Trang chủ Vấn đề hôm nay Quan điểm của Phật giáo về quyền sống của loài vật

Quan điểm của Phật giáo về quyền sống của loài vật

156
0

Muốn như vậy, theo Phật giáo, không thể chấp nhận một nền văn minh mà con người chỉ biết sống ích kỷ, khai thác cạn kiệt nguồn tài nguyên thiên nhiên và giết hại những loài động vật hoang dã.

Thật vậy, trong những thập niên gần đây, sự tiêu thụ bừa bãi của con người dẫn đến tình trạng các chủng loại động vật và thực vật đang bị hủy diệt. Và khi một chủng loại nào đó bị mất đi, sẽ gây ra sự biến dạng hệ sinh thái của chúng ta. 

Điều nguy hại này được các nhà khoa học hiện nay báo động, nhưng từ ngàn xưa, Đức Phật đã dạy rõ sự hiện hữu của đa hệ sinh thái là cần thiết, khi Ngài khẳng định trong kinh Hoa nghiêm rằng muôn vật trong vũ trụ đều có mối tương quan cộng sinh, cộng hữu, cộng tồn một cách mật thiết, nên chúng ta cần bảo vệ sự tồn tại của muôn loài.

Vì thấu rõ mối tương quan tương duyên chặt chẽ của muôn loài trên quả địa cầu này, Phật giáo đã dạy chúng ta bảo vệ sự sống của muôn loài, không được hủy diệt bất cứ loài nào. Một bài kệ trong kinh Pháp cú nói rõ điều này: “Tất cả chúng sanh sợ bạo lực, tất cả chúng sanh sợ cái chết, tất cả chúng sanh yêu quý sự sống, tất cả chúng sanh hãy đặt mình trong vị trí của người khác, để không thích giết và không còn giết, không tán đồng sự giết”.

Trên bước đường giáo hóa độ sanh, Đức Phật đã phản đối những việc tế lễ động vật của ngoại đạo, cũng như việc săn bắn để giải trí của vua chúa. Ngài không khuyến khích chiến tranh như một giải pháp chấm dứt mọi tranh chấp, vì điều đó hoàn toàn vô ích.

Việc cấm sát hại còn được mở rộng đến những sinh vật nhỏ nhất. Giới luật của Tăng sĩ cấm chặt phá cây cối. Vì theo Phật giáo, thấu triệt mối tương sinh cộng tồn của muôn loài, thì hủy diệt cây cối, đào đất có thể hủy diệt những sinh vật nhỏ nhiệm trú ngụ trong cây cỏ, đất đai, nước. Trong kinh Cakkavattisihanada dạy nhà vua nên bảo vệ không chỉ con người, mà cũng phải bảo vệ cả thú rừng và chim chóc.

Ngoài ra, hoàn toàn khác với các tôn giáo khác, Phật giáo khẳng định tất cả chúng sanh đều có Phật tánh bình đẳng và tất cả đều có thể thành Phật. Và chắc chắn rằng thế giới này không được tạo ra để cho riêng loài người thụ hưởng lợi ích. Nhất là theo định luật nhân quả, nghiệp báo, tùy theo nghiệp đã tạo tác mà con người có thể tái sanh làm người  và loài vật có thể tái sanh làm người. Như vậy, đối với Phật giáo, theo quy luật tái sanh trong mắt xích luân hồi, con người và muông thú là một phần của cùng một chuỗi hình thành tạo nên sự hiện hữu của muôn loài trên quả địa cầu này.

Vì vậy, một trong các giới cấm căn bản theo Phật, đệ tử phải tuân thủ triệt để giới ngăn cấm gây hại, hoặc giết chết bất cứ chúng sanh nào. Vì như đã nói, tất cả chúng sanh đều có sanh mạng, đều yêu quý sanh mạng và không muốn chết. Cho nên, chúng ta cần nuôi dưỡng tâm từ bi đối với muôn loài.

Hơn nữa, nghiệp sát hại là nguồn gốc của tất cả khổ đau và là mầm mống căn bản của bệnh tật, thọ mạng ngắn ngủi và chiến tranh, cũng như dẫn đường tái sanh vào thế giới xấu ác sau khi bỏ thân mạng này.

Chẳng những không sát hại sanh mạng các loài, theo lý tưởng cao nhất của Phật giáo, cần làm việc thiện lành từ đời này sang kiếp khác để chấm dứt nỗi khổ niềm đau cho tất cả chúng sanh, chứ không phải chỉ cứu giúp riêng loài người.

Đức Phật là tấm gương điển hình về việc Ngài xả thân cứu độ loài vật trong vô số các truyện nói về tiền thân của Phật khi Ngài hành Bồ-tát đạo. Tiêu biểu như trong một kiếp quá khứ, Phật đã hy sinh thân mạng của mình để cứu sống một con cọp cái và hai con cọp con đang đói, bị mắc kẹt trong tuyết.

Trong cuộc sống, thực hiện giáo pháp Phật để nuôi dưỡng lòng từ bi đối với các loài vật, đệ tử Phật thường ăn chay và phóng sanh chim, cá… khỏi bị giam nhốt, hay bị giết hại.

Tóm lại, tuy con người có trí tuệ và thông minh hơn muông thú, nhưng con người cũng giống như những chúng sanh khác, là con người cũng vẫn bị chi phối trong vòng quay vô tận của sanh tử luân hồi. Và dù cho con người có hiểu biết lớn hơn muông thú cũng không cho phép con người có quyền sát hại chúng. Trái lại, tuân thủ giới pháp của Phật, chẳng những không sát hại các loài chúng sanh hạ đẳng, mà còn phải bảo vệ chúng, vì lợi ích của sự tương quan cộng tồn cho con người, cho muôn vật  và cho sự sống lâu dài của trái đất này. Và trên lộ trình Bồ-tát hạnh, tất yếu cần thực hiện đầy đủ trọn vẹn tâm từ bi đối với muôn loài mọi giới mới đạt đến quả vị Toàn giác vậy.

 

HT.Thích Trí Quảng

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here