học chữ Nôm chẳng hạn, đã có sự đóng góp rất đáng kể từ cửa Thiền. Câu nói của Giáo sư Trần Văn Giàu: “Bình minh của lịch sử dân tộc ta đã gắn liền với Phật giáo”. (Bài: Đạo Phật và một số vấn đề của lịch sử tư tưởng Việt Nam, in trong: Mấy vấn đề về Phật giáo và lịch sử tư tưởng Việt Nam, Viện Triết Học xb, H, 1986, trang 15). Nếu đúng cho văn học Việt Nam, thì lại càng đúng với văn học chữ Nôm. Các tài liệu về văn học chữ Nôm đời Trần còn lại mà chúng ta hiện có gồm bốn bài: Ba bài phú: Cư Trần Lạc Đạo của vua Trần Nhân Tông, Vịnh Hoa Yên Tự của Thiền sư Huyền Quang, Giáo Tử Phú, tương truyền là của Mạc Đỉnh Chi, và một bài ca: Đắc Thú Lâm Tuyền Thành Đạo của vua Trần Nhân Tông, tất cả đều là từ cửa Thiền. Bài thơ chữ Nôm đánh dấu cho thời kỳ trưởng thành của văn học chữ Nôm ở đầu thế kỷ 15 cũng được sáng tác từ cửa Thiền, đó là bài thơ “Cầu siêu cho Nguyễn Biểu” của nhà sư chùa Yên Quốc (Xem Thơ Văn Lý Trần, T3, Nhàxb KHXH, H, 1978, trang 515-516). Bản thân một số các vị Thiền sư cũng đã dùng chữ Nôm để sáng tác hoặc dịch thuật, như Thiền sư Tuệ Tĩnh (Thế kỷ 17) dịch sách Khóa Hư Lục của vua Trần Thái Tông ra chữ Nôm, viết Phú về thuốc Nam (Nam dược quốc ngữ phú), Thiền sư Hương Hải (1628-1715) với tập thơ “Sự Lý Dung Thông”, Thiền sư Chân Nguyên (1646-1726) với các tác phẩm Thiền Tông Bản Hạnh, Thiền Tịch Phú, Thiền sư Toàn Nhật (Thế kỷ 18) với tác phẩm Hứa Sử Truyện Vãn gồm đến 4486 câu thơ Nôm song thất lục bát… Tất cả đủ chứng tỏ là cửa Thiền không hề xem chữ Nôm là “Nôm na mách qué”.

Đại Tạng Kinh Chữ Hán mang tính hiện đại, quy mô, được sưu tập tương đối đầy đủ, đối chiếu tương đối kỹ lưỡng, là Đại Tạng Kinh Đại Chánh Tân Tu(ĐTK/ĐCTT): “Còn gọi là Đại Chánh Tạng, Đại Chánh Bản, là Đại Tạng Kinh chữ Hán, do chư vị học giả Nhật Bản là Cao Nam Thuận Thứ Lang, Độ Biên Hải Húc, Tiểu Dã Huyền Diệu… biên tập, xuất bản, được thực hiện từ năm Đại Chánh thứ 13 đến năm Chiêu Hòa thứ 9 (1924-1934). Toàn Tạng gồm 100 tập: Chánh Biên 55 tập. Tục Biên 30 tập. Biệt Loại 15 tập (Gồm Đồ Tượng 12 tập. Pháp Bảo Tổng Mục Lục 3 tập). Phần Chánh Biên dùng Kinh Luật Luận – đã được Hán dịch qua các đời – cùng những soạn thuật của các nhà Phật học Trung Quốc làm chủ, có thêm một số tác phẩm soạn thuật của chư vị Đại đức người Hàn Quốc, Nhật Bản… Trong đó, ba tạng Kinh Luật Luận cùng Bộ phận soạn thuật… chủ yếu dùng bản Cao Ly được lưu giữ tại chùa Tăng Thượng ở Đông Kinh (Nhật Bản) làm Bản gốc, đối chiếu khảo xét với ba bản Tống, Nguyên, Minh, cũng được tàng trữ tại chùa này. Riêng có tham chiếu Tạng Kinh Chánh Thượng Viện, Cổ Bản Đôn Hoàng cùng kinh điển văn Pali, văn Phạn”. (Phật Quang Đại Từ Điển, trang 1016A-C). Ở đây chúng tôi chỉ nói đến ba tạng Kinh Luật Luận gồm 32 tập: Tạng Kinh 17 tập. Mật Giáo 4 tập. Tạng Luật 3 tập. Tạng Luận 8 tập.

2. Đại Tạng Kinh chữ Việt.

Chữ Việt ở đây là chỉ cho chữ Quốc Ngữ. Vào mấy thập kỷ đầu của thế kỷ 20, một trong số các biến chuyển có liên quan đến chữ viết ở nước ta, đáng kể nhất là sự định hình của chữ Quốc Ngữ, chứng tỏ khả năng có thể dùng để sáng tác cũng như diễn đạt mọi lãnh vực học thuật, tư tưởng của nó. Cùng với việc chữ Hán không còn thông dụng trong sinh hoạt xã hội nữa, thì đối với cửa Thiền, nhu cầu cần dịch kinh điển từ chữ Hán sang chữ Quốc Ngữ đã được đặt ra và thực hiện liên tục từ thời kỳ Chấn hưng Phật giáo (1930) đến hôm nay (2015). Nhìn chung, hơn 80 năm qua, lý do chính khiến cho Phật giáo Việt Nam chưa hoàn thành đầy đủ Đại Tạng Kinh chữ Việt, gồm cả Nam truyền và Bắc truyền, nằm ở phía khách quan: Chúng ta chưa có đủ thời gian tương đối ổn định và dài hạn để huy động mọi nỗ lực cho Phật sự lớn lao ấy. Trước 1945, dự tính về Đại Tòng Lâm Kim Sơn – Huế – đã nằm trong tầm khả thi, nhưng rồi đành gác lại với biến chuyển lớn và dồn dập của thời cuộc: Cách mạng tháng 8/1945, rồi kháng chiến… Ở miền Nam, thời kỳ 1965-1975, Phật giáo đã có được một số hoàn cảnh tương đối thuận tiện, Giáo hội Phật giáo đã có nhiều quan tâm đáng kể, Hội đồng phiên dịch Đại Tạng Kinh đã được thành lập, hội đồng này đã hoạch định chương trình làm việc, phân công v.v… rất tiếc, là chưa tạo được cơ sở tài chính, rồi tiếp đến là những biến chuyển đưa tới đất nước thống nhất v.v… nên Phật sự lớn lao ấy cũng phải đình lại. Tất nhiên là từ thời kỳ Chấn hưng Phật giáo đến nay, đã có những đóng góp lẻ tẻ, liên tục của các bậc tôn túc, các học giả, các nhà nghiên cứu v.v… cho quá trình hình thành Đại Tạng KinhViệt Nam.

Tạng Luận trong Đại Tạng Kinh Đại Chánh Tân Tu đã được Việt dịch.

Năm 1990, tức 15 năm sau ngày đất nước thống nhất, Ban Thường Trực HĐTS Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam quyết định thành lập Hội đồng chỉ đạo Phiên dịch và Ấn hành Đại Tạng KinhViệt Nam: Hòa thượng Minh Châu làm chủ tịch (Xem: Lễ tiếp nhận và phát hành hai Tập Kinh đầu tiên của Đại Tạng KinhViệt Nam. Bản in của Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam. Phật lịch 2535 – 1991), thâu nhận những thành tựu về dịch thuật đã có từ trước (Các Kinh, Luật, Luận đã được Việt dịch từ Đại Tạng Kinh chữ Hán và Đại Tạng Kinh chữ Pali), tiếp tục tiến hành để hoàn thành Đại Tạng KinhViệt Nam gồm cả phần Phật giáo Nam truyền và phần Phật giáo Bắc truyền.

Sau nầy, có chư vị tu sĩ, cư sĩ đã đứng ra thành lập các Đại Tạng Kinh, thực hiện công việc Việt dịch Kinh, Luật, Luận từ Đại Tạng Kinh chữ Hán (Đại Tạng Kinh Đại Chánh Tân Tu: ĐTK/ĐCTT) để góp phần hoàn thành Đại Tạng KinhViệt Nam phần Phật giáo Bắc truyền, như Đại Tạng Kinh Linh Sơn Pháp Bảo, Đại Tạng Kinh Việt Nam do Hòa thượng Tuệ Sĩ chủ biên (1), Đại Tạng Kinh Phật học Tuệ Quang…

Ở đây, chúng tôi xin nhấn mạnh về Luận tạng Phật giáo Tuệ Quang là một thành tựu rất đáng tự hào là đã Việt dịch xong Tạng Luận trong Đại Tạng KinhĐại Chánh Tân Tu từ tập 25 đến tập 32, như thế tức Tạng Luận của Đại Tạng KinhViệt Nam phần Phật giáo Bắc truyền đã hoàn thành.

I. Luận Tạng Phật giáo Tuệ Quangcủa Đại Tạng Kinh Việt Nam: Phần Phật Giáo Bắc Truyền: Tạng Luận của Đại Tạng Kinh Việt Nam phần Phật giáo Bắc truyền, hiện tại là Việt dịch từ Tạng Luận trong ĐTK/ĐCTT, gồm 8 tập (Từ Tập 25 đến Tập 32) với 188 tên Luận, Luận Thích, Luận Tụng v.v… mang số hiệu từ 1505 đến 1692, khoảng 1390 quyển (2). ĐTK/ĐCTT đã dùng khái niệm Bộ để phân Tạng Luận ra làm 5 Bộ: Bộ Thích Kinh Luận, Bộ A Tỳ Đàm, Bộ Trung Quán, Bộ Du Già và Bộ Luận Tập.

1. Bộ Thích Kinh Luận: Gồm toàn Tập 25 và 1/3 Tập 26, mang số hiệu từ 1505 đến 1535, tập hợp giới thiệu các luận Hán dịch có nội dung là giải thích kinh của các tác giả là những Luận sư, Bồ tát tiêu biểu của Phật giáo Ấn Độ theo hệ Phạn ngữ như Long Thọ, Vô Trước, Thế Thân, Công Đức Thí, Thân Quang, Đại Vực Long, Kim Cương Tiên… Đường hướng giải thích, thì hoặc giải thích tóm lược, trích dẫn, hoặc giải thích theo lối quảng diễn, hoặc lại giải thích các Luận Tụng, Luận Thích. Đây là sự phát triển mang tính thuận hợp trong quá trình hoằng hóa chánh pháp, mở đường cho công việc Sớ giải, Giảng luận về Kinh, Luật, Luận do các nhà Phật học nổi tiếng của Phật giáo Trung Quốc đảm trách (3), làm cơ sở để xuất sinh các Tông phái lớn thuộc Phật giáo Trung Hoa như Tông Thiên Thai, Tông Hoa Nghiêm, Luật Tông, Tông Pháp Tướng…

Các Luận đáng chú ý trong Bộ Thích Kinh Luận này như:

* Luận Đại Trí Độ, tác giả là Bồ tát Long Thọ, Hán dịch là Pháp sư Cưu Ma La Thập (344-413), gồm 100 quyển, nội dung là giải thích, quảng diễn Kinh Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật (ĐTK/ĐCTT, Tập 25, N0 1509, 100 quyển).

* Luận Thập Trụ Tỳ Bà Sa, tác giả là Bồ tát Long Thọ, Hán dịch là Pháp sư Cưu Ma La Thập, gồm 17 quyển, nội dung là giải thích Phẩm Thập Địa trong Kinh Hoa Nghiêm (ĐTK/ĐCTT, Tập 26, N01521, 17 quyển)(4).

* Luận Kinh Kim Cương Bát Nhã Ba La Mật, tác giả là Bồ tát Vô Trước, Hán dịch là Đại sư Đạt Ma Ngập Đa (Thế kỷ 6 TL), gồm 3 quyển, nội dung là giải thích Kinh Kim Cương (ĐTK/ĐCTT, Tập 25, N01510, 3 quyển).

* Luận Kinh Thập Địa, tác giả là Bồ tát Thế Thân, Hán dịch là Đại sư Bồ Đề Lưu Chi (Thế kỷ 5 – 6 TL), gồm 12 quyển, nội dung là giải thích Phẩm Thập Địa trong Kinh Hoa Nghiêm (ĐTK/ĐCTT, Tập 26, N01522, 12 quyển).

2. Bộ A Tỳ Đàm:Gồm 2/3 Tập 26 và toàn tập 27, 28, 29, từ số hiệu 1536 đến số hiệu 1563, với hơn 3500 trang Hán tạng, là Bộ có số trang nhiều nhất trong 5 Bộ thuộc Tạng Luận. A Tỳ Đàm còn gọi là A Tỳ Đạt Ma (Phạn: Abhidharma) dịch là Đối pháp, Đại pháp, Vô tỷ pháp, Thắng pháp, Luận. “Đối có 2 nghĩa: Một là đối hướng Niết bàn. Hai là đối quán tứ đế. Pháp cũng có 2 nghĩa: Một là pháp thắng nghĩa tức Niết bàn. Hai là pháp pháp tướng tức tứ đế”.(5) Đại pháp, Vô tỷ pháp, Thắng pháp đều mang ý nghĩa so sánh, nhấn mạnh, đề cao. Luận tức cùng với Kinh, Luật hợp xưng là Ba Tạng Thánh điển. Thông thường thì A Tỳ Đạt Ma là nói về Tạng Luận, cùng với Tạng Kinh (Tu đa la), Tạng Luật (Tỳ nại da) hợp thành Tam Tạng Thánh giáo. Nhưng ở đây, ĐTK/ĐCTT, trong khi phân loại về nội dung của Tạng Luận, đã dùng từ Bộ A Tỳ Đàm để chỉ cho mảng Luận rất nổi tiếng của Phái Thuyết Nhất Thiết Hữu Bộ (Sarvàstivàdin: Tát Bà Đa) được kết tập cùng soạn thuật bằng tiếng Phạn, phần lớn do Pháp sư Huyền Tráng (602-664) đem từ Ấn Độ về và Hán dịch (Dịch lại cùng dịch mới).

Những bộ luận tiêu biểu của Bộ A Tỳ Đàm này gồm:

* Luận A Tỳ Đạt Ma Lục Túc:Là sáu Bộ Luận mang tính căn bản vốn rất nổi tiếng của Thuyết Nhất Thiết Hữu Bộ: Luận A Tỳ Đạt Ma Tập Dị Môn Túc, tác giả là Tôn giả Xá Lợi Tử (ĐTK/ĐCTT, Tập 26, N01536, 20 quyển).Luận A Tỳ Đạt Ma Pháp Uẩn Túc, tác giả là Tôn giả Đại Mục Kiền Liên (ĐTK/ĐCTT, Tập 26, N01537, 12 quyển). Luận A Tỳ Đạt Ma Thi Thiết Túc, tác giả là Tôn giả Đại Ca Chiên Diên (6).Luận A Tỳ Đạt Ma Thức Thân Túc, tác giả là Tôn giả Đề Bà Thiết Ma (ĐTK/ĐCTT, Tập 26, N01539, 16 quyển).Luận A Tỳ Đạt Ma Giới Thân Túc (ĐTK/ĐCTT, Tập 26, N01540, 3 quyển).Luận A Tỳ Đạt Ma Phẩm Loại Túc, (ĐTK/ĐCTT, Tập 26, N01542, 18 quyển), đều do Tôn giả Thế Hữu trứ thuật. Trong sáu Bộ Luận này, Pháp sư Huyền Tráng chỉ Hán dịch được 5 Bộ.

* Luận A Tỳ Đạt Ma Phát Trí:Tác giả là Tôn giả Ca Đa Diễn Ni Tử (ĐTK/ĐCTT, Tập 26, N01544, 20 quyển). Từ Bộ Luận này, 500 vị Đại A La Hán, theo sự hướng dẫn của Tôn giả Thế Hữu đã chú giải giảng luận, biện dẫn để thành Bộ Luận A Tỳ Đạt Ma Đại Tỳ Bà Sa đồ sộ (Pháp sư Huyền Tráng Hán dịch, 200 quyển, hơn 1000 Hán tạng, ĐTK/ĐCTT, Tập 27, N01545, 200 quyển).

* Luận A Tỳ Đạt Ma Câu Xá của Luận sư Thế Thân, Pháp sư Huyền Tráng Hán dịch (ĐTK/ĐCTT, Tập 29, N01558, 30 quyển), được xem là một cương yếu của Luận A Tỳ Đạt Ma Đại Tỳ Bà Sa, hơn nữa là một tóm kết về Tạng Luận của Hữu Bộ.

3. Bộ Trung Quán: Gồm non 1/3 Tập 30, chưa tới 280 trang Hán tạng, từ số hiệu 1564 đến số hiệu 1578, là Bộ có số trang ít nhất trong Tạng Luận (7). Bộ Trung Quán tập hợp giới thiệu Luận chính là Trung Luận, tức Luận Trung Quán (Còn có tên là Luận Đại Thừa Trung Quán, Luận Bát Nhã Đăng) cùng các Luận liên hệ, cùng hệ, đồng dạng.

*Trung Luận do Bồ tát Long Thọ trứ thuật theo thể kệ, bản Hán dịch của Pháp sư Cưu Ma La Thập gồm 27 phẩm với 446 kệ (4 câu 5 chữ). TrungLuận có đến bốn bản Luận Thích đều được Hán dịch, bản được nhiều người biết đến là bản chú giải của Phạm Chí Thanh Mục, Pháp sư Cưu Ma La Thập Hán dịch (ĐTK/ĐCTT, Tập 30, N01564, 4 quyển). Bản chú giải của Bồ tát Phân Biệt Minh (Thanh Biện) mang tên là Bát Nhã Đăng Luận Thích, Hán dịch là Đại sư Ba La Phả Mật Đa La: 565-633 (ĐTK/ĐCTT, Tập 30, N01566, 15 quyển) là bản chú giải có số trang nhiều nhất (Trên 85 trang Hán tạng) nhưng rất khó đọc vì ý nghĩa được diễn đạt khó hiểu, khó lãnh hội, nên người Việt dịch gặp rất nhiều khó khăn (8).

*Các Luận thuộc loại liên hệ với Luận chính như Luận Thập Nhị Môn của Bồ tát Long Thọ, Hán dịch là Pháp sư Cưu Ma La Thập, ĐTK/ĐCTT, Tập 30, N01568, 1 quyển.Bách Luận của Bồ tát Đề Bà, cũng do Pháp sư Cưu Ma La Thập Hán dịch (ĐTK/ĐCTT, Tập 30, N01569, 2 quyển).

*Các Luận thuộc loại đồng dạng với Luận chính như chùm Luận ngắn của Bồ tát Long Thọ mang số hiệu 1573, 1574, 1575, 1576, Luận Đại Trượng Phu của Bồ tát Đề Bà, Luận Đại Thừa Chưởng Trân của Bồ tát Thanh Biện (Phân Biệt Minh).

4. Bộ Du Già:Gồm hơn 2/3 Tập 30 và toàn Tập 31, từ số hiệu 1579 đến số hiệu 1627, nội dung là tập hợp giới thiệu Luận chính tức Luận Du Già Sư Địa, các Luận Biệt hành của Luận Du Già Sư Địa và các Luận liên hệ, cùng hệ, đồng dạng.

* Luận Du Già Sư Địa(9):Tác giả là Bồ tát Di Lặc thuyết giảng, Đại sĩ Vô Trước ghi chép, Hán dịch là Pháp sư Huyền Tráng gồm 100 quyển, 600 trang Hán tạng (ĐTK/ĐCTT, Tập 30, N01579, 100 quyển). Luận Du Già Sư Địa được phân làm 5 phần chính: Phần Bản Địa (50 quyển), Phần Nhiếp Quyết Trạch (30 quyển), Phần Nhiếp Thích (2 quyển), Phần Nhiếp Dị Môn (2 quyển) và Phần Nhiếp Sự (16 quyển), qua đấy đáng chú ý nhất là Địa Bồ tát thuộc Phần Bản Địa, đã thuyết minh rất đầy đủ về các quá trình nhận thức, hành trì, tu tập chứng đắc đạo quả Bồ đề vô thượng của Bồ tát Đại thừa.

* Các Luận Biệt hành: Là những phần những đoạn của Luận Du Già Sư Địa, đã được tách ra và lưu hành riêng, truyền vào Trung Hoa, được Hán dịch sớm hơn Luận chính. Đó là: Kinh Bồ Tát Địa Trì: Do Đại sư Đàm Vô Sấm (385-433), Hán dịch vào đời Bắc Lương (397-439), gồm 10 quyển (ĐTK/ĐCTT, Tập 30, N01581, 10 quyển), tức là Địa Bồ tát (Địa thứ 15) trong Phần Bản Địa của Luận chính.Kinh Bồ Tát Thiện Giới: Do Đại sư Cầu Na Bạt Ma (367-431) Hán dịch và đời Lưu Tống (420-478) gồm 10 quyển (ĐTK/ĐCTT, Tập 30, N01582, 10 quyển) cũng tức tương đương với Địa Bồ tát nơi Luận chính.Luận Quyết Định Tạng: Do Đại sư Chân Đế (499-569) Hán dịch vào đời Trần (557-588), gồm 3 quyển (ĐTK/ĐCTT, Tập 30, N01584, 3 quyển), tức là đoạn đầu của Phần Nhiếp Quyết Trạch (Phần 2) từ quyển 51 –> 54 nơi Luận chính.

* Các Luận cùng liên hệ, cùng hệ:Phần này phải nói là rất nhiều rất phong phú, gồm toàn Tập 31, từ số hiệu 1585 đến số hiệu 1627, chứng tỏ phần y cứ của Trường phái Duy Thứcở Ấn Độ là hết sức dồi dào, đa dạng. Đó là: + Tác phẩm của Bồ tát Di Lặc: N01601, N0 1615.

+ Tác phẩm của Bồ tát Long Thọ: N0 1616.

+ Tác phẩm của Bồ tát Vô Trước: Luận Nhiếp Đại Thừa: N01594. Luận Hiển Dương Thánh Giáo: N01602. Luận Đại Thừa Trang Nghiêm Kinh: N01604. Luận Đại Thừa A Tỳ Đạt Ma Tập: N01605…

+ Tác phẩm của Bồ tát Thế Thân: Duy Thức Tam Thập Luận Tụng: N01586. Luận Duy Thức Nhị Thập: N01590. Luận Phật Tánh: N01610. Luận Đại Thừa Bách Pháp Minh Môn: N01614…

+ Tác phẩm của Bồ tát Trần Na: N01619, N01620, N01622.

+ Tác phẩm của Bồ tát Hộ Pháp: Luận Thành Duy Thức: N01585. Luận Thành Duy Thức Bảo Sanh: N01591…

5. Bộ Luận Tập:Gồm toàn Tập 32, từ số hiệu 1628 đến số hiệu 1692, tập hợp các Luận, Luận Thích, Luận Tụng, Luận khuyến phát, các Kinh nhưng nội dung là Luận, các Bài tán, các Bài chú v.v… không thể sắp vào bốn Bộ kể trên.

Một số Luận thuộc loại tiêu biểu của Bộ này như: Các Luận thuộc hệ Nhân Minh:N01628, 1629, 1630. Các Luận thuộc hệ Nhập Đại Thừa: N01634, 1635, 1636, 1637. Các Luận Thành Thật: N01646. Luận Giải Thoát Đạo: N01648. Các Luận thuộc hệ Nhân Duyên: N01650, 1651, 1652, 1653, 1654. Các Luận thuộc hệ Phát Bồ Đề Tâm: N01659, 1660, 1661, 1662, 1663, 1664. Luận Đại Thừa Khởi Tín. Luận Thích Ma Ha Diễn của Bồ tát Long Thọ, giải thích Luận Đại Thừa Khởi Tín của Bồ tát Mã Minh. Kinh Na Tiên TỳKheo: N01670. Kinh Phước Cái Chánh Hạnh Sở Tập: N01671…

II. Đại Tạng Kinh Phật giáo Tuệ Quang : Do chúng tôi là Phật tử Nguyên Hiển Trần Tiễn Huyến sáng lập, hoạt động từ quý 4 năm 2006, lúc đầu chúng tôi chủ trương Việt dịch cả hai Tạng Kinh và Luận, nhưng sau thì chỉ tập trung Việt dịch Tạng Luận. Bắt đầu từ đầu tháng 10 năm 2006, đến cuối tháng 7 năm 2013 thì hoàn thành: Toàn bộ các Luận thuộc 5 Bộ nơi Tạng Luận của ĐTK/ĐCTT đều đã được Việt dịch, riêng Luận Đại Trí Độ (ĐTK/ĐCTT, Tập 25, N01509, 100 quyển, 700 trang Hán tạng) thì sử dụng bản Việt dịch đã ấn hành của Hòa thượng Thiện Siêu (Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam xb, 5 tập). Link:http://daitangvietnam.net/daitangkinh.htm

Như thế là Luận tạng Phật giáo Tuệ Quang của Đại Tạng Kinh Việt Nam phần Phật giáo Bắc truyền đã thành tựu. Một số Bộ Luận Việt dịch của Đại Tạng Kinh Phật giáo Tuệ Quang đã được in và phát hành riêng như:

*Luận Đại Thừa Tập Bồ Tát Học: Tác giả là Bồ tát Pháp Xứng, Hán dịch là Đại sư Pháp Hộ (ĐTK/ĐCTT, Tập 32, N01636, 25 quyển), do cư sĩ Nguyên Hồng Việt dịch.

*Luận Thành Thật: Tác giả là Tôn giả Ha Lê Bạt Ma, Hán dịch là Pháp sư Cưu Ma La Thập (ĐTK/ĐCTT, Tập 32, N01646, 16 quyển), do cư sĩ Nguyên Hồng Việt dịch.

*Luận Kinh Thập Địa: Tác giả là Bồ tát Thế Thân, Hán dịch là Đại sư Bồ Đề Lưu Chi (ĐTK/ĐCTT, Tập 26, N01522, 12 quyển), do cư sĩ Nguyên Huệ Việt dịch.

*Luận Du Già Sư Địa: Tác giả là Bồ tát Di Lặc thuyết giảng, Đại sĩ Vô Trước ghi, Hán dịch là Pháp sư Huyền Tráng (ĐTK/ĐCTT, Tập 30, N01579, 100 quyển), do cư sĩ Nguyên Huệ Việt dịch (Trọn bộ gồm 4 tập).

*Luận A Tỳ Đạt Ma Đại Tỳ Bà Sa: Tác giả là Tôn giả Thế Hữu và 500 vị Đại ALaHán, Hán dịch là Pháp sư Huyền Tráng (ĐTK/ĐCTT, Tập 27, N01545, 200 quyển, 1000 trang Hán tạng), do cư sĩ Nguyên Huệ Việt dịch (Trọn bộ gồm 8 tập)(10)

Như vậy là Luận tạng Phật giáo Tuệ Quang đã hoàn tất và đây cũng là một đóng góp rất đáng kể để hình thành trọn bộ Đại Tạng Kinh tiếng Việt, góp phần chính để khẳng định bản sắc của Phật giáo Việt Nam. Cuối cùng chúng con xin thành kính đảnh lễ hồng ân Tam Bảo, thành kính đãnh lễ đại lão Hòa thượng thượng Thiện hạ Siêu với dịch phẩm đồ sộ Đại Trí Độ Luận và các vị thiện tri thức;  đặc biệt xin cảm ơn hai vị dịch giả Nguyên Hồng và Nguyên Huệ đã góp phần rất lớn để hoàn thành Luận tạng Phật giáo Tuệ Quang như hôm nay.

Cố đô Huế, mùa Hạ Phật lịch 2560, Dương lịch 2016

 

Nguyên Hiển – Trần Tiễn Huyến
Chủ Tịch Tuệ Quang Foundation | Website : http://daitangvietnam.net/

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here