Nói đến Ấn ai cũng hình dung đây là xứ đông dân và nghèo khó bên dòng sông Hằng huyền thoại. Thế mà giờ đây, Ấn Độ đã trở thành một cường quốc kinh tế khiến bao quốc gia khác phải nể phục. Hay như đất nước Trung Hoa, sự vươn dậy của họ so với các nước phương Tây hiện nay quả là một kỳ tích…Đó là minh chứng hùng hồn khẳng định địa vị quan trọng của châu Á trước các châu lục khác. Phải chăng, cái nôi của những nền văn minh cổ xưa, của những nền văn hóa cổ xưa trên phù sa của những dòng sông mẹ đang trợ giúp cho bước tiến lên của dân tộc!
Người Việt Nam chúng ta thường nói đến 4.000 năm văn hiến của mình “Từ Triệu, Đinh, Lý, Trần bao đời gây nền độc lập”…với sự hòa quyện của các giá trị văn hóa của các nền văn hóa lớn như Ấn Độ, Trung Hoa. Một trong nhiều kết quả của sự hòa quyện ấy là sự tồn tại cùng sống của Phật giáo Bắc tông và Nam tông trên đất nước ta từ bao đời nay. Điều này không chỉ chứng tỏ sự đa màu đa sắc của văn hóa Việt mà con người thật hiền hòa biết gạn đục khơi trong, chắt lọc cái tinh túy, biết biến cái chung thành cái riêng mang màu sắc của văn hóa Việt Nam tinh tế biết nhường nào! Thử hỏi có dân tộc nào, đạo Phật với nhiều giáo lý uyên thâm đã trở thành thứ “Phật giáo dân gian”như ở Việt Nam?Ngoài điện thờ Phật uy nghiêm, hầu hết ở các ngôi chùa từ Bắc chí Nam đều dành một phần hậu cung trang trọng phía sau thờ Thánh Mẫu, các vị tổ và trụ trì…một loại tín ngưỡng dân gian sùng bái người mẹ và ngưỡng vọng tổ tiên của người Việt. Từ đó hình thành nên hình thức thờ cúng độc đáo không dân tộc nào có: “tiền Phật hậu Mẫu”hay “tiền Phật hậu Thần”. Thoạt nhìn nhiều người nghĩ đó là do thói quen, là cách phối thờ không hợp lý nhưng thực chất ở đó toát lên lẽ sống có trước có sau của dân tộc ta. Không chỉ trong ứng xử thường ngày con người ta mới cần đến những lẽ sống ân tình như thế mà trong hoạt động kinh tế thị trường hôm nay yếu tố ân tình cũng rất quan trọng. Nó là yếu tố tiên quyết cho những điều “nhân, lễ, nghĩa, trí, tín”được tỏa sáng. Suy cho cùng, sự mềm dẻo trong cách tiếp nhận văn hóa sẽ giúp cho dân tộc này có thể trụ vững, vươn xa trong biển khơi thời đại bởi cái nền tảng văn hóa ta có được thực sự vững bền.
Trên các phương tiện thông tin đại chúng hiện nay cho ta thấy không thiếu cảnh con người lâm vào khủng hoảng các giá trị tinh thần: kẻ yếu bị bắt nạt đọa đầy, người già bị “chăn dắt”ăn xin khắp đầu đường xó chợ, trẻ em bị ngược đãi đánh đập bởi những cô bảo mẫu khắc nghiệt..Phải chăng, sự suy thoái về tinh thần, tâm hồn là nguyên nhân chủ đạo! Thử hỏi một tâm hồn bệnh hoạn có thể làm cho cuộc sống vật chất được mạnh lên? Điều này càng khẳng định vai trò của các giá trị văn hóa truyền thống. Đức Phật đã dạy chúng ta thiền định, khi đó tất cả quan năng đều khép lại; sự móng khởi của tư duy cũng chẳng còn, chỉ có suối nguồn tâm linh đang chảy trôi trong dòng tương tục của chánh niệm và tỉnh giác.
Hóa ra sức mạnh để có một xã hội tốt đẹp, một dân tộc an bình, con người được yêu thương chở che nằm cả ở đây. Những thứ chúng ta không phải tìm tòi đâu xa mà cha ông ta từ ngàn xưa đã phát hiện và cất giữ cho đến ngày nay. Nhiệm vụ của chúng ta là lưu giữ và phát huy những giá trị tinh thần vô giá đó.
Ngày nay, một thời đại mơi khá lạ lùng và rất nhiều những khủng hoảng bắt nguồn từ cuộc sống đầy dục vọng của con người: chiến tranh, sự hủy hoại, ô nhiễm môi trường, sự phá vỡ đạo đức, văn hóa truyền thống… trước những thách thức mới, thậm chí có tính toàn cầu, phải chăng cái biện chứng Đạo-Đời từ ngàn xưa đó lại được chúng ta sống và học hỏi để vượt qua cho chính mình và chính thời đại để đưa đất nước đến một đỉnh cao mới. Phải chăng, chúng ta đã và đang nghe luôn luôn lời nhắn nhủ của tiền nhân về cái biện chứng lạ lùng được lặp đi lặp lại suốt 2.000 năm lịch sử đất nước là sống thời đại có nghĩa là sống đạo Phật và càng sống đạo Phật thì càng sống được thời đại mình. Lịch sử đi vòng xoắn ốc hướng lên cao, các nhà sử học nói thế. Lịch sử được lặp đi lặp lại bằng chất tinh hơn, lượng nhiều hơn, phong phú hơn đều tùy thuộc vào mỗi người Việt Nam chung ta. Những con người sống thời đại của mình bằng hơi thở của văn hóa truyền thống. Điều mà người xưa đã từng làm từng sống, từng xác định thành công thức: tùy duyên bất biến, bất biến tùy duyên!
Hẳn là nhiều bạn trẻ sẽ đồng tình với 5 nguyên tắc sống theo quan điểm của Phật giáo mà Hòa thượng Thích Minh Châu đề xuất:
- Cống hiến đời sống của chúng ta cho hạnh phúc của mọi chúng sinh, cho hòa bình, cho tình thân hữu quốc tế.
- Sống đời sống bình dị lành mạnh và dành nhiều thời gian nhiều công sức cho hạnh phúc của mọi người.
- Từ bỏ mọi hành động đưa đến xung đột và chiến tranh, thực hành mọi hành động đưa đến hòa bình hòa hợp và thông cảm quốc tế.
- Kính trọng đời sống của mọi loài hữu tình và bảo vệ hành tinh của chúng ta.
- Cùng nhau hợp tác trong tinh thần hòa hợp huynh đệ.
Lẽ sống thật lớn lao, cao thượng không chỉ dành riêng cho cá nhân nào, dân tộc nào nhưng khi ngẫm nghĩ và cố gắng làm dù là những điều nhỏ nhất có nghĩa ta và nhiều người khác đã hoan hỷ trong niềm hạnh phúc!
“….Búp sen xin tặng bạn
Một vị Phật tương lai…”■