- Sự cần thiết xây dựng một triết lý đạo đức kinh tế đang là vấn đề thời sự: trong thập niên vừa qua, giới học thuật tại Âu châu rộ lên những cuộc thảo luận về những vấn đề đạo đức kinh tế và các đại học bắt đầu có môn “đạo đức học kinh tế”như là một ngành mới của môn đạo đức học cổ điển. Việc nghiên cứu để tìm ra nền tảng và phương pháp luận cho “đạo đức học kinh tế” đến từ những nhu cầu và vấn đề tha hóa đạo đức do sự phát triển nhanh chóng của kỹ nghệ thực dụng và kinh tế trên toàn cầu gây ra. Ngày nay cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới lớn nhất kể từ 1930 buộc những cường quốc và quốc gia đang phát triển không thể không đặt vấn đề phục hồi lại tính năng động và hiệu quả kinh tế mà không chú ý đến câu hỏi về đạo đức kinh tế, trong đó những vấn đề môi trường, môi sinh thế giới, nhiệt độ trái đất, chiến tranh, khủng bố, đàn áp, nguy cơ thiếu nước uống, thiếu điện, tai họa thiên nhiên, nghèo đói, bất công xã hội cần được xem xét kỹ. Nói cách khác, vấn đề “con người đạo đức”và “hạnh phúc cá nhân”, “tổng hạnh phúc quốc gia”phải được định nghĩa lại chính xác hơn bao giờ trong bối cảnh kinh tế hiện nay. Trước khủng hoảng kinh tế trầm trọng này, Phật giáo cống hiến gì ngoài lời khuyên nụ cười và hơi thở? Hôm nay chúng ta hiểu câu nói Phật đến thế gian vì lợi ích của chúng sanh, vì an lạc của chúng sanh như thế nào trong viễn tượng xây dựng một nền đạo đức học kinh tế cho con người thế kỷ 21?
- Tại Việt Nam, từ khi nền kinh tế thị trường mở cửa, vị trí và vai trò của doanh nhân đã dần dần được khôi phục, nếu không nói là đang chiếm được sự chú ý nhiều nhất đất nước đến nỗi trở nên một trong những đối tượng được giao trọng trách “cứu nguy đất nước”. Nhưng kèm theo sự phát huy nhanh chóng vai trò xã hội, thì trên lãnh vực “thị trường tự do”các hiện tượng tự do đầu cơ, hoạt động kinh tế trên nhiều lãnh vực như bất động sản, tích lũy sản xuất…có vẻ được buông thả hoặc chỉ dành riêng cho tập đoàn có thế lực. Doanh nhân, với những thành công bất ngờ đáng kể, chưa kịp nhận diện sâu xa về bản lai diện mục của mình thì lại đứng trước những vấn đề hầu như sinh tử của thế giới đang vạ lây đến Việt Nam: khủng hoảng tài chánh và tiền tệ, khủng hoảng kinh tế toàn cầu, phân hóa giàu nghèo, tệ trạng xã hội, hủ hóa kinh tế, bế tắc môi sinh, tai nạn môi trường. Câu hỏi mà doanh nhân thường đặt ra cho Phật giáo-thoạt tiên nhìn từ bên ngoài-phương thức nào có thể đưa đến thành công không những trong tình trạng kinh tế khủng hoảng mà ngay cả trong đời sông nếu noi theo đạo Phật? Đạo đức Phật giáo với hạnh bố thí, diệt dục có làm cản trở phát triển kinh doanh? Doanh nhân Phật tử có thành công hơn doanh nhân thường? Những hành động tính toán có vi phạm đạo đức Phật giáo hay không? Nhìn toàn bộ giáo lý của Đức Phật dạy liên quan đến những yếu tố kinh tế kinh doanh, phân phối tài sản, năng suất sản xuất tuy không nhiều so với nội dung rèn luyện tâm linh, đạo đức,truy tìm chân lý, nhưng lại rất thiết thực và khoa học.
“Này gia chủ, có năm lý do này để gầy dựng tài sản. Thế nào là năm? Ở đây, này gia chủ, vị Thánh đệ tử được tài sản nhờ nỗ lực tinh tấn, thâu góp với sức mạnh bàn tay, kiếm được do đổ mồ hôi ra, thâu được một cách hợp pháp; vị ấy: 1) Từ làm mình an lạc, hoan hỷ và chơn chánh duy trì sự an lạc. Làm cho vợ con, người phục vụ, các người làm công được an lạc, hoan hỷ và chơn chánh duy trì sự an lạc; 2) Làm cho bạn bè thân hữu an lạc, hoan hỷ và chơn chánh duy trì sự an lạc; 3) Các tai họa từ lửa, từ nước,từ vua, từ ăn trộm từ kẻ thù hay từ các người thừa tự không xứng đáng được chặn đứng, và nó giữ tài sản được an toàn cho nó; 4) Làm năm hiến cúng: Hiến cúng cho bà con, hiến cúng cho khách, hiến cúng cho tổ tiên đã chết, hiến cúng cho vua, hiến cúng cho chư Thiên , và 5) Đối với các Sa môn, bà la môn nào ly kiêu mạn, ly phóng dật, an trú nhẫn nhục nhu hòa, nhiếp phục tự mình, an tịnh tự mình, làm lắng dịu tự mình, đối với những Sa môn, Bà la môn như vậy, vị ấy tổ chức sự cúng dường tối thượng, đưa đến cảnh giới chư Thiên, được quả dị thục, đưa đến cõi trời. Đây là lý do thứ năm để gầy dựng tài sản” [5].
Kinh Bộ Tăng Chi (Anguttara Nikàya), II, Thích Minh Châu dịch, Hồ Chí Minh, 1988, tr.49-51.
- Mặt khác những lời dạy đoạn diệt ái dục thường được hiểu sai lệch theo khía cạnh tiêu cực, có khuynh hướng khai trừ, phân biệt, một bên tục lụy bon chen, một bên thanh cao giải thoát. Ngay cả ở Âu châu, sự phân biệt giữa chiếm đoạt thế giới (vật chất) và giải thoát linh hồn để chế ngự tư tưởng nhị nguyên. Kinh tế và con người chia làm hai ngả, một bên là chợ đời, một bên là con người giải thoát. Từ đó doanh nhân làm kinh tế là vướng tục lụy, tội lỗi, nhúng chàm với tiền bạc là liên kết với khổ não. Nói theo đạo Phật là đứng ở đâu: tục lụy hay thanh cao? Trên bình diện đạo đức kinh tế, câu trả lời thích đáng theo tinh thần Phật giáo nằm ở sự quân bằng cán cân hạnh phúc từ sự hiểu đúng tương quan duyên khởi, tương quan tương tác giữa tục lụy và thanh cao, từ chánh kiến vô ngã vô thường.
- Chính sự vô thường của cuộc sống chứng minh lời dạy của Đức Phật không xa rời chân lý. Chẳng có nền kinh tế nào là bất biến. Nếu nhìn được sự đổi thay bằng con mắt trí tuệ, thì con người nắm được yếu quyết tìm ra giải đáp qua sự tỉnh táo phân tích nguyên nhân của khủng hoảng. Khủng hoảng kinh tế thế giới ngày nay đòi hỏi những biện pháp kích cầu mới để khởi động và phát huy nội lực kinh tế của mỗi vùng. Biện pháp rốt ráo cần thiết là kiểm tra tiềm năng, trong đó kiểm soát phê phán như cầu của người tiêu dùng, định hướng sản xuất cho người kinh doanh sản xuất là hai vế không thể thiếu cho kế sách “tổng hạnh phúc quốc gia”. Phân pháp phân tích tìm ra nguyên nhân khổ não để “diệt dục”, “thiểu dục”trở nên cần thiết hơn bao giờ nếu chúng ta thật sự muốn có một nền kinh tế bền vững và ích lợi lâu dài cho cộng đồng. Phân tích có tính phê phán về quá trình sản xuất và tiêu thụ không phải chỉ được thực hiện sau khi khủng hoảng xảy ra mà thật sự phải được tiến hành ngay trong chính quá trình đầu tư kế hoạch.
- Nếu một doanh nghiệp sản xuất những thứ mà con người không cần đến (vượt quá nhu cầu con người) thì trên nguyên tác có hai cách để thay đổi điều ấy: về phía người sản xuất, hoặc là thay đổi sản phẩm hay thay đổi người tiêu thụ có nghĩa thay đổi như cầu tiêu dùng. Về phía người tiêu dùng, nếu người ấy không có được tất cả những sản phẩm muốn có thì hoặc bằng mọi giá người ấy tìm cách sở hữu cho được chúng hoặc tìm đủ được lý lẽ để nhận ra mình thực sự không cần đến và thôi không tiêu thụ những thứ ấy nữa. Trong cả hai quá trình, cả người kinh doanh – và người tiêu dùng đều thực hiện một cuộc phản tỉnh có phê phán về hành động của mình. Trong hoàn cảnh kinh tế tư bản hiện đại, cuộc chơi chung hay mua bán giữa người kinh doanh và tiêu dùng được đơn giản hóa ở điểm: người sản xuất kích thích nhu cầu của người tiêu dùng đơn giản hơn là tìm ra những thứ sản xuất chỉ vừa đủ cần thiết cho cuộc sống, và người tiêu dùng cũng chọn cách đơn giản là có được hiện vật thay vì phê phán phản tỉnh lại nhu cầu của mình. Trong trường hợp như thế, thuyết giảng đạo đức để ngăn chận lại sự quá đà khó có hiệu quả, trừ phi có một cuộc thay đổi cách mạng tư duy kinh tế.
- Đạo Phật thực sự không đến sau để thuyết giảng. Đức Phật đề ra một cuộc thay đổi tư duy để mang phẩm chất cuộc sống thay vì khổ đau trở nên hạnh lạc. Cuộc thay đổi này khởi đi từ sự phản tỉnh về nguồn gốc của khổ, trong đó có nghèo đói, tham lam,dục vọng và về NGÃ chấp – cả người bán lẫn người mua đều là NGÃ trong liên hệ điều kiện tính với nhau. Đạo Phật đòi chúng ta có một cái nhìn hội nhập toàn diện về tương quan điều kiện của mọi sự vật. Chúng ta cũng nên nhìn đạo Phật trong tính toàn diện của chính lời dạy Đức Phật. Như thế “diệt dục”hay trong trường hợp này phê phán nhu cầu của người bán và người mua không có nghĩa dẹp hết mua bán mà mua bán trên một bình diện cao hơn, không có sự người bóc lột người, sự mua bán này đem đến lợi ích hay hạnh phúc cá nhân nằm trong “tổng hạnh phúc quốc gia”, có nghĩa, hạnh phúc cá nhân được định nghĩa trong cái bọc chung “hạnh phúc”của quốc gia hay rộng hơn của cả toàn cầu. Diệt dục hay rà soát lại nhu cầu tiêu dùng, cung cầu, đến tự ý thức tự giác của mỗi người là điều kiện cho một thể tính kinh tế mới, khai phá tiềm năng phát triển về phẩm chất. Trong tương quan nhất thể, diệt dục và giác ngộ, giải thoát khổ đau là điều kiện tính của nhau. Tính năng động của diệt dục, diệt tranh chấp, hận thù có nghĩa tích cực ở điểm, chính trong quá trình phân tích để nhận ra nguyên nhân, tâm từ bi được nảy sinh, củng cố và phát huy, từ đó sức mạnh nội lực của tình thương làm cơ sở cho giải thoát giác ngộ.
- Nói “diệt”là nói tiêu cực, nhưng sức mạnh biến chứng của diệt chính là “nâng lên”. Nâng lên để khai phá trên một bình diện phẩm chất cao hơn. Diệt là để đem đến niềm vui chứ không phải là rơi vào trong vô vọng. Có ai nghĩ được kinh Kim cương hôm nay được lý giải như nền tảng nguyên lý xây dựng một nền kinh doanh đem lại lợi nhuận thật sự mà tác giả nhà sư Geshe M. Roach trong tác phẩm Diamond cutter (Năng đoạn kim cương, Trần Tuấn Mẫn dịch) đã phân tích? Trong tinh thần ấy, tất cả kinh điển của đạo Phật đều có thể được vận dụng để xây dựng một triết lý đạo đức kinh tế. Công cuộc nâng cao phẩm chất đời sống, theo Đức Phật, đòi hỏi chúng ta vận dụng triệt để trí tuệ để quán sát sự vật đúng như bản chất chân thật của chúng. Điều đó có nghĩa khai phá tiềm năng nằm chính trong năng động của sự biến đổi, trở thành. Trong tương quan giữa người bán và người mua, giũa doanh nhân và người tiêu dùng, trong quá trình sản xuất và tiêu thụ, triết lý kinh tế theo phương pháp phân tích chuỗi tương quan nhân quả của đạo Phật nằm trong sự phản tỉnh về “nhu cầu”, kiểm soát nhu cầu của sản xuất và tiêu thụ. Phản tỉnh có tính phê phán về nhu cầu của người tiêu dùng đã được lập vào trong phản tỉnh phê phán của người sản xuất. Đồng thời phản tỉnh phê phán sản xuất của người sản xuất cũng nằm trong phản tỉnh nhu cầu của người tiêu dùng. Chính quá trình đánh giá sản phẩm này của cả hai bên ấn định chừng mực phát triển của nền kinh tế.
- Phát triển kinh tế như thế tùy thuộc vào khả năng sáng tạo của mỗi người biết vận dụng giáo lý của Phật để triển khai giải đáp những khó khăn trong quá trình xây dưng doanh nghiệp.
Một dịp, Đức Phật nhận được câu hỏi sau: (Thanh tịnh đạo luận, Budhagosa)
“Bên trong rối rắm và bên ngoài rối rắm-
Thế giới này rối rắm trong một mớ rối,
Ai là người thành công gỡ được mớ rối này?”
Đức Phật giải thích tất cả những rối rắm này đều có tâm như người đi trước báo hiệu:
“Khi người trí, gây dựng tốt trong đức hạnh,
Phát triển ý thức và hiểu biết,
Khi một tỳ kheo hăng hái và khôn ngoan.
Người như vậy thành công trong việc gỡ rối này.
Trí tuệ cùng với từ bi chính là hai yếu tố tích cực đóng góp vào sự thành công.
Trên bình diện kinh doanh, thành công có nghĩa trước hết là hoàn tất các giai đoạn sản xuất, tổ chức kinh doanh, bộ máy điều hành. Hoàn tất công việc là hoàn hảo hóa đến mức tối đa. Trong quá trình này không thể vắng bóng viễn tượng của người tiêu dùng. Hoàn hảo hóa một sản phẩm có nghĩa chia sẻ niềm vui đến với người mua. Chính trong quá trình này, hạnh phúc của người kinh doanh là niềm hỷ lạc cung ứng một sản phẩm tốt đẹp trên thị trường hay trong công xưởng. Niềm vui này không phải là niềm vui có được vật chất, sở hữu của cải, nó là một viễn ảnh (vision) hướng dẫn người kinh doanh hoàn tất công việc trước khi công việc đem đến kết quả. Niềm vui này nối kết với trí tuệ chính là hạnh từ bi trong công việc.
Như mẹ hiền thương yêu con một
Muốn hy sinh bảo vệ cho con
Với muôn loài ân cần không khác
Lòng ái từ như bể như non
Sau đó sự thành công trong kinh doanh đem lại niềm vui mãn nguyện. Và nếu nó được chia sẻ bằng hạnh bố thí cho cộng đồng, thì dự án tổng hạnh phúc cho toàn thể quốc gia được bảo đảm:
“Này gia chủ, có năm lý do này để gầy dựng tài sản. thế nào là năm? Ở đây, này gia chủ, vị Thánh đệ tử được tài sản nhờ nỗ lực tinh tấn, thâu góp sức mạnh bàn tay, kiếm được do đổ mồ hôi ra, thâu được một cách hợp pháp, vị ấy: 1) Tự làm mình an lạc, hoan hỷ và chơn chánh duy trì sự an lạc. Làm cho vợ con, người phục vụ, các người làm công được an lạc, hoan hỷ và chơn chánh duy trì sự an lạc; 2) Làm cho bạn bè thân hữu an lạc, hoan hỷ và chơn chánh duy trì sự an lạc; 3) Các tai họa từ lửa, từ nước, từ vua, từ ăn trộm, từ kẻ thù hay từ các người thừa tự không xứng đáng được chặn đứng, và nó giữ tài sản được an toàn cho nó; 4) Làm năm hiến cúng. Hiến cúng cho bà con, hiến cúng cho khách, hiến cúng cho tổ tiên đã chết, hiến cúng cho vua, hiến cúng cho chư Thiên, và 5) Đối với các Sa môn, Bà la môn nào ly kiêu mạn, ly phóng dật, an trú nhận nhục nhu hòa, nhiếp phục tự mình, an tịnh tự mình, làm lắng dịu tự mình, đối với những Sa môn, Bà la môn như vậy, vị ấy tổ chức sự cúng dường tối thượng, đưa đến cảnh giới chư Thiên, được quả dị thục, đưa đến cõi trời. Đây là lý do thứ năm để gầy dựng tài sản”.
Kinh Bộ Tăng Chi (Anguttara Nikàya), II, Thích Minh Châu dịch, Hồ Chí Minh, 1988, tr. 49-51.
“Tài sản cần chia làm bốn phần: Một phần để ăn uống và làm các bổn phận, hai phần để đầu tư mở rộng doanh nghiệp, và phần tư còn lại để dành lúc khó khăn”.
“Này Bà la môn, tài sản thu hoạch chơn chánh như vậy có bốn con đường dẫn đến suy giảm. Đó là tiêu dùng vào đường trụy lạc, say xỉn , cờ bạc và giao du bạn ác. Ví như một hồ nước lớn với bốn ống dẫn vào và bốn ống dẫn ra được mở van, và trời không mưa, hồ nước lớn ấy chỉ có mong đợi là giảm, không tăng…
“Này Bà la môn, tài sản thu hoạch chơn chánh như vậy có bốn con đường dẫn đến phát đạt. Đó là không tiêu dùng vào đường trụy lạc, không say xỉn, không cờ bạc và giao du với bạn thiện. Ví như một hồ nước lớn với bốn ống dẫn vào và bốn ống dẫn ra. Nếu những ống dẫn vào được mở ra và những ống dẫn ra được đóng lại, và trời mưa, thì sự mong đợi chỉ có thể gia tăng, không giảm…
“Này Bà la môn, bốn điều kiện này đưa đến hạnh phúc và lợi ích cho một thanh niên trẻ trong hiện tại”.
Bà la môn Ujjaya viếng thăm và hỏi Đức Phật về cách sống thế nào để được hạnh phúc. Ngài đã trả lời bằng sự giải thích những điều kiện có thể đưa đến hạnh phúc cho đời này và đời sau: sự nỗ lực (utthàna-sampadà), sự thận trọng (rakkhana-sampadà), bạn tốt (kalyàna-mitta), nếp sống cân bằng (sammà-àjiva).
Đạo đức kinh tế Phật giáo như thế không phải là lời khuyên bên ngoài mà chính là hòn đá tảng xây dựng bên trong cơ nghiệp đóng góp vào an sinh của xã hội nhân quyền.■