Trang chủ Vấn đề hôm nay Ý kiến của Giáo hội về vấn đề bảo tồn di sản

Ý kiến của Giáo hội về vấn đề bảo tồn di sản

208
0

Góc nhìn về “danh hiệu” di tích

Trả lời về việc Sở mong muốn giữ lại nhiều nhất có thể những giá trị văn hóa – lịch sử bằng việc đề cử danh hiệu di tích, mà chiếm một số lượng đáng kể là di tích chùa cổ, HT.Thích Trung Hậu, Trưởng ban Văn hóa T.Ư GHPGVN khẳng định: “Việc Nhà nước công nhận các ngôi chùa là di tích ở bất cứ cấp độ nào, cũng đều là chủ trương tốt trong nỗ lực giữ gìn các giá trị văn hóa – lịch sử của dân tộc, mà Phật giáo là một phần không thể thiếu. 

Tuy nhiên, như phát biểu của cư sĩ Trần Đình Sơn, trong kỳ cuối loạt bài về di tích cổ tự xuống cấp tại TP.HCM, chúng tôi nghĩ, các cơ quan chức năng nên có sự cân nhắc. Cần nghiêm khắc sàng lọc lại cơ sở nào đáng công nhận, cơ sở nào nên hủy danh hiệu đó, để di tích thực sự xứng đáng mang các nội dung như danh hiệu mà nó thể hiện, một cách sinh động, chứ không phải hoang phế theo thời gian và sự vô ý thức của con người tác động lên”.

Đồng thời, Giáo hội cũng đưa ra sự bất cập trong “danh hiệu” di tích hiện nay: “Đã muốn gìn giữ thì nên giữ những tinh túy đúng với tên gọi di tích văn hóa. Đối với các di tích mà giá trị văn hóa – lịch sử không còn nguyên bản, thì chúng ta chỉ nên ghi nhận là trên mảnh đất đó, trước đây bao lâu đã từng tồn tại những gì. Hay, cần nhận định rõ, trong một ngôi chùa, cái gì là di tích, chứ không phải tổng thể cả khu vực là di tích. Làm như vậy là quá cồng kềnh, gây khó khăn về sau cho công tác tu bổ” – HT.Thích Hải Ấn, Phó ban Thường trực Ban Văn hóa T.Ư GHPGVN thẳng thắn cho biết.

Thật vậy, như đã từng đề cập ở loạt bài trước, chỉ riêng trên địa bàn TP. HCM đã có không dưới hàng trăm ngôi cổ tự được xếp hạng di tích; việc công nhận, đi đến đóng khung toàn bộ khu vực quanh đó gây ra một gánh nặng rất lớn cho công tác bảo tồn. Danh hiệu di tích là điều không hề sai, bởi nó góp phần khẳng định văn hóa riêng của một quốc gia. 

Tuy nhiên, nếu chỉ dừng lại ở ý muốn sở hữu mà chưa có định hướng tương lai thiết thực, nó sẽ trở thành sự tàn phá. Cụ thể ở đây, nếu cứ công nhận di tích rồi không thể bảo tồn và phát huy đúng cách, di tích sẽ bị phá hủy vô cớ, ảnh hưởng đến cả sinh hoạt của con người. Điều này đã được minh chứng qua rất nhiều di tích cổ tự bị mai một dẫn đến hoang phế suốt thời gian vừa qua.

HT.Thích Trung Hậu chia sẻ: “Giữa cái động của sự sống và cái tĩnh của một di tích, dường như việc công nhận thì cứ công nhận, còn việc bảo tồn được hay không thì không ai dám chắc trong tình hình của chúng ta hiện nay”.

Nên có sự phối hợp giữa cơ quan chức năng của Nhà nước và Giáo hội?

Về vấn đề này, HT. Thích Trung Hậu cho biết: “Công nhận di tích liên quan tới Phật giáo lâu nay là việc làm hoàn toàn đơn phương từ phía các cơ quan Nhà nước, chứ không có bất kỳ một sự liên hệ, dù chỉ tham khảo ý kiến từ phía Giáo hội, hay trực tiếp là với Ban Văn hóa T.Ư – cơ quan chuyên ngành của GHPGVN”.

Qua đó có thể thấy, Nhà nước đang vô tình ‘bỏ quên’ vai trò của GHPGVN đối với các di tích là tự viện thuộc quản lý của Giáo hội. Chúng ta cần hiểu rằng, một cổ tự dù được công nhận di tích hay không, nó vẫn mang chức năng là ngôi chùa với các sinh hoạt hàng ngày của Tăng chúng nội tự, của Phật tử và đồng bào thập phương đến thực hành các hoạt động tu học, tín ngưỡng; và vì thế, nó là giáo sản của Giáo hội (quy định tại Điều 57, Chương X của Hiến chương GHPGVN). 

Theo đó, Giáo hội có quyền và nghĩa vụ bảo vệ giáo sản của mình, phù hợp với quy định của pháp luật. Tuy nhiên, hiện nay, dựa trên Luật Di sản và một số luật liên quan đến bảo tồn – tu bổ di sản, Giáo hội lại không có bất kỳ quyền quyết định nào đối với tự viện là di tích.

Việc thiếu đi sự phối hợp giữa các cơ quan Nhà nước về di tích và Giáo hội như vậy, đang dẫn đến hai hệ quả. Thứ nhất, đối với công tác đề cử, xếp hạng di tích, không chỉ Giáo hội mà nhiều chuyên gia cũng đều đưa ra nhận định, di tích được công nhận bị đóng khung trên một diện rộng, với sự ràng buộc chặt chẽ về luật, dẫn đến quá tải, gây ra hiệu ứng ngược lại là thiếu kiểm soát trong quản lý di tích của các ban ngành hữu quan.

Hệ quả thứ hai và cũng đặc biệt quan trọng là về công tác bảo tồn – tu bổ di tích, với cơ chế phân cấp về quyền quyết định dự án và trách nhiệm bảo tồn – tu bổ di tích tồn đọng nhiều bất cập. Như đã nói ở trên, di tích cổ tự vẫn là giáo sản dưới sự quản lý hợp pháp của Giáo hội. Tuy nhiên, khi một ngôi cổ tự xuống cấp, Giáo hội lại không thể can thiệp, dù có ban ngành chuyên về văn hóa, cụ thể ở đây là Ban Văn hóa ở cấp Trung ương cũng như tỉnh thành, nơi có khả năng tiếp quản và xử lý những tình huống xảy ra tại các tự viện. 

Bên cạnh đó, nói về kiến thức văn hóa – lịch sử cũng như kiến trúc Phật giáo, đặc thù không gian, triết lý và chức năng sinh hoạt tôn giáo – tín ngưỡng, những vị giáo phẩm chuyên trách thuộc Giáo hội chắc chắn là người nắm và hiểu rõ hơn cả, để có thể đưa ra những phương án bảo tồn – tu bổ sao cho phù hợp, không làm mất đi giá trị của giáo sản là di tích.

Xét cả hai khía cạnh như vậy có thể thấy, sự phối hợp đồng bộ giữa Nhà nước và Giáo hội trong công tác bảo tồn – tu bổ di tích cổ tự là điều cần cân nhắc tiến tới. HT.Thích Hải Ấn đề nghị: “Cần có sự phân cấp rõ ràng hơn. Những di tích nào thuộc cấp tỉnh thành, hay quốc gia thì Nhà nước, bộ, sở quản lý; những di tích tôn giáo nào thuộc cấp quận, huyện thì nên để cho Giáo hội tiếp quản, như vậy sẽ dễ dàng trong khâu xét duyệt, quyết định tu bổ, sửa chữa”.

Vậy, nếu phân cấp cho Giáo hội có tư cách pháp lý trước di tích cổ tự, một mặt giảm đi gánh nặng trong khâu quản lý của Nhà nước; mặt khác nhanh chóng xử lý kịp thời tình trạng cổ tự xuống cấp bằng việc rút ngắn thời gian của các thủ tục “họp bàn” (thường kéo dài 1-2 năm, hoặc lâu hơn), đảm bảo công cuộc bảo tồn – tu bổ theo quy định pháp luật.

Đề xuất từ GHPGVN

Trong phát biểu mới đây, ông Phạm Thành Nam – Trưởng phòng Di sản thuộc Sở VH-TT TP. HCM cũng đã cho biết, một trong những khó khăn của Sở khi xét duyệt tu bổ di tích là việc quản lý của người trực tiếp sinh sống tại các cổ tự, tác động một phần không nhỏ đến sự xuống cấp của một di tích.

Trước nhận định này, Hòa thượng Trưởng ban Văn hóa TƯGH cho biết: “Theo tôi, ý thức và nhận thức của vị trụ trì có ảnh hưởng nhất định đến việc bảo tồn di tích. Tuy nhiên, việc bổ nhiệm người quản lý, trụ trì các ngôi chùa được công nhận là di tích hiện nay cũng chưa có một quy định nào cụ thể. Về kiến thức, Ban Văn hóa T.Ư chúng tôi, trong chức năng của mình, cũng thường xuyên tổ chức khóa bồi dưỡng cho các vị phụ trách văn hóa Phật giáo tỉnh thành, các vị trụ trì những chùa được công nhận là di tích các cấp. Nhưng qua tìm hiểu và trao đổi, thực tế vấn đề còn phức tạp và tế nhị hơn nhiều giữa chức năng của một cơ sở tín ngưỡng và một di tích”.

Bên cạnh đó, HT.Thích Trung Hậu cũng đưa ra đề xuất: “Các cơ quan quản lý về di tích nói riêng và văn hóa nói chung của Nhà nước nên có sự phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan của Giáo hội.

Sau đó, chúng ta sẽ lắng nghe ý kiến, khảo sát thực tế, xem giá trị thực sự hiện có ở các di tích là như thế nào, từ đó tái xác định danh hiệu, tránh những ràng buộc không đáng có về pháp lý lên một di tích đã hoang phế và lai tạp nặng nề. Đồng thời, giữa các cơ quan chức năng và Giáo hội nên có quy định về tiêu chuẩn của vị trụ trì ở các ngôi chùa được công nhận là di tích, thường xuyên bồi dưỡng kiến thức chuyên môn cho họ, có các biện pháp nhằm tránh tình trạng tùy tiện xây dựng theo nhu cầu sinh hoạt, hạn chế cháy nổ như đã xảy ra ở một vài nơi. Đó là việc làm trước mắt. Chúng tôi nghĩ sẽ còn nhiều việc để làm và phải làm trong vấn đề này”.

Vậy, một lần nữa, chúng ta không thể quên vai trò quan trọng của Giáo hội đối với các công trình di tích Phật giáo nói chung và di tích cổ tự nói riêng. Nhà nước cần nhanh chóng đưa ra những chấn chỉnh kịp thời để không chỉ giúp cho hàng loạt di tích đang ngày một xuống cấp, mà còn cứu lấy cả những nét văn hóa đầy bản sắc dân tộc đang mất dần hiện nay. 

KTS.Lê Thành Vinh, Viện trưởng Viện Bảo tồn di tích VN trực thuộc Bộ VH-TT&DL, trong phát biểu mới đây tại buổi tọa đàm về kiến trúc và di sản trong cuộc thăm và làm việc với các hệ phái Phật giáo tại phía Nam, đã khẳng định: “Bảo tồn di tích là một việc khó, nhưng khó không có nghĩa là không làm được”.

 

Giao Hảo

BTN_0062.JPG

Khó hình dung cảnh tượng ở mặt tiền chùa Phụng Sơn 
– một trong những di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia – Ảnh: Bảo Toàn

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here